Hà Nội khắc phục hạn chế, nâng cao chỉ số PAPI

Nhằm cải thiện, nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), thành phố Hà Nội đã và đang tập trung làm rõ những hạn chế để có biện pháp khắc phục. 

Cán bộ Cục Thuế Hà Nội hướng dẫn doanh nghiệp làm thủ tục hành chính.
Cán bộ Cục Thuế Hà Nội hướng dẫn doanh nghiệp làm thủ tục hành chính.

Theo đánh giá, những năm gần đây, thành phố Hà Nội rất quan tâm, chỉ đạo các địa phương, đơn vị nâng cao chỉ số PAPI, thế nhưng kết quả vẫn chưa được cải thiện nhiều. Năm 2019, Hà Nội có tổng điểm là 41,54 (thang điểm 80); xếp thứ 59/63 tỉnh, thành phố, giảm sáu bậc so năm 2018, trong nhóm bốn gồm 16 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư có điểm thấp nhất cả nước. Trong đó, chỉ số “công khai minh bạch” đạt 4,99/10 điểm; “trách nhiệm giải trình với người dân” đạt 4,57/10 điểm; “thủ tục hành chính công” đạt 7,13/10 điểm...

Đối với chỉ số SIPAS năm 2019, thành phố Hà Nội đạt mức 80,09%, xếp 52/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, chỉ số “tiếp cận dịch vụ hành chính công” đạt 83,14%; “thủ tục hành chính” đạt 82,95%; “công chức trực tiếp giải quyết” đạt 78,38%; “tiếp nhận, xử lý góp ý, phản ánh, kiến nghị” đạt 72,33%...

Theo Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ Phạm Minh Hùng, mặc dù vẫn tiếp tục duy trì chỉ số hài lòng hơn 80%, đạt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 8-11-2011 của Chính phủ ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, nhưng Hà Nội vẫn nằm trong nhóm các địa phương có chỉ số hài lòng chưa bền vững; thấp hơn mức trung bình của cả nước 4,36% (mức trung bình cả nước là 84,45%). Do đó, Hà Nội cần tập trung phân tích nguyên nhân, để có giải pháp cải thiện, nhất là với hai chỉ số còn đạt dưới 80%.

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà cho rằng, chỉ số PAPI là công cụ giúp theo dõi và giám sát hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, chỉ số này của thành phố hiện đang ở mức thấp, đặt ra đòi hỏi cần tập trung các giải pháp đồng bộ để cải thiện. “Đó cũng chính là cải thiện sự đánh giá của người dân đối với hiệu quả hoạt động của chính quyền thành phố”, bà Vũ Thu Hà nói.

Tại hội nghị “Giải pháp cải thiện, nâng cao Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI)” do Sở Nội vụ Hà Nội tổ chức mới đây, các chuyên gia và đại diện chính quyền địa phương trên địa bàn thành phố đã chia sẻ một số giải pháp cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI.

Bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia phân tích chính sách công của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đánh giá cao việc thành phố Hà Nội đã quan tâm tới công tác cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI bằng những cách làm thiết thực thời gian qua để khơi dậy cho tất cả các địa phương, đơn vị trên địa bàn có sự nhìn nhận nghiêm túc, đúng đắn đối với sự cần thiết nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền thành phố.

Phó Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Trịnh Huy Thành cho biết, sau hơn 20 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TƯ của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, việc thực hiện Quy chế đã đem lại nhiều kết quả và ý nghĩa thiết thực. Tuy nhiên, kết quả Chỉ số PAPI vài năm gần đây của thành phố cho thấy còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được kỳ vọng trong công tác điều hành và hoạt động của các ngành, các cấp chính quyền ở những nội dung: Công tác tuyên truyền, công tác kiểm tra, giám sát, trách nhiệm thực thi của các cấp chính quyền, công tác phối hợp giữa chính quyền và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội…

Từ thực tế này, ông Trịnh Huy Thành nhấn mạnh tới trách nhiệm của UBND xã, phường, thị trấn trong việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, góp phần nâng cao Chỉ số PAPI.“Đề nghị các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở xã, phường, thị trấn sớm có kế hoạch, chương trình công tác để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 17. Cùng với đó là tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, ông Trịnh Huy Thành nhấn mạnh.

Về vấn đề này, lãnh đạo Sở Nội vụ thông tin, vừa qua, đoàn kiểm tra của thành phố đã làm việc với hơn 30 đơn vị, qua đó chỉ ra rất nhiều hạn chế. Sở Nội vụ đề nghị các đơn vị rà soát và có kế hoạch triển khai các công việc cụ thể. Sở cùng đoàn kiểm tra cải cách hành chính và đoàn kiểm tra công vụ của thành phố sẽ tiếp tục kiểm tra đột xuất tới tận xã, phường, thị trấn về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà đề nghị Phòng Cải cách hành chính (Sở Nội vụ) tiếp tục lấy ý kiến các đơn vị, địa phương về các nội dung cần quan tâm và những vướng mắc, kiến nghị sâu hơn về PAPI, nhằm tiếp tục tham mưu cho UBND thành phố triển khai những hội nghị giải đáp vướng mắc hoặc triển khai nội dung công việc cho sát với nhu cầu của các đơn vị. Chậm nhất đến ngày 10-12-2020, Phòng Cải cách hành chính tổng hợp đầy đủ nội dung cần quan tâm để đưa vào Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ số PAPI năm 2021 của thành phố Hà Nội.