Công viên Tuổi trẻ Thủ đô nằm ở trung tâm quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Giữa đô thị chật chội, một không gian với hồ nước, cây xanh như thế là cực kỳ đáng quý. Dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt quy hoạch từ năm 2000, với quy mô 26,4ha, tổng mức đầu tư hơn 280 tỷ đồng..., thời gian thực hiện từ năm 2002 đến 2006.
Quá trình triển khai dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, cho nên năm 2010, Ủy ban nhân dân thành phố quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 theo hướng trở thành Trung tâm Thanh, thiếu niên Hà Nội…
Tuy nhiên sau nhiều năm, đến nay, Công viên Tuổi trẻ Thủ đô vẫn là dự án “treo” với khoảng 8ha đất khu phía đông và phía bắc đường Trần Khát Chân chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng. Gần 1.000 hộ dân nằm trong quy hoạch dự án vẫn thấp thỏm chưa biết phải di dời hay ở lại, trong khi nhà cửa xuống cấp không được xây dựng mới, cải thiện chỗ ở. Đáng chú ý, trong quá trình thực hiện dự án xảy ra nhiều sai phạm trong công tác đầu tư, quy hoạch, quản lý sử dụng đất, trật tự xây dựng. Nhiều hạng mục công trình xây dựng sai quy hoạch, sai giấy phép xây dựng chưa được xử lý dứt điểm. Trang, thiết bị phục vụ vui chơi, giải trí không được bảo trì, bảo dưỡng xuống cấp, lãng phí nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận.
Anh Nguyễn Văn Ba, người dân sinh sống tại Khu tập thể Quỳnh Mai cho biết, khu vực chung quanh công viên dân cư đông đúc, tập trung nhiều bệnh viện và nhà tang lễ, cho nên người dân rất thiếu không gian vui chơi, giải trí. Công viên có vị trí đẹp, diện tích rộng, gồm cả hồ nước, nhiều cây xanh, nhưng công tác quản lý lỏng lẻo, các phương tiện ô-tô, xe máy, xe đạp ra vào, dừng đỗ lộn xộn.
Các hạng mục đường dạo, kè hồ xuống cấp, không được đầu tư sửa chữa. Trong khi đó, nhiều diện tích đất công viên cho thuê kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát, trông giữ xe. Các hoạt động của khu dân cư trong công viên vẫn diễn ra tấp nập khiến nhiều người, nhất là du khách ở xa ngại không dám vào công viên.
Theo đại diện Ủy ban nhân dân phường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng), thời gian qua địa phương xử lý một số hạng mục vi phạm, như điểm trông giữ xe, sân bóng đá mi-ni, sân ten-nít ngoài trời trong phạm vi công viên và nhiều trường hợp người dân tái lấn chiếm.
Tuy nhiên, việc xử lý gặp không ít khó khăn, vướng mắc do các sai phạm tồn tại đã lâu, trải qua nhiều thời kỳ và phức tạp. Một số sai phạm liên quan đến quy hoạch, cần ý kiến tham vấn của nhiều sở, ngành và đòi hỏi nhiều thời gian.
Thực trạng xuống cấp, nhếch nhác cũng diễn ra tại nhiều công viên, vườn hoa khác trên địa bàn thành phố. Các công viên, vườn hoa này hình thành đã lâu, chủ yếu phục vụ công ích và do ủy ban nhân dân các quận quản lý.
Do hình thành đã lâu cho nên diện mạo kiến trúc, cảnh quan, thảm cỏ, cây hoa, đường dạo, chiếu sáng... xuống cấp, lạc hậu, thiếu đồng bộ. Bên cạnh đó, các dịch vụ tiện ích trong công viên còn manh mún, tự phát, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân.
Ghi nhận tại Công viên Bắc Linh Đàm, Công viên Bán đảo Linh Đàm, Công viên Đền Lừ (quận Hoàng Mai); vườn hoa Ngọc Lâm (quận Long Biên) hay Công viên Indira Gandhi, vườn hồ Thăng Long (Giảng Võ) trên địa bàn quận Ba Đình có nhiều hạng mục như đường dạo, vỉa hè bị bong tróc, gạch đá gồ ghề. Hệ thống chiếu sáng thiếu, hỏng. Ghế đá hư hỏng. Cây xanh, thảm cỏ lâu ngày không được cắt tỉa. Nhiều cây chết, cành cây gãy đổ không được trồng thay thế, dọn dẹp. Diện tích mặt nước ô nhiễm, nhiều rác thải không được thường xuyên thu dọn, bốc mùi hôi, thối.
Theo số liệu của Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố hiện có 63 công viên, vườn hoa. Sau khi rà soát, thành phố đặt kế hoạch giai đoạn 2021-2025 cải tạo, nâng cấp, sửa chữa 45 công viên, vườn hoa để duy trì ổn định cảnh quan, phục vụ người dân, trong đó quận Ba Đình và quận Hoàn Kiếm, mỗi quận có 10 công viên, vườn hoa cần cải tạo, nâng cấp; tiếp đến là các quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Đống Đa...
Do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, nhìn chung tiến độ cải tạo, nâng cấp vườn hoa, công viên chậm, ảnh hưởng đến việc phục vụ người dân. Đến nay, Vườn hoa Diên Hồng (quận Hoàn Kiếm) đã hoàn thành cải tạo, nâng cấp. Vườn hoa Trúc Bạch (quận Ba Đình) đã hoàn thành cải tạo 3/5 điểm thuộc phường Ngũ Xã phục vụ phố ẩm thực kết hợp đi bộ Đảo Ngọc Ngũ Xã. Năm 2023, các quận sẽ tiếp tục cải tạo các công viên, vườn hoa: Cổ Tân, Bác Cổ, 19/8, Tao Đàn (quận Hoàn Kiếm); Pasteur, Vườn hoa hồ Thiền Quang (quận Hai Bà Trưng); Lý Tự Trọng (quận Tây Hồ); Ngọc Lâm (quận Long Biên); Công viên Bắc Linh Đàm, Đền Lừ (quận Hoàng Mai)...
Đối với ba công viên thuộc quản lý của thành phố gồm Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo sẽ được cải tạo, nâng cấp tổng thể trong giai đoạn 2021-2025, Sở Xây dựng đang phối hợp các sở, ngành xác định tài sản phục vụ công cộng và tài sản thành phố giao cho các doanh nghiệp quản lý khai thác. Trên cơ sở đó, Sở đề xuất thành phố triển khai dự án cải tạo, nâng cấp cũng như đặt hàng, đấu thầu duy tu, duy trì theo quy định.
Bên cạnh việc cải tạo, nâng cấp các công viên hiện có, thành phố đang thúc tiến độ các dự án đang trong giai đoạn điều chỉnh, hoàn thiện thủ tục đầu tư gồm: Công viên Chu Văn An (huyện Thanh Trì); Công viên CV1 (quận Cầu Giấy và quận Nam Từ Liêm); Công viên Khu đô thị Tây Nam Hà Nội (quận Cầu Giấy); Công viên văn hóa Kim Quy (huyện Đông Anh); Công viên hồ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm) và Công viên Văn hóa-Vui chơi giải trí, Thể thao quận Hà Đông.
Tháng 2/2023, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Dương Đức Tuấn đã trực tiếp kiểm tra tiến độ đầu tư xây dựng mới Công viên CV1, công viên và hồ điều hòa khu phía bắc và phần mở rộng phía nam Nghĩa trang Mai Dịch; kiểm tra thực trạng và làm việc với Công ty TNHH một thành viên Vườn thú Hà Nội về dự án cải tạo Công viên Thủ Lệ. Sau khi kiểm tra thực tế, Phó Chủ tịch thành phố chỉ đạo, thời gian hoàn thành dự án Công viên CV1 muộn nhất là hết tháng 6/2023. Các cơ quan, đơn vị cần nghiên cứu, bổ sung đèn chiếu sáng, hệ thống cây xanh, vườn hoa, trang thiết bị thể dục thể thao... nhằm tăng giá trị cảnh quan công viên. Tại dự án công viên và hồ điều hòa khu phía bắc, nhà đầu tư, các sở, ngành sớm hoàn thành các thủ tục liên quan, hoàn thiện các hạng mục còn lại; đồng thời bổ sung các trang, thiết bị thể dục thể thao phục vụ nhân dân.
Mới đây, tại phiên họp chuyên đề nghe báo cáo việc xử lý, giải quyết nội dung kết luận thanh tra toàn diện về quá trình hình thành, thực hiện dự án, quản lý, sử dụng đất, xây dựng công trình trong Công viên Tuổi trẻ Thủ đô, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các cấp, ngành chức năng từ thành phố đến cơ sở cùng vào cuộc. Các đơn vị, địa phương phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm đối với từng phần công việc cụ thể, quyết tâm đến tháng 9/2023 xử lý dứt điểm các tồn tại tại Công viên Tuổi trẻ Thủ đô…
Hy vọng, với sự chỉ đạo tích cực của lãnh đạo thành phố, thời gian tới diện mạo công viên, vườn hoa trên địa bàn Thủ đô ngày càng khang trang, sạch đẹp, phục vụ tốt hơn nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân.
Khung cảnh hoang tàn, nhếch nhác trong Công viên Tuổi trẻ Thủ đô (Hà Nội). |