Hà Nam tìm giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Chiều ngày 29/7, UBND tỉnh Hà Nam tổ chức Hội nghị làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; các sở, ban, ngành, địa phương đề xuất các giải pháp để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
0:00 / 0:00
0:00
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam phát biểu tại hội nghị.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam phát biểu tại hội nghị.

Năm 2021, kết quả xếp hạng PCI tỉnh Hà Nam đạt 63,28 điểm (giảm 0,19 điểm so với năm 2020), xếp thứ 42/63 tỉnh, thành phố (giảm 12 bậc so năm 2020) và nằm trong nhóm điều hành trung bình của cả nước.

Trong 10 chỉ số thành phần: Có 3 chỉ số thành phần tăng điểm và tăng thứ hạng so năm 2020; 1 chỉ số thành phần giảm điểm, tăng thứ hạng; 1 chỉ số thành phần tăng điểm, giảm thứ hạng; 1 chỉ số thành phần giảm điểm nhưng vẫn giữ nguyên thứ hạng; 4 chỉ số thành phần giảm điểm, giảm thứ hạng.

Một số chỉ số thành phần tuy có được cải thiện nhưng không đáng kể và vẫn nằm trong nhóm bị doanh nghiệp đánh giá rất thấp như: chỉ số “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp” đạt 6,2 điểm; xếp thứ 49/63 (tăng 0,81 điểm và tăng 5 bậc); chỉ số “Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự” đạt 6,35 điểm, xếp thứ 57/63 (giảm 0,18 điểm và hạ 17 bậc).

Ngoài ra, các chỉ số khác mặc dù đã có sự cải thiện về điểm số hoặc thứ hạng nhưng vẫn không đạt mục tiêu theo kế hoạch đã đề ra.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đậu Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường trực, Phó Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đề xuất một số giải pháp giúp Hà Nam nâng cao chỉ số PCI trong năm 2022 và những năm tiếp theo như: Tỉnh cần xây dựng phương án tổ chức thực thi các chương trình giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương năm 2022 và những năm tiếp theo dựa trên các Nghị quyết của Chính phủ; rà soát lại môi trường kinh doanh theo từng lĩnh vực từ kết quả điều tra PCI năm 2021.

Các cơ quan chính quyền địa phương cần tăng cường công khai minh bạch, thông tin trên website cơ quan chính quyền, đăng tải đầy đủ các thông tin như các quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương, các dự án đầu tư công, đấu thầu, các dự án kêu gọi đầu tư...

Nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật, trình độ chuyên môn, thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp cho đội ngũ công chức, viên chức. Xây dựng hình ảnh chính quyền năng động, thân thiện; chuyển tư duy từ “cho phép", “cấp phép” sang tư duy "phục vụ", chuyển mạnh từ "tháo gỡ khó khăn" sang "tạo thuận lợi” cho doanh nghiệp. Tăng cường gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp ở nhiều cấp độ…

Kết luận hội nghị, đồng chí Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam đề nghị: Các cấp, các ngành cần nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức làm việc tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh và tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả địa phương. Các cơ quan hành chính cấp tỉnh, UBND cấp huyện, thành phố, thị xã tập trung nâng cao chất lượng giải quyết công việc, thủ tục hành chính đối với tổ chức và cá nhân bảo đảm tỷ lệ đúng hẹn 100%.

Tích cực triển khai thực hiện chính quyền điện tử, chuyển đổi số hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng nội dung đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp ở các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, chính quyền các cấp trong việc giải quyết khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức đối thoại, xử lý, tháo gỡ kịp thời vướng mắc phát sinh của doanh nghiệp, nhà đầu tư.