Hà Lan yêu cầu TikTok nộp phạt hàng trăm nghìn USD vì vi phạm quyền riêng tư

NDO -

Ngày 22/7, Cơ quan Bảo vệ dữ liệu Hà Lan (DPA) đã yêu cầu ứng dụng chia sẻ video miễn phí TikTok nộp phạt 750.000 euro (hơn 880.000 USD), cáo buộc nền tảng truyền thông xã hội này vi phạm quyền riêng tư của trẻ em nước này.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Bloomberg)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Bloomberg)

Cơ quan trên lưu ý rằng, thông tin cài đặt ứng dụng của TikTok là bằng tiếng Anh và trẻ em Hà Lan không dễ dàng hiểu được ngôn ngữ này.

Tuyên bố của DPA nêu rõ: "Việc không đưa ra tuyên bố về quyền riêng tư bằng tiếng Hà Lan đồng nghĩa TikTok đã không đưa ra được lời giải thích đầy đủ về cách ứng dụng này thu thập, xử lý và sử dụng dữ liệu cá nhân".

DPA cho rằng, đây là "một hành vi vi phạm pháp luật về quyền riêng tư, dựa trên nguyên tắc mọi người phải luôn được cung cấp nội dung rõ ràng về những gì đang được thực hiện với dữ liệu cá nhân của họ".

DPA cho biết, đã mở cuộc điều tra TikTok vào năm ngoái. TikTok hiện sở hữu khoảng 3,5 triệu người dùng tại Hà Lan. 

TikTok đã phản đối khoản phạt trên, lập luận rằng chính sách về quyền riêng tư và bản tóm tắt ngắn hơn và dễ tiếp cận hơn bằng tiếng Hà Lan dành cho người dùng trẻ tuổi đã có sẵn kể từ tháng 7/2020. Theo TikTok, DPA đã chấp nhận điều này như một cách thức để giải quyết vấn đề trên.

Trước đó, hồi tháng 5, Liên hiệp châu Âu (EU) đã hối thúc TikTok - ứng dụng chia sẻ video miễn phí thu hút hơn 100 triệu người dùng tại châu Âu, giải quyết những quan ngại về các quảng cáo ẩn có nội dung không phù hợp với trẻ em.

Theo Ủy ban châu Âu, các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng tại một số nước thành viên EU đã bày tỏ quan ngại về cách TikTok chạy các quảng cáo ẩn nhắm đến đối tượng trẻ em cũng như các điều khoản hợp đồng trong chính sách của ứng dụng giải trí này.

Ứng dụng TikTok, thuộc sở hữu của công ty ByteDance (Trung Quốc), đang đối mặt với nhiều vụ khiếu nại tương tự trên thế giới.

Tháng trước, Anh cáo buộc công ty này thu thập trái phép dữ liệu của hàng triệu trẻ em ở châu Âu. Hồi tháng 2 vừa qua, Tổ chức Bảo vệ người tiêu dùng châu Âu (BEUC) đã khiếu nại TikTok lên cơ quan chức năng ở 15 quốc gia EU với cáo buộc TikTok đã không bảo vệ trẻ em trước các quảng cáo không phù hợp, qua đó vi phạm quyền lợi người tiêu dùng ở EU.

* Nga phạt Facebook và Telegram vì không xóa nội dung bị cấm

Hãng tin Interfax đưa tin, một tòa án Nga, ngày 22/7, đã phạt công ty công nghệ Facebook 6 triệu ruble (81.350 USD) và ứng dụng nhắn tin, gọi điện Telegram 11 triệu ruble vì hai hãng này không xóa những nội dung mà Moscow cho là bất hợp pháp. 

Đây là án phạt mới nhất của Nga nhằm vào các công ty công nghệ lớn không tuân thủ luật pháp của nước sở tại. Hiện, Facebook và Telegram chưa đưa ra bình luận gì trước thông tin trên. 

Nga đang siết chặt các quy định với nhiều tập đoàn công nghệ và mạng xã hội. Cuối tháng 5, Google và Facebook đã bị phạt vì không xóa nội dung bị cấm tại Nga trong khi Twitter bị phạt giảm tốc độ đường truyền kể từ tháng 3.

Cơ quan giám sát thông tin Nga Roskomnadzor cho biết, Facebook và Twitter đã bị phạt 4 triệu ruble mỗi mạng xã hội trong tháng 2/2020 vì vi phạm luật dữ liệu Nga. Hiện, Nga cũng đang xem xét đạo luật bắt buộc các công ty công nghệ nước ngoài mở văn phòng đại diện tại nước này nếu không sẽ bị phạt.

Tính sơ bộ, có khoảng 20 nền tảng phải mở chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Nga như Facebook, Instagram, TikTok, Twitter, YouTube, Gmail, Google, Amazon.