Từ ngày 30/9 đến 2/10, tỉnh Hà Giang đã tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đợt 1, năm 2024 tại 12 điểm mỏ đá và cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường. Kết quả, tỷ lệ bán đấu giá đối với điểm mỏ tăng thấp nhất là gấp 3,8 lần so với giá khởi điểm; điểm mỏ bán đấu giá tăng cao nhất là gấp 80,15 lần so với giá khởi điểm.
Đấu giá khoáng sản tại Hà Giang: Nhiều điểm mỏ tăng cao so với giá khởi điểm
Sau khi có kết quả bán đấu giá, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang đã tiến hành rà soát, đánh giá thực tế. Theo đó, hiện nay, giá bán khoáng sản ngoài thị trường trên địa bàn tỉnh Hà Giang chưa bao gồm chi phí vận chuyển giao động từ 200 đến 280 nghìn/m3 đối với cát, sỏi; từ 200 đến 330 nghìn/m3 đối với đá thành phẩm.
Từ kết quả trúng đấu giá các mỏ đá và cát, sỏi đối chiếu với giá vật liệu xây dựng ngoài thị trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang đánh giá có 5 điểm mỏ đá có chi phí tiền trúng đấu giá dự tính cho mỗi m3 khoáng sản cộng với chi phí thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, chi phí đầu tư xây dựng, giải phóng mặt bằng, chi phí sản xuất thấp hơn giá bán khoáng sản ngoài thị trường, dự tính có hiệu quả kinh tế.
Do đó, 5 điểm mỏ này sở đã trình Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá. Bao gồm các mỏ: Mỏ đá vôi thôn Thanh Long, xã Thanh Vân, huyện Quản Bạ; mỏ đá vôi thôn Thào Lủng, xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc; mỏ đá vôi thôn Bản Đuốc, xã Yên Phong, huyện Bắc Mê; mỏ đá vôi thôn Nà Hảo, xã Hữu Vinh, huyện Yên Minh; mỏ đá vôi thôn Há Đế, xã Tả Lủng, huyện Đồng Văn.
Các điểm mỏ này đang được hướng dẫn triển khai các nội dung sau khi phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại Hà Giang. |
Đối với 7 mỏ đá và cát, sỏi còn lại, Sở Tài nguyên và Môi trường nhận thấy các mỏ có kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với mức giá khởi điểm (tăng thấp nhất là gấp 20,1 lần và cao nhất là gấp 80,15 lần).
Từ kết quả trúng đấu giá cho thấy chi phí tiền trúng đấu giá tính cho mỗi m3 khoáng sản đã giao động từ 231 đến 923 nghìn đồng/m3 đối với cát; và 246 nghìn/m3 đối với đá. Nếu cộng chi phí thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, chi phí giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng, chi phí sản xuất thì chắc chắn mỗi m3 đá và cát sỏi sẽ cao hơn rất nhiều lần so với giá thị trường.
Ông Nguyễn Văn Lượng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang cho biết, sau khi tiến hành rà soát, xác định 7 điểm mỏ có kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm. Sở Tài nguyên và Môi trường chưa trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các điểm mỏ này.
Đồng thời đã có văn bản xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường cho ý kiến. Việc xin ý kiến được thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1087/CĐ-TTg, ngày 11/11/2023 về tăng cường quản lý công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và Công văn số 4566/BTNMT-KSVN, ngày 12/7/2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Sau khi có ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì sở sẽ tham mưu cho tỉnh triển khai các nội dung tiếp theo bảo đảm theo quy định.
Từ kết quả đấu giá quyền khai thác khoáng sản đợt 1, năm 2024, ông Nguyễn Văn Lượng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang đánh giá, với quy định hiện hành, mức tiền đặt trước còn thấp, không quá 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá.
Trong khi đó đa phần các mỏ tại Hà Giang chưa có kết quả thăm dò chính xác, trữ lượng dự báo các điểm mỏ nhỏ nên mức tiền đặt trước thường giao động từ 100 đến 800 triệu đồng.
Từ đó khó chọn lọc được tổ chức, cá nhân có tiềm lực tham gia đấu giá ngay từ bước xét chọn hồ sơ đấu giá; mức tiền đặt trước thấp cũng dễ dẫn đến tình trạng bỏ cọc.