Là nơi giao thoa giữa hai vùng văn hóa và là điểm trung chuyển giữa cung đường du lịch Đông Bắc - Tây Bắc, Hà Giang sở hữu nguồn tài nguyên du lịch đa dạng với nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh như: Cột cờ Lũng Cú, phố cổ Đồng Văn, đèo Mã Pí Lèng, Thác Tiên - Đèo Gió...; cùng hệ thống các hang động kỳ vĩ như: hang Khố Mỉ, động Nguyệt, Bó Khiếu, Nà Chảo... Bên cạnh đó là hàng loạt di tích đền, chùa với nhiều giá trị lịch sử như: chùa Nậm Dầu, Sùng Khánh, Bình Lâm...; cùng nhiều lễ hội đặc sắc như: Cấp sắc (dân tộc Dao), Gầu Tào (dân tộc Mông), Lồng tồng (dân tộc Tày)... Ngoài ra, còn có các làng nghề truyền thống như: làng thêu dệt thổ cẩm Lùng Tám, làng sản xuất khèn Mông, làng nghề chạm bạc dân tộc Dao Cao Bồ... Và nhất là phải kể tới Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn - nơi hội tụ một loạt di sản độc đáo, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ trái đất... Đây là nguồn tài nguyên sinh thái, nhân văn vô giá để phát triển các loại hình du lịch đặc trưng của Hà Giang như: du lịch cộng đồng, sinh thái, nghỉ dưỡng, mạo hiểm. Thời gian qua, nhờ tập trung xây dựng chất lượng sản phẩm, lượng du khách đến trải nghiệm du lịch nơi đây tăng trưởng khá ổn định. Năm 2016, Hà Giang thu hút 853.746 lượt khách, tăng 11,9% so với năm 2015. Doanh thu du lịch ước đạt 795 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2015. Sáu tháng đầu năm 2017, lượng du khách đến Hà Giang đạt 468.950 lượt, trong đó khách quốc tế là 85.153 lượt; tổng thu từ du khách đạt 417,8 tỷ đồng, tăng 11,2 % so với cùng kỳ năm 2016.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia du lịch và chính quyền Hà Giang, đây là mức tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng. Du lịch Hà Giang mới chỉ đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn đánh giá: Du lịch của tỉnh còn nhiều hạn chế, tỷ trọng đóng góp vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) còn thấp, thiếu sự đầu tư trọng điểm và đồng bộ. Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, cơ sở lưu trú, nhà hàng chưa đáp ứng nhu cầu khách du lịch (toàn tỉnh có 216 cơ sở lưu trú gồm một khách sạn ba sao, 18 khách sạn hai sao, còn lại là các khách sạn một sao, nhà nghỉ, homestay), nhân lực du lịch còn thiếu và yếu về chuyên môn nghiệp vụ (tổng lao động du lịch là 1.500 người, nhưng số người được đào tạo bài bản thấp, trình độ ngoại ngữ, chuyên môn còn hạn chế). Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch mới chỉ ở quy mô nhỏ, chủ yếu là quảng bá trong nước, chưa vươn ra thị trường quốc tế.
Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 thu hút 1,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế là 600.000 lượt, doanh thu du lịch đạt 1.400 tỷ đồng, Hà Giang đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhằm thu hút đầu tư để phát triển du lịch. Bên cạnh việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như: Cải tạo và nâng cấp các tuyến đường trọng điểm như: Tuyến quốc lộ 4C (Hà Giang - Quản Bạ - Yên Minh - Đồng Văn - Mèo Vạc), quốc lộ 279 đoạn Bắc Quang - Quang Bình tới giáp ranh tỉnh Lào Cai, xây mới hai khách sạn quy mô bốn sao...; Hà Giang đang tiếp tục mời gọi đầu tư một số khu du lịch trọng điểm như: Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, danh thắng ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, du lịch lòng hồ huyện Bắc Mê... Theo Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh, Hà Giang đang thay đổi cách tiếp cận với các nhà đầu tư như làm việc theo nhóm, hỗ trợ khởi nghiệp và có cơ chế hỗ trợ cao nhất các doanh nghiệp để thu hút đầu tư du lịch.
Bên cạnh đó, du lịch Hà Giang còn bị ảnh hưởng bởi tính chất mùa vụ (mùa thu và mùa đông nhiều khách, mùa hè thưa vắng), cho nên lượng khách đến chưa đồng đều. Để khắc phục điều này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang vừa cho ra mắt những sản phẩm du lịch mới để các hãng lữ hành đẩy mạnh khai thác như: tua săn mây ở đỉnh Chiêu Lầu Thi - đỉnh núi cao thứ hai của tỉnh; tua vượt thác Minh Tân với nhiều hoạt động thể thao như chèo thuyền kayak, trượt nước; tua tìm hiểu lịch sử văn hóa Cán Tỷ - Cổng Thành; tua dù lượn bay trên Cao nguyên đá Đồng Văn. Phó Giám đốc Công ty du lịch Thế hệ trẻ TP Hồ Chí Minh Trần Thế Dũng cho hay: Hiện nay, các công ty lữ hành chủ yếu mới khai thác tuyến điểm Cao nguyên đá Đồng Văn và phần lớn du khách cũng mới chỉ biết tới điểm đến này cho nên thời gian lưu trú rất ngắn, trong khi Hà Giang còn sở hữu nhiều nguồn tài nguyên khác. Do vậy, Hà Giang cần tập trung phát triển các tua liên tuyến để tăng sức hấp dẫn, kéo dài thời gian lưu trú, nâng cao mức chi tiêu của du khách.
Hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ từ Hà Giang đến các tỉnh lân cận hiện nay đã được mở mang khá thuận tiện như: thủy lộ sông Gâm đến Na Hang (Tuyên Quang) rất phù hợp để khai thác tua sông nước đậm chất hoang dã, hoặc theo quốc lộ 34 đến tận Cao Bằng, hay ngược về Yên Phú - Bắc Mê rồi rẽ sang quốc lộ 279 để đến vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Cạn) chỉ vài ba giờ. Đây chính là tiền đề để các công ty lữ hành nghiên cứu định hướng phát triển các sản phẩm du lịch liên kết các tỉnh ở phía đông bắc.