Những năm qua, tỉnh Hà Giang đã quan tâm đến công tác gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc. Tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống như: Chương trình phát triển văn hóa gắn với du lịch; chính sách khuyến khích phát triển du lịch; đề án đào tạo nguồn nhân lực du lịch cho người dân vùng cao; đề án bảo tồn, phát huy các làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với phát triển du lịch.
Năm 2020, tỉnh triển khai đề án “Bảo tồn văn hóa truyền thống và nâng cao chất lượng dịch vụ các làng văn hóa du lịch cộng đồng” giai đoạn 2020-2025. Đề án này hỗ trợ một cách toàn diện cho công tác bảo tồn, khai thác, phát huy các giá trị văn hóa nhằm để phát triển du lịch. Cụ thể là hỗ trợ bảo tồn kiến trúc nhà ở truyền thống; hỗ trợ các đội văn nghệ dân gian; hỗ trợ công tác sưu tầm các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ, lễ hội truyền thống; hỗ trợ sản xuất sản phẩm thủ công truyền thống phục vụ du lịch…
Bên cạnh đó, tỉnh cũng quan tâm thành lập hội nghệ nhân dân gian, đây là lực lượng nòng cốt trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Toàn tỉnh hiện có gần 190 hội nghệ nhân dân gian cấp xã với hơn 9 nghìn hội viên. Tham gia hội là những già làng, trưởng bản, người có uy tín, người am hiểu phong tục, tập quán dân tộc. Họ là những người trực tiếp bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống và truyền dạy cho thế hệ trẻ, giữ vai trò quan trọng trong việc vận động nhân dân xóa bỏ mê tín, dị đoan, xóa bỏ tình trạng ma chay kéo dài ngày, cúng bái khi ốm đau, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Đến với làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, du khách thích thú khi được xem những tiết mục văn nghệ truyền thống của người dân tộc Dao do các diễn viên là người dân bản địa biểu diễn. Những bài hát đối, những điệu múa truyền thống của người Dao, tái hiện lễ hội cấp sắc luôn để lại ấn tượng sâu đậm đối với du khách.
Những tiết mục văn nghệ phục vụ du khách do 2 đội văn nghệ của thôn Nặm Đăm biểu diễn. Cả 2 đội này do ông Lý Đại Thông, người có uy tín, nghệ nhân văn hóa quản lý bởi ông là người trực tiếp sưu tầm, truyền dạy cho các thành viên trong đội văn nghệ.
Ông Lý Đại Thông cho biết, trước kia, do bận mưu sinh nên việc lưu giữ nét văn hóa truyền thống không được cộng đồng dân cư trong thôn quan tâm. Từ năm 2013 đến nay, khi thôn xây dựng làng văn hóa du lịch, khách đến lưu trí đông và có nhu cầu xem biểu diễn văn nghệ, ông đã tìm hiểu, sưu tầm những điệu múa, bà hát truyền thống để truyền dạy cho người dân. Vào mùa du lịch, hầu như tối nào 2 đội văn nghệ trong thôn cũng đi biểu diễn ở nhà văn hóa cộng đồng, các homestay trong thôn để biểu diễn phục vụ du khách. Người dân vừa có thêm thu nhập mà những nét văn hóa truyền thống lại không bị mai một.
Tỉnh Hà Giang còn có cách làm sáng tạo đó là đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy ngoại khóa tại các trường từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông trên địa bàn toàn tỉnh.
Ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết: “Đây là việc làm cần thiết, có ý nghĩa giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động này, tỉnh đã xây dựng, triển khai đề án giáo dục kỹ năng sống và văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số cho học sinh phổ thông, giai đoạn 2016 - 2020”.
Hiện nay, nội dung giảng dạy văn hóa trường thống được các trường thực hiện thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức. Ngành giáo dục phối hợp ngành văn hóa biên soạn tài liệu giáo dục kỹ năng sống và đưa văn hóa truyền thống vào trường học cho cả ba cấp. Các trường vận dụng tài liệu cho phù hợp thực tế từng vùng.
Những hoạt động tích cực trong công tác bảo tồn, gìn giữ, trên địa bàn tỉnh đã khôi phục và phát triển nhiều lễ hội truyền thống, giá trị phi vật thể, phong tục tập quán truyền thống của đồng bào các dân tộc. Một số lễ hội được khôi phục và được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, như: lễ hội Bàn Vương của người dân tộc Dao, huyện Hoàng Su Phì; lễ hội nhảy lửa của người dân tộc Pà Thẻn, huyện Quang Bình; lễ cấp sắc của người Dao và một số lễ hội của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh như lễ hội gầu tào, lễ cúng thần rừng, lễ cầu mùa.
Văn hóa truyền thống ở Hà Giang được nhiều người biết đến thông qua các hoạt động biểu diễn phục vụ du khách trong và ngoài nước tại các làng văn hóa du lịch cộng đồng. Hiện nay, tỉnh có 35 làng văn hóa du lịch cộng đồng. Trong đó, có một số làng văn hóa tiêu biểu, như: làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăn, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ đang xây dựng theo tiêu chuẩn ASEAN; làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì xây dựng theo tiêu chuẩn khu nghỉ dưỡng cộng đồng chất lượng cao; làng văn hóa du lịch thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc xây dựng theo mô hình kiểu mẫu.
Các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn đã trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng tại các làng văn hóa du lịch. Người dân trực tiếp tham gia bảo tồn và có thêm nguồn thu nhập thông qua việc tham gia học tập và biểu diễn phục vụ du khách.
Anh Triệu Mềnh Kinh, Giám đốc Hợp tác xã du lịch cộng đồng thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì cho biết: “Khách du lịch đến thôn rất thích thú trước phong cảnh những thửa ruộng bậc thang hùng vĩ, nên thơ và cùng hòa mình với cuộc sống còn đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Dao nơi đây. Do đó, thôn đã thuê các nghệ nhân dân gian người dân tộc Dao truyền dạy, hướng dẫn người dân biểu diễn các tiết mục văn nghệ truyền thống để phục vụ du khách”.
Thôn Nậm Hồng có 38 hộ dân thì đã có 37 hộ là thành viên Hợp tác xã du lịch cộng đồng, hầu như nhà nào cũng có thành viên tham gia vào đội văn nghệ. Nhờ làm du lịch nên người dân trong thôn đã nâng cao được ý thức giữ gìn nét văn hóa của dân tộc, khôi phục lại những nét văn hóa truyềnthống đã mai một, đặc biệt là lễ hội nhảy lửa của đồng bào dân tộc Dao. Đời sống của người dân trong thôn khấm khá hơn, đến nay cả thôn chỉ còn hai hộ nghèo.
Bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cho biết, nhận thức, hành động của chính quyền, người dân tỉnh Hà Giang là “Lấy văn hóa để phát triển du lịch, lấy du lịch để bảo tồn các giá trị văn hóa”. Từ nhận thức xuyên suốt đó nên công tác bảo tồn được thực hiện tốt bởi nó tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao và người dân cũng có thu nhập từ công tác bảo tồn văn hóa.