Gương mẫu, tiên phong trong xây dựng nông thôn mới

Thời gian qua, phong trào xây dựng nông thôn mới tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre có sự chuyển biến tích cực nhờ vai trò gương mẫu, tiên phong của cán bộ, đảng viên. Từ đó, người dân noi theo, tích cực tham gia các hoạt động của phong trào, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn và chính người dân thụ hưởng thành quả từ xây dựng nông thôn mới mang lại.
0:00 / 0:00
0:00
Tuyến đường khang trang tại xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước (Tiền Giang).
Tuyến đường khang trang tại xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước (Tiền Giang).

Nhờ những cách làm hay, cơ chế, chính sách phù hợp, đến nay, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn ba tỉnh đã làm thay đổi rõ nét diện mạo khu vực nông thôn, đời sống nhân dân khu vực nông thôn được nâng lên, văn hóa được gìn giữ, an ninh trật tự khu vực nông thôn được bảo đảm, tạo sự phấn khởi trong nhân dân.

Đảng viên gương mẫu, đi đầu

Con đường vào ấp Xóm Gò (xã Tân Thanh Tây, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre) được mở rộng ba mét để các phương tiện lưu thông dễ dàng. Hai bên đường trồng cây da huy, hoàng lạc, mẫu đơn… rất đẹp mắt. Đường đã mở rộng, cây xanh được cán bộ, đảng viên và nhân dân chăm sóc cẩn thận làm bộ mặt nông thôn tại vùng quê thay đổi rõ rệt. Kinh tế từ đó cũng phát triển theo do giao thông thuận tiện, hàng hóa, nông sản được vận chuyển dễ dàng. Tất cả đều nhờ vào sự gương mẫu, đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới của cán bộ, đảng viên ấp Xóm Gò.

Đảng viên Bùi Văn Thẳng là một điển hình, tích cực đóng góp vật chất, vận động người dân cùng tham gia xây dựng nông thôn mới. Khi mở đường bê-tông, ông Thẳng cùng các đảng viên trong chi bộ mỗi người đóng góp năm triệu đồng để mua xi-măng, cát, đá… làm đường. Thấy vậy, người dân hưởng ứng đóng góp tiền, ngày công lao động để hoàn thành tuyến đường dài hơn 1 km. Nhà ông Thẳng trồng cây da huy có lá mầu vàng rất đẹp; ông đã cùng đảng viên trong chi bộ chiết nhánh để trồng dọc hai bên đường giao thông nông thôn trong ấp.

Đến nay, đã có hai tuyến đường trồng cây da huy tổng chiều dài 2 km với hàng nghìn cây. Ngoài ra, ông còn vận động mọi người đóng góp xây cổng chào, cầu nông thôn vào ấp với tổng số tiền gần 200 triệu đồng. Đảng viên Bùi Văn Thẳng cho biết: Chúng tôi là đảng viên cho nên phải gương mẫu đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới, từ đóng góp vật chất đến vận động người dân cùng tham gia “Ngày chủ nhật nông thôn mới” để cùng nhau dọn dẹp cảnh quan môi trường, giúp xóm làng thêm xanh, đẹp.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Thanh Tây (huyện Mỏ Cày Bắc) Nguyễn Văn Thanh cho rằng: Phong trào xây dựng nông thôn mới giúp bộ mặt nông thôn thay đổi rõ nét, nhất là các tuyến đường ở vùng sâu, vùng xa được mở rộng, có đèn thắp sáng vào ban đêm. Các cán bộ, đảng viên là lực lượng nòng cốt trong việc đóng góp vật chất, vận động thực hiện các tiêu chí, thực hiện “Ngày chủ nhật nông thôn mới”. Năm 2018, xã Tân Thanh Tây được công nhận xã nông thôn mới và đang hoàn tất đủ 19 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao để trình tỉnh thẩm định, công nhận trong năm 2024.

Để hoàn thành tất cả các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, chi bộ ấp Bà Phổ (xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) đã tập trung hoàn thành các tiêu chí khó theo kiểu “mưa dầm thấm sâu” thông qua công tác tuyên truyền, vận động người dân. Bí thư Chi bộ ấp Bà Phổ Nguyễn Văn Tấn cho biết: Địa phương có 504 hộ, với 1.228 nhân khẩu, chủ yếu làm nông nghiệp.

Trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, tiêu chí mua bảo hiểm y tế khó thực hiện vì còn nhiều hộ khó khăn. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của mỗi đảng viên được phân công phụ trách khu vực, đến từng nhà, nắm rõ tâm tư, nguyện vọng, vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện, đến nay, hơn 96% người dân trong ấp đã tham gia mua bảo hiểm tự nguyện; góp phần xây dựng thành công xã nông thôn mới nâng cao vào đầu năm 2024”.

Huyện Tân Phước thuộc vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Tiền Giang khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, địa phương còn nhiều khó khăn do kết cấu hạ tầng chưa phát triển, thu nhập bình quân đầu người ở mức thấp. Để triển khai thành công chương trình này, cả hệ thống chính trị của huyện Tân Phước đã quyết liệt vào cuộc, nổi bật là vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Mới đây, xã Tân Hòa Tây gặp khó khăn trong tiêu chí nước sạch cung cấp cho người dân, đảng viên Nguyễn Văn Nhẹ, ấp Tân Hưng đã bàn bạc với gia đình và tự nguyện hiến 162,5 m2 đất trồng lúa và hoa màu cho địa phương xây dựng đài nước nhằm cung cấp nguồn nước sạch tốt nhất cho nhân dân. Không những thế, đảng viên Nhẹ còn tích cực tham gia cùng các ngành, các cấp và chính quyền cơ sở đến các hộ dân trong xóm tuyên truyền về chủ trương xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện cho vùng quê của mình “thay da, đổi thịt” từng ngày.

Đảng viên Nguyễn Văn Nhẹ cho biết: “Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương đúng đắn nhằm làm thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng tích cực, chính vì vậy, gia đình tôi đã hiến một phần đất đang canh tác để địa phương xây dựng đài nước và hoàn thiện tiêu chí này trong xây dựng nông thôn mới”.

Tăng tốc thi đua xây dựng nông thôn mới

Tỉnh ủy Bến Tre đã cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ 11 Đảng bộ tỉnh Bến Tre về “Xây dựng nông thôn mới tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”; trong đó, xác định đến năm 2025, có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; mỗi huyện có một xã nông thôn mới kiểu mẫu; các xã còn lại đạt 15 tiêu chí trở lên. Đến năm 2030, Bến Tre hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Tính đến cuối tháng 5/2024, tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh Bến Tre là 102 xã; trong đó, có 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, tám xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện Chợ Lách đạt chuẩn nông thôn mới và thành phố Bến Tre hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết: Tỉnh đã triển khai phong trào thi đua “Đồng khởi mới” theo Chỉ thị số 01 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhất là xây dựng nông thôn mới.

Qua phát động phong trào thi đua “Đồng khởi mới”, trong phong trào xây dựng nông thôn mới đã có sự tham gia, hưởng ứng tích cực của đông đảo cán bộ, đảng viên và người dân. Từ đó, có nhiều cách làm hay, sáng tạo, chính sách phù hợp với thực tiễn, giúp cho đời sống người dân nông thôn được cải thiện, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới và khởi sắc; trong đó, mỗi cán bộ, đảng viên là những người gương mẫu, tiên phong đi đầu trong các cuộc vận động”.

Thời gian qua, tỉnh Long An đã nỗ lực phấn đấu đạt kết quả 133/161 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 82,6%), 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chiếm 30,53%; bốn huyện, thị xã và thành phố đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện Châu Thành đang hoàn tất các thủ tục trình Trung ương thẩm định công nhận huyện nông thôn mới nâng cao.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An Nguyễn Thanh Truyền cho biết: Chương trình xây dựng nông thôn mới đã và đang giúp cho người dân Long An được nâng cao đời sống. Rõ nét nhất là kết cấu hạ tầng phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội được đầu tư đồng bộ, giá trị hàng nông sản tăng cao theo từng cung đường mới.

Qua hơn 12 năm xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh đã huy động hơn 100.000 tỷ đồng từ các tổ chức chính trị, xã hội để đầu tư kết cấu hạ tầng cho các địa phương đạt chuẩn theo lộ trình; đầu tư cho chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chương trình phát triển kinh tế tập thể, chương trình chuyển đổi số; hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, tập trung và ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả trên từng đơn vị diện tích, tăng thu nhập trong từng nông hộ… Nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện; vai trò của đảng viên tiên phong trong việc vận động nhân dân đóng góp ngày công, vật chất, hiến đất làm đường, vận động người dân mua bảo hiểm xã hội… đã tạo được sự lan tỏa lớn trong toàn dân.

Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, chung lòng của nhân dân, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng.

Đến nay, địa phương có 138/138 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 51/138 xã nông thôn mới nâng cao, bốn xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, ba đô thị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 6/11 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang Trần Hoàng Nhật Nam khẳng định: Xây dựng nông thôn mới đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất, phục vụ tốt hơn đời sống nhân dân, tạo diện mạo mới khang trang ở khu vực nông thôn. Cảnh quan, môi trường nông thôn có sự thay đổi tích cực theo hướng xanh, sạch và đẹp hơn. Các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, các thiết chế văn hóa được quan tâm nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới góp phần thực hiện tốt các phong trào văn hóa, văn nghệ ở nông thôn, nâng cao mức hưởng thụ của người dân. Sản xuất nông nghiệp đạt được nhiều kết quả quan trọng, từng bước dịch chuyển sang hướng sản xuất hàng hóa, xác định được các sản phẩm hàng hóa chủ lực để phát triển. Kinh tế tập thể từng bước ổn định, phát triển liên kết theo chuỗi giá trị gắn với an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.