Gừng Kỳ Sơn được giá bán

Gừng là một trong những cây trồng chủ lực ở vùng rẻo cao của huyện miền núi 30a Kỳ Sơn (Nghệ An). Nhờ khí hậu và điều kiện thổ nhưỡng phù hợp cho nên gừng Kỳ Sơn có chất lượng vượt trội so với gừng ở những nơi khác; qua đó, giúp nhiều gia đình đồng bào ở vùng “phên dậu” đầy khó khăn này từng bước xóa được đói nghèo.
0:00 / 0:00
0:00
Phân loại và sơ chế gừng tại HTX Dịch vụ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn. (Ảnh LỮ PHÚ)
Phân loại và sơ chế gừng tại HTX Dịch vụ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn. (Ảnh LỮ PHÚ)

Cây trồng chủ lực

Gừng Kỳ Sơn là giống gừng bản địa, gồm gừng sừng trâu và gừng dé, được bà con dân tộc thiểu số trồng ở độ cao trên 700 m trở lên, nơi có sương mù bao phủ quanh năm cùng điều kiện thổ nhưỡng đặc biệt, khiến gừng có chất lượng vượt trội so với gừng ở những nơi khác. Trước đây, bà con trồng gừng manh mún lại không biết cách chăm sóc nên tiêu thụ khó khăn…

Trước tình hình đó, huyện Kỳ Sơn đã tiến hành quy hoạch diện tích trồng gừng ở 11 xã thuộc vùng núi cao với diện tích gần 1.000 ha, nơi có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho việc phát triển gừng bản địa. Huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp tập trung hướng dẫn kỹ thuật bà con cách trồng và chăm sóc gừng ở vùng đất dốc; lồng ghép các chương trình để hỗ trợ bà con giống, vật tư nông nghiệp; khuyến khích các thành phần tham gia trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gừng.

Sau khi Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn được thành lập, ngoài việc tiến hành trồng gừng trên núi, đơn vị còn hướng dẫn bà con cách trồng và chăm sóc gừng đúng kỹ thuật, qua đó, đã góp phần giúp Kỳ Sơn đẩy mạnh việc trồng và tiêu thụ sản phẩm gừng cho bà con. Hiện, hợp tác xã có khoảng 60 hộ dân, chủ yếu người H’Mông tham gia trồng 20 ha gừng. Hợp tác xã đã bao tiêu sản phẩm gừng cho các xã viên và các hộ nông dân trên địa bàn các huyện Kỳ Sơn và Tương Dương với giá thu mua hợp lý. Hợp tác xã còn liên kết với nhiều đối tác để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu gừng.

Hằng năm, các xã trên địa bàn như: Na Ngoi, Tây Sơn, Nậm Càn, Mường Lống, Bảo Thắng, Huổi Tụ, Mỹ Lý, Ðooc Mạy ..., tổ chức trồng khoảng 600-800 ha gừng với năng suất bình quân khoảng 9-10 tấn/ha. Trước đây, do đầu ra không ổn định, giá cả bấp bênh nên diện tích gừng lên xuống theo từng năm, nhưng từ khi có Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn đã góp phần ổn định đầu ra cho gừng.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kỳ Sơn, Nguyễn Hữu Minh

Ðặc biệt, từ năm 2019, nhờ sự giúp đỡ của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An, sản phẩm gừng Kỳ Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Và huyện miền núi Kỳ Sơn đã có ba sản phẩm sản xuất từ gừng đạt OCOP 3 sao là gừng tươi, tinh dầu gừng và bột gừng; nhờ đó việc tiêu thụ gừng được thuận lợi hơn...

Vui vì được giá

Tuy nhiên, vụ gừng năm 2022, do tiêu thụ khó khăn, giá gừng xuống thấp, có thời điểm chỉ còn 4-5 nghìn đồng/kg; bà con đành chấp nhận không thu hoạch, để gừng trên rẫy, đợi mùa sau. Ðúng như kỳ vọng, từ tháng 3 năm nay, đồng bào bắt đầu thu hoạch gừng. Khác với năm trước chỉ có hơn 4.000 đồng/kg, thì năm nay gừng được giá ngay từ đầu vụ, giá đã cao gấp đôi so với năm trước và càng về sau gừng lại càng tăng giá...

Xã Na Ngoi là địa phương trồng nhiều gừng nhất huyện Kỳ Sơn và thường chiếm từ 1/3 đến 1/2 diện tích của cả huyện. Năm nay, người trồng gừng phấn khởi hơn vì gừng bán được giá cao. Ngay từ đầu vụ, giá tư thương thu mua khoảng 9-10 nghìn đồng/kg; vào chính vụ, giá lại cao hơn, có lúc thương lái thu mua 15-18 nghìn đồng/kg...

Gia đình anh Xồng Bá Lẩu ở xã Na Ngoi cho biết: Vụ gừng năm nay, gia đình anh trồng hết hơn một tấn giống, sau hơn 10 tháng chăm sóc cho thu nhập gần 60 triệu đồng. Theo anh Lẩu, gừng năm nay khá tốt, củ to hơn hẳn các năm trước.

Cũng như nhà anh Lẩu, nhiều gia đình người H’Mông ở Na Ngoi “thắng” lớn, với thu nhập từ 50-80 triệu đồng từ gừng, cá biệt có những gia đình thu về hàng trăm triệu đồng. “Do hệ lụy của việc ế ẩm, rớt giá của năm trước, nên toàn xã chỉ trồng gần 280 ha nhưng bù lại, năm nay gừng được giá, bà con thu hoạch nhanh, bán gọn cho thương lái. Ðến tháng 7, bà con đã cơ bản bán hết gừng. Tiếc là từ đầu tháng 8 tới nay, giá gừng tăng lên 25-30 nghìn đồng/kg, thì bà con không còn gừng để bán nữa”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Na Ngoi Xồng Bá Dênh cho hay.

“Nhờ tiêu thụ tốt ở thị trường Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và xuất khẩu cho nên năm nay giá gừng cao nhất trong mấy năm lại nay. Vụ này, Hợp tác xã chúng tôi đã thu mua được hơn 1.000 tấn gừng để cung cấp cho các thị trường và một phần dành cho sản xuất tinh dầu gừng...”.

Nguyễn Văn Luân, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kỳ Sơn Vi Oanh cho biết: Gừng là một trong số cây trồng chủ lực ở các xã 135 thuộc vùng núi rẻo cao của huyện. Do năm trước, gừng ế ẩm, không tiêu thụ được nên năm nay bà con trồng ít hơn so với kế hoạch; toàn huyện chỉ trồng được khoảng 350 ha, đạt 52% kế hoạch; với năng suất đạt 8-9 tấn/ha, cho sản lượng khoảng gần 3.000 tấn nhưng với giá bán cao gấp đôi, gấp ba so với năm trước, đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc ở huyện 30a này.