GS, TS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng: Vấn đề khoa học nào càng khó càng phải chịu khó tìm câu trả lời

NDO -

NDĐT - Sau nhiều lần hẹn, cuối cùng tôi cũng gặp được GS, TS, Nhà giáo Nhân dân (NGND) Nguyễn Lân Dũng. Nhà khoa học “biết tuốt” dường như có rất nhiều tâm tư muốn chia sẻ với phóng viên. Trong bất cứ câu chuyện dí dỏm nào của ông cũng chứa đựng những trăn trở về các vấn đề thời sự của đất nước.

GS, TS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng.
GS, TS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng.

PV: Giáo sư đã cống hiến không ngừng nghỉ cho ngành sinh học Việt Nam trong suốt 60 năm. Vậy con đường nào đã đưa ông đến với ngành khoa học này?

GS, TS, NGND Nguyễn Lân Dũng: Vào thời của tôi, sinh viên vào học theo sự phân công của nhà trường. Hồi đó, tôi và anh Nguyễn Văn Hiệu ăn sáng chung nhau củ khoai lang rồi đi học, hằng ngày chúng tôi cuốc bộ từ Việt Nam học xá (giờ là khu vực Trường đại học Bách khoa Hà Nội) đến trường học nằm trên phố Lê Thánh Tông, ngày bốn lần đi về. Cuộc sống khó khăn là thế nhưng chúng tôi học tập rất say mê và nghiêm túc vì chúng tôi có những tấm gương tự học đẹp tuyệt vời mà các thầy giáo để lại.

Anh Hiệu và tôi có lẽ là hai người trẻ nhất tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm khoa học Hà Nội, khi mới có 18 tuổi. Ra trường năm 1956, tôi về công tác tại Trường trung cấp Nông lâm Trung ương, đi một năm cho “lớn” thêm rồi tôi được gọi về Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội để giảng dạy ngay từ Khoá I. Khi nghe GS Lê Khả Kế bảo tôi dạy môn Vi sinh vật học, tôi ngỡ ngàng vì mình chưa biết gì về lĩnh vực này. Thầy nói tôi cứ chuẩn bị đi, một năm nữa mới dạy cơ mà. Lúc đó, tôi vội nghĩ xem ai là bậc thầy về Vi sinh vật học ở nước mình, thế rồi tôi cũng tìm được GS Đặng Văn Ngữ, thầy được đào tạo chính quy Vi sinh vật học tại Nhật Bản. Tôi đến gặp thầy, thầy dặn ba điều mà tôi luôn khắc ghi mãi mãi: thứ nhất, kiến thức ở trong sách và em phải học ngoại ngữ; thứ hai, dạy đại học không giống dạy phổ thông, em phải từng bước tiến hành nghiên cứu khoa học; thứ ba, em phải lo dần chuyện viết sách giáo khoa, dạy đại học không giống dạy phổ thông. Sinh viên phải có tài liệu để tự học dưới sự hướng dẫn của thầy giáo.

Tôi miệt mài phấn đấu cả đời mới thực hiện được ba lời thầy khuyên. Nhờ tự học, tôi sử dụng được bốn ngoại ngữ (Anh, Pháp, Nga, Hoa). Tôi xây dựng được đơn vị nghiên cứu vi sinh vật qua từng cấp một, đầu tiên là Phòng nghiên cứu chuyên đề Vi sinh vật cấp trường, tiếp đến là Trung tâm nghiên cứu Vi sinh vật học ứng dụng cấp Bộ, sau đó là Trung tâm Công nghệ Sinh học cấp Đại học quốc gia và cuối cùng là Viện nghiên cứu vi sinh vật học (Đại học quốc gia Hà Nội) do Thủ tướng ký quyết định thành lập. Mấy năm trước, tôi cùng 13 tiến sĩ trẻ đã viết lại hoàn toàn giáo trình Vi sinh vật học (hai tập) để đáp ứng những yêu cầu giảng dạy chung tại nhiều trường đại học. Tôi cũng đã in được trên 50 cuốn sách khoa học và phổ biến khoa học.

PV: Xây dựng Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học thuộc Đại học quốc gia (ĐHQG) Hà Nội có lẽ là một trong những thành công lớn nhất trong sự nghiệp của giáo sư?

GS, TS, NGND Nguyễn Lân Dũng: Công tác tại Viện nghiên cứu của chúng tôi phần lớn là các tiến sĩ, thạc sĩ từ nước ngoài về. Hầu hết các bạn ấy có kiến thứ cập nhật hơn tôi và đó là điều tôi rất mừng. Tuy nhiên, mức sống của cán bộ trong Viện còn quá thấp. Tiến sĩ ở các nước phát triển về mà lương có…3 triệu đồng (!). Tôi đang cùng các bạn ở Viện quyết tâm thay đổi thực tế này. Chúng tôi xây dựng một phân xưởng pilot, nghiên cứu đến đâu sản xuất đến đó. Tôi tin tưởng việc này sẽ thành công. Bây giờ chúng tôi mới có một sản phẩm dành cho dược thôi, đó là sản phẩm probiotic đạt tiêu chuẩn quốc tế. Hiện, chúng tôi làm trên quy mô nhỏ, sau này các xí nghiệp sẽ nhân rộng trên quy mô lớn hơn. Mới đây, tôi có cuộc trao đổi với đồng chí Viện trưởng về việc sản xuất thuốc trừ sâu vi sinh vật. Sao lại để bà con giã tỏi, giã ớt…làm thuốc trừ sâu trong khi chúng tôi có tất cả các chủng vi sinh vật trừ sâu, có nồi lên men từ 1 lít lên tới 1000 lít? Chúng tôi đang bảo quản 7.000 chủng vi sinh vật, nhưng rất tiếc Đảng và Nhà nước tuy xác định ưu tiên hàng đầu cho công nghệ sinh học nhưng chưa có những đầu tư cụ thể để phát triển ngành này trở thành ngành khoa học mũi nhọn. Không có lý gì một quốc gia 93 triệu dân mà chỉ có ba sản phẩm vi sinh vật học là rượu bia, bột ngọt và vaccine (!). Cho đến nay Việt Nam chưa làm được chất kháng sinh và vitamin.

PV: Bằng những lời khuyên thiết thực, dễ hiểu, dễ thực hiện, giáo sư đã trở thành một nhà khoa học rất gần gũi với bà con nông dân cả nước. Ông có thể chia sẻ những kỷ niệm đã để lại trong ông ấn tượng sâu sắc khi tiếp xúc và giúp đỡ người nông dân phát triển kinh tế?

GS, TS, NGND Nguyễn Lân Dũng: Ở nước ta có nhiều người nông dân rất giỏi, tôi kể cho bạn nghe câu chuyện hay vô cùng về anh Mười Bơ, một thanh niên trở thành tỷ phú từ bàn tay trắng. Anh Mười là con thứ 10 của một gia đình bần nông ở Nghệ An. Khi đang học dở cấp hai, anh bỏ nhà ra đi tìm cách thoát nghèo. Khi tới vùng đất Tây Nguyên màu mỡ, Mười bắt đầu làm thuê tại vườn cà-phê, rồi đi thu mua bơ cho thương lái. Trong quá trình đó, anh nảy ra sáng kiến chiết cành tại bốn vườn có giống bơ sai quả và quả rất ngon. Mười đến hỏi các nhà sinh học là làm sao để có được hàng triệu cây bơ giống tốt này để phủ bóng cho cà-phê thay cho cây muồng. Khi đó thu hoạch từ bơ sẽ còn cao hơn cả từ cà-phê(!). Các nhà sinh học bày cho Mười nguyên lý “tính di truyền ở ngọn” và nhờ đó Mười đã nhân lên hàng chục vạn cây bơ từ các hạt bất kỳ có ghép với mắt của những giống bơ tốt. Cả Tây Nguyên đang nô nức trồng bơ và nếu nghiên cứu được cách bảo quản thì 5-6 năm nữa chúng ta sẽ có nhiều bơ để xuất khẩu.

Chúng tôi còn giúp anh Tân, chị Lợi mở doanh nghiệp sản xuất tảo Spirulina mà không cần nguồn nước kiềm như ở các nước khác. Gần đây, chúng tôi cũng giúp anh Quang ở Ba Vì nuôi lợn không dùng bất cứ loại hóa chất nào, mà chỉ bằng bột ngô, bột ốc bươu và và bột giun quế tự tạo, mỗi con lợn giúp thu lãi 1,5-2 triệu đồng. Đó là những câu chuyện gắn liền với người nông dân. Viện chúng tôi cần tập trung giải quyết các đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước và tìm kiếm các loài vi sinh vật mới lần đầu tiên phát hiện ở Việt Nam (cộng tác với các nhà khoa học Nhật Bản và công bố trên tạp chí quốc tế).

Ông dừng nói và ra tủ lạnh lấy khay tảo tươi pha nước cho tôi nếm thử. Quả thật, vị tảo tươi thật dễ chịu và chắc chắn rất bổ dưỡng.

PV: Giáo sư cho rằng nền khoa học Việt Nam cần đạt được các tiêu chí nào để phát huy hơn nữa hiệu quả của mình?

GS, TS, NGND Nguyễn Lân Dũng: Khoa học vừa phải gắn liền đời sống nhân dân, vừa phải đạt được trình độ quốc tế. Tôi lấy thí dụ, hiện nay trung bình mỗi năm Việt Nam có thêm 200 nghìn ca ung thư mới, 70 nghìn người chết vì căn bệnh này, nguyên nhân từ thực phẩm bẩn chiếm đến 35%. Ít ai biết rằng hằng năm Việt Nam nhập tới khoảng 100 nghìn tấn thuốc trừ sâu thuộc trên 4.000 loại khác nhau, chưa kể việc nhập lậu các loại rất độc (nhưng giá rẻ) như lân hữu cơ, Clo hữu cơ.

Trước tình hình rau quả bẩn, tôi có sáng kiến vận động trồng “rau bảo đảm” trong nhà lưới, trên bao bì sản phẩm có mã số của từng hộ nông dân. Mục đích chính của nhà lưới là không để bướm tiếp cận rau, do đó rau không có sâu và người nông dân không phải dùng thuốc trừ sâu. Mặt khác, trên bao bì sản phẩm có nội dung bảo đảm không dùng thuốc trừ sâu hoá học cũng như phân đạm hoá học. Hiện nay, người nông dân đang lạm dụng phân đạm hoá học, điều đó vô cùng nguy hiểm vì nó kéo theo việc tích luỹ Nitrit trong lá rau - một yếu tố gây ung thư đáng lo ngại. Rất tiếc, tôi mới chỉ đủ sức hỗ trợ hai khu vực trồng rau bảo đảm cung cấp cho vài siêu thị ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Mong sao lãnh đạo các thành phố lớn, các khu công nghiệp sẽ vận động các doanh nghiệp hợp tác làm lưới với nông dân để toàn dân có thể được ăn rau bảo đảm.

Hiện nay, trồng nấm là việc quá dễ dàng mà người nông dân nào cũng làm được. Vừa rồi tôi sang Quảng Châu (Trung Quốc) xem cách thức nông dân trồng nấm rơm mà tôi mừng quá. Người dân ở đây nghĩ ra cách rất hay, tức là lấy quy trình trồng nấm mỡ để trồng nấm rơm. Sản lượng cao hơn không biết bao nhiêu lần. Nấm rơm có thể được bảo quản trong nước muối bão hoà và có thể dễ dàng xuất khẩu. Nấm Vân Chi có tác dụng chống ung thư được cả thế giới công nhận, nhưng tôi mới giúp được hộ anh Giang ở Buôn Mê Thuật trồng thành công. Hy vọng nơi nào trồng được mộc nhĩ đều có thể trồng được nấm dược liệu quý giá này….

Gần đây, tôi được nhiều huyện, xã mời đến nói chuyện về công nghệ sinh học và xây dựng nông thôn mới. Bà con rất hào hứng nghe và thảo luận về các mô hình nông dân làm giàu từng được giới thiệu trong chương trình “Sinh ra từ làng” trên VTV. Chúng ta cần có thêm rất nhiều nhà khoa học làm nhiệm vụ hỗ trợ người nông dân vì ngoài việc thực hiện 19 chỉ tiêu nông thôn mới, bà con đang rất muốn làm gì đó để tăng thu nhập bên cạnh thu nhập quá ít ỏi từ vài sào lúa.

PV: Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa và có điều kiện thuận lợi để trồng trọt, chăn nuôi. Theo giáo sư, làm sao để đất nước ta có thể tận dụng lợi thế này, sản xuất các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế?

GS, TS, NGND Nguyễn Lân Dũng: Việt Nam là nước có đa dạng sinh học đứng thứ 13 trên thế giới. Chúng ta cần tận dụng lợi thế này để phát triển nông nghiệp. Trước hết phải đổi mới hoàn toàn nền nông nghiệp manh mún, nhỏ bé, cần xây dựng nền nông nghiệp sản xuất lớn. Trong đó, việc đầu tiên là tích tụ ruộng đất vì nếu không có những cánh đồng mẫu lớn thì không thể tiến lên được, không thể rút bớt lao động nông nghiệp chuyển sang làm công nghiệp và dịch vụ. Muốn làm được điều này thì cần có chính sách và nghiên cứu kỹ từng khu vực. Sau đó, phải sản xuất theo chuỗi hàng hoá mà vai trò liên kết thuộc về các nhà khoa học, các nhà doanh nghiệp, người nông dân, nhà thu mua, chế biến và người tiêu thụ sản phẩm; phải ưu tiên các nông phẩm có ưu thế xuất khẩu.

PV: Trân trọng cảm ơn giáo sư.

Cuộc trò chuyện của chúng tôi kết thúc khi sắp đến giờ GS, TS, NGND Nguyễn Lân Dũng tới đài phát thanh thực hiện chương trình trực tiếp buổi tối. Ông bảo, dù rất bận rộn nhưng ông vẫn cảm thấy thích thú vì được đem tri thức đến với nhân dân. Tranh thủ thời gian ngắn ngủi còn lại, ông ký tặng phóng viên một bộ sách phổ biến khoa học vừa “ra lò”. Được biết, cho đến nay, GS Nguyễn Lân Dũng đã in 50 cuốn sách phổ biến khoa học, 25 cuốn Hỏi gì đáp nấy, có cuốn tái bản tới 10 lần. Trong phòng làm việc kiêm phòng khách của ông, nhìn đâu cũng thấy sách. Sách chuyên ngành, sách ngoại ngữ, bách khoa toàn thư, sách về các kỷ lục trên thế giới, về các phát minh, sáng chế… Nhưng vị trí trang trọng nhất trong căn phòng này ông dành để đặt những bức ảnh của gia đình mình.

Rời khỏi căn nhà của giáo sư “biết tuốt” trên phố Trần Thánh Tông, nụ cười hóm hỉnh cùng lời khuyên của ông dành cho các bạn trẻ muốn tự thân lập nghiệp cứ văng vẳng trong tâm trí tôi. Ông dặn: “Mình phải chịu khó đọc, học ngoại ngữ, biết tham khảo các nguồn và đặc biệt là không ngại khó. Vấn đề khoa học nào càng khó càng phải chịu khó tìm câu trả lời đấy nhé!”.