GS Trần Quốc Vượng GS Trần Quốc Vượng sinh ngày 12/12/1934 tại Kinh Môn, Hải Dương. Năm 1956, ông tốt nghiệp thủ khoa cử nhân Sử - Địa trường Đại học Văn khoa Hà Nội, được giữ lại làm cán bộ giảng dạy Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Cùng với GS Hà Văn Tấn (Viện trưởng Viện Khảo cổ học hiện nay), ông là một trong những người khởi thủy cho khảo cổ học VN. Ông được phong hàm Giáo sư năm 1980. GS Trần Quốc Vượng từng là Chủ nhiệm bộ môn Khảo cổ học (ĐHKH Xã hội & Nhân văn HN); Giám đốc Trung tâm liên văn hóa ĐH Tổng hợp Hà Nội; Trưởng môn Văn hoá học, ĐH Quốc gia Hà Nội. Từ 1989, ông đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng thư ký Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Chủ nhiệm CLB Văn hóa ẩm thực Việt Nam, Phó chủ nhiệm CLB Nghề truyền thống Việt Nam, Tổng Thư ký Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội từ năm 1976. GS Vượng là Chủ tịch đầu tiên của Hội Sử học Hà Nội. Tác phẩm chính: Việt sử lược - phiên dịch, chú giải-1960; Danh nhân Hà Nội 2 tập, chủ biên- 1973; Hà Nội ngàn xưa cùng Vũ Tuấn Sán-1975; Mùa xuân và phong tục Việt Nam cùng Lê Văn Hảo, Dương Tất Từ- 1976; Cơ sở khảo cổ học, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Lịch sử Việt Nam; Theo dòng lịch sử (1995); Việt Nam, cái nhìn địa văn hóa (1998); Văn hóa Việt Nam- tìm tòi và suy ngẫm (2000, 2003). |
Đối với tôi, thầy không chỉ là một nhà sử học, nhà khảo cổ xuất sắc mà còn là một tấm gương thuyết phục nhất về lòng tận tụy trong nghề nghiệp và sự chịu đựng. Chịu đựng những nỗi cực nhọc trong các chuyến đi điền dã và cả với sự không đồng thuận lúc này lúc kia của xã hội về quan điểm lịch sử của mình.
Thầy Trần Quốc Vượng thuộc lớp đầu tiên được đào tạo chính quy bởi những nhà sư phạm mẫu mực như Đào Duy Anh, Cao Xuân Huy... Và cái lớp đầu tiên ấy đã đóng đinh vào các thế hệ sau này những “Lâm, Lê, Tấn, Vượng” (các nhà sử học Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng được coi là “tứ trụ” của ngành sử hiện thời).
Rồi nhiều cái sẽ qua đi, nhưng thầy Trần Quốc Vượng cũng như “tứ trụ” sẽ còn mãi với khoa học lịch sử, với tư cách là những người đầu tiên xây dựng nền sử học Việt Nam hiện đại. Đặc biệt, Giáo sư Trần Quốc Vượng là nhà sử học luôn đi tìm cái mới ở những chi tiết rất đời thường trong đời sống và văn hóa dân gian.
GS Trần Quốc Vượng qua đời, các nhà sử học trong “tứ trụ” Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn đều tuổi đã cao. Điều đó có khiến ông lo ngại về sự trống vắng lớn trong giới sử học sẽ đến trong nay mai?
Thầy Trần Quốc Vượng là người rất có ý thức đào tạo học trò. Ông có rất nhiều học trò giỏi. Những người học trò của GS Trần Quốc Vượng không chỉ được truyền nghề mà còn được truyền cả cách sống nữa.
Những ngày cuối cùng của thầy Vượng, bên giường bệnh luôn có học trò túc trực. Tôi muốn gọi đó là những người học trò cổ điển. Khi một nhà khoa học lớn ra đi người ta nhìn vào học trò của họ. Và nhìn vào học trò của thầy Vượng, người ta thấy ông là một nhà khoa học lớn.
Thầy Vượng vẫn hay nói “hậu sinh khả úy”, học thầy không tày học bạn và ông còn phát triển câu thành ngữ ấy như sau: “Học thầy không tày học trò”.
Với tính cách của mình, thầy Vượng để lại dấu ấn rất sâu đậm trong các thế hệ học trò.
Thầy là một nhà sử học nhưng có “chất giang hồ” (chữ dùng của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường). Mặc dù tuổi ông đã cao, nhưng lớp học trò chúng tôi không theo kịp ông trong các chuyến đi dã ngoại. Và chúng tôi càng không có được năng lực cận dân như ông. Nhiều người nghĩ ông hay gây gổ, ông trái khoáy, nhưng tôi tin khi ông mất rồi, người ta sẽ dành cho ông sự tiếc nuối, cảm phục thực sự.
Mai này, nhớ về Giáo sư Trần Quốc Vượng, ông nhớ điều gì nhất?
Tôi nhớ về cái đầu của ông, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Một nhà điêu khắc đã bảo với tôi rằng khi tạc tượng danh nhân trong giới sử học, có hai cái đầu không thể không đặc tả. Đó là đầu của GS Đào Duy Anh và GS Trần Quốc Vượng.
Xin cảm ơn ông.