Góp phần giúp nông sản Việt Nam bứt phá

Thời gian qua, nhiều loại nông sản trong nước như dừa tươi, thanh long, quả vải… đã có mặt ở nhiều thị trường lớn của thế giới. Sắp tới, sầu riêng, bưởi, chanh dây… cũng sẽ xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, Mỹ góp phần làm phong phú sản vật địa phương trên trường quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch khi ra thế giới. Trong ảnh: Nông sản Việt triển lãm tại Trung tâm triển lãm hàng nông sản xuất khẩu của ITPC.
Nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch khi ra thế giới. Trong ảnh: Nông sản Việt triển lãm tại Trung tâm triển lãm hàng nông sản xuất khẩu của ITPC.

Là công ty chuyên về sản xuất, xuất khẩu, chế biến hàng nông sản với thị trường xuất khẩu rộng khắp với hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, Công ty cổ phần Phúc Sinh (quận 1) vẫn không ngừng cải tiến, đổi mới sản phẩm cả về chất lượng lẫn số lượng. Tổng Giám đốc công ty, ông Phan Minh Thông cho biết: Khi doanh nghiệp hoạt động bình thường trở lại sau dịch Covid-19 đã xuất khẩu rất nhiều cà-phê, hạt tiêu, ngoài ra còn có quế, hồi, gạo…

Xuất khẩu năm 2022 có nhiều tín hiệu khả quan, doanh số xuất khẩu của đơn vị này đã đạt hơn 200 triệu USD. Năm nay, dự kiến công ty sẽ đạt mức xuất khẩu hơn 300 triệu USD. “Khi làm việc với đối tác nước ngoài, nhất là khách hàng châu Âu, châu Mỹ, uy tín là quan trọng nhất; phải giữ lời hứa, kể cả làm nhiều hay làm ít cũng luôn phải giữ chữ tín với khách hàng. Chúng tôi không chỉ giữ cam kết về chất lượng, số lượng hàng hóa mà còn ở các khâu thanh toán, giao hàng…”, ông Thông khẳng định.

Cũng là doanh nghiệp có tên tuổi khi đưa thành công hàng loạt trái cây như thanh long, vải, dừa tươi… sang thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH-TMDV-XNK Vina T&T Nguyễn Đình Tùng cho rằng: Muốn xuất khẩu nông sản vào bất cứ thị trường nào cũng phải hiểu rõ quy định của nước sở tại, hàng đi được Mỹ chưa chắc đã có thể vào châu Âu bởi quy định khác nhau. Ông Tùng dẫn chứng, muốn vào Mỹ thì doanh nghiệp không được vướng bảy hoạt chất cấm về dư lượng; nhà máy đạt chuẩn ISO, HACCP; có mã số nhà máy đóng gói do Mỹ cấp, có mã vùng trồng…

Sau khi đáp ứng các tiêu chí, trước khi xuất khẩu đối với trái cây tươi phải được chiếu xạ do cán bộ kiểm dịch của Mỹ kiểm tra tại chỗ. Còn với thị trường châu Âu, nông sản xuất khẩu cần phải đáp ứng yêu cầu rất cao về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm để được cấp giấy chứng nhận trước khi thông quan. Muốn xuất khẩu đi xa thì công nghệ bảo quản phải thật sự tốt mới bán được hàng…

Tại tọa đàm “Ngành rau, hoa, quả Việt Nam-Cơ hội và thách thức sau đại dịch” tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho biết: Nhiều loại nông sản Việt Nam đã được doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh xuất khẩu chính ngạch sang nhiều nước trên thế giới. Cụ thể, Việt Nam-Trung Quốc đã ký Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng chính ngạch; chanh dây cũng được xuất khẩu thử nghiệm sang Trung Quốc.

Vừa qua, Mỹ cũng đã chấp nhận trái bưởi được xuất sang thị trường này. “Sầu riêng chính ngạch của Việt Nam đã xuất sang Trung Quốc được vài trăm tấn và được người tiêu dùng đón nhận rất tốt. Trung Quốc mỗi năm chi khoảng bốn tỷ USD để nhập sầu riêng, trong đó 90% nhập từ thị trường Thái Lan, 10% còn lại từ Việt Nam và Malaysia. Trái sầu riêng vào được thị trường này kỳ vọng đạt kim ngạch hai tỷ USD/năm, vượt kim ngạch của thanh long hiện nay đạt một tỷ USD/năm”, ông Nguyên cho biết. Cũng theo ông Nguyên, 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu rau quả Việt Nam chỉ đạt 2,45 tỷ USD, giảm hơn 11% so với cùng kỳ. Xuất khẩu rau quả sang nhiều thị trường như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu… đều tăng mạnh, có thị trường tăng tới 100%.

Để hỗ trợ doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung tăng cường cơ hội xuất khẩu nông sản, từ ngày 1 đến ngày 3/3/2023, Triển lãm và Hội thảo quốc tế lần thứ 5 chuyên ngành sản xuất và chế biến rau, hoa, quả tại Việt Nam-HortEx Vietnam 2023 sẽ được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh nhằm tìm kiếm, kết nối cung cầu cho các doanh nghiệp xuất khẩu rau, hoa, quả. Triển lãm có các chuỗi hội thảo chuyên ngành; diễn đàn xuất khẩu và kết nối doanh nghiệp; chương trình khách mua tiềm năng, ông Nguyên nói thêm. Phó Vụ trưởng Thị trường châu Á-châu Phi thuộc Bộ Công thương Đỗ Quốc Hưng cho rằng: Xuất khẩu rau quả Việt Nam đã có mặt ở 60 quốc gia, chủ yếu tập trung một số thị trường lớn như Trung Quốc, Đông Bắc Á, châu Âu và Đông Nam Á.

Theo ông Hưng, một trong những hạn chế của xuất khẩu rau, quả là chưa đa dạng hóa thị trường, phụ thuộc quá nhiều vào các thị trường lớn; khi thị trường lớn gặp khó đã ảnh hưởng ngay đến việc xuất khẩu của Việt Nam. “Chúng ta cần tăng cường chế biến sâu; đa dạng thị trường nhằm tránh rủi ro. Doanh nghiệp bắt buộc phải chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch, làm ăn bài bản, nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể xuất khẩu rau, quả vào những thị trường khó tính”, ông Hưng nhấn mạnh. Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Văn Đức nhìn nhận: Hiện nay, Việt Nam đã xây dựng được các vùng sản xuất tập trung với những bộ giống rau, hoa, quả chất lượng.

Những tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, công nghệ chế biến đã được áp dụng; tổ chức liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ bước đầu hình thành. “Để phát triển bền vững hơn nữa, đòi hỏi toàn ngành cũng như các doanh nghiệp phải chủ động hội nhập, đáp ứng tốt hơn những yêu cầu của thị trường, nâng cao vị thế của nông sản Việt Nam. Các doanh nghiệp cần trang bị kiến thức thị trường cũng như cập nhật các tiến bộ kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm và kết nối mạng lưới cung ứng toàn cầu”, ông Lê Văn Đức nhấn mạnh.

Theo Cục trưởng Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Khắc Hoàng, 9 tháng đầu năm 2022, đứng thứ hai về xuất khẩu là nhóm hàng nông sản, giá trị xuất khẩu đạt 3,3 triệu USD, tăng 11,5% so cùng kỳ và chiếm 10,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố; trong đó, gạo đạt 897,5 triệu USD, tăng 8,7%; cà-phê đạt 480,2 triệu USD, tăng 19,2% và cao-su đạt 446,1 triệu USD.