Gói hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp: Hài hòa nguyên tắc chia sẻ, đóng - hưởng

NDO -

Gói hỗ trợ 38 nghìn tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp thể hiện rõ tính chia sẻ. Cụ thể, riêng với gói hỗ trợ này, người tham gia bảo hiểm thất nghiệp dưới 12 tháng cũng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ. 

Lao động tham gia sản xuất 3 tại chỗ tại Đồng Nai (Ảnh minh họa: Thiên Vương).
Lao động tham gia sản xuất 3 tại chỗ tại Đồng Nai (Ảnh minh họa: Thiên Vương).

Kịp thời triển khai chính sách

Ngày 1/10, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, với kinh phí khoảng 38 nghìn tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Trong đó, có hơn 8.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách giảm mức đóng từ 1% còn 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Thời gian thực hiện giảm trong 12 tháng, từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022 cho khoảng 386 nghìn đơn vị sử dụng lao động.

Hơn 30 nghìn tỷ đồng chi hỗ trợ tiền mặt cho người lao động từ nguồn kết dư của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. “Có thể nói, đây là gói hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho người lao động lớn nhất từ trước đến nay”, ông Nguyễn Thế Mạnh chia sẻ.

Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng nhấn mạnh, về nguyên tắc đóng - hưởng, gói hỗ trợ chỉ áp dụng với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Người lao động có thời gian tham gia dài hơn thì mức hỗ trợ cao hơn. Tính chia sẻ được thể hiện rõ trong tinh thần của các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ.

Cụ thể như, quy định của chính sách bảo hiểm thất nghiệp là phải có tham gia hơn 12 tháng tham gia mới được hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhưng riêng với gói hỗ trợ này, người tham gia dưới 12 tháng cũng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ. Và con số này sẽ lên tới hàng triệu người. Người lao động trong cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, đơn vị công lập, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội… cũng tham gia bảo hiểm thất nghiệp nhưng không hưởng gói hỗ trợ này.

Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tích cực, chủ động phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương tham mưu đề xuất, xây dựng các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và trực tiếp triển khai các chính sách hỗ trợ đến người hưởng một cách chính xác, an toàn và nhanh chóng.

Cơ quan này chủ động phối hợp các Bộ kịp thời tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

Chỉ 5 ngày sau khi Quyết định số 23 được ban hành, ngành bảo hiểm xã hội đã hoàn thành xong việc thực hiện chính sách giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 375 nghìn đơn vị sử dụng lao động, tương ứng gần 11,3 triệu lao động với số tiền khoảng 4.322 tỷ đồng.

Đồng thời, việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cũng như xác nhận danh sách để người lao động và người sử dụng lao động được hưởng các chính sách hỗ trợ khác cũng được ngành bảo hiểm xã hội triển khai nhanh chóng, hiệu quả.

Đến 5/10: Hoàn thành giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho khoảng 386 nghìn đơn vị

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đề nghị, các đơn vị phải khẩn trương, quyết liệt “vào cuộc” triển khai ngay các chính sách hỗ trợ tới người lao động và người sử dụng lao động. Mục tiêu là đến ngày 5/10, hoàn thành chính sách hỗ trợ giảm mức đóng từ 1% xuống 0% cho khoảng 386 nghìn đơn vị sử dụng lao động. Trong tháng 10, cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ cho người lao động có tài khoản ngân hàng tại các đơn vị sử dụng lao động.

Về phương thức giao dịch để triển khai các chính sách hỗ trợ, ngành bảo hiểm xã hội sẽ thực hiện đa dạng, linh hoạt hình thức theo sự lựa chọn của người thụ hưởng. Đó là giao dịch trực tiếp tại cơ quan bảo hiểm xã hội không phụ thuộc địa giới hành chính hoặc qua dịch vụ bưu chính, qua giao dịch điện tử, ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số… để người lao động và người sử dụng lao động có thể tiếp cận chính sách thuận lợi nhất và trong thời gian sớm nhất. 

Đồng thời, khuyến khích người lao động nhận tiền hỗ trợ qua tài khoản ngân hàng để vừa bảo đảm kịp thời, minh bạch đến tận tay người lao động, vừa đáp ứng chủ trương không dùng tiền mặt của Chính phủ cũng như bảo đảm tốt việc phòng, chống dịch Covid-19.

Lao động và việc làm