Gỡ vướng về cơ chế, chính sách trong tự chủ đại học

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
0:00 / 0:00
0:00
Sinh viên Trường đại học Kinh tế quốc dân tại Thư viện dùng chung của trường . (Ảnh THÙY LINH)
Sinh viên Trường đại học Kinh tế quốc dân tại Thư viện dùng chung của trường . (Ảnh THÙY LINH)

Việc sửa đổi Nghị định 99 nhằm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng về tăng cường tự chủ đại học; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, thi hành Luật số 34/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật 34), Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2019/NĐ-CP (Nghị định 99) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật. Nghị định 99 quy định cụ thể quyền tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự, mô hình quản trị từ các bộ, ngành tới các trường đã có sự thay đổi lớn.

Vẫn còn bất cập

Khi giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học, Nhà nước đóng vai trò định hướng, đưa ra các quy định khung thay cho việc hướng dẫn, quy định chi tiết như trước đây. Thực tế, các văn bản quy phạm pháp luật đã dần thực hiện đồng bộ giữa các lĩnh vực, thay thế các văn bản hướng dẫn như là “công cụ kiểm soát” gây cản trở xu thế tự chủ bằng các văn bản quy định ở mức độ tối thiểu để quản lý chất lượng, đẩy mạnh quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học.

Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo đến cuối năm 2022, có 90,6% số trường đã kiện toàn Hội đồng trường. Kết quả khảo sát ý kiến các trường về thực hiện tự chủ cho thấy, số trường triển khai tự chủ toàn diện, sâu rộng về tuyển sinh và đào tạo là hơn 80%; tự chủ toàn diện, sâu rộng về hoạt động khoa học và công nghệ hơn 65%.

Mặc dù đạt được kết quả tích cực nhưng thực tế quá trình triển khai chưa có sự thống nhất giữa một số văn bản quy phạm pháp luật; phương thức quản lý vẫn chưa kịp thời thay đổi, đã tạo ra các rào cản cho quá trình tự chủ đại học. Trong khi đó, cơ sở giáo dục đại học chưa quen với việc tự ban hành văn bản, vẫn muốn các văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ và chi tiết để thực hiện như trước đây.

Một số hội đồng trường chưa hiểu rõ vai trò, vị trí, quyền hạn và trách nhiệm của mình. GS, TS Phạm Hồng Quang, Chủ tịch hội đồng Đại học Thái Nguyên nêu thực tế: Hội đồng trường đại học là một thiết chế mới đã được thực thi nhưng hoạt động khó khăn do thành viên hội đồng bên ngoài kiêm nhiệm, không cùng môi trường giáo dục đại học. Thành viên chưa dành nhiều thời gian cho hội đồng trong khi quản trị đại học cần những quyết sách trực tiếp, kịp thời.

PGS, TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường đại học Ngoại thương cho rằng, đang có sự nhận thức khác nhau về mô hình tự chủ, phân cấp, phân quyền trong quản lý đối với các cơ sở giáo dục đại học. Quyền tự quyết của các cơ sở giáo dục đại học được đề cập nhưng trên thực tế các cơ sở này vẫn bị chế định trong mối quan hệ tương tác với các chủ thể khác trong xã hội.

Trong khi đó, các cơ quan quản lý nhà nước chưa ban hành được một hệ thống các quy định, chính sách riêng để quản lý mà các cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ vẫn bị ràng buộc bởi các quy định chung cho mọi cơ sở giáo dục đại học. Nhiều quy định luật pháp mâu thuẫn với nhau trong quá trình các cơ sở giáo dục đại học triển khai thực hiện tự chủ theo Luật Giáo dục đại học như: Luật Tài sản công, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Viên chức, Luật Lao động…

Hướng đến đồng bộ các quy định

Để tự chủ đại học hiệu quả, việc sửa đổi các quy định là tất yếu. Theo PGS, TS Bùi Anh Tuấn, các cơ quan quản lý nhà nước cần tập trung rà soát, đánh giá để từ đó hoàn thiện hành lang pháp lý cho các cơ sở giáo dục đại học phát triển.

Vấn đề quan trọng trước mắt là phải nhanh chóng hoàn thiện và đồng bộ hóa hệ thống pháp luật về tự chủ đại học, khắc phục ngay những bất cập, mâu thuẫn trong các quy định pháp lý đang điều chỉnh các cơ sở giáo dục đại học công lập được tự chủ; xây dựng các chính sách mới, các văn bản pháp luật mới có tính chất dẫn dắt quá trình tự chủ đại học.

GS, TS Trần Văn Chứ, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Lâm nghiệp cho rằng, Nghị định 99 sau hơn ba năm triển khai đã nảy sinh nhiều bất cập trong quá trình thực thi, do đó cần sửa đổi theo hướng tháo gỡ được các nút thắt của tự chủ đại học.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trên cơ sở nội dung kiến nghị, đề xuất của các bộ, ngành, địa phương và các cơ sở giáo dục đại học, dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99 có nhiều điểm mới tháo gỡ khó khăn trong tự chủ đại học. Hiện nay, các quy định pháp luật chưa quy định cụ thể cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm đối với hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học công lập là hội đồng trường hay cơ quan quản lý trực tiếp.

Do đó, dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung “cơ quan quản lý trực tiếp thực hiện vai trò của cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, công nhận hiệu trưởng”. Mặt khác, để bảo đảm phù hợp với quy định của Đảng, pháp luật, điểm mới về “thành phần tập thể lãnh đạo” trong cơ sở giáo dục đại học được quy định cụ thể hơn, bao gồm: Ban Thường vụ đảng ủy hoặc cấp ủy (nơi không có ban thường vụ đảng ủy), chủ tịch hội đồng trường hoặc quyền chủ tịch hội đồng trường, phó chủ tịch hội đồng trường (nếu có), hiệu trưởng hoặc quyền hiệu trưởng (nếu chưa có hiệu trưởng), các phó hiệu trưởng và người đứng đầu bộ phận tham mưu về tổ chức cán bộ.

Đối với số lượng người đại diện cơ quan quản lý trực tiếp tham gia hội đồng trường sẽ không quá 50% tổng số thành viên ngoài trường đại học. Bầu và bầu thay thế một thành viên hội đồng trường nếu sử dụng hội nghị đại biểu thì triệu tập tối thiểu hơn 20% so với tổng số viên chức, người lao động (thay vì 50% như quy định hiện hành).

Dự thảo nghị định mới cũng làm rõ trường hợp thực hiện bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch và thành viên hội đồng trường. Đối với thành viên hội đồng trường là đại diện cơ quan quản lý trực tiếp khi đã thôi việc, chuyển công tác… thì cơ quan quản lý trực tiếp có thể thay thế ngay, mà không cần có văn bản đề nghị của hội đồng trường như hiện nay. Nghị định mới cũng bổ sung các quy định cụ thể về thủ tục thành lập, công nhận hội đồng đại học, chủ tịch hội đồng đại học; điều kiện thành lập trường; điều kiện để các trường đại học liên kết thành đại học…

Vụ trưởng Tổ chức cán bộ (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Viết Lộc cho biết, dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99 đã cụ thể hóa các chủ trương của Đảng về tăng cường tự chủ đại học; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thực hiện; đồng bộ giữa quy định của Đảng, quy định của pháp luật; đẩy mạnh thực hiện phân cấp, phân quyền, tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, nâng cao chất lượng giáo dục đại học.