Vùng đồng bằng sông Cửu Long chiếm hơn 90% tổng diện tích nuôi tôm nước lợ cả nước, với 680.000 ha, tổng sản lượng bình quân mỗi năm khoảng hơn 780.000 tấn. Trong đó, tỉnh Cà Mau có hơn 270.000 ha nuôi tôm với nhiều loại hình nuôi khác nhau.
Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu và nhiều nguyên nhân khác khiến xuất khẩu tôm những tháng đầu năm 2023 giảm mạnh, kéo theo giá tôm nguyên liệu liên tục giảm sâu, gây tâm lý bất an cho người nuôi tôm. Chính quyền và ngành chức năng tỉnh Cà Mau phải vận động, tuyên truyền bằng nhiều hình thức.
Nhờ đó, trong sáu tháng đầu năm 2023, nông dân trong tỉnh vẫn duy trì thả nuôi 100% diện tích, tổng sản lượng đạt hơn 126.200 tấn tôm. Thế nhưng tại vùng nuôi tôm lớn nhất tỉnh Sóc Trăng là thị xã Vĩnh Châu, diện tích nuôi tôm từ hơn 14.000 ha giảm còn khoảng 12.000 ha. Nguyên nhân được cho là hiện giá tôm thẻ loại 100 con/kg mua tại ao chỉ còn 60.000 đồng/kg, giảm gần một nửa so cùng kỳ năm trước. Tương tự, loại 30 con/kg từ 110.000-120.000 đồng/kg giảm khoảng 30.000 đồng/kg. Từ đó kéo theo diện tích thả nuôi cũng sụt giảm.
Ông Ngô Công Luận, Giám đốc Hợp tác xã Nông ngư 14/10 (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, 31 ha nuôi tôm thẻ của các xã viên vừa thu hoạch được hơn 30 tấn. Thế nhưng do giá tôm giảm, trong khi chi phí đầu vào (thức ăn, vật tư...) đều tăng nên sau khi trừ chi phí sản xuất, người nuôi tôm không có lãi. Còn Hợp tác xã nuôi tôm năng suất cao Tân Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau có hơn 70 xã viên, với tổng diện tích nuôi tôm hơn 300 ha.
Trong đó có hơn 50 ha nuôi tôm siêu thâm canh, cung ứng vài nghìn tấn tôm ra thị trường mỗi năm. Là người "đứng mũi, chịu sào" cho trang trại, ông Huỳnh Xuân Diện, Chủ tịch Hợp tác xã Tân Hưng hết sức bất an khi giá tôm liên tục giảm, xã viên không có lời sau thu hoạch, dẫn đến nguy cơ "treo ao" là rất lớn.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, qua nắm thông tin tình hình thực tế, người nuôi tôm đề nghị chính quyền có giải pháp khuyến khích các nhà máy ưu tiên thu mua tôm nguyên liệu trong tỉnh; có biện pháp kiểm soát giá; hỗ trợ cho hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, người nuôi tôm được vay vốn mua vật tư, thức ăn trực tiếp từ nơi sản xuất để có giá bằng với giá đại lý.
Trong lúc "dầu sôi lửa bỏng" bởi giá tôm giảm, gói tín dụng ưu đãi 15.000 tỷ đồng mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa công bố là liều thuốc trợ lực kịp thời giúp nông dân và doanh nghiệp thủy sản nói chung có cơ hội vượt qua khó khăn. Ông Hà Văn Hùm, nông dân có hai ao tôm siêu thâm canh ở ấp Tân Thành B (xã Tạ An Khương Nam, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) cho biết: "Theo tôi biết thì gói hỗ trợ 15.000 tỷ đồng có lãi suất thấp hơn tối thiểu từ 1-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn. Có gói hỗ trợ này, hy vọng nông dân có điều kiện vay vốn tái sản xuất, doanh nghiệp khó khăn về vốn cũng có thêm nguồn lực tài chính để mua tôm của nông dân".
Ông Huỳnh Xuân Diện chia sẻ: "Vốn là vấn đề sống còn của doanh nghiệp và cả người nuôi tôm. Chịu ảnh hưởng chung của suy thoái kinh tế, cả người nuôi và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm đều đói vốn để duy trì sản xuất, chế biến vượt qua khủng hoảng. Với gói tín dụng lãi suất thấp, doanh nghiệp được vay, hợp tác xã có pháp nhân như chúng tôi cũng sẽ được vay trong những lúc cấp thiết là cứu cánh cho người nuôi tôm và doanh nghiệp".
Nắm bắt thời cơ, chính quyền nhiều tỉnh, thành phố trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, không để đứt gãy chuỗi ngành tôm. Trong đó, trọng tâm trước mắt nắm chắc tình hình, tổ chức lại khâu sản xuất, hướng dẫn cho người dân phát triển các mô hình nuôi tôm hiệu quả theo các tiêu chuẩn xuất khẩu, giảm các chi phí, tổ chức liên kết ngay từ đầu vụ, chủ động sản phẩm đầu ra, trong đó chú trọng thị trường tiêu thụ nội địa nhằm giảm bớt áp lực tôm "xuất ngoại"…
Theo đồng chí Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau, cần thêm cơ chế, chính sách đặc thù về tín dụng giúp cả người nuôi và doanh nghiệp xuất khẩu có thêm nguồn lực tài chính để mở rộng sản xuất, dẫn dắt chuỗi ngành hàng. Cùng với kiểm soát giá cả vật tư đầu vào, người nuôi tôm cũng rất cần sự vào cuộc đồng bộ trong việc nâng cao chất lượng cũng như kiểm soát nguồn tôm giống, đi kèm với tập huấn, nâng cao tay nghề giúp người nuôi tôm đạt hiệu quả tốt nhất, cả về chất lượng và sản lượng. "Cũng như cây lúa, một khi có sự đầu tư xứng tầm thì giá trị con tôm mang lại mới mong như kỳ vọng, và người nuôi tôm mới yên tâm gắn bó bền vững với con tôm", ông Huỳnh Quốc Việt nói.