Gỡ khó cho làng nghề cơ khí, vận tải thủy Việt An

NDO - Làng nghề sông nước Việt An nay là làng nghề cơ khí, vận tải thủy Việt An sầm uất như một khu phố, nhà cửa san sát kéo dài đến tận mép sông Lô. Hàng trăm tàu thuyền lớn nhỏ đậu kín nửa khúc sông. Hoạt động vận tải sôi động suốt đêm ngày.
0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động kinh doanh vận tải thủy tại thôn Việt An rất sôi động.
Hoạt động kinh doanh vận tải thủy tại thôn Việt An rất sôi động.

Thôn Việt An vốn là một xóm chài nhỏ thuộc xã Việt Xuân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, gần cầu Việt Trì. Mảnh đất này gắn với các vị thần trị thủy sông Lô, sông Hồng, với thời đại Hùng Vương. Từ ngàn đời nay, sông Lô và sông Phó Đáy đã nuôi sống người dân thôn Việt An.

Ông Trần Hoa Vinh, Trưởng thôn Việt An nhớ thủa trước, người dân trong thôn sống nhờ nghề đánh bắt cá. Chỗ nào có cá là đi, dọc theo các triền sông đến tận Lào Cai, Yên Bái. Thời bao cấp bà con đổi cá lấy tem phiếu mua gạo.

Giờ thì đánh cá chủ yếu để giải trí. Cả thôn đã xoay sang kinh doanh vận tải thủy, sửa chữa, đóng mới tàu thuyền, hoặc khai thác cát, làm bến bãi, sản xuất vật liệu, toàn những nghề ra tiền. Đất chật, nhiều hộ phải thuê đất nơi khác làm nơi neo đậu, sửa chữa tàu thuyền. Nay cả thôn có khoảng 40 tàu thuyền vận tải từ 500 tấn trở lên, trong đó có 3 xà lan trọng tải 2.000 tấn. Những ngôi nhà to đẹp trong thôn đều do vận tải thủy mà có.

Trong thôn có nhà anh Tấn, anh Lương, anh Toàn, anh Giang sở hữu nhiều tàu lớn. Một chiếc tàu 2.000 tấn giờ giá khoảng 16 tỷ đồng. Tàu nhỏ cũng vài ba tỷ. Cứ đua nhau bán tàu bé, mua tàu lớn. Phong trào kinh doanh vận tải thủy từ thôn Việt An lan sang cả thôn Việt Hưng liền kề. Xã Việt Xuân nay có đến 10 doanh nghiệp vận tải thủy với hơn trăm tàu thuyền, 7 doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng, 3 cơ sở sửa chữa, đóng mới các loại tàu, thuyền. Uy tín của làng nghề ngày một cao.

Gỡ khó cho làng nghề cơ khí, vận tải thủy Việt An ảnh 1
Thôn Việt An được xây dựng thành thôn văn hóa kiểu mẫu của xã Việt Xuân.

Thôn Việt An không có mét đất ruộng nào. Tất cả đều trông vào nghề cơ khí, vận tải thủy. Mọi người đều yêu nghề sông nước bởi đã gắn bó máu thịt với nó bao đời, như gia đình ông Nguyễn Văn Hòa.

Ông Hòa kể: "Nhà tôi có một xà lan trọng tải 2.000 tấn. Có những chuyến đi kéo dài nửa tháng, dọc theo sông Hồng, sông Thái Bình, ra đến biển. Cái gì cũng chở từ cát, sỏi, đá, chất đốt, cho đến thức ăn chăn nuôi. Nhưng giờ nhiều tàu quá, cạnh tranh rất quyết liệt. Các cơ quan chức năng cũng kiểm tra gắt gao hơn. Có thời điểm nhiều tàu phải nằm bờ vì không đủ giấy tờ hợp lệ, bởi thực tế cát, phần lớn sỏi là hàng trôi nổi, chuyên chở loại hàng này sẽ bị xử phạt, thậm chí giữ phương tiện. Bây giờ các chủ tàu trong thôn mong muốn hàng hóa phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có hóa đơn, phiếu xuất kho hợp lệ để làm ăn lâu dài".

Người dân thôn Việt An cũng mơ ước làm ăn lớn. Ông Hòa nói, nếu như trên địa bàn thôn hình thành một tổ hợp sản xuất phục vụ ngành tàu thuyền, cơ khí thì sẽ sử dụng được nguồn thợ địa phương và giảm chi phí đóng mới, sửa chữa tàu bè.

Thực tế là huyện Vĩnh Tường đã quy hoạch một cụm công nghiệp tại khu đất 10ha ngoài đê của thôn Việt An. Đất giờ bỏ không, nhưng nhà đầu tư chưa vào vì diện tích quá nhỏ so quy mô cụm công nghiệp, đầu tư sẽ kém hiệu quả. Trong khi đó, nếu quy hoạch khu đất này thành một tổ hợp cơ khí đóng, sửa chữa tàu, kết hợp với khai thác làm bến cát và sản xuất vật liệu xây dựng thì rất phù hợp. Vì hiện nay, tại thôn Việt An đã có 6 bến tập kết cát, sỏi và sản xuất vật liệu xây dựng của các hộ dân, kinh doanh từ nhiều năm trước.

Gỡ khó cho làng nghề cơ khí, vận tải thủy Việt An ảnh 2
Người dân trong thôn nhiều năm gắn bó với nghề cơ khí đóng tàu.

Ông Lê Tiến Sơn, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên xây dựng Lương Bằng có trụ sở tại thôn Việt An khẳng định: Nếu được giao xây dựng hạ tầng sản xuất công nghiệp cho diện tích 10ha thôn Việt An, chúng tôi sẽ bắt tay cùng làm và sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí. Hợp tác giữa làng nghề cơ khí, vận tải thủy Việt An với các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn sẽ phát triển tốt hơn.

Còn theo ông Trần Văn Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã Việt Xuân, xã mong muốn điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để tận dụng diện tích đất ven sông phát triển ngành cơ khí, vận tải thủy. Các cơ sở kinh doanh trên địa bàn xã đều mong tỉnh, huyện tạo điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cấp phép kinh doanh cho các bến bãi tập kết vật liệu xây dựng cũng như các cơ sở sản xuất khác trên địa bàn, tạo cơ sở pháp lý phát triển những ngành nghề kinh tế mũi nhọn của địa phương.