Gỡ khó cho đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00

MỘT trong những động lực để kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 6-6,5% trong năm nay chính là gói hỗ trợ Chương trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế trị giá 350.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch, gói này sẽ kết thúc vào cuối năm 2023, vậy nhưng đến thời điểm này, nhiều gói thành phần trong Chương trình được triển khai rất chậm, đặc biệt là hỗ trợ 2% lãi suất và giải ngân đầu tư công.

Mới đây, trong cuộc họp công bố Số liệu thống kê kinh tế-xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2022, được hỏi về lý do của sự chậm trễ nói trên, đại diện Tổng cục Thống kê nhìn nhận, nguyên nhân chủ yếu là gói hỗ trợ đầu tư công liên quan nhiều dự án cũng như trình tự, thủ tục phê duyệt các dự án. Trong thực tế, các bộ, ngành, địa phương có tiến độ thực hiện rất khác nhau, do đó nảy sinh tình trạng chờ đợi lẫn nhau cũng như mất nhiều thời gian xem xét, lựa chọn các dự án đủ điều kiện và khả thi để đưa vào danh mục dự án thuộc chương trình.

Ngoài ra, đối với đầu tư công, trong quy trình thủ tục, phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi giao kế hoạch cụ thể cũng như phương án phân bổ dự toán năm 2022 tăng thêm đối với các bộ, ngành, địa phương. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trước khi Thủ tướng Chính phủ triển khai công tác cụ thể.

Ngày 20/5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Văn bản số 450/TTg-KHTH về thông báo danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình nói trên, với số vốn dự kiến phân bổ cho các dự án/công trình như sau: Đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở trợ giúp xã hội, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm gồm 36 dự án với mức vốn bố trí là 3.150 tỷ đồng. 100.751 tỷ đồng được đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng với 9 dự án giao thông (tổng vốn là 91.330 tỷ đồng); 46 dự án (tổng vốn là 5.000 tỷ đồng) cho các dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn hồ chứa nước, thích ứng biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai. Và 19 dự án với số vốn 4.421 tỷ đồng cho các dự án chuyển đổi số, công nghệ thông tin.

Số vốn kế hoạch chính thức sẽ được Thủ tướng Chính phủ giao trên cơ sở báo cáo của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Như vậy, "quả bóng" hiện đã đến chân các bộ, ngành, địa phương. Để chữa trị căn bệnh giải ngân ì ạch, hơn lúc nào hết vẫn cần đến yếu tố cơ bản, đó chính là đội ngũ thực thi. Việc các bộ, ngành và địa phương phân công lãnh đạo phụ trách trực tiếp từng dự án thuộc Chương trình và coi kết quả thực hiện, giải ngân của từng dự án là cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao sẽ là đòn bẩy quan trọng. Thêm nữa, cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong việc trực tiếp chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh. Trong đầu tư công không thể không chú trọng tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, xử lý nghiêm vi phạm; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng.

Ngày 3/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 790/QĐ-TTg thành lập Ban chỉ đạo về triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Động thái mới này cho thấy quyết tâm từ phía Chính phủ để bảo đảm các dự án được phê duyệt thuộc Chương trình sẽ đi vào triển khai thực hiện trong nửa đầu tháng 7 này. Bảo đảm kế hoạch đồng nghĩa tạo được đà cho tăng trưởng kinh tế năm nay và các năm sau. Thời gian không còn nhiều, vướng mắc cũng đã được nhận diện, chỉ còn lại là sự nhập cuộc của những cá nhân được phân công chịu trách nhiệm. Họ có đủ quyết tâm để tạo nên sự chuyển động cho bộ máy hay không mà thôi!