Ngoài đại diện Ngân hàng Nhà nước, buổi làm việc còn có mặt đại diện một loạt ngân hàng thương mại cổ phần từng tham gia tài trợ vốn cho các dự án BOT giao thông trong những năm vừa qua, như: Vietinbank, BIDV, Vietcombank, Agribank, VP Bank, SHB,…
Mong muốn các ngân hàng tiếp tục tài trợ tín dụng
Năm dự án thành phần cao tốc bắc - nam phía đông đang được triển khai theo hình thức PPP gồm đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Hiện, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) tại năm dự án PPP này đã đạt khoảng 90%, dự kiến quý IV tới đây, Bộ GTVT sẽ có đủ mặt bằng sạch cho nhà đầu tư triển khai thi công.
Mặc dù năm dự án PPP này đã áp dụng những cơ chế PPP tốt nhất, giảm thiểu tối đa các rủi ro liên quan đến việc hoàn vốn; tổng nguồn vốn tín dụng huy động không lớn chỉ vào khoảng 15 nghìn tỷ đồng nhưng việc khơi thông vốn tín dụng đang là nỗi lo lắng lớn của cả Bộ GTVT lẫn các nhà đầu tư. Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho hay, mong muốn của Chính phủ cũng như Bộ GTVT - cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là các ngân hàng thương mại tiếp tục tham gia tài trợ vốn tín dụng cho các nhà đầu tư được lựa chọn tại năm dự án trên.
Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Long cho biết, tính đến nay, BIDV đang cấp vốn tín dụng cho 43 dự án BOT giao thông với tổng dư nợ khoảng 30 nghìn tỷ đồng. Ngân hàng cho vay đang gặp không ít khó khăn khi nhiều dự án phải cơ cấu lại nợ, có dự án thậm chí phải chuyển nợ xấu.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này xuất phát từ việc các dự án không được tăng phí đúng lộ trình đã ký trong hợp đồng và có sự phân lưu phương tiện sang các tuyến khác khiến doanh thu nhiều dự án không bảo đảm theo phương án tài chính. BIDV đang còn rất băn khoăn khi xem xét tài trợ các dự án PPP cao tốc bắc - nam dù đã cấp thư cam kết cấp tín dụng cho các nhà đầu tư tham gia đấu thầu năm dự án với số vốn khoảng 17.450 tỷ đồng.
Do cao tốc bắc - nam là công trình trọng điểm quốc gia, BIDV sẵn sàng xem xét để thẩm định tài trợ vốn, trên cơ sở các dự án phải bảo đảm hiệu quả đầu tư, đáp ứng các quy định của ngân hàng và pháp luật. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất hiện nay là Bộ GTVT cần sớm xử lý dứt điểm những tồn tại vướng mắc của các dự án BOT giao thông đã triển khai để ngân hàng có thể thu hồi nợ và xem xét cho vay các dự án mới.
Ngân hàng VietinBank là ngân hàng cấp tín dụng lớn nhất cho các dự án BOT giao thông, dư nợ đến nay đạt hơn 52 nghìn tỷ đồng tại 32 dự án. Thời gian qua, VietinBank đã nhiều lần có văn bản kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT xem xét xử lý dứt điểm vướng mắc của các dự án BOT đã đầu tư, Nhà nước cần bổ sung thêm nguồn vốn cho các dự án không đạt doanh thu theo phương án tài chính ban đầu và thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng. Khi đáp ứng được, Vietinbank sẽ xem xét tham gia tài vốn vào các dự án tiếp theo, trong đó có các dự án PPP cao tốc bắc - nam.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, NHNN đã có nhiều văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại cấp tín dụng cho các dự án thành phần cao tốc bắc - nam, nhưng theo quy định của pháp luật, việc cấp tín dụng thuộc thẩm quyền của các tổ chức tín dụng.
Tính khả thi tài chính cao
Giữa tháng 7 vừa qua, các Ban Quản lý dự án đã phát hành hồ sơ mời thầu cho các nhà đầu tư qua sơ tuyển, với 14/16 nhà đầu tư mua hồ sơ mời thầu (dự án ít nhất có hai nhà đầu tư, nhiều nhất ba nhà đầu tư). Dự kiến, thời điểm mở thầu năm dự án PPP cao tốc sẽ diễn ra khoảng đầu tháng 10 tới.
Theo yêu cầu, nhà đầu tư có thời gian khoảng sáu tháng kể từ khi ký hợp đồng để huy động vốn tín dụng, trường hợp không huy động được vốn tín dụng, Bộ GTVT sẽ hủy hợp đồng và tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng. Đến thời điểm hiện tại, BIDV là ngân hàng cam kết cung cấp tín dụng cho các nhà đầu tư trong trường hợp trúng thầu nhiều nhất, chiếm hơn 90% các cam kết gửi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Vụ trưởng PPP (Bộ GTVT) Lê Kim Thành cho biết, theo hồ sơ mời thầu, tổng vốn đầu tư năm dự án khoảng 39.530 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước tham gia hơn 20 nghìn tỷ đồng (chiếm khoảng 51%); vốn nhà đầu tư huy động 19.394 tỷ đồng, chiếm khoảng 49%, bao gồm vốn chủ sở hữu tối thiểu 20% (khoảng 3.879 tỷ đồng), vốn huy động tín dụng (khoảng 15.515 tỷ đồng). Trong điều kiện nguồn ngân sách còn khó khăn, để hiện thực hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về huy động nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư theo phương thức PPP, có hiệu lực từ tháng 1-2021. Đây được xem là bước đột phá về khung pháp lý, bao gồm nhiều cơ chế, chính sách hoàn toàn mới, giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư, ngân hàng cung cấp tín dụng, bảo đảm hài hòa lợi ích, tạo điều kiện để thu hút mạnh mẽ hơn nữa các nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng.
Đối với các dự án thành phần cao tốc bắc - nam theo hình thức PPP, từ khi đề xuất chủ trương đầu tư dự án, Bộ GTVT đã báo cáo Quốc hội, Chính phủ cho phép áp dụng một số cơ chế nhằm hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng.
Trong đó, đáng chú ý nhất là việc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại các dự án được sử dụng vốn Nhà nước triển khai trước GPMB. Đến nay, GPMB đã đạt khoảng 90%, dự kiến trong quý IV sẽ giải phóng xong toàn bộ, là điều kiện hết sức thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai thi công bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình. Với mức vốn Nhà nước tham gia trung bình khoảng 51% tổng vốn đầu tư, hiệu quả tài chính các dự án đã được cải thiện rõ rệt.
Tại các dự án này, các cơ quan Nhà nước sẽ tuyệt đối không để xảy ra tình trạng ngân hàng chỉ cung cấp cam kết tín dụng để nhà đầu tư làm đẹp hồ sơ mang đi đấu thầu nhưng khi nhà đầu tư trúng thầu ngân hàng lại không cho vay vốn làm ảnh hưởng đến tiến độ các dự án. Bộ GTVT đã đề nghị Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an tham gia hỗ trợ ngay từ đầu để triển khai các dự án cao tốc bắc - nam bảo đảm minh bạch, hiệu quả, tuân thủ pháp luật.
Cũng tại năm dự án này, sẽ áp dụng hình thức thu phí kín với mức phí tính toán theo chiều dài sử dụng dịch vụ nên bảo đảm công bằng tuyệt đối. Khác với các dự án BOT trước đây, mức thu phí sử dụng dịch vụ tại năm dự án PPP cao tốc bắc - nam đã được Quốc hội cho phép quy định cụ thể mức giá khởi điểm và mức giá cho từng thời kỳ. Cơ chế này tiếp tục được cụ thể hóa hồ sơ mời thầu năm dự án, do đó nhà đầu tư được phép thu phí để hoàn vốn theo đúng khung giá đã cam kết...
“Các dự án này được xây dựng với những chỉ số đầu vào chặt chẽ, phù hợp thực tiễn, tách bạch so các dự án BOT trước đây; đồng thời, cơ bản khắc phục được những bất cập tại các dự án BOT. Theo tính toán, thời gian hoàn vốn của các dự án từ 16 đến 18 năm, không có dự án nào vượt quá 20 năm”, ông Lê Kim Thành khẳng định.
Theo nhận định của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng hiện nay chủ yếu huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn, dẫn đến khó khăn trong cân đối nguồn vốn. Bên cạnh đó, để bảo đảm ổn định chính sách tiền tệ, pháp luật về tín dụng quy định lộ trình giảm dần tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn.
Các dự án PPP giao thông có quy mô và tổng mức đầu tư lớn, thời gian vay vốn kéo dài,... nên tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các ngân hàng. Thực tế hơn hai năm qua, đã nảy sinh nhiều vướng mắc về thu phí, dẫn đến doanh thu thực tế thấp hơn dự kiến tại các dự án BOT, đến nay chưa được xử lý dứt điểm, nguy cơ phát sinh nợ xấu, phải chuyển nhóm nợ, cơ cấu lại khoản vay,... gây rủi ro, tạo áp lực rất lớn cho các tổ chức tín dụng. Đó là chưa kể đến việc hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng thương mại nhà nước đã chạm ngưỡng, tổng dư nợ và cam kết tín dụng đối với các dự án BOT, BT đã chạm tới giới hạn cấp tín dụng đối với lĩnh vực này.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước và một số ngân hàng lớn đều mong Chính phủ chỉ đạo xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc tại các dự án BOT giao thông, xử lý nợ xấu như là một trong những điều kiện quan trọng để khơi thông nguồn vốn đầu tư vào các dự án giao thông trọng điểm, trong đó có dự án cao tốc bắc - nam.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật khẳng định, Bộ GTVT với trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đã nỗ lực phối hợp các nhà đầu tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án.
Theo đó, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cho phép áp dụng mức phí tăng theo lộ trình trong hợp đồng đã ký với nhà đầu tư; không triển khai tổ chức thu phí tại sáu trạm có có nguy cơ phát sinh vấn đề an ninh trật tự (Thái Nguyên, La Sơn - Túy Loan, Ninh Xuân - Khánh Hòa, T2 An Giang và trạm 1747 đường Hồ Chí Minh qua Gia Lai), bố trí NSNN hoàn trả cho doanh nghiệp BOT theo cam kết trong hợp đồng. Ông Nhật khẳng định, Bộ GTVT luôn cầu thị, có trách nhiệm khi xử lý vướng mắc tại các dự án BOT trước đây để tạo niềm tin cho các ngân hàng tham gia năm dự án PPP cao tốc bắc - nam.
Bộ GTVT đề nghị Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng cung cấp tín dụng tiếp tục hỗ trợ, có ý kiến đồng thuận về các giải pháp đề xuất của Bộ GTVT trong quá trình báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý dứt điểm khó khăn, vướng mắc đối với các dự án BOT giai đoạn trước đây. Đồng thời, xem xét áp dụng giải pháp giãn nợ, cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ đối với các dự án BOT đang gặp khó khăn do chính sách của Nhà nước thay đổi. Các ngân hàng thương mại đã cung cấp cam kết tín dụng cho nhà đầu tư ở bước sơ tuyển tiếp tục khẳng định và cung cấp tín dụng ở bước đấu thầu, ký hợp đồng tín dụng sau khi nhà đầu tư được công bố trúng thầu, tránh tình trạng nhà đầu tư được chọn không thu xếp được vốn tín dụng, làm lỡ dở việc triển khai các dự án.