GMS được hình thành năm 1992 theo sáng kiến của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), gồm các nước Myanmar, Thái-lan, Lào, Cam-pu-chia, Việt Nam và hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc), với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững, xóa đói nghèo, nâng cao đời sống nhân dân lưu vực sông Mê Công.
GMS có tổng diện tích 2,3 triệu km2, dân số 320 triệu, có các nền văn hóa phong phú, giàu tài nguyên thiên nhiên, có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và hợp tác về thủy điện.
Tại Hội nghị cấp cao GMS lần thứ nhất (GMS-1) tại Phom Penh (Cam-pu-chia) năm 2002, các nước GMS đã xây dựng tầm nhìn về một tiểu vùng thịnh vượng, hài hòa và thống nhất, tăng trưởng kinh tế nhanh, tiến bộ xã hội và phát triển môi trường bền vững.
Tiếp đó, tại Hội nghị GMS lần thứ hai (GMS-2) năm 2005 tại Côn Minh (Trung Quốc), các nước GMS tái khẳng định cam kết thực hiện tầm nhìn GMS, xác định thực hiện chương trình phát triển nhằm phát huy tiềm năng to lớn của mình, xóa đói nghèo và tạo sự phát triển bền vững cho tất cả các nước trong khu vực thông qua việc tăng cường hơn nữa tính liên kết, khả năng cạnh tranh và tính cộng đồng.
Hội nghị GMS-3 lần này thể hiện quyết tâm của các nước GMS đẩy mạnh kết nối liên kết tiểu vùng, lấy kết nối hạ tầng (giao thông, năng lượng, viễn thông...) là nền tảng để triển khai kết nối về nguồn lực, con người qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh của từng nền kinh tế và của cả tiểu vùng.
Hội nghị tập trung thảo luận sáu nội dung chính: Tăng cường kết nối giao thông; Thuận lợi hóa thương mại và giao thông; Hợp tác giữa khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân; Ðào tạo nguồn nhân lực; Quản lý môi trường bền vững và hợp tác, phát triển GMS. Bên cạnh đó, lãnh đạo các nước GMS sẽ đối thoại với Diễn đàn Thanh niên GMS; dự Diễn đàn kinh doanh và đầu tư GMS và dự kiến sẽ ký Tuyên bố chung của Hội nghị...
Kể từ GMS - 2, các chương trình, dự án hợp tác trong khuôn khổ GMS tiếp tục được đẩy mạnh và có hiệu quả thiết thực đối với phát triển kinh tế-xã hội của nước ta cũng như của các nước tiểu vùng nói chung.
Từ năm 1992 đến năm 2006, tổng xuất khẩu của các nước GMS đã tăng 400% so với trước.
Năm 2005, xuất khẩu nội tiểu vùng tăng 15 lần so năm 1992; đầu tư nước ngoài vào GMS tăng lên bảy tỷ USD trong năm 2006 so ba tỷ USD năm 1992; lượng du khách tăng từ 10 triệu năm 1995 lên 22 triệu người năm 2006.
Hơn 15 năm qua, hạ tầng giao thông luôn là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu và cũng là lĩnh vực hợp tác có kết quả nổi bật nhất của GMS, tập trung ba hành lang kinh tế chính, gồm Hành lang kinh tế Ðông- Tây (EWEC), dài 1.450 km, bắt đầu từ thành phố cảng Mawlamyine (Myanmar) chạy qua Thái-lan và tỉnh Savanakhet (Lào) đến cặp cửa khẩu Densavan (Lào)- Lao Bảo (Việt Nam) và qua các tỉnh, thành phố Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế và Ðà Nẵng.
Ðầu năm 2007, với việc hoàn thành của cây cầu quốc tế thứ hai bắc qua sông Mê Công, giao thông đường bộ của hành lang EWEC đã thông suốt và EWEC trở thành hành lang đi vào hoạt động đầu tiên trong Tiểu vùng Mê Công.
Hành lang kinh tế bắc- nam (NSEC), gồm ba tuyến dọc theo trục Bắc- Nam là Côn Minh - Chiềng Mai - Băng-cốc, Côn Minh- Hà Nội- Hải Phòng và Nam Ninh- Hà Nội. Dự kiến hành lang NSEC hoàn thành vào năm 2010.
Hành lang kinh tế phía Nam (SEC) gồm ba tuyến đường nối phía nam Thái-lan qua Cam-pu-chia với Việt Nam, dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2010-2012. Năm 2007, GMS thông qua Chiến lược giao thông Tiểu vùng Mê Công, giai đoạn 2006-2015, điều chỉnh lại quy hoạch các hành lang kinh tế tiểu vùng gồm chín hành lang, với các điểm mới như mở các tuyến liên kết ba hành lang chính trước đây; mở thêm các tuyến mới phía Tây liên kết tiểu vùng Mê Công với Ấn Ðộ.
Ngoài ba cửa ngõ ra biển phía Ðông hiện có là TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Ðà Nẵng, quy hoạch mở thêm hai cửa ngõ mới ở Việt Nam là Thanh Hóa và Quy Nhơn.
GMS cũng tạo thuận lợi thương mại, du lịch.
Ðến nay các nước GMS đã ký ba nghị định thư và các phụ lục Hiệp định tạo thuận lợi vận chuyển người và hàng hóa qua biên giới (ký năm 1999). Trên thực tế, các nước GMS đã bước đầu thực hiện thí điểm những quy định của Hiệp định này về kiểm tra hải quan tại một số cặp cửa khẩu dọc hành lang EWEC là Mukdahan - Savanakhet và Densavan - Lao Bảo. Năng lượng là lĩnh vực hợp tác triển vọng do tiềm năng thủy điện trong tiểu vùng khá lớn. Các nước đã ký Hiệp định thương mại và năng lượng khu vực và Bản ghi nhớ về nguyên tắc cơ bản đối với việc triển khai Hiệp định này.
Ngoài ra, các nước GMS đang nghiên cứu về mạng lưới điện trong ASEAN, nghiên cứu khả thi về phát triển thủy điện và kết nối đường dây truyền tải. Về hợp tác viễn thông, từ năm 2002-2004, các nước GMS đã xúc tiến Dự án nâng cao khả năng hoạch định chính sách trong lĩnh vực viễn thông.
Dự án xây dựng mạng lưới trục viễn thông GMS và Mạng lưới xa lộ thông tin GMS được ưu tiên và được ADB cho vay vốn để thực hiện.
Trong hợp tác phát triển nguồn nhân lực, GMS tập trung chia sẻ kinh nghiệm giáo dục, chuyển giao kiến thức và kinh nghiệm để nâng cao trình độ lao động trong khu vực, tăng cường kiểm soát bệnh truyền nhiễm, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế cho vùng sâu, vùng xa và khu vực dễ bị tổn thương...
Hợp tác du lịch gồm sáu nội dung: Thúc đẩy khu vực GMS trở thành một điểm đến của du khách; Ðào tạo nhân lực; Ðào tạo cán bộ quản lý về bảo tồn và phát triển du lịch; Nghiên cứu phát triển du lịch Mê Công- Lan Thương; Phát triển du lịch tại các vùng quê và phát triển du lịch hành lang bắc - nam.
Hợp tác nông nghiệp có những bước khởi sắc. Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp GMS lần thứ nhất tháng 4-2007 tại Bắc Kinh đã thông qua Khung chiến lược hợp tác nông nghiệp và Chương trình hỗ trợ nông nghiệp giai đoạn 2006-2010, thành lập trang web của mạng lưới thông tin nông nghiệp GMS.
GMS là khu vực có nhiều tiềm năng lớn để phát triển kinh tế. Sự phát triển của các nước và khu vực đều liên quan với nhau và quá trình hợp tác đem lại những lợi ích cho các bên tham gia, trước hết là khai thác sử dụng hợp lý nguồn nước từ sông Mê Công. Kể từ khi cơ chế hợp tác được ADB khởi xướng vào năm 1992, hơn 100 dự án chung đã được thực hiện trong các lĩnh vực như giao thông, năng lượng, truyền thông, môi trường, phát triển nguồn nhân lực, đầu tư và thương mại, du lịch và nông nghiệp với tổng số tiền đầu tư hơn 3,5 tỷ USD, góp phần đẩy nhanh tiến trình hợp tác và mang lại những tiến bộ có ý nghĩa trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo của khu vực GMS.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, GMS đang phải đối mặt một số thách thức như đói nghèo, khoảng cách phát triển và những thách thức đang nổi lên đối với an ninh nhân loại như khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, đặc biệt là việc buôn lậu ma túy và buôn bán người. Việc lây lan các bệnh truyền nhiễm như HIV/AIDS, cúm gia cầm, môi trường và các mối đe dọa về thảm họa thiên tai là những vấn đề nghiêm trọng đòi hỏi sự theo dõi sát sao và phải chuẩn bị đối phó của các nước.
Việt Nam là nước có vai trò quan trọng trong hợp tác GMS cả về vị trí địa lý và tiềm năng kinh tế. Nước ta chủ trương tham gia tích cực vào các khuôn khổ hợp tác Tiểu vùng Mê Công, phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh trong tiểu vùng để phục vụ phát triển xã hội và hội nhập khu vực, tạo điều kiện cho các vùng, các địa phương phát triển, góp phần củng cố quan hệ hợp tác hữu nghị và láng giềng thân thiện với các nước trong khu vực.