Giúp trẻ em vùng cao tiếp tục tới trường

Việc nhiều xã vùng cao của các tỉnh miền núi phía bắc đạt chuẩn nông thôn mới được xác định xã khu vực I, học sinh ở các xã này không còn được hưởng chế độ hỗ trợ của Nhà nước khiến thời gian qua nhiều học sinh nghỉ học do gia đình gặp khó khăn khi đóng góp kinh phí. Để tháo gỡ những khó khăn này, ngành giáo dục, cấp ủy, chính quyền địa phương đang tập trung tìm giải pháp giúp con em đồng bào các dân tộc tiếp tục tới trường. 
 

Một lớp học tại xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát (Lào Cai). Ảnh: QUỐC HỒNG
Một lớp học tại xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát (Lào Cai). Ảnh: QUỐC HỒNG

Do không còn được hưởng chế độ hỗ trợ khi các xã khu vực III, khu vực II chuyển sang khu vực I, nhiều học sinh ở các xã đặc biệt khó khăn mới được công nhận hoàn thành chương trình nông thôn mới tại các tỉnh miền núi đã nghỉ học hoặc đến lớp không đầy đủ.

Nhiều học sinh vùng cao nghỉ học

Thầy giáo Vi Hoài Thanh, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS A Mú Sung, huyện Bát Xát (Lào Cai) cho biết, trong ba tuần đầu năm học mới, tỷ lệ học sinh đi học đạt từ 97% đến 98%. Ngày 27/9, 80 học sinh ở thôn Tùng Sáng và thôn Lũng Pô đồng loạt nghỉ học. Nguyên nhân là do A Mú Sung là xã khu vực III đã đạt chuẩn nông thôn mới từ cuối năm 2020, cho nên từ năm học 2021 - 2022, 129 học sinh bán trú có nhà ở ba thôn là Tùng Sáng, Lũng Pô và Y Giang không còn được hưởng chế độ hỗ trợ tiền ăn bán trú (theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP) bằng 40% mức lương tối thiểu là 596 nghìn đồng và 15 kg gạo/học sinh/tháng như trước, trong khi gia đình các em rất khó khăn, không đóng góp được tiền ăn khi con đến lớp. Nhà trường đã báo cáo cấp ủy đảng, chính quyền xã phối hợp với các ngành, đoàn thể của xã tập trung vận động học sinh ra lớp. Đến ngày 11/10, tất cả 80 em học sinh đã đi học trở lại. Theo tổng hợp của Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai, năm học 2021-2022, tỉnh có 135 nghìn học sinh (chiếm khoảng 60% học sinh toàn tỉnh) không được hưởng chính sách hỗ trợ gạo, tiền ăn, miễn, giảm học phí...

Tại Trường THCS xã Nậm Sỏ, huyện Tân Uyên (tỉnh Lai Châu), mặc dù năm học mới đã được gần hai tháng, song đến thời điểm hiện tại vẫn còn 267 học sinh chưa đến lớp. Phần lớn số học sinh này trước đây thuộc diện ở bán trú. Thầy Đỗ Doãn Lâm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, các giáo viên phải đến từng hộ, từng bản để vận động, tuyên truyền, song số lượng học sinh không ra lớp vẫn còn nhiều. Tại bản Ngam Ca, cùng ở xã Nậm Sỏ, có 49 em học sinh THCS nhưng chỉ có tám em đến lớp. Theo trưởng bản Vàng A Páo, các cháu không đi học do gia đình không có điều kiện để đóng góp cho con. Theo thống kê, bản có 104 hộ thì có 37 hộ thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Như hộ nhà anh Lầu A Sở, thuộc diện hộ nghèo có đến ba cháu đều đi học bán trú, do không có điều kiện nuôi con đi học, cho nên con lớn năm nay lên lớp 6 đành nghỉ ở nhà, nhường cho hai em nhỏ được đến lớp. Nhà chị Giàng Thị Xúa có một con học lớp 8, một con lên lớp 10… do điều kiện quá khó khăn, cả hai cháu đều phải nghỉ học. Cháu Lầu Thị La, học sinh lớp 8 (con gái chị Giàng Thị Xúa) cho biết, bản thân cháu rất muốn được đi học. Tuy nhiên do bố mất sớm, một mình mẹ không đủ sức nuôi hai anh em ăn học, cho nên cháu phải ở nhà giúp mẹ việc nhà.

Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu, tỉnh có 35 xã với 98 trường và 10.203 học sinh các cấp không được hưởng chế độ hỗ trợ. Trong tuần đầu sau khai giảng, các trường: Tiểu học, THCS xã Thu Lũm, huyện Mường Tè, tỷ lệ học sinh bán trú đến lớp đạt mức rất thấp, ngày đông nhất chỉ được 29% số học sinh, ngày vắng nhất chỉ đạt 11%. Tuy nhiên sau gần hai tháng, qua quá trình tuyên truyền vận động, giải thích, đến nay tỷ lệ học sinh của nhiều trường ra lớp đã bảo đảm, chỉ còn gần 750 học sinh các cấp ở các xã bị ảnh hưởng mất chế độ hỗ trợ chưa ra lớp do gia đình không đủ khả năng đóng góp cho các em đến trường.

Giúp học sinh tiếp tục được đến trường

Trước thực trạng này, nhằm tháo gỡ khó khăn trước mắt, UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo ngành giáo dục và đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 29/2020/NQ-HĐND tỉnh về việc “Ban hành quy định các chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 - 2025” để UBND tỉnh xem xét, trình HĐND tỉnh. Trên cơ sở đó, HĐND tỉnh Lào Cai đã ban hành Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND về việc tiếp tục thực hiện hỗ trợ cho học sinh các xã khu vực II, khu vực III hoàn thành nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Theo đó, học sinh, trẻ mầm non tại các xã khu vực II và III dù đã được công nhận hoàn thành nông thôn mới vẫn được hưởng các chính sách đặc thù như: hỗ trợ tiền ăn bằng 20% mức lương cơ sở/học sinh/tháng; hỗ trợ tiền ăn trưa bằng 160.000 đồng/trẻ em/tháng cho trẻ từ 24 - 36 tháng tuổi trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập... Việc ban hành nghị quyết trên được coi là cơ sở để các xã duy trì và nâng cao tiêu chí giáo dục trong xây dựng nông thôn mới. Bởi trên thực tế, mặc dù đã đạt tiêu chí NTM, song các tiêu chí đạt chuẩn chỉ ở mức thấp, đời sống người dân còn khó khăn, hạ tầng chưa đồng bộ. Mặc dù thời gian hưởng hỗ trợ quy định trong nghị quyết này không quá chín tháng trong một năm học và chỉ hỗ trợ trong năm học 2021-2022, nhưng đã giúp tháo gỡ khó khăn trước mắt, nhất là ở thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay.

Tại tỉnh Yên Bái, năm học này có 2.726 học sinh không được hưởng chính sách hỗ trợ gạo và tiền ăn; 6.041 trẻ mầm non không còn được hưởng chính sách hỗ trợ ăn trưa; 10.321 học sinh không được hưởng chính sách miễn, giảm học phí... Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Yên Nông Thu Hà cho biết, huyện đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh bán trú không còn được hưởng chế độ chính sách đến học tại trường, điểm trường gần nhất, giúp 32 học sinh không bỏ học. Ngoài ra, đã tạo điều kiện cho 19 học sinh Trường tiểu học Minh Xuân nhà ở xa trường được ăn bán trú buổi trưa tại trường. Từ cách làm này, không có học sinh bỏ học. Ngành giáo dục và đào tạo huy động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành ủng hộ học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Sau thời gian ngắn, đã huy động được gần 500 triệu đồng; 2.593 bộ sách giáo khoa từ lớp 1 đến 12; hơn 1.700 cuốn vở, 476 bút viết, 276 bút chì, 50 chăn bông, 104 đôi dép; 253 xe đạp giúp các em học sinh.

Tại tỉnh Điện Biên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé Phạm Thiết Chùy cho biết, huyện có xã biên giới Sín Thầu vừa được công nhận xã nông thôn mới, vì vậy từ năm học này 134 học sinh tiểu học, trung học của xã không được hưởng các chính sách hỗ trợ giáo dục. Lường trước nguy cơ học sinh nghỉ học vì gia đình không có điều kiện đóng góp, đầu năm học 2021-2022, Phòng Giáo dục và Đào tạo Mường Nhé đã kêu gọi vận động hỗ trợ sách giáo khoa, vở viết cho học sinh; kêu gọi tổ chức từ thiện Ánh sáng núi rừng hỗ trợ tiền ăn cho 46 học sinh là con em các gia đình ở hai bản A Pa Chải và Lỳ Mạ Tá. Cùng với đó, Ban giám hiệu Trường mầm non và Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học - trung học cơ sở Sín Thầu vận động phụ huynh góp thêm gạo, củi để nấu ăn cho học sinh bán trú. Nhờ đó, đến thời điểm này, Sín Thầu vẫn bảo đảm số học sinh theo học; không em nào nghỉ học hay chuyển trường đi nơi khác vì lý do không có chế độ hỗ trợ.

Giúp trẻ em vùng cao tiếp tục tới trường -0
Chuẩn bị bữa ăn trưa cho học sinh tại điểm Trường tiểu học Huổi Đá, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé (Điện Biên). Ảnh: LÊ LAN

Về lâu dài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Giàng Thị Dung nhấn mạnh, ngành giáo dục và đào tạo cần phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các xã để tuyên truyền, vận động, giải thích đầy đủ kịp thời cho phụ huynh, học sinh. Bên cạnh đó, phối hợp với cấp ủy, chính quyền cấp huyện, xã vận động xã hội hóa, xây dựng các mô hình hỗ trợ học sinh vùng khó khăn để huy động phụ huynh chung tay với nhà trường thực hiện bán trú. Trong những năm học tiếp theo, khi không có sự hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh, cần dự tính các trường ở những xã bị ảnh hưởng có thể quay trở lại thực hiện mô hình trường học bán trú dân nuôi (phụ huynh đóng góp gạo, thực phẩm) để học sinh yên tâm học tập, bám lớp, bám trường.