Tuy nhiên, bên cạnh những người sử dụng thành thạo, có kiến thức, biết chọn lọc thông tin trên internet, thì còn không ít người vì chưa hiểu hết và còn hạn chế kỹ năng thao tác dẫn đến bị lừa đảo hoặc kết nối các trang mạng xã hội có nội dung nhảm nhí, thậm chí phản động dẫn tới vi phạm pháp luật.
Đầu tháng 8/2024, Công an thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Nhơn (68 tuổi) trú tại phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Cũng với tội danh này, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Đà Nẵng khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Đình Trung (66 tuổi), trú phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê. Đáng chú ý, đối tượng Nguyễn Văn Nhơn còn sử dụng trang cá nhân có tên “Cao Tuổi Bản Tin” để đăng tải các video, chia sẻ nhiều bài viết có nội dung cắt ghép, xúc phạm uy tín, bôi nhọ danh dự nhân phẩm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở địa phương.
Đáng nói là trong số những người thường xuyên vào facebook cá nhân của Nhơn có không ít người cao tuổi. Như vậy, dù vô tình hay cố ý, những người này đã lan truyền những thông tin tiêu cực, nội dung cắt ghép, bôi xấu người khác qua bàn tay “nhào nặn” của Nguyễn Văn Nhơn và Nguyễn Đình Trung.
Ở các vùng nông thôn miền trung hiện nay, thay cho điện thoại cũ, nhiều người cao tuổi đã chuyển sang dùng smartphone để đọc báo, vào mạng xã hội, mua bán hàng hóa khá thành thạo, mang lại hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống. Nhưng không ít người lập các hội, nhóm chia sẻ với nhau những video thiếu lành mạnh, luận bàn, trao đổi một số nội dung, vấn đề nổi lên trong đời sống xã hội chưa được kiểm chứng, tin giả hoặc thông tin chưa đầy đủ. Cũng có người do kiến thức trong việc sử dụng mạng xã hội còn hạn chế dẫn tới bị lừa đảo khi mua hàng hóa kém chất lượng, hàng giả.
Chưa có số liệu thống kê nhưng qua tìm hiểu, được biết, người cao tuổi hiện là đối tượng mà tội phạm lừa đảo nhắm đến nhiều nhất thông qua các chương trình khuyến mãi bán hàng giá rẻ, bán một tặng một; bán thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh; thậm chí với thủ đoạn lừa đảo qua mạng, chúng yêu cầu người dân phải chuyển tiền cho đối tượng lạ khi họ “được tặng món quà, bị công an triệu tập hoặc liên quan vụ án nào đó” mà bị hại không mảy may nghi ngờ, rồi chiếm đoạt tiền, tài khoản ngân hàng hoặc thông tin người dùng.
Ở Quảng Bình và một số tỉnh miền trung gần đây, nhờ sự cảnh giác và làm việc có trách nhiệm của các nhân viên ngân hàng, quỹ tín dụng đã ngăn chặn được nhiều vụ người cao tuổi đến xin rút trong sổ tiết kiệm để chuyển tiền cho đối tượng “tặng quà” hay “điều tra viên” giấu mặt.
Qua câu chuyện mà họ tâm sự sau khi được trợ giúp, tránh được một vụ lừa đảo, có người cao tuổi chia sẻ, họ đang thiếu kiến thức, kỹ năng khi sử dụng smartphone và dễ bị mạng xã hội, youtube, thậm chí là tiktok mê hoặc, dẫn đến bị “sập bẫy” hoặc bị “đầu độc” bởi các thông tin nhảm nhí, bịa đặt.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên đã tổ chức các lớp hướng dẫn kỹ năng sử dụng smartphone và dùng mạng xã hội cho người cao tuổi. Các bạn trẻ chính là người trực tiếp hướng dẫn để giúp người cao tuổi nhuần nhuyễn các thao tác chuyển tiền, mua sắm hàng hóa, đồ ăn bằng điện thoại; sử dụng có chọn lọc thông tin trên mạng xã hội tránh các rủi ro. Qua các lớp hướng dẫn, các bạn đoàn viên đã giúp cho nhiều người cao tuổi ở Thành phố Hồ Chí Minh nắm bắt, tận dụng cơ hội và sự tiện ích của công nghệ thông tin mang lại.
Cách làm và kinh nghiệm của Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cần được nhân rộng để hướng dẫn, trợ giúp người cao tuổi sử dụng điện thoại thông tin và mạng xã hội một cách thành thạo, có chọn lọc và phục vụ hữu ích cho cuộc sống.