Tết không xa nhà
Ngày cuối năm, 150 đoàn viên, người lao động đến từ các tổ công nhân tự quản khu nhà trọ đại diện cho nhiều công nhân, lao động khác đang làm việc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng không về quê ăn Tết, đã cùng đến dự chương trình “Tết không xa nhà”.
Đây không chỉ là một cuộc gặp gỡ, giao lưu, động viên, chia sẻ với lực lượng lao động các tỉnh đang làm việc tại Đà Nẵng, không có điều kiện trở về quê nhà để đón Tết cùng gia đình. “Tết không xa nhà” còn là cầu nối tình cảm giữa người lao động với người thân ở quê hương, để mặc dù không thể về quê đón Tết nhưng vẫn cảm nhận được sự gần gũi, ấm áp của tình thân, cảm nhận được sự động viên, chia sẻ của các cấp công đoàn thành phố.
Vợ chồng chị Dương Thị Mai đang làm công nhân đều quê ở Hà Tĩnh. Năm nay, kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng đến gia đình chị, công ty của chồng chị giảm đơn hàng cho nên cũng không thể tăng ca để có thêm thu nhập. Hai con chị đang học cuối cấp, mọi chi phí trong nhà cũng cao hơn, lương kiếm được không đủ trang trải, cả nhà chị quyết định Tết này ở lại Đà Nẵng.
Sau những chia sẻ của cá nhân, điệu hò ví dặm chợt vang lên, chị Mai rơi nước mắt, đó là hình ảnh cha mẹ ở quê nhà được chương trình về tận quê ghi lại. Mặc dù hiện nay việc hằng ngày gọi điện thoại về nhà, có thể thấy được người thân đã rất thuận tiện, nhưng khi thấy hình ảnh cha mẹ trên màn hình lớn do thành phố thực hiện, làm chị xúc động hơn. Lắng nghe những lời gửi gắm, động viên của cha mẹ hai bên nội ngoại để cả nhà yên tâm ở lại Đà Nẵng, chị Mai và cả hội trường rất xúc động, bởi hôm nay, tất cả mọi người ở đây cũng không ai về quê và cũng đều có cha mẹ hoặc con cái nơi quê nhà.
Chị Dương Thị Mai chia sẻ: “Những ngày này, cả nhà cũng nhận được nhiều sự quan tâm, giúp đỡ và những suất quà Tết từ thành phố, các cấp, ngành, cả khu nhà trọ đang ở cho nên gia đình tôi cảm thấy ấm áp hơn rất nhiều”.
Ông Nguyễn Thanh Dũng, Tổ trưởng Tổ tự quản số 1 (quận Liên Chiểu), đang có rất nhiều công nhân thuê trọ. Ông Dũng là người nhìn thấy rõ nhất cuộc sống của những công nhân, lao động đang ở đây, nhiều gia đình phải làm thêm việc sau giờ làm để có thêm thu nhập.
Giáp Tết Nguyên đán, ông nhanh chóng lập danh sách những người ở lại, những hoàn cảnh khó khăn để gửi lên các cấp công đoàn liên quan cũng như ở địa phương để có những chương trình hỗ trợ. Đồng thời, ông cũng nấu bánh chưng cùng cả khu trọ, tặng cho mỗi phòng. “Năm nào cũng vậy, từ 27-29 tháng Chạp nhà tôi lại mua nguyên liệu, cùng các thành viên xóm trọ không về quê gói bánh chưng, làm mâm cúng tất niên. Đầu năm tôi sẽ ghé từng phòng lì xì. Cảm nhận sự vui vẻ của các cháu khi đó, chúng tôi cũng thấy vui lây. Mong rằng những sự sẻ chia này góp phần cho các cháu cảm thấy yên tâm hơn khi chọn Đà Nẵng làm nơi sinh sống, lập nghiệp” - ông Nguyễn Thanh Dũng tâm sự.
Gần 100 tỷ đồng chăm lo Tết
Các cấp công đoàn toàn thành phố đã sôi nổi tổ chức nhiều hoạt động, nhiều hình thức chăm lo theo chương trình “Tết sum vầy-Xuân chia sẻ” với mong muốn kịp gửi đến người lao động 20.000 suất quà mà công đoàn thành phố chuẩn bị. Đến nay, 100% số đoàn viên, người lao động đều được đơn vị của mình trao những suất quà; hơn 40.000 phiếu mua hàng cũng đã được trao cho người lao động mua sắm tại hai phiên Chợ Tết Công đoàn.
Từ ngày 22 đến 29 tháng Chạp, những “Chuyến xe Công đoàn” cũng sẵn sàng khởi hành chở người lao động và người thân về quê đón Tết; đồng thời, 1.000 suất quà tặng cũng được trao đến người lao động, nữ công nhân đơn thân ở các tổ tự quản khu nhà trọ. Tổng ngân sách công đoàn các cấp chăm lo Tết 2024 cho người lao động là gần 100 tỷ đồng.
Bên cạnh chăm lo Tết, thời gian tới, Công đoàn thành phố sẽ tiếp tục tham gia cùng UBND thành phố thúc đẩy chương trình nhà ở công nhân, nhà trẻ cho con công nhân và dành nguồn lực để đào tạo nghề lại cho những lao động không may mất việc làm để có thể chuyển đổi nghề…
Bà Đinh Thị Thanh Hà, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động thành phố Đà Nẵng cho biết: “Công đoàn toàn thành phố đã chủ động chăm lo Tết cho người lao động rất sớm, thực hiện khảo sát nhu cầu để đưa ra những mô hình phù hợp từng đối tượng và tạo sự lan tỏa đến các cấp, ngành và người lao động. Chúng tôi mong rằng tất cả người lao động sẽ đón một năm mới nhiều sức khỏe, niềm vui và nhiều may mắn”. Với những nỗ lực chung của Công đoàn thành phố cũng như các cấp, các đơn vị trong hoạt động chăm lo Tết, mong rằng, dù ít dù nhiều thì ai cũng có Tết và hy vọng vào một năm mới với nhiều khởi sắc hơn.