Giúp di sản văn hóa lưu truyền đến mai sau

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa tổ chức hội nghị lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định mới về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Nhiều ý kiến có giá trị đã được gửi tới ban tổ chức cho thấy sự quan tâm ngày càng lớn của xã hội đối với những người đang giữ nhiệm vụ lưu truyền di sản văn hóa của dân tộc.
0:00 / 0:00
0:00
Biểu diễn Đờn ca tài tử tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Biểu diễn Đờn ca tài tử tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Đông Nam Bộ là khu vực có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, nhất là ở các tỉnh như Bình Phước, Đồng Nai,… Chính vì thế, các loại hình văn hóa dân tộc ở vùng đất này cũng rất phong phú, đa dạng, tạo nên một không gian văn hóa đặc sắc của khu vực. Tuy nhiên, cũng như nhiều vùng đất khác, việc bảo tồn, phát triển các loại hình di sản này đang gặp rất nhiều trở ngại khi những nghệ nhân truyền dạy đang ngày một thưa dần.

Cụ thể như, âm nhạc của đồng bào Xtiêng ở Bình Phước đang dần mai một khi những nghệ nhân âm nhạc nắm giữ nghệ thuật cổ truyền không còn người thừa kế. Ngay như ở môn nghệ thuật Đờn ca tài tử, dù vẫn đang tồn tại, phát triển mạnh mẽ trong đời sống hôm nay ở nhiều tỉnh, thành phố Đông Nam Bộ nhưng những nghệ nhân đờn, nghệ nhân ca có tay nghề cao hiện còn lại không nhiều. Trong khi đó, công tác chăm sóc cho lực lượng này như chế độ, đào tạo thế hệ trẻ vẫn chưa được quan tâm đúng mức cho nên những nghệ nhân tâm huyết ngày càng thưa dần, trong khi đội ngũ kế cận vẫn là một khoảng trống không nhỏ.

Nghị định mới về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú có nhiều nét mới phù hợp với điều kiện thực tế so với Nghị định 62/2014/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân dân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể sau 10 năm triển khai đã bộc lộ nhiều bất cập.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến của đại biểu cho rằng, trong dự thảo Nghị định mới cần có những quy định sát với thực tế hơn về tiêu chuẩn xét Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú như quy định về thời gian được xét tặng, khi cá nhân rời cơ quan nhà nước.

Nhiều đại biểu đóng góp ý kiến sát thực tế, khi rời cơ quan Nhà nước phải tới 15 năm mới được xét tặng danh hiệu thì quá dài đối với một nghệ nhân. Song song đó, các đại biểu cũng mong muốn Nghị định mới quan tâm đến những người truyền dạy đang công tác tại các trung tâm văn hóa ở các tỉnh, thành phố. Đây là những người được đào tạo bài bản và đang thực hành truyền dạy ở các trung tâm văn hóa.

Họ vẫn không phải là nghệ sĩ chuyên nghiệp, cho nên nếu họ muốn được xét danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ sĩ nhân dân thì phải thi cử để có huy chương, điều này rất khó thực hiện. Cho nên, nếu chúng ta đánh đồng chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp, chỉ bởi vì họ được đào tạo bài bản, thì đối tượng này sẽ bị lọt sổ, thiệt thòi.

Di sản văn hóa phi vật thể là vốn quý của dân tộc, nhân loại. Việc gìn giữ bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình này, chính là chúng ta đang giữ gìn hồn cốt của dân tộc mình. Để thực hiện được điều đó, đòi hỏi Nhà nước cần quan tâm nhiều hơn nữa, phải có nhiều chính sách đồng bộ nhằm bảo đảm cho công tác bảo tồn, lưu truyền được hiệu quả. Trong đó, việc chăm lo, xây dựng đội ngũ nghệ nhân truyền dạy là khâu rất quan trọng, mang yếu tố quyết định, vì chính các nghệ nhân sẽ là những người giúp cho các di sản văn hóa của cha ông được gìn giữ và lưu truyền đến mai sau.