Tháng 3/2021, nhà văn Phương Huyền lần đầu đưa chương trình “Trò chuyện với tương lai” đến với hơn 1.000 học sinh Trường trung học phổ thông Lê Hồng Phong (thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình). Trong phần làm quen với học sinh toàn trường, chị đưa ra câu hỏi: “5 năm nữa, 10 năm nữa, bạn là ai? Bạn muốn trở thành người như thế nào? Hãy ngồi xuống viết cho mình một bức thư”. Mỗi học sinh sẽ viết một bức thư cho tương lai của mình và gửi bài dự thi về cho giáo viên.
Trong thư, bạn thoải mái nói về ước mơ mà chẳng lo bị ai phán xét, chê bai. Từ ước mơ đó, bạn đặt mục tiêu cho cuộc đời rằng: “Bạn muốn trở thành người như thế nào?”. Bên cạnh phần tổ chức thi viết thư, nhà văn Phương Huyền còn trò chuyện, lắng nghe những mong muốn và lời tâm sự từ các bạn trẻ trước ngưỡng cửa cuộc đời. Áp lực thi cử, tâm lý sợ thua bạn bè hay không biết nên chọn hướng đi nào cho tương lai… từng thắc mắc của học sinh được nữ nhà văn cùng khách mời trả lời theo cách chân tình, gần gũi nhất. “Sau khi học sinh viết xong, tôi đưa ra yêu cầu với nhà trường là thầy, cô bắt buộc phải đọc những bức thư đó để hiểu rõ mong muốn, khó khăn của các em. Nhà trường sẽ chọn khoảng 20 bức thư xuất sắc nhất gửi về chương trình. Phần thưởng cho các bức thư không quá lớn, thường là sách. Đó là cách để nhà trường lắng nghe, khơi gợi ước mơ trong các bạn trẻ; đồng thời, đưa ra sự định hướng phù hợp, giúp các em bước đi tự tin, vững chãi hơn”, nhà văn Phương Huyền chia sẻ.
Một tháng sau, “Trò chuyện với tương lai” tiếp tục đến với các bạn học sinh tại 4 trường trung học phổ thông khác thuộc tỉnh Ninh Thuận. Chọn các ngôi trường phần lớn học sinh là con em đồng bào thiểu số, nhà văn Phương Huyền mất khá nhiều thời gian làm quen, tương tác. Nhưng khi bớt rụt rè, học sinh đặt ra nhiều câu hỏi và tự tin thể hiện ước mơ của bản thân khiến chị bất ngờ, thích thú. Tại mỗi trường, chị tổ chức các hoạt động khác nhau để tạo sự tò mò, hào hứng trong học sinh. Có trường thì đọc sách, vẽ ước mơ bằng tranh; trường khác lại chia nhóm thuyết trình hoặc lắng nghe câu chuyện từ khách mời rồi viết thư về ước mơ…
Ngày trở về Thành phố Hồ Chí Minh, nhận được những dòng tin nhắn từ thầy Nguyễn Trung Dũng, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở-trung học phổ thông Đặng Chí Thanh (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận), nhà văn Phương Huyền rơi nước mắt vì xúc động. Thầy hiệu trưởng gửi rất nhiều hình ảnh chụp thư được học trò viết nắn nót, tự hào nói về ước mơ của bản thân kèm theo lời nhắn: “Mình không nghĩ một cuộc thi viết nhỏ mà lại khiến một cán bộ quản lý giáo dục như mình phải suy nghĩ nhiều như thế. Đọc thư mà thấy thương các em vô cùng”. Ngay lúc ấy, chị biết, mình cần cố gắng gấp bội để đưa chương trình đến với thật nhiều bạn trẻ.
Muốn chương trình không chỉ gói gọn tại các điểm trường mà còn lan tỏa tới học sinh bậc trung học phổ thông ở mọi miền đất nước, nhà văn Phương Huyền đề xuất cơ quan cho thực hiện chuyên mục “Thư gửi tương lai” trong chương trình “Sài Gòn buổi sáng” của Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Chuyên mục này trích phát thư của các bạn học sinh và thêm phần chia sẻ từ các chuyên gia về vấn đề liên quan đến sức khỏe, tâm lý trước kỳ thi… Nhận về phản hồi tích cực từ thính giả mọi miền, đến năm 2022, chuyên mục nhỏ ban đầu được nhà báo Phương Huyền xây dựng thành chương trình có thời lượng 30 phút và lấy tên là “Trò chuyện với tương lai”. Dựa trên câu chuyện thực tế trích trong các bức thư, từ đó, nữ biên tập viên sẽ trò chuyện với học sinh và giáo viên, phụ huynh trên sóng phát thanh. Chị còn mời về phòng thu các chuyên gia, giáo viên Ngữ văn để nâng cao chất lượng phần giao lưu.
Đưa chương trình về phòng thu đồng nghĩa sẽ thêm rất nhiều đầu việc nhưng không vì thế mà nhà văn Phương Huyền quên lời hẹn với các trường, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi có nhiều học trò nghèo thiếu cơ hội tiếp cận thông tin hướng nghiệp. Năm học 2023-2024, đôi chân không mỏi của chị tiếp tục hành trình cùng bạn trẻ “vẽ” ước mơ tại khoảng 20 trường học thuộc các tỉnh, thành phố là Phú Yên, Gia Lai, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Bến Tre. Từ năm 2024, bên cạnh nhóm đối tượng chính là học sinh bậc trung học phổ thông, chương trình còn mở rộng cho học sinh bậc trung học cơ sở tại nhiều cơ sở giáo dục ở Thành phố Hồ Chí Minh. Thay đổi nhóm đối tượng, nhà văn Phương Huyền cũng linh hoạt cách tiếp cận để nội dung chương trình phù hợp, thiết thực hơn.
Chị Phương Huyền nói: “Khi tôi đưa ra ý tưởng thực hiện chương trình, bạn bè, người quen đều ủng hộ. Trước ngày tôi lên đường, mọi người góp chút quà gửi gắm học sinh. Đó là sách, là học bổng hay vài món quà. Sự ủng hộ của mọi người lớn dần. 4 năm qua, rất nhiều tủ sách, học bổng, phần quà đã cùng chương trình đến với học trò vùng sâu, vùng xa”.