Hiện nay, tổng diện tích chè của tỉnh Thái Nguyên đạt hơn 21 nghìn ha, trong đó diện tích chè đang cho thu hoạch đạt gần 19 nghìn ha, với sản lượng 210 tấn/năm. Các sản phẩm chè Thái Nguyên có mặt trên 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và các thị trường xuất khẩu truyền thống. Nhận thức rõ việc sản xuất chè an toàn là vấn đề sống còn, người trồng chè Thái Nguyên từ khá lâu đã quen với mô hình trồng, sản xuất trà sạch, theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, người nông dân, người sản xuất và kinh doanh chè đều ý thức được việc sử dụng bao bì mẫu mã có vai trò quan trọng thế nào trong việc tiếp thị, giới thiệu sản phẩm đi liền với cam kết về chất lượng, tiêu chuẩn an toàn. Toàn tỉnh hiện có hơn sáu nghìn ha chè sạch, chè an toàn cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Việc thâm canh và chuyển đổi cơ cấu cây chè trong những năm qua đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích từ 82 triệu đồng/ha năm 2011 lên 120 triệu đồng/ha năm 2016.
Bên cạnh phát triển đồng bộ sản xuất, chế biến, tiêu thụ gắn với áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tỉnh Thái Nguyên đặc biệt quan tâm đến việc tạo dựng hình ảnh và bảo vệ thương hiệu “Chè Thái Nguyên” thông qua việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Đến nay, nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” được đăng ký bảo hộ tại nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc… Cùng với nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” và chỉ dẫn địa lý “Chè Tân Cương”, nhiều sản phẩm chè trong tỉnh như La Bằng, Trại Cài, Vô Tranh, Phổ Yên, Tức Tranh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo vệ nhãn hiệu tập thể.
Hằng năm, tỉnh Thái Nguyên và các huyện có diện tích trồng chè lớn trong tỉnh tổ chức các hoạt động quảng bá sản phẩm và thương hiệu chè Thái Nguyên như “Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam” thu hút nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu tham gia. Tại các hội chợ, nhiều đơn hàng lớn được ký kết, góp phần nâng cao vị thế của sản phẩm chè trong tỉnh. Vừa qua, tại Hội chợ chè quốc tế khu vực Bắc Mỹ tổ chức tại Ca-na-đa, sản phẩm chè của Thái Nguyên đã đạt giải bạc.
Mặc dù diện tích và sản lượng chè tăng đều qua từng năm, nhưng chưa đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Phần lớn các sản phẩm chè được chế biến tại các hộ gia đình, với quy mô nhỏ, chất lượng không đồng đều nên giá trị không cao. Hiện có tới 80% sản phẩm chè Thái Nguyên tiêu thụ ở thị trường trong nước, 20% được xuất khẩu chủ yếu tại các thị trường truyền thống như Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Hầu hết các doanh nghiệp chế biến chè ở Thái Nguyên đều không chủ động vùng nguyên liệu. Sản lượng chè xuất khẩu của Thái Nguyên đang có xu hướng giảm dần, bình quân mỗi năm giảm khoảng 2% về sản lượng. Do thiếu chủ động trong việc phát triển vùng nguyên liệu, sản xuất chủ yếu nhỏ lẻ, manh mún theo mô hình hộ gia đình, cho nên không đáp ứng được yêu cầu của các bạn hàng lớn. Theo bà Ngô Thị Hường, chủ cơ sở sản xuất chè Tân Cương Thắng Hường tại xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên, thời gian qua có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đặt vấn đề nhập khẩu số lượng lớn chè thành phẩm chất lượng cao, nhưng do các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Nguyên nhân do thiếu vốn và không có sự đầu tư bài bản từ khâu nguyên liệu, cây giống, thu hái và chế biến. Đây cũng là điểm yếu của các cơ sở trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả của sản phẩm chè.
Theo Viện Chính sách chiến lược, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bản thân chè truyền thống của Thái Nguyên đã khá đa dạng với các loại trà móc câu (trà đinh), trà búp (một tôm hai lá), trà xanh… song chúng ta chưa tìm, chọn cho được một mẫu mã thống nhất, đủ sức hấp dẫn cũng như việc bảo đảm chất lượng chung cho các loại trà Thái Nguyên. Việc phát triển, sáng tạo mới từ sản phẩm truyền thống, để đa dạng hóa hình thức sản phẩm cũng cần được khuyến khích. Thái Nguyên hoàn toàn có thể sản xuất các loại: trà tươi, trà khô, trà Ôlong, trà tẩm ướp, tinh bột trà, bánh hương vị trà…
Bà Đỗ Thị Đức Lý, Giám đốc Công ty chè Tân Cương Hoàng Bình, xã Quyết Thắng, thành phố Thái Nguyên, cho rằng, mặc dù doanh thu của doanh nghiệp đạt gần 30 tỷ đồng/năm, trong đó xuất khẩu chiếm tới 30%, nhưng hiện nay các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về cơ chế chính sách. Vì vậy, cần có quy hoạch cụ thể và giao cho các doanh nghiệp triển khai, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ từ khâu cây giống, phân bón, khoa học công nghệ nhằm nâng cao chất lượng của các sản phẩm chè. Có cơ chế giao đất cho doanh nghiệp xây dựng vùng chè mẫu, chuyên canh, hỗ trợ vốn cũng như ưu đãi về thuế nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, nhất là tại thị trường quốc tế.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Đoàn Văn Tuấn, hiện nay tỉnh đã hoàn tất Quy hoạch phát triển ngành chè đến năm 2020, trong đó xác định cây chè là cây thế mạnh của tỉnh và tập trung đầu tư để phát triển theo hướng bền vững, nâng cao năng suất và chất lượng. Bên cạnh việc mở rộng diện tích chè chất lượng cao, hướng tới các thị trường xuất khẩu mới, tiềm năng, tỉnh tập trung đầu tư xây dựng Tân Cương trở thành vùng sản xuất chè chất lượng cao kết hợp du lịch sinh thái. Tập trung các nguồn lực, đầu tư khoa học - kỹ thuật công nghệ cao vào các vùng chè chủ lực, nhất là thu hút đầu tư của các doanh nghiệp và hợp tác xã vào chuỗi liên kết sản xuất chè, khuyến khích đầu tư vào khâu chế biến sâu và tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng và thực hiện tốt cơ chế quản lý, để bảo vệ và phát triển thương hiệu chè Thái Nguyên là một trong những thương hiệu chè uy tín trong nước và quốc tế.
“Khâu đột phá để ngành chè Việt Nam nói chung và chè Thái Nguyên nói riêng phát triển bền vững không nằm ở kỹ thuật mà phải làm từ khâu tổ chức, với sự tham gia tích cực của chính quyền địa phương”. TS ĐẶNG KIM SƠN |
“UBND tỉnh sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình hỗ trợ ngành chè phát triển, trong đó tiếp tục đầu tư hỗ trợ cho các chương trình sản xuất chè sạch như mô hình sản xuất chè VietGAP”. NGÔ QUANG HẢI |
“Đề nghị các ngành chức năng tăng cường tập huấn cho người trồng chè, nhất là các kiến thức trồng chè sạch, chè an toàn cho năng suất và chất lượng cao”. LÊ THỊ HƯƠNG |