Chỉ số hài lòng của người dân (SIPAS) của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu năm 2023 đạt 88,64%, xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố, tăng 10 bậc so với năm 2022; xếp thứ 1/6 tỉnh, thành phố khu vực vùng Đông Nam Bộ.
Trong đó, có 7/8 lĩnh vực điểm số đều cải thiện so với năm 2022 gồm: Công tác chỉ đạo điều hành cải cách hành chính; cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; tác động của cải cách hành chính đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Sở Nội vụ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đánh giá, chỉ số SIPAS năm 2023 có sự cải thiện đáng kể về tỷ lệ và thứ hạng so với năm 2022 đối với hai nội dung về xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách và cung ứng dịch vụ hành chính công với các tiêu chí thành phần, được người dân hài lòng, đánh giá cao hơn năm 2022.
Theo Sở Nội vụ tỉnh, để đạt được kết quả đó, địa phương đã thực hiện tốt một số tiêu chí về công tác chỉ đạo điều hành thực hiện các nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; triển khai áp dụng hiệu quả nhiều mô hình sáng kiến, cách làm hay trong cải cách hành chính; tổ chức nhiều hội nghị đối thoại doanh nghiệp, tiếp xúc với người dân để kịp thời giải quyết các phản ánh, kiến nghị.
Công tác thanh tra, kiểm tra của tỉnh được thực hiện thường xuyên, đã khắc phục nhiều hạn chế trong cải cách hành chính; theo dõi thi hành pháp luật, rà soát xử lý kịp thời văn bản trái pháp luật, thực hiện tốt kiểm soát thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, có tỷ lệ hồ sơ đúng hạn cao.
Tỉnh tích cực sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị, thực hiện cơ cấu công chức, viên chức theo vị trí việc làm bảo đảm tiến độ và quy định. Giải ngân vốn ngân sách nhà nước đạt tỷ lệ cao, thực hiện cơ chế tự chủ tại đơn vị sự nghiệp công lập đúng theo quy định. Tỉnh thực hiện tốt việc phát triển các ứng dụng, dịch vụ trong nội bộ cơ quan nhà nước để phục vụ người dân, mức độ thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp đạt kết quả cao.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Vũng Tàu cho biết, năm 2023, thành phố đã tiếp nhận 86.898 hồ sơ, tỷ lệ trả kết quả hồ sơ đúng hẹn đạt 99,83%, đây là con số ấn tượng nhất từ trước đến nay. Đạt được kết quả này là sự cố gắng không ngừng nghỉ của toàn thể cán bộ công chức, viên chức và cả hệ thống chính trị thành phố Vũng Tàu, thể hiện rõ ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong nhiệm vụ xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, vì nhân dân phục vụ.
Bên cạnh việc thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo, chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, thành phố Vũng Tàu còn làm tốt công tác dân vận gắn với cải cách hành chính. Theo đó, địa phương đã thực hiện tốt mô hình “cà-phê cùng doanh nhân”. Các phường, xã cũng có nhiều mô hình, cách làm hay như “giờ làm việc thứ 9”, “Ngày không viết”, “Công dân không viết”, “Ngày thứ hai không viết, ngày thứ sáu không chờ”, “Ngày thứ bảy lắng nghe dân nói”...
Ông Đỗ Hữu Hiền, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhận định, mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, song công tác tuyên truyền, triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin vẫn còn một số hạn chế, khó khăn. Công tác tuyên truyền về chuyển đổi số của các cấp, các ngành được quan tâm nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đa dạng về hình thức, chậm đổi mới về nội dung, phương thức, dẫn đến hiệu quả chưa cao. Việc thuê trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh còn chậm so với quy định. Một số sở, ngành chưa kịp thời xây dựng cơ sở dữ liệu ngành, dẫn đến dữ liệu vẫn đang quản lý rời rạc, theo hình thức thủ công.
Về chỉ số SIPAS, bên cạnh sự hài lòng về xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách và cung ứng dịch vụ hành chính công, lãnh đạo Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ cũng chỉ ra những bất cập, hạn chế cần sớm được khắc phục. Cụ thể, năm 2023, tỉnh đạt các chỉ số ở mức cao nhưng duy trì được là rất khó khăn.
Do đó, tỉnh cần đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành, chuyển hóa thành hành động, kết quả cụ thể; chấn chỉnh tình trạng đùn đẩy, thiếu trách nhiệm; triển khai các nhiệm vụ đồng bộ, quyết liệt, bám sát chỉ đạo của Trung ương, ưu tiên nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách. Chuyển đổi số vừa là nhiệm vụ cải cách hành chính vừa là phương tiện thúc đẩy cải cách hành chính ở các ngành, lĩnh vực khác như số hóa, trực tuyến, xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu…
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khẩn trương rà soát ngay các hạn chế, thiếu sót, xác định rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân để có các giải pháp khắc phục xong trong tháng 6 năm 2024; tăng cường gặp gỡ, đối thoại với người dân, doanh nghiệp, kịp thời giải quyết các phản ánh, kiến nghị, đồng thời tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp được tham gia đối thoại, đóng góp ý kiến về các vấn đề phát triển kinh tế-xã hội; Rút ngắn thời gian giải quyết, đơn giản hóa thành phần hồ sơ thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến đầu tư, kinh doanh giúp giảm thời gian, chi phí của người dân và doanh nghiệp.
Cùng với đó, tỉnh cần rà soát, đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho phù hợp; nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ trong thực thi công vụ, khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.