Vượt dốc Nậm Đông cao vút để về Túc Đán, một địa bàn trọng điểm của huyện Trạm Tấu, chúng tôi được Thiếu tá Lương Ngọc Tuấn, Trưởng Công an xã cho hay: Xã có hơn 600 hộ đồng bào H’Mông, Khơ Mú sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo cao, người nghiện ma túy vẫn còn, một số nơi người dân vẫn chưa được sử dụng điện lưới… Để bảo đảm an ninh cơ sở, mới đây quân số chính quy được tăng cường với tám đồng chí.
Ngoài việc tham mưu trúng, đúng, sát việc cho Đảng ủy xã, các cán bộ công an xã thường xuyên bám bản "ba cùng" với nhân dân, phối hợp nhân viên kiểm lâm, Ban quản lý bảo vệ rừng, dân quân xã tuần tra bảo vệ khu vực giáp ranh, qua đó, phát hiện, ngăn chặn kịp thời đối tượng xuất cảnh trái phép, việc buôn bán vận chuyển lâm sản trái phép, nhất là việc có người lạ vào địa bàn truyền đạo và hoạt động không hợp pháp.
Trong công tác đấu tranh với tội phạm về ma túy, Công an xã phối hợp các lực lượng tổ chức tuần tra, phát hiện, nhổ bỏ diện tích cây thuốc phiện trồng trái phép tại khu vực giáp ranh với xã Ngọc Chiến, huyện Mường La (Sơn La), cách trụ sở Ủy ban nhân dân xã đến 30 km đường dốc núi, nhiều nơi chỉ là đường mòn đi bộ.
Do địa bàn có số người sử dụng ma túy khá nhiều, là nguy cơ trực tiếp nảy sinh nhiều loại tội phạm xã hội, Công an xã đã triển khai các công tác nghiệp vụ, tiến hành đưa 24 người nghiện vào cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh; quản lý, răn đe 35 người có biểu hiện sử dụng các chất ma túy.
Bí thư Đảng ủy xã Thào A Tài cho biết, nhờ có lực lượng của công an chính quy cho nên trong hai năm qua xã đã thu hồi được 27 súng tự chế, xử lý pháp luật 26 vụ mua bán, sử dụng, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy, với gần 40 đối tượng. Đây là điều mà 10 năm về trước không làm được, bởi các đối tượng phạm tội đều liên quan đến dòng họ, người nhà của công an viên và cán bộ xã, khiến việc đấu tranh, bóc gỡ, xử lý tội phạm này rất khó khăn, chưa ra quân thì đã bị lộ kế hoạch.
Vừa đi nắm tình hình ở bản Tống Ngoài về, Thượng úy Thào A Giao chia sẻ, nhờ nắm rõ phong tục, tập quán của đồng bào H’Mông, biết tiếng đồng bào nên rất thuận lợi trong trao đổi, nhất là khi gặp gỡ các hộ đang gặp khó khăn để giúp đỡ, đề xuất kịp thời các vướng mắc trong việc xóa đói, giảm nghèo, các hộ khó khăn về đất sản xuất, nước sinh hoạt, cũng như công tác bảo vệ rừng... Cùng với đó, lực lượng chức năng đã phối hợp, kiên trì bám địa bàn, xây dựng các cơ sở nắm thông tin, cho nên các báo cáo đều có tính chính xác, rõ người, rõ việc, tính dự báo cao, qua đó giúp lãnh đạo có quyết sách đúng, kịp thời xử lý các vấn đề mới nảy sinh ngay từ cơ sở.
Để bảo đảm an ninh, chính trị ở địa bàn vùng cao, Công an huyện đã duy trì, củng cố hoạt động 15 mô hình "Tổ nhân dân tự quản về an ninh, trật tự" tại 12 xã, thị trấn trên địa bàn với 110 thành viên tham gia. Các mô hình như: "Thôn tự phòng, tự quản, tự bảo vệ về an ninh trật tự" tại thôn Trống Trong, xã Túc Đán; "giám sát an ninh" tại xã Trạm Tấu; mô hình "ba xây, hai chống" ở bản Pa Khoang, xã Túc Đán (xây dựng đời sống nhân dân đoàn kết vì cộng đồng, xây dựng nếp sống văn hóa văn minh, xây dựng lực lượng nòng cốt để bảo đảm bảo vệ an ninh Tổ quốc...). Đến nay, đã công khai 70 biển thông báo số điện thoại an ninh, 46 tổ hòa giải với 244 thành viên, 57 đội dân phòng với hơn 700 thành viên…
Thượng tá Lò Trung Kiên, Trưởng Công an huyện Trạm Tấu cho biết: Trong sáu tháng đầu năm 2023, qua 91 buổi tuyên truyền vận động, đã có gần 12.500 lượt người được tiếp cận thông tin về các chính sách mới ban hành của Đảng và Nhà nước, nhất là các lĩnh vực liên quan tôn giáo, chính sách dân tộc, chính sách xóa đói, giảm nghèo… Từ đó, đồng bào vùng cao đã hiểu và tuân thủ pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, đồng bào an tâm sản xuất.
Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Công an huyện Trạm Tấu đã tập trung thực hiện tốt công tác phòng ngừa tội phạm; đồng thời, chủ động nắm tình hình, kịp thời tham mưu giải quyết ổn định các vụ tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện; tham mưu, triển khai thực hiện hiệu quả Thông tư số 124 của Bộ Công an quy định về khu dân cư, xã, phường, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn "An toàn về an ninh trật tự", tạo môi trường thuận lợi, phục vụ có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội ở địa bàn miền núi còn nhiều khó khăn ở tỉnh Yên Bái.