Gìn giữ tiếng quê hương

Trong suốt hơn 20 năm qua, ông bà Cấn Văn Kiệt và Cấn Anh Claudine hằng tuần dành nhiều công sức dạy tiếng Việt cho cả người Việt và Pháp với mong muốn gìn giữ tiếng quê hương cho con em Việt kiều. Dù công việc rất vất vả, ông bà coi đó là niềm vui và tự hào vì ngày càng có thêm những người bạn Pháp, hiểu và đến với Việt Nam.

Hai ông bà Cấn Văn Kiệt và Cấn Anh Claudine dạy học cho một cháu bé Việt kiều.
Hai ông bà Cấn Văn Kiệt và Cấn Anh Claudine dạy học cho một cháu bé Việt kiều.

Xuất thân từ một gia đình có bố mẹ đều là nhà giáo, ông Cấn Văn Kiệt sang Pháp học, rồi tham gia các hoạt động của Hội người Việt Nam tại Pháp từ năm 1965 tới nay. Sau khi đất nước thống nhất, vào năm 1981, Hội người Việt Nam tại Pháp giao cho ông và một số người thành lập một số công ty. Nhờ có lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh, ông thành lập Nhà Việt Nam với nhiệm vụ duy trì hoạt động kinh doanh với trong nước, đồng thời nhập sách báo, đồ thủ công mỹ nghệ và tổ chức các buổi hội thảo về văn hóa, triển lãm tranh ảnh.

Ngay từ năm 1981, các lớp học tiếng Việt đã được mở tại Nhà Việt Nam. Từ năm 1981 đến 1997, ông Kiệt chưa trực tiếp dạy tiếng Việt, chủ yếu tập trung vào công việc kinh doanh, kiếm tiền cho hoạt động của Nhà Việt Nam. Từ năm 1997, sau khi Nhà Việt Nam không còn hoạt động, ông mở Công ty Galerie de la Maison du Viet Nam chuyên bán sách báo, tổ chức triển lãm ở quận 5, Paris. Đó là lúc ông bà chính thức tổ chức các lớp học. Cho tới nay, ông đã có 522 học trò, tuổi từ 20 - 75, còn bà có khoảng 40 học trò. Có nhiều người theo học bảy - tám năm, không chỉ biết đọc, viết, nói thành thạo tiếng Việt mà còn dịch được những tác phẩm văn học Việt Nam nổi tiếng sang tiếng Pháp.

Chia sẻ về mục tiêu dạy tiếng Việt, ông Kiệt cho biết: “Đối với con em Việt kiều sinh ra và lớn lên ở Pháp, tôi dạy tiếng Việt để các cháu biết văn hóa, ngôn ngữ, qua từ ngữ, tục ngữ, ca dao để từ đó hiểu được phong tục của Việt Nam và góp phần giữ được bản sắc dân tộc. Con cháu của Việt kiều đến học tiếng Việt với chúng tôi là hình thức về nguồn, biết họ hàng, quê hương của bố mẹ. Học tiếng Việt cũng là để biết, học được lễ nghĩa của người Việt”.

Tám năm qua, hai ông bà dạy tiếng Việt tại Hội quán ở Paris của Hội người Việt Nam tại Pháp, một địa chỉ rất thân quen với bà con Việt kiều và bạn bè Pháp. Ông Kiệt cho biết: “Dạy ở nhà cũng được, nhưng ở đây có đầy đủ cơ sở vật chất, có nhiều tranh ảnh, tư liệu, nhất là ảnh Bác Hồ, chùa Một Cột... là những biểu tượng của Việt Nam. Như vậy, người học sẽ hiểu rõ hơn về truyền thống lịch sử, văn hóa đầy tự hào của đất nước chúng ta. Vợ tôi thì dạy trẻ từ 4 - 5 tuổi, học đạo đức, cách cư xử trong gia đình, ở trường và ngoài xã hội. Đối với người Pháp, bên cạnh việc học ngôn ngữ Việt thuần túy, họ được học thêm văn hóa và lịch sử. Vì muốn họ trở thành bạn thì phải giới thiệu lịch sử của đất nước mình, để họ biết rằng, người Việt Nam có truyền thống lịch sử rất hào hùng, luôn yêu chuộng hòa bình”.

Trong suốt hơn 20 năm dạy tiếng Việt, ông bà có nhiều kỷ niệm khó quên, như câu chuyện cảm động về việc thể hiện lòng hiếu thảo của ông Jean-Jacques Picart, một Việt kiều có mẹ quê ở Bắc Ninh, sang Pháp từ nhỏ và có tiếng trong lĩnh vực thời trang ở Pháp. Ông Kiệt nhớ lại: Năm 2010, ông Jean-Jacques Picart nhờ tôi tư vấn làm sao để tỏ lòng thành kính với mẹ trong buổi lễ nhận Bằng khen của Nhà nước Pháp. Tôi đã gợi ý đặt mua một chiếc khăn đống may ở Gò Vấp và học thuộc lòng hai câu tiếng Việt “Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Tại buổi lễ có gần 400 người tham dự, ông xin phép nói mấy câu tiếng Việt. Mẹ của ông mặc áo dài, đội khăn, đã khóc và mọi người cũng rất xúc động. Còn tôi rất vui và tự hào vì một người gốc Việt có dịp nói lên tấm lòng với cha mẹ bằng tiếng mẹ đẻ. Những kỷ niệm như vậy luôn là động lực giúp tôi trong quá trình dạy tiếng Việt.

Đến thăm lớp học tiếng Việt của ông bà đúng vào dịp các cháu đang háo hức học những câu tiếng Việt thường nói trong ngày Tết, từ cửa tôi đã nghe vang những câu hát mừng đón Tết. Trên bảng, bà giáo đã viết những câu: Năm hết - Tết đến/Hân hoan mỗi nhà/Năm hết - Tết đến/Mẹ may áo mới/Năm hết - Tết đến/Chứa chan niềm vui/Chúc nhau bao lời/Mùa xuân đã về.

Sang Pháp học, rồi tham gia hoạt động hướng về quê hương của Hội người Việt Nam tại Pháp từ năm 1965, ông Kiệt đã được trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Ngoại giao năm 2003 vì đã có thành tích xuất sắc trong việc dạy tiếng Việt, gìn giữ và giới thiệu văn hóa Việt Nam tại Pháp. Ông bộc bạch: “Chúng tôi chỉ là những hạt cát nhỏ trong dòng lịch sử, hướng đi chung của đất nước, tôi luôn mong muốn người Việt ở đây gìn giữ tiếng quê hương, người dân Pháp và trên thế giới trở thành bạn của Việt Nam”.