Sắc xuân đã về, trải dài trên khắp các buôn, làng Tây Nguyên. Vụ mùa bội thu, năm nay giá các loại nông sản, nhất là giá cà-phê tăng cao mang thêm niềm vui lớn cho đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Ðắk Lắk.
Mùa xuân về với buôn làng
Trở lại huyện Cư Kuin những ngày đầu năm mới, ở các buôn, làng nhiều nhà có thêm xe gắn máy, xe công nông; nhà khá giả thêm xe ô-tô, nhà xây khang trang, sạch đẹp. Một năm bốn mùa cà-phê, cau, tiêu, sầu riêng mang lại cuộc sống ấm no, đủ đầy hơn cho bà con các dân tộc trên vùng đất đỏ bazan này.
Hoàn tất thu hoạch cà-phê cuối mùa, vợ chồng anh Ma Dôn ở buôn Kram, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin kịp chuyển hơn một tấn cà-phê cho công ty thu mua. Chịu khó làm ăn, chăm sóc vườn tiêu, cà-phê, vợ chồng anh dành dụm nuôi ba người con học hành chu đáo. Cả cuộc đời gắn với nghề nông vất vả, anh mong các con được học hành đầy đủ để có kiến thức, nghề nghiệp vững vàng hơn.
Anh Ma Dôn chia sẻ: "Mình không đi học, không biết chữ cho nên phải đầu tư cho con đi học, để phát triển hơn mình. Ðảng, Nhà nước mở nhiều trường học thì mình cố gắng cho con theo, làm gì thì cũng cần kiến thức, hiểu biết".
Rất vui khi vụ cà-phê năm nay thắng lớn, anh Ma Dôn chia sẻ với chúng tôi, cũng với diện tích như mọi năm, nhưng năm nay giá cà-phê tăng cao mức lịch sử, đạt khoảng 115 triệu đồng/tấn cà-phê nhân, gia đình anh có thêm điều kiện chăm sóc các con học hành và sắm sửa đầy đủ để đón Tết cổ truyền thêm đầm ấm, vui vẻ.
Huyện Cư Kuin có tám xã, trong đó có sáu xã vùng I, vùng dân tộc thiểu số, với bốn buôn đặc biệt khó khăn. Với nhiều nỗ lực, năm 2024 kinh tế huyện Cư Kuin tiếp tục tăng trưởng, tổng giá trị sản xuất hơn 11.400 tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ; sản xuất nông nghiệp vượt kế hoạch đề ra, giá cà-phê, tiêu, cau… tăng cao, nâng thu nhập cho người dân, doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp địa phương.
Các cấp ủy, chính quyền cơ sở đổi mới phương thức hoạt động, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững, tăng cường nắm tình hình cơ sở, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, các chính sách dân tộc, tôn giáo…
Vừa xong mùa cà-phê cuối năm, anh Y Fruim Bya ở buôn Ea Khít, xã Ea Bhốk bận rộn chăm sóc vườn tiêu chuẩn bị kỳ thu hoạch mới. Sau khi học xong cao đẳng, anh Y Fruim Bya trở về quê nhà làm ăn, sinh sống. Từ nền tảng kiến thức đã học và tiếp cận khoa học, kỹ thuật qua các kênh thông tin, anh ứng dụng nhiều giải pháp chăm sóc, trồng tiêu, cà-phê, sầu riêng đạt năng suất cao hơn.
Anh chia sẻ: "Sau khi học xong tôi không làm đúng nghề, nhưng với kiến thức, tư duy đã học giúp tôi nhìn rộng hơn, hiểu biết nhiều hơn, từ đó chọn lựa hướng đi, giải pháp phù hợp để làm kinh tế. Bà con ở đây, ai cũng muốn gắn bó lâu dài với vùng đất này".
Ðược sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương, tất cả các gia đình, buôn làng trong huyện, trong tỉnh đã đổi mới tư duy làm kinh tế, năng suất, chất lượng các loại cây trồng cao hơn, đồng thời năm nay giá các loại nông sản đều ở mức cao, nông dân ở Ðắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung đều có thu nhập khá, nhiều gia đình thu nhập vài tỷ đồng nhờ trồng sầu riêng, cà-phê, hồ tiêu… Ðời sống nâng lên nên Tết đến, Xuân về bà con mua sắm đón Tết đầy đủ, ấm cúng hơn.
Bí thư Ðảng ủy xã Ea Tiêu Nguyễn Văn Dũng cho hay: Năm 2024, xã Ea Tiêu về đích trong xây dựng nông thôn mới; thu ngân sách khoảng 8 tỷ đồng, vượt 200% so với kế hoạch. Ðiều này có ý nghĩa quan trọng vì xã sẽ có nguồn ngân sách tái đầu tư hạ tầng giao thông, giáo dục, văn hóa và thực hiện các chính sách an sinh-xã hội. Năm 2025, chính quyền và nhân dân xã phấn đấu đưa xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Đoàn kết xây dựng buôn làng giàu đẹp, bình yên
Tỉnh Ðắk Lắk là địa bàn chiến lược, trọng yếu về quốc phòng, an ninh, chính trị, phát triển kinh tế-xã hội không chỉ với Tây Nguyên mà đối với cả nước. Toàn tỉnh có 49 dân tộc anh em cùng sinh sống, gắn bó lâu đời trên vùng đất cao nguyên này.
Xác định đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề quan trọng và xuyên suốt trong quá trình đổi mới phát triển đi lên, những năm qua, tỉnh Ðắk Lắk đã thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế, xã hội, đại đoàn kết dân tộc gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh tới tận từng buôn làng.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 921 già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Ðây là những hạt nhân, người gương mẫu, là cầu nối chuyển tải chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân trong buôn để cùng nhau xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn bình yên cho buôn làng.
Gần cả cuộc đời gắn bó với vùng đất này, bà H Blăk Niê ở buôn Kram, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin được bà con trong buôn gọi thân mật là Mí Bưng. Với Mí Bưng, để có uy tín với bà con buôn làng thì cán bộ ở cơ sở cần gương mẫu, nói đi đôi với làm. Bà luôn động viên bà con chuyên tâm làm ăn, người khá rồi thì phát triển khá hơn, vươn lên làm giàu, người nghèo thì nỗ lực làm ăn vươn lên khấm khá.
Mí Bưng bày tỏ: "Muốn bà con nghe thì mình phải làm gương, đi trước. Người dân chưa hiểu hay nghèo khó dễ bị kẻ xấu lợi dụng, xúi giục, cho nên phải làm sao để họ có cuộc sống ổn định. Tâm đắc nhất của tôi là Ðảng, Nhà nước có chính sách rõ ràng, về tới dân, hỗ trợ nhiều cho dân. Năm mới tôi mong Ðảng, Nhà nước quan tâm thực hiện chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số nhiều hơn nữa và đồng bào cũng cần tự lực, tự cường hơn để vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, bình yên ở ngay buôn làng mình".
Là người có uy tín, được bà con tin tưởng từ nhiều năm nay, ông Y Jiên Niê buôn Jung B, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin góp nhiều công sức vun đắp tình làng nghĩa xóm, xây dựng mối đoàn kết, gắn bó cộng đồng.
Mong muốn bà con buôn làng yêu thương, giúp đỡ nhau, ông luôn cố gắng chia sẻ, giải thích để người dân hiểu chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Theo ông Y Jiên Niê: "Khi Nhà nước làm đường giao thông thì người dân cùng hiến đất để đồng hành, góp sức. Tôi hiến đất rồi vận động bà con làm theo để mở rộng đường sá, vận động con em trong làng từ bỏ những việc làm chưa đúng, trở về buôn làng chí thú làm ăn khá hơn. Khi người dân hiểu và đồng hành cùng chung sức xây dựng thì buôn làng ngày càng giàu đẹp, cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, bình yên hơn".
Cùng gìn giữ buôn làng, già làng, người có uy tín là những trụ cột giữa cộng đồng củng cố vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc.
Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và sự đồng thuận của nhân dân, năm 2024, tỉnh Ðắk Lắk vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đưa kinh tế-xã hội tiếp tục duy trì phát triển và đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Tổng sản phẩm GRDP đạt hơn 145.300 tỷ đồng, tăng 19,53% so với năm 2023 và đứng đầu khu vực Tây Nguyên; tổng sản lượng lương thực có hạt gần 400 nghìn tấn. Ðồng thời, những nỗ lực xây dựng kết cấu hạ tầng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phục vụ cuộc sống nhân dân được triển khai tốt hơn. Bên cạnh đó, chính quyền cơ sở bám chắc địa bàn, đấu tranh phòng ngừa các âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với an ninh nhân dân ngày càng vững chắc.
Những năm qua, cùng với việc đẩy nhanh phát triển kinh tế, xã hội, chăm lo, nâng cao đời sống về mọi mặt cho nhân dân và xây dựng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn, tỉnh Ðắk Lắk đã ban hành chương trình hành động, kế hoạch nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm xây dựng và phát triển Tây Nguyên là vùng phát triển nhanh, bền vững; đồng thời thực hiện các chủ trương, chính sách có tính đột phá; liên kết phát triển vùng, tiểu vùng; điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng Tây Nguyên.
Ðể đạt được các mục tiêu đề ra, trong năm 2025, tỉnh Ðắk Lắk phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt 6,8%, thu nhập bình quân đầu người 81,7 triệu đồng/năm; thu ngân sách trên địa bàn 8.700 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3% trở lên; phấn đấu đến cuối năm 2025 toàn tỉnh có 90/149 xã đạt chuẩn nông thôn mới và bốn đơn vị cấp huyện hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Cùng với đó, tỉnh tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, chủ động nắm bắt tình hình nhất là các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự; đề cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn âm mưu chống phá của các thế lực thù địch.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ðắk Lắk Nguyễn Thiên Văn khẳng định: Ðể gìn giữ, bảo vệ cuộc sống bình yên của buôn làng, ngoài những giải pháp về phát triển kinh tế-xã hội thì công tác dân vận, sự gắn kết với nhân dân, lắng nghe và hành động thay đổi theo nhu cầu chính đáng của nhân dân là những điều quan trọng. Bên cạnh đó, tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII về đổi mới, sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Qua đó nhằm xây dựng hệ thống chính trị thông suốt, vững mạnh từ tỉnh đến cơ sở, có trách nhiệm đối với nhân dân, gần dân, bám nắm buôn làng xây dựng, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.