“Gieo chữ” giữa đại ngàn Tây Nguyên

NDO -

NDĐT - Đưa ánh mắt xa xăm nhìn vào những ngôi nhà gỗ ván ghép lại, nhiều thầy, cô giáo rưng rưng nước mắt nói: “Trời đã chuyển mùa, khí hậu bắt đầu lạnh, nhưng nhiều em đi học vẫn không có áo ấm. Nhà các em nghèo, cơm không có ăn, áo không có mặc. Có em cả tuần đi học chỉ có một bộ đồ duy nhất”.

 Để đến trường học chữ, con em đồng bào dân tộc ở thôn Ea Rớt, xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đác Lắc phải băng rừng, lội suối.
Để đến trường học chữ, con em đồng bào dân tộc ở thôn Ea Rớt, xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đác Lắc phải băng rừng, lội suối.

Những lời tâm sự ấy của các thầy, cô giáo ở xã vùng sâu Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đác Lắc khiến lòng tôi co thắt lại. Bởi cuộc sống của đồng bào các dân tộc giữa đại ngàn Tây Nguyên không còn gặp khó khăn như trước đây nữa, nhưng đâu đó ở những thôn, buôn vùng sâu, vùng xa, một bộ phận người dân vẫn chưa thoát được cảnh đói nghèo nên việc học chữ của con em họ cũng bấp bênh như đi trên những sườn núi cao chót vót chênh vênh, gập gềnh giữa đại ngàn Tây Nguyên vậy.

Từ Ea Rớt…

Trường tiểu học Cư Pui 2 phân hiệu tại thôn Ea Rớt (xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đác Lắc) có bốn phòng học được dựng bằng những phên gỗ, mái lợp tôn, nền bằng đất sét. Hiện tại, trường có khoảng 250 học sinh là con em dân tộc Mông, Dao, Mường từ các tỉnh miền núi phía bắc đi xây dựng vùng kinh tế mới từ những năm 90 của thế kỷ trước. Từ điểm trường chính nằm gần trung tâm xã Cư Pui, để đến được phân hiệu này phải băng rừng hơn 20 km. Đường nhấp nhô, dốc dựng đứng, có đoạn nhầy nhụa bùn đất, có đoạn vắt vẻo bắt ngang qua mấy con suối. Tiếng xe máy rú ga hết cỡ từ từ lăn bánh vào khu cư xá, đã thu hút hàng trăm ánh mắt tò mò của các em học sinh. Cạnh đó không xa, tiếng giảng bài của các thầy, cô giáo trẻ, tiếng đánh vần của các em học sinh đã xua tan cái không khí hoang vu, hẻo lánh của buôn làng xa xôi, heo hút này.

Nơi các thầy, cô ở là căn nhà cấp 4 cũ kỹ, những mảng tôn bắt đầu rỉ sét, nhiều nơi đã xuất hiện những lỗ thủng nhỏ mà bất đắc dĩ tôi phải ngước nhìn khi những tia nắng rọi chiếu vào mặt. Nhà có ba cái giường, một cái bàn và một cái bếp than là nơi sinh hoạt của các thầy, các cô ở nơi đây. Thầy giáo Đỗ Văn Trung, giáo viên dạy ở trường, cho biết: “Trường hiện có bảy thầy, cô tuổi đời khá trẻ, từ 25 đến 30 tuổi, sống ở các huyện như Krông Bông, Krông Pách và có người ở tỉnh Quảng Ngãi đã tình nguyện về đây dạy chữ để đem lại ánh sáng cho các em học sinh. Dù mỗi người mỗi cảnh, mỗi quê, nhưng lên đây các thầy, cô giáo rất đoàn kết vì cùng xác định chung nhiệm vụ là dạy chữ cho con em đồng bào các dân tộc sinh sống tại đây. Ở đây, các em được học chương trình theo chuẩn chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có điều các em là người đồng bào, sống ở vùng cao, thường tách biệt với cuộc sống bên ngoài nên nhiều thứ các em bỡ ngỡ lắm. Cũng có những em lúc đến lớp chưa biết tiếng Việt, thầy cô đứng trên giảng bài nhưng các em vẫn ngơ ngác, hỏi gì cũng không nói. Sau khi kiểm tra mới thấy các em không biết nói tiếng Kinh. Lúc đó mình chỉ còn cách là sắp xếp cho em ngồi với những bạn học khá hơn để kèm cặp. Ngoài giờ dạy trên lớp, tối đến các thầy, cô giáo còn đến từng hộ gia đình khuyên các phụ huynh nên tập nói tiếng Kinh ở nhà cho các em quen dần”.

Dạy và học ở vùng sâu với vô vàn khó khăn, vất vả, nhưng điều lo lắng nhất của giáo viên là vấn đề đường sá. Cô Đoàn Thị Phước, nhà ở xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông, tâm sự: “Đường lên Trường tiểu học Cư Pui 2 nhiều gấp khúc, có chỗ dốc dựng đứng rất nguy hiểm. Mùa nắng còn đỡ chứ mùa mưa khổ lắm, đường rừng nhầy nhụa, trơn trượt rất khó đi. Để đến trường vào mùa mưa, các thầy, cô trong trường phải sử dụng xích quấn vào bánh xe mới có thể đi được. Mình lên đây dạy đã hai năm nhưng ba lần bị té, chân tay bầm dập hết”.

Thôn Ea Rớt không có điện, không có sóng nên máy di động của các thầy, cô luôn trong tình trạng “thuê bao quý khách vừa gọi hiện ngoài vùng phủ sóng”. Muốn liên lạc, họ phải leo lên đỉnh đồi. Chiếc laptop hiệu HP được kì vọng là nơi cung cấp thông tin, giải trí cũng đành tạm cất vào một góc vì không có điện để hoạt động. Cô Đoàn Thị Phước kể: “Lúc đầu lên đây công tác ai cũng sợ và nản chí. Ở đây địa hình hiểm trở lại hoang vu. Đường xá lại khó đi, điện chẳng có, sóng điện thoại chập chờn có cũng như không. Nhiều lúc muốn gọi về cho gia đình cũng phải leo hàng trăm mét lên đỉnh đồi mới liên lạc được. Sau một thời gian dạy thì quen dần, lại thấy thương các em nên các giáo viên chúng tôi tự động viên nhau cố gắng để dạy cho các em biết chữ. Dạy ở đây phải có cái tâm và lòng yêu trẻ mới bám trụ được”.

Trong số 250 học sinh đang theo học tại đây thì có nhiều em nhà cách xa trường khoảng năm, bảy cây số đường rừng. Một phần vì đường xá xa xôi, một phần do gia đình chưa quan tâm đến chuyện học hành của con cái nên tình trạng các em nghỉ học xảy ra thường xuyên. Lật cuốn sổ theo dõi quá trình học tập, cô Phước cho biết: Ngoại trừ lúc trời mưa to, gió lớn là các em được nghỉ học, nhưng cũng có nhiều trường hợp các em tự ý nghỉ học. Trong số bảy lớp thì lớp nào cũng xảy ra tình trạng này nên các thầy, cô giáo phải xuống tận nhà để tìm hiểu nguyên do. “Mình phải xuống nhà hỏi tình hình. Nếu để các em nghỉ nhiều thế nào cũng bỏ học. Mình xuống để động viên, vận động các em đi học để biết chữ. Dù biết là khó, là khổ nhưng vì thương các em nên chúng tôi vẫn cố gắng hết sức”, cô Phước tâm sự.

Dạy học ở đây, được cùng sống và gắn bó với học sinh, các thầy, cô luôn tâm niệm xem các em như con, cháu của mình. Bởi thế, nhìn các em thiếu thốn, thiệt thòi đủ thứ so với trẻ em cùng trang lứa, không thầy, cô nào cầm được nước mắt và ai cũng trăn trở muốn làm một chút gì đó cho các em. Đợt Trung thu vừa rồi, tập thể giáo viên cùng góp tiền mua bánh kẹo để tặng cho các em, lửa trại đốt lên giữa khuôn viên trường, mấy chục em học sinh cùng cầm tay nhau nhảy múa, ca hát vang vọng khắp núi rừng hoang sơ.

… đến Năm Tầng

“Gieo chữ” giữa đại ngàn Tây Nguyên ảnh 1

Nhiều con em đồng bào dân tộc ở thôn Năm Tầng, xã Đác R’la, huyện Đác Mil học hành trong những ngôi nhà tạm ngoài nương rẫy.

Rời trường tiểu học Cư Pui 2, xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đác Lắc, tôi xuôi về tỉnh Đác Nông và ghé thăm thôn Năm Tầng ở xã Đác R’la, huyện Đác Mil. Chỉ hai năm trước đây, trong thôn chỉ có một phân hiệu nhỏ của trường tiểu học, đến nay thôn Năm Tầng đã được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, đầu tư xây dựng mới một ngôi trường phổ thông cơ sở khang trang làm nơi học tập cho con em bà con dân tộc Dao, Mông nơi đây. Tuy nhiên, để con chữ “neo đậu” được nơi đây là cả một sự nỗ lực lớn của các thầy giáo, cô giáo.

Theo người dân địa phương thì trước đây, khu vực Năm Tầng này chỉ có vài nóc nhà của đồng bào dân tộc Mông, Dao, Tày di cư tự do từ các tỉnh miền núi phía bắc vào phá rừng làm rẫy và dần dần người thân, bà con ngoài quê vào thăm rồi ở lại lập nghiệp, đông dần nên hình thành thôn Năm Tầng. Do nằm cách xa trung tâm xã, giao thông đi lại hết sức khó khăn, nên thời gian đầu khi tại đây chưa có trường học, để đến trường con em trong thôn phải đi vòng qua huyện Cư Giút rồi ngược lại xã tổng cộng gần 40 km đường dốc đá, ngập nước, trơn trượt và lầy lội mới có trường học. Trước việc đi lại khó khăn của học sinh, từ một phân hiệu nhỏ, năm 2013 Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đác Mil đã quyết định nâng cấp và thành lập một ngôi trường mới phổ thông cơ sở Nguyễn Khuyến tại thôn Năm Tầng, đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào dân tộc nơi đây. Trong năm học mới 2014-2015 này, toàn trường có 14 lớp với 241 học sinh tiểu học, 60 học sinh mẫu giáo và 48 học sinh THCS.

Thầy giáo Phạm Văn Mạnh, Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông cơ sở Nguyễn Khuyến chia sẻ: “Để mang con chữ đến với con em đồng bào nơi đây, các giáo viên của trường phải trải qua biết bao khó khăn, gian khổ và chỉ có những người thực sự yêu nghề, yêu trẻ mới gắn bó được với vùng đất này. Bởi hằng ngày đến trường, nhất là vào mùa mưa Tây Nguyên, đường giao thông lầy lội, trơn trượt, giáo viên phải gửi xe cách trường khoảng 5 km, rồi tay xách nách mang hành lý, giáo án đi bộ vào trường”. Cô giáo Đào Thị Thúy Kiều, người đã gắn bó với nghề dạy học ở thôn Năm Tầng nhiều năm nay vẫn ám ảnh bởi con đường: “Nhiều hôm vào đến trường, quần áo bê bết bùn đất, chân tay bầm dập vì té xe va phải đá. Đã vậy, đời sống của giáo viên “cắm bản” ở đây cũng hết sức khó khăn, do giao thông cách trở, hàng quán còn ít nên cả tuần quanh đi quẩn lại cũng chỉ có mì tôm và cá khô thôi”. Đời sống của giáo viên tuy khó khăn nhưng còn đỡ hơn nhiều so với đồng bào trong thôn.

Thôn Năm Tầng là vùng kinh tế khó khăn, địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, để lo cái ăn trước mắt, nhiều hộ dân vào làm nhà ở trên rẫy tận trong rừng sâu, không có đường đi. Đặc biệt vào mùa mưa, một số khu vực gần như bị chia cắt, cô lập hoàn toàn. Muốn đến trường, hằng ngày con em họ phải vượt hàng chục km đường rừng, đèo dốc, suối sâu. Điều này đã làm nản lòng không ít học sinh nên việc học sinh bỏ học hoặc vắng học nhiều ngày là chuyện bình thường ở đây. Mặt khác, người dân trên địa bàn chủ yếu làm nông nghiệp nên những em học sinh từ lớp 4 đến lớp 7 thường xuyên nghỉ học để phụ giúp gia đình theo mùa vụ. Vì vậy, bước vào đầu mỗi năm học, các thầy, cô giáo thường xuyên tổ chức các đợt đi đến từng nhà để vận động con em tới trường. Cô giáo Cao Thị Thanh Huyền cho biết: “Ngoài dạy học, giáo viên ở đây còn kiêm thêm nhiệm vụ đi vận động học sinh đến trường. Cứ vài ngày, thấy sĩ số lớp vắng hay một em vắng hai buổi không có giấy xin phép là giáo viên phải đến nhà, thậm chí theo lên tận rẫy xin phép bố mẹ cho em quay lại lớp học. Nhiều em ở xa trường, giáo viên đi vận động gặp mưa gió không về được, xin ngủ lại trong nhà dân là chuyện bình thường ở đây”. Không những vậy, ngoài giờ lên lớp hoặc vào các ngày nghỉ cuối tuần, các thầy, cô giáo nhà trường thường xuyên xuống các nhà dân, thậm chí cùng lên nương, lên rẫy lao động giúp bà con sản xuất để tìm hiểu phong tục, tập quán, ngôn ngữ sinh hoạt hằng ngày của đồng bào Mông, Dao phục vụ cho việc dạy học hiệu quả hơn.

“Gieo chữ” giữa đại ngàn Tây Nguyên ảnh 2

Dù còn gặp nhiều khó khăn, vất vả, nhưng các thầy giáo, cô giáo vẫn ngày đêm bám trường, bám buôn làng “gieo chữ” cho con em đồng bào dân tộc giữa đại ngàn Tây Nguyên.

Tôi rời thôn Năm Tầng khi mặt trời khuất dần sau dãy núi xa thẳm ở phía tây. Sau những ngày ròng rã rong ruổi khắp các buôn, bản làng vùng sâu ở Tây Nguyên, tôi nhận ra một điều: trong cuộc sống sôi động, tấp nập hôm nay vẫn có những thầy giáo, cô giáo chấp nhận hy sinh, sẵn sàng nhận thiệt thòi về mình, ngày đêm bám trường, bám buôn, bản để “gieo” con chữ cho con em đồng bào dân tộc giữa đại ngàn Tây Nguyên. Và động lực giúp các thầy, cô giáo vượt qua mọi khó khăn chính là niềm hy vọng “con chữ” sẽ làm thay đổi được cuộc đời và những vùng đất còn nhiều gian khó này.