Giao lưu trực tuyến về tăng tuổi nghỉ hưu

NDO -

NDĐT- Từ 9 giờ đến 11 giờ sáng nay, 21-5, Báo Nhân Dân phối hợp Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động. Đây là một trong những nội dung trong Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) thu hút sự quan tâm của xã hội.

Giao lưu trực tuyến về tăng tuổi nghỉ hưu

Mang chủ đề “Lựa chọn lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp”, các chuyên gia tới từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ giải đáp các thắc mắc của bạn đọc về những nội dung đáng quan tâm trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Trong đó, nổi bật là đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ); lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, thời gian cụ thể bắt đầu áp dụng lộ trình này, quyền nghỉ hưu và những quy định nào để tạo điều kiện để người lao động thực hiện quyền này…

Bên cạnh đó còn là những băn khoăn của độc giả như việc tăng tuổi nghỉ hưu liệu có tác động nhiều đến cơ hội việc làm của giới trẻ; định hướng nào về chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp tuyển dụng những lao động cao tuổi…

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang được công bố lấy ý kiến rộng rãi của người dân gồm 17 chương, 221 điều (giảm 21 điều so với hiện hành). Trong đó, đã sửa đổi, bổ sung 162 điều trong tất cả các chương, sửa đổi hai điều của Luật Bảo hiểm xã hội liên quan đến điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu. Bộ luật Lao động hiện hành gồm 17 chương và 242 điều.

Bộ luật Lao động lần này được sửa đổi cơ bản, toàn diện nhằm góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy thị trường lao động phát triển; giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành sau năm năm áp dụng trên thực tế và tạo khung pháp lý thông thoáng, linh hoạt hơn về tuyển dụng, sử dụng lao động góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh. Cùng với đó, bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ và người sử dụng lao động; hài hòa lợi ích của NLĐ và người sử dụng lao động phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay để xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Qua đó, đáp ứng các yêu cầu thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 về các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong lĩnh vực lao động và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Liên quan đến quy định về tuổi nghỉ hưu, theo đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu sẽ được điều chỉnh theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi hưu.

Vệc điều chỉnh cần có tầm nhìn dài hạn và lộ trình phù hợp với tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thất nghiệp. Đặc biệt, phương án phải không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động, bảo đảm số lượng, chất lượng và cơ cấu dân số; bình đẳng giới; cân đối quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn…

Bạn đọc quan tâm về vấn đề này, vui lòng truy cập Báo Nhân Dân điện tử www.nhandan.org.vn để đặt câu hỏi trực tiếp, hoặc gửi câu hỏi về địa chỉ email nhandandientutiengviet@gmail.com hoặc qua fanpage của Báo Nhân Dân điện tử https://www.facebook.com/nhandandientutiengviet/.

* Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đề xuất hai phương án tăng dần tuổi nghỉ hưu của NLĐ (NLĐ) trong điều kiện làm việc bình thường từ năm 2021. Lộ trình này sẽ thực hiện dần dần, cho tới lúc nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Có hai phương án để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Phương án 1: Kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi ba tháng đối với nam và đủ 55 tuổi bốn tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm ba tháng đối với nam và bốn tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Phương án 2: Kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi bốn tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm bốn tháng đối với nam và sáu tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Dự thảo Bộ luật cũng quy định quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá năm tuổi đối với NLĐ bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt.

NLĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, NLĐ làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt có quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá năm tuổi.

Đúng 9 giờ sáng nay, 21-5, chương trình giao lưu trực tuyến, với chủ đề “Lựa chọn lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp” do Báo Nhân Dân phối hợp Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức đã chính thức bắt đầu. Chương trình có sự tham gia của các khách mời: đồng chí Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội; Đồng chí Điều Bá Được, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam; Đồng chí Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Giao lưu trực tuyến về tăng tuổi nghỉ hưu ảnh 1

Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Vụ trưởng, Trưởng Ban Nhân Dân điện tử phát biểu khai mạc Chương trình giao lưu trực tuyến:

Trước hết cho phép tôi được chân thành cảm ơn các quý vị đã có mặt tại buổi giao lưu ngày hôm nay.

Kính thưa các quý vị,

Như quý vị đã biết, Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, được các cơ quan tiếp thu và chỉnh lý để trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến trong kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV vừa khai mạc ngày hôm qua, ngày 20-5.

Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) đề xuất nhiều nội dung mới, song chúng tôi chọn đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu để thảo luận, vì đây là nội dung đang nhận được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân và người lao động.

Kính thưa các quý vị,

Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, coi đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước, thể hiện tính ưu việt, bản chất tốt đẹp của chế độ ta.

Về nội dung đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã nêu rõ: "Ðiều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình phù hợp với tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thất nghiệp; không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động; bảo đảm số lượng, chất lượng và cơ cấu dân số; bình đẳng giới; cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn; xu hướng già hóa dân số; tính chất, loại hình lao động và giữa các ngành nghề, lĩnh vực".

Nghị quyết số 28-NQ/TW cũng chỉ rõ: "Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu; đối với những ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm, hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung".

Theo tinh thần này, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cũng cần phù hợp quy mô, cơ cấu, chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động Việt Nam, tránh phải điều chỉnh đột ngột lên mức quá cao trong tương lai, bảo đảm góp phần ổn định chính trị - xã hội.

Mặt khác, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cũng cần tính đến bảo vệ nhóm lao động yếu thế; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp thuận lợi trong quá trình tuyển dụng, sử dụng lao động, từng bước hình thành thị trường lao động đồng bộ và lành mạnh.

Việc điều chỉnh nào cũng cần bảo đảm tính khả thi trong thực thi các điều kiện, tiêu chuẩn lao động; bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật Việt Nam, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội và thể chế chính trị của Việt Nam, đặc biệt là các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản.

Việc hoàn thiện và trình Quốc hội cho ý kiến về Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này, cũng là nhằm thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về hội nhập kinh tế quốc tế, về cải cách chính sách tiền lương, về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và kiến tạo khung pháp luật về lao động nhằm phát triển đồng bộ, liên thông thị trường lao động, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Từ những quan điểm trên, thay mặt Ban Biên tập Báo Nhân Dân, tôi mong muốn nhận được nhiều ý kiến thẳng thắn, đặc biệt về những nội dung còn có ý kiến khác nhau về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu. Từ đó, đưa ra được những giải pháp khả thi, hài hòa lợi ích của các bên, đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

9 giờ 05 phút: Nhà báo Nguyễn Ngọc Thanh tặng hoa cho các khách mời.

Giao lưu trực tuyến về tăng tuổi nghỉ hưu ảnh 2

Bạn đọc Đỗ Ngọc Hương, Việt Trì, Phú Thọ hỏi Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội: Thưa ông, vì sao trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này đề cập tới việc tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động?

Giao lưu trực tuyến về tăng tuổi nghỉ hưu ảnh 3

Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp:

Xin cảm ơn câu hỏi của bạn đọc Ngọc Hương. Việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu không chỉ ở Việt Nam mà hầu hết các nước hiện nay đều đặt ra việc nghỉ hưu theo hướng tăng dần. Lý do của việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu thì có nhiều, nhưng có lẽ chúng tôi tập trung vào bốn lý do chính:

Thứ nhất, thế giới bước vào quá trình già hóa dân số và Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó. Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nhằm chủ động ứng phó sự thiếu hụt lao động trong tương lai.

15 năm năm trước, những năm 2004 - 2009, mỗi năm lực lượng lao động Việt Nam tăng 1,2 triệu người. Năm năm gần đây, từ 2014-2019, mỗi năm tăng chỉ 400 nghìn người, tức là chỉ tăng bằng 1/3 so với 15 năm trước. Vì thế, nếu không mở rộng tuổi nghỉ hưu, chắc phải đối mặt thiếu hụt lao động trong tương lai. Kinh nghiệm các nước là phải điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phải tiến hành sớm trước khi bước sang giai đoạn già hóa dân số. Ở Việt Nam chúng ta đang ở giai đoạn dân số vàng nhưng sắp hết thời kỳ dân số vàng và nhanh chóng chuyển sang già hóa dân số.

Thứ hai, để bảo đảm bình đẳng giới trong tuổi nghỉ hưu. Theo Công ước CEDAW về xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ là khuyến nghị tuổi nghỉ hưu nam và nữ thu hẹp lại tiến tới bằng nhau. Tuổi nghỉ hưu hiện nay quy định nữ là 55 và nam là 60, chênh lệch 5 tuổi. Lần đề nghị này sẽ thu hẹp khoảng cách còn hai tuổi thôi và tiến tới sẽ san bằng khoảng cách này.

Nếu tuổi nghỉ hưu của nam và nữ chênh lệch quá lớn, có lẽ sẽ hạn chế cơ hội làm việc và thăng tiến của phụ nữ. Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam nói rằng, hiện nay phụ nữ 46 tuổi là đang còn quy hoạch và thời gian làm việc ngắn lại trong khi đó nữ hưu được tính vào hai yếu tố thời gian tham gia bảo hiểm xã hội và tiền lương đóng BHXH. Nghỉ hưu sớm hơn thì tiền lương tham gia BHXH thấp hơn, nếu nghỉ hưu sớm hơn thì thời gian tham gia BHXH ngắn hơn. Vì vậy, cuộc sống khi về già của phụ nữ khó khăn hơn nam giới.

Thứ ba, chúng tôi cố gắng bảo đảm phù hợp sức khỏe và nhu cầu của người lao động. Nhiều người lo ngại tuổi thọ của Việt Nam tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh sau tuổi 60 thấp. Chúng tôi truy cập vào website của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) với lần truy cập gần nhất ngày 6-4-2018, với 183 nước, Việt Nam xếp 41, Việt Nam đứng sau 40 nước và đứng trên 142 nước. Số năm khỏe mạnh trung bình là 17 năm sau tuổi 60, cao nhất Singapore là 21 và Nhật 20,8.

Thêm lý do nữa, nhiều người lo ngại tuổi thọ khỏe mạnh không cao nhưng nó chưa hẳn đã đúng khi nhìn vào số liệu của WHO. Chúng ta phải tự hào thành tựu chăm sóc chăm sóc sức khỏe nhân dân của cả hệ thống chính trị, như 96,4% xã, phường có trạm y tế, rất nhiều mặt về đời sống được cải thiện. Chúng ta loại trừ nhiều dịch bệnh. Việc tiếp cận các vùng y tế có thể chưa hài lòng nhưng được cải thiện rất nhiều.

Ngay tại 46 nước châu Á, Việt Nam chỉ đứng thứ năm sau Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel. Việc điều chỉnh phụ nữ tăng thêm 5 tuổi và nam thêm 2 tuổi có thể khả thi khi nhìn vào số năm sống khỏe mạnh sau tuổi 60. Chúng ta hoàn toàn tự hào về điều đó.

Thứ tư, bảo đảm sự cân bằng, cân đối của quỹ BHXH. Với việc nâng dần tuổi nghỉ hữu, số năm tham gia BHXH nhiều lên, quyền lợi của BHXH cũng nhiều hơn, giải quyết hài hòa cả hai về vấn đề là: số năm hưởng BHXH ít đi sẽ giúp quỹ sẽ tốt lên, hai là mức hưởng BHXH tăng lên khi thời gian đóng được cải thiện.

Tất nhiêu, có nhiều trường hợp ngoại lệ và nhiều người đặt câu hỏi khi có những người lao động khó có thể làm việc đến tuổi 60 và 62. Tuy nhiên con số trung bình 17 năm sống khỏe mạnh sau tuổi 60 là tương đối, còn nhiều đối tượng đặc thù.

Vì thế, đợt này, trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ đề xuất nâng dần tuổi nghỉ hưu, và đề xuất này để thể chế hóa Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội của Trung ương.

Giao lưu trực tuyến về tăng tuổi nghỉ hưu ảnh 4

Bạn đọc Nguyễn Minh Lý, phường Láng Thượng, Hà Nội: Nội dung tôi rất quan tâm mong muốn gửi tới Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội giải đáp, là vì sao việc tăng tuổi nghỉ hưu trong Dự thảo Bộ luật phải thực hiện theo lộ trình?

Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp:

Theo chúng tôi, việc điều chỉnh cần được tiến hành theo lộ trình vì hai lý do.

Lý do thứ nhất là việc điều chỉnh là nhằm tránh gây sốc cho thị trường lao động. Chúng ta đặt giả thiết là một nước có quy mô dân số tương tự như Việt Nam, mỗi năm có khoảng 400 nghìn người bước vào độ tuổi lao động. Như vậy nếu chúng ta nâng độ tuổi nghỉ hưu nhanh, tăng một năm, thêm một tuổi chẳng hạn, thì lập tức sẽ có 400 nghìn người, cho dù làm việc ở khu vực nhà nước hay khu vực tư nhân, vẫn tiếp tục làm việc thêm một năm. Điều này đồng nghĩa với việc khi họ “ngồi lại vị trí làm việc đó” thì 400 nghìn người khác sẽ phải ngồi chờ thêm một năm.

Như vậy sau hai năm, con số này sẽ tăng lên 800 nghìn đến 900 nghìn người “ngồi chờ”. Điều này sẽ gây sự “tắc nghẽn” rất lớn trong thị trường lao động.

Trong đề xuất lần này, chúng tôi đề xuất theo lộ trình, mỗi năm chỉ tăng ba tháng tuổi chẳng hạn, như vậy “dòng chảy” của thị trường lao động sẽ chậm lại đôi chút, chứ không gây “tắc nghẽn”.

Lý do thứ hai, việc điều chỉnh theo lộ trình sẽ tạo tâm lý tốt hơn cho tâm lý xã hội, đối với người lao động, cũng như người sử dụng lao động.

Chắc chắn tâm lý người lao động sẽ không muốn làm việc quá lâu và đóng bảo hiểm xã hội lâu dài. Người lao động thường muốn nghỉ hưu hoặc tham gia các hoạt động kinh tế khác để có thêm thu nhập. Khi đó, họ đồng thời có hai nguồn thu nhập là tiền lương hưu từ bảo hiểm xã hội và số tiền nhận được từ các hoạt động khác của họ. Đây là tâm lý chung của tất cả người lao động thuộc các nước trên thế giới, không chỉ riêng Việt Nam.

MC: Thời gian cụ thể bắt đầu áp dụng lộ trình này như thế nào, thưa ông?

Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp: Việc điều chỉnh theo lộ trình thì cũng tạo tâm lý tốt hơn cho người sử dụng lao động. Lẽ ra người sử dụng lao động sẽ tiếp tục sử dụng người lao động lớn tuổi thêm một năm nữa chẳng hạn, thì nếu theo đề xuất của chúng tôi, họ chỉ phải sử dụng người lao động lớn tuổi thêm ba tháng nữa thôi. Điều này cũng giải toả được khá nhiều tâm tư và những điều không mong muốn của người sử dụng lao động.

Chúng tôi vẫn quan niệm rằng việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu mang lại sự tốt đẹp chung cho cả đất nước, của tất cả các lực lượng tham gia lao động cũng như sử dụng lao động. Chính vì vậy, chúng tôi mong sự chung tay, nỗ lực của mỗi người lao động cũng như mỗi doanh nghiệp trong việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình.

Giao lưu trực tuyến về tăng tuổi nghỉ hưu ảnh 5

Bạn đọc Nguyễn Quang Hà, Mê Linh, Hà Nội: Thưa ông Lê Đình Quảng, qua thực tế tiếp xúc với người lao động, ông có tiếp nhận phản hồi gì về ý kiến của người lao động với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu theo dự thảo Bộ luật Lao động hiện nay?

Giao lưu trực tuyến về tăng tuổi nghỉ hưu ảnh 6

Phó ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng:

Bộ luật Lao động sửa đổi lần này có một vấn đề được người lao động hết sức quan tâm đó là việc tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình. Có thể nói rằng đây là chính sách đã được bàn thảo và được người lao động quan tâm trong nhiều lần sửa đổi, hoàn thiện các chính sách pháp luật.

Để lắng nghe ý kiến của người lao động, qua tiếp xúc, từ khi dự thảo được công bố trên website thì có thể nói hầu hết người lao động không đồng tình, không mong muốn việc tăng tuổi nghỉ hưu, tất nhiên tỷ lệ này ở các khu vực và ngành nghề khác nhau thì có các tỷ lệ khác nhau, thí dụ khu vực của công chức, viên chức thì tỷ lệ đồng ý cao hơn. Nhưng đặc biệt là khu vực lao động theo hợp đồng lao động, đặc biệt là những người lao động trực tiếp trong các nhà máy, các khu công nghiệp thì hầu hết họ không đồng ý việc tăng tuổi nghỉ hưu…

Công đoàn cơ sở của Công ty TNHH Sản xuất linh kiện ở khu công nghiệp Thăng Long khảo sát bằng phiếu thăm dò, đưa ra 400 phiếu thì chỉ có 2/400 phiếu đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60 tuổi và có 5/400 phiếu đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 tuổi, những người này đều là những người làm văn phòng, làm quản lý. Điều đó cho thấy rằng, vấn đề người lao động mong muốn là không tăng tuổi nghỉ hưu.

Chúng tôi hoàn toàn đồng ý trước ý kiến của Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, nói chung, không phải của Việt Nam mà các quốc gia khác, vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu nói chung là người lao động không mong muốn và nếu muốn giải quyết chính sách này chúng ta cần lắng nghe để hoạch định lại các chính sách cho nó phù hợp khi mà chúng ta thực hiện. Việc tăng tuổi nghỉ hưu thường phải nhìn một cách tổng thể ở lợi ích quốc gia và có thể xử lý bằng nhiều cách. Còn nếu như để lấy ý kiến của đối tượng trực tiếp là người lao động thì chắc chắn không chỉ ở Việt Nam mà ở các quốc gia khác cũng không có việc đồng thuận trong việc tăng tuổi nghỉ hưu.

Bạn đọc Hà Văn Tấn, Lào Cai hỏi: Tại sao Dự thảo đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của nam thêm hai năm mà lao động nữ lại lên đến 5 năm? Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu có được lấy ý kiến rộng rãi trước khi đưa vào Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) không?

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp:

Cảm ơn câu hỏi của bạn Hà Văn Tấn, câu hỏi trước chúng tôi đã trả lời rằng, tăng tuổi nghỉ hưu là theo lộ trình: nam tăng lên 62 tuổi, nữ lên 60 tuổi. Theo lộ trình như vậy, đến năm 2036 có người phụ nữ đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 60 và năm 2021, có người phụ nữ nghỉ hưu ở độ tuổi 55, 3 tháng; nam giới năm 2029 có người đàn ông đầu tiên về hưu ở độ tuổi 62.

Như vậy, nói về đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 5 năm, thực ra nam chỉ thêm 2 năm, thời gian nâng tuổi nghỉ hưu này cũng dài chứ không phải ngay lập tức bắt đầu từ năm 2021. Việc tuổi nghỉ hưu của nữ tăng lên 5 năm, của nam tăng lên 2 năm vì chúng ta muốn thu hẹp khoảng cách giới trong tuổi nghỉ hưu.

Chúng tôi đã tham gia một số lần điều trần của Chính phủ Việt Nam trước Ủy ban về thúc đẩy bình đẳng phụ nữ, rất nhiều kiến nghị, đề xuất tuổi nghỉ hưu của nam và nữ cần phải bằng nhau và bước đầu tiên là điều chỉnh cho gần lại, nam 62 tuổi và nữ 60 tuổi. Các đề xuất như vậy chúng ta cũng tham khảo của các nước. Các nước điều đầu tiên là họ thu hẹp lại khoảng cách nghỉ hưu của nam và nữ, sau đó họ sẽ điều chỉnh cho bằng nhau đó là lý do trong dự thảo Bộ luật Lao động đề nghị nâng dần tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60, của nam nâng dần lên 62.

Và tất nhiên, một ý nữa mà bạn hỏi Dự thảo Bộ luật này có được xin ý kiến rộng rãi hay không, thì Dự thảo này đã được đăng rộng rãi trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, trên website dự thảo online của Quốc hội…

Chúng tôi hiện nay vẫn tiếp tục đăng tải và xin ý kiến cho đến khi mà Bộ luật chính thức được Quốc hội thông qua, và nếu muốn tham gia góp ý, bạn có thể truy cập vào các trang trên để đóng góp ý kiến của mình.

Giao lưu trực tuyến về tăng tuổi nghỉ hưu ảnh 7

* Bạn đọc Nguyễn Lê Xuân, Sơn Động, Bắc Giang hỏi: Số liệu thống kê trước đây cho thấy, thực tế tuổi nghỉ hưu ở nước ta thấp hơn nhiều so với quy định hiện nay (55 tuổi với nữ và 60 tuổi với nam). Xin hỏi ông Điều Bá Được, ông có thể cho biết số liệu cập nhật mới nhất của BHXH Việt Nam về tuổi nghỉ hưu bình quân của người lao động nói chung, với lao động nam và lao động nữ nói riêng?

Giao lưu trực tuyến về tăng tuổi nghỉ hưu ảnh 8

Ông Điều Bá Được, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam:

Xin cảm ơn bạn đọc Nguyễn Lê Xuân ở Sơn Động, Bắc Giang. Theo thống kê của BHXH Việt Nam hai năm gần đây, 2017, 2018, thì tuổi nghỉ hưu bình quân của người lao động nói chung năm 2017 là 55 tuổi, năm 2018 là 56 tuổi.

Trong đó, riêng lao động nam tuổi nghỉ hưu bình quân của năm 2017 là 56 tuổi, năm 2018 là 58 tuổi; lao động nữ có tuổi nghỉ hưu bình quân của năm 2017 là 53 tuổi, năm 2018 là 54 tuổi.

* Bạn đọc Lê Quỳnh Mai, TP Hải Dương: Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá năm tuổi đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt. Thứ trưởng có thể nói rõ quyền nghỉ hưu được hiểu như thế nào trong dự thảo lần này, và những quy định nào để tạo điều kiện để người lao động thực hiện quyền này như thế nào?

Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp:

Thực ra, các nước quy định trong chế độ BHXH thường được quy định trong luật BHXH về quyền được hưởng chế độ hưu trí, tức là hai điều kiện gồm đạt độ tuổi nhất định và số năm tham gia BHXH. Theo Luật BHXH của Lào, người lao động nam được nhận chế độ hưu trí khi đủ hai điều kiện: 60 tuổi và có 20 năm tham gia BHXH.

Ở một số nước, người ta cho rằng, người lao động có thể nghỉ hưu từ khi 55, 56, 57 tuổi nhưng đến khi 60 tuổi thì người lao động mới nhận chế độ hưu trí.

Nhưng Bộ luật Lao động này đề xuất quyền được nghỉ hưu sớm hơn 5 tuổi, tức là sớm hơn 5 tuổi đã được nhận chế độ hưu trí. Quyền được nghỉ hưu trước 5 năm được áp dụng nếu người lao động suy giảm khả năng lao động, làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm... Quyền được nghỉ hưu sớm được hiểu theo nghĩa người lao động có thể được nhận lương hưu trước 5 năm so với quy định.

Bạn đọc Phan Thị Minh, Đông Anh, Hà Nội hỏi: Rất nhiều người lao động trực tiếp không muốn tăng tuổi nghỉ hưu là do họ quan ngại không đủ sức khỏe để có thể đáp ứng được yêu cầu công việc và cũng lo chủ doanh nghiệp (DN) cũng sẽ không nhận lao động lớn tuổi. Xin các vị khách mời có thể chia sẻ một số thông tin về vấn đề này?

Ông Lê Đình Quảng: Vấn đề bạn đặt ra là có thực trong thực tế, người lao động trực tiếp trong nhà máy thì rất quan ngại vấn đề sức khỏe, bản thân doanh nghiệp cũng không mong muốn sử dụng những lao động cao tuổi. Điều trong Luật có nói tuổi nghỉ hưu của lao động vào năm 2017 là 55 tuổi, năm 2018 là 60 tuổi. Đây là tuổi nghỉ hưu bình quân nói chung của tất cả các lao động trong đó có cả các đối tượng là công chức, viên chức. Còn theo số liệu chúng tôi cập nhật được từ các tài liệu hầu như các đối tượng công nhân không nghỉ hưu đúng tuổi.

Tôi cùng đoàn đi khảo sát về tuổi nghỉ hưu khi chúng tôi đi đến công ty Minh Phú ở Hậu Giang thì lãnh đạo công ty cho biết công ty của họ có khoảng 15 nghìn công nhân, nhưng mà ba năm nay chỉ có khoảng 5-6 nghìn lao động. Còn lại những công nhân ở độ tuổi từ 35-40 không đủ sức khỏe để lao động nữa và họ phải chuyển sang những công việc khác.

Đây là những con số mà khi chúng ta xây dựng lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phải nghe ngóng đến ý kiến của các đối tượng này.

* Bạn đọc Lê Thùy Anh, Yên Mỹ, Hưng Yên: Vậy khi điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, Ban soạn thảo có tính đến những điều kiện đặc thù của những đối tượng nêu trên không?

Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội: Cảm ơn câu hỏi của bạn đọc Lê Thùy Anh, đã rất nhiều bạn đặt câu hỏi tương tự với chúng tôi. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã báo cáo Chính phủ sẽ có một loạt chính sách cần phải điều chỉnh. Thứ nhất, cải thiện môi trường làm việc, giảm thiểu tai nạn lao động về nghề nghiệp, tăng cường sức khỏe cho người lao động và cụ thể chúng ta đã có Luật An toàn vệ sinh lao động và sử dụng tốt nhất Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động về nghề nghiệp đầu tư để cải thiện môi trường làm việc.

Thứ hai, như đồng chí Lê Đình Quảng nói, nhiều người khó có thể làm việc đến tuổi 55-60, do có thể chậm chạp, năng suất lao động thấp, doanh nghiệp không muốn sử dụng, trong khi đó người lao động trẻ có thể tạo ra năng suất cao hơn, tiền lương có thể sẽ thấp hơn. Chính vì thế, trong đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, chúng tôi đã đề xuất hướng xử lý, như cần cải cách lại chính sách bảo hiểm việc làm, bảo hiểm thất nghiệp.

Trong đề án, chúng tôi đánh giá, chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện nay chỉ nặng về giải quyết hậu quả. Tức là, khi người lao động mất việc, chúng ta trả trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp nhẹ về các giải pháp chủ động như: Hỗ trợ doanh nghiệp duy trì việc làm cho người lao động, tránh sa thải, giảm thiểu thất nghiệp.

Ở nhiều quốc gia, họ làm theo cách như: Khi người lao động nào đó năng suất lao động suy giảm, dễ bị sa thải, DN không muốn sử dụng, thì quỹ bảo hiểm thất nghiệp sẽ hỗ trợ một phần tiền lương. Chẳng hạn, DN trả 70% thì quỹ trả 30%. Như vậy sẽ giảm được chi phí cho DN. Hoặc quỹ bảo hiểm thất nghiệp sẽ đóng giúp bảo hiểm xã hội, tất cả khoảng hơn 35%. Với việc hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp như vậy sẽ giảm chi phí cho DN, năng suất có thể thấp hơn nhưng không phải trả đủ tiền lương mà có quỹ hỗ trợ.

Vấn đề quan trọng nhất đối với DN là chi phí, nếu đã giải quyết bài toán về chi phí thì họ sẽ tiếp tục sử dụng lao động, cho dù năng suất lao động thấp, sản phẩm làm ra ít hơn so người lao động trẻ khác, nhưng họ vẫn tiếp tục đóng góp làm tăng sản phẩm quốc gia, GDP, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước.

Đánh giá về quỹ bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm việc làm, chúng tôi cho rằng quỹ của người có nguy cơ thấp sẽ chia sẻ với người có nguy cơ cao trong việc sa thải. DN mạnh chia sẻ với DN yếu. Chính quỹ này với sự hỗ trợ như thế sẽ tạo sự gắn kết trong cộng đồng DN Việt Nam, cộng đồng lao động Việt Nam, tạo nên sức mạnh khả năng cạnh tranh của cả nước.

Dự kiến, Luật Việc làm, trong đó có chính sách bảo hiểm thất nghiệp sẽ sửa đổi vào năm 2021, khi đề xuất đã tính đến nhóm lao động đặc thù và cần có chính sách hỗ trợ làm sao để DN vẫn tiếp tục sử dụng họ.

Ban đầu, hiện nay chúng ta sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt lao động trong tương lai. Như chúng ta đã biết, sự việc của Công ty Mỹ Phong ở Trà Vinh sa thải 10 nghìn lao động, với những năm trước, đây là vấn đề lớn. Nhưng hiện nay, trong vòng một tháng, số lao động đó đã được thu hút hết.

Cách đây 2-3 năm, chúng ta nói nhiều về việc sa thải người lao động từ 35-40 tuổi, nhưng sau khảo sát thì không còn hiện tượng đó. Đó là dấu hiệu khan hiếm lao động cũng đã bắt đầu. Khi sự khan hiếm xuất hiện, nguy cơ không sử dụng lao động lớn tuổi 50-55 cũng sẽ ít dần. Tuy nhiên, các chính sách vẫn phải sửa đổi, thiết kế lại để hỗ trợ tốt nhất cho người lao động.

Bạn đọc Phạm Thị Hạnh, Quế Võ, Bắc Ninh: Tôi muốn hỏi ông Lê Đình Quảng, thực tế, người lao động trực tiếp sản xuất tại các khu công nghiệp thường khó có thể làm việc đến 60 tuổi với nữ và 62 tuổi với nam. Vậy Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam có kiến nghị gì về những giải pháp gì cho nhóm đối tượng này, thí dụ chuyển đổi nghề, đào tạo nghề cho họ…?

Giao lưu trực tuyến về tăng tuổi nghỉ hưu ảnh 9

Phó ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng:

Trong nghị quyết 28 của BCH T.Ư khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm khi đề cập đến vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu có nêu rõ việc tăng tuổi nghỉ hưu cần xem xét tính chất và đặc thù ngành nghề của lao động.

Rõ ràng đối với người lao động trực tiếp thuộc ngành nghề đặc thù đã khó khăn trong việc bảo đảm công việc khi vào giai đoạn tuổi cao, cho nên nếu tăng tuổi nghỉ hưu của nhóm lao động này sẽ tăng thêm khó khăn đối với họ.

Theo đó, trong dự thảo Bộ luật Lao động đã cân nhắc đến vấn đề này và có ghi rõ một số ngành nghề đặc thù sẽ thấp hơn 5 năm so với độ tuổi nghỉ hưu chung. Vì vậy, cần đưa ra lộ trình cho những công nhân thuộc nhóm ngành nghề độc hại để họ được hưởng hoặc lựa chọn tuổi nghỉ hưu thấp hơn 5 năm so với độ tuổi nghỉ hưu chung. Đồng thời, cần giải quyết các chính sách an sinh xã hội có liên quan cho nhóm lao động này khi nghỉ hưu.

Thí dụ: Nhiều lao động thuộc nhóm ngành nghề nặng nhọc có thể nghỉ hưu do mất sức, tuy nhiên tiền lương hưu theo chế độ này lại thấp, và ảnh hưởng đến cuộc sống của họ và an sinh xã hội.

Bên cạnh đó các chính sách về giải quyết việc làm chuyển đổi, rồi đào tạo nghề như Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp vừa trao đổi, chúng tôi nghĩ rằng để thực hiện các chính sách này thì không chỉ điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu trong Bộ luật Lao động mà còn xem xét, điều chỉnh một cách tổng thể ở các chính sách khác liên quan.

Bạn đọc Nguyễn Huy Nhân, thành phố Plây Cu: Hiện nay, nước ta có bao nhiêu người đang hưởng lương hưu. Tỷ lệ nghỉ hưu đúng tuổi trong thời gian qua có được cải thiện?

Giao lưu trực tuyến về tăng tuổi nghỉ hưu ảnh 10

Ông Điều Bá Được:
Xin cảm ơn sự quan tâm của bạn đọc. Theo thống kê của BHXH Việt Nam tính đến 31-12-2018, hiện đang có hơn 2,5 triệu người đang hưởng lương hưu. Trong đó, hơn 700 nghìn người hưởng lương hưu từ ngân sách nhà nước và khoảng gần 1,8 triệu người hưởng lương hưu từ BHXH.

Cũng theo thống kê của BHXH Việt Nam, những năm gần đây, 2017-2018, tỷ lệ những người nghỉ hưu đúng tuổi có được cải thiện.

Năm 2017, có đến 64% số người hưởng lương hưu khi nghỉ đúng tuổi. Đến năm 2018, đã tăng lên 70% số người hưởng lương hưu đúng tuổi.

Bạn đọc Hoàng Bình Dương, Tuyên Quang hỏi: Trên thực tế có tới hơn 60% người nghỉ hưu vẫn tiếp tục đi làm. Vậy việc cho họ nghỉ hưu sớm liệu có phải là giải pháp việc làm cho lao động trẻ không, thưa ông Lê Đình Quảng?

Ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam :

Chúng tôi phải khẳng định rằng, tăng tuổi nghỉ hưu có ảnh hưởng đến việc làm của lao động trẻ. Chúng ta biết rằng là tăng tuổi nghỉ hưu thì duy trì số người lao động trong độ tuổi lao động tiếp tục ở lại làm việc, rõ ràng sẽ ảnh hưởng tới việc làm. Tất nhiên, đánh giá mức độ ảnh hưởng tới việc làm thì tôi nghĩ rằng ý kiến của ông Doãn Mậu Diệp vừa rồi cũng đã khẳng định và chúng tôi nghĩ rằng khi chúng ta tăng tuổi nghỉ hưu và có lộ trình cùng với việc chúng ta có nhiều giải pháp. Chúng ta biết rằng xu hướng già hóa dân số của chúng ta đang tăng, mỗi năm chúng ta sẽ có một lực lượng bước vào thị trường lao động khoảng 1,3 triệu người, và khoảng 100 nghìn người bước ra khỏi thị trường lao động. Nhưng trong tương lai, lực lượng bước vào độ tuổi lao động càng giảm và đội ngũ bước ra khỏi thị trường lao động lại tăng lên. Và như vậy số lao động cần giải quyết việc làm có thể càng ngày càng giảm theo già hóa dân số của chúng ta.

Và chúng ta biết rằng cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội số lượng việc làm càng ngày càng được mở rộng thêm. Trong lộ trình chính sách của chúng ta, ví dụ các doanh nghiệp, trước đây ta đã có lộ trình tới năm 2030 phải có đến 2 triệu doanh nghiệp, khi các doanh nghiệp được thành lập thì vấn đề việc làm có thể được giải quyết rất nhiều. Tôi nghĩ rằng với những chính sách như vậy thì vấn đề giải quyết lao động cho lao động trẻ sẽ được giải quyết thỏa đáng.

Với chính sách chúng ta có lộ trình tăng chậm và có lộ trình cùng các cơ chế giải quyết khác thì vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu tác động ít đến vấn đề việc làm của lao động trẻ. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nghĩ rằng bên cạnh đó phải quan tâm đến các chính sách về tuyển dụng, đánh giá cán bộ. Tôi lấy ví dụ ở khu vực công chẳng hạn, nếu tăng tuổi nghỉ hưu mà không làm tốt chính sách đánh giá và tuyển dụng cán bộ thì sẽ có một lực lượng không làm tốt nhiệm vụ vẫn phải ở lại, trong khi đó lực lượng trẻ được đào tạo bài bản có năng lực lại không được tuyển dụng vào làm việc. Như vậy chúng tôi nghĩ rằng chúng ta phải thực hiện nhiều chính sách đồng bộ thì mới giải quyết vấn đề một cách tốt nhất.

Bạn đọc Lê Trung (Tiên Lãng, Hải Phòng): Việc tăng tuổi nghỉ hưu có tác động nhiều đến cơ hội việc làm của giới trẻ hay không?

Thứ trưởng Doãn Mẫu Diệp:

Đây cũng là vấn đề rất nhiều người đặt câu hỏi với chúng tôi, vậy tôi xin đưa ra một vài con số: Thứ nhất, Việt Nam có tỷ lệ thất nghiệp rất thấp, khoảng 2,2%. Trước đây, khá nhiều báo chí nói rằng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội mắc “bệnh thành tích”, công bố con số rất thấp. Tuy nhiên, quả thực, theo như định nghĩa về việc làm và về thất nghiệp của Tổ chức Lao động quốc tế thì con số thất nghiệp của Việt Nam quả là thấp.

Thứ hai, Việt Nam có tỷ lệ thu hút lao động trẻ khá tốt khi tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên chỉ bằng 2/3 các nước trong khu vực. Thứ ba, chúng ta cũng thấy, hằng quý, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vẫn công bố con số thất nghiệp của sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng nằm chung quanh con số 200 nghìn người. Từ đó, dư luận đặt ra câu hỏi tại sao với con số 200 nghìn người thất nghiệp như vậy mà vẫn muốn nâng độ tuổi nghỉ hưu.

Thế nhưng nếu nhìn vào dòng chảy của thị trường lao động, chúng ta có thể nhận thấy, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 400 nghìn sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng. Con số đó là để bổ sung vào thị trường lao động và đã được thị trường tiếp nhận, vậy nên con số thất nghiệp mới chỉ nằm chung quanh 200 nghìn người. Trong trường hợp không tiếp nhận, thu hút được số lao động này thì con số có thể lên tới 600 nghìn, sau hai năm thì lên một triệu, sau ba năm có thể lên 1,4 triệu; nhưng con số thực tế hiện nay luôn được duy trì ở 200 nghìn người.

Như vậy, thị trường lao động vẫn tiếp tục tiếp nhận các lao động trẻ, các lao động ở các cơ sở đào tạo, sinh viên tốt nghiệp. Và trong thị trường bao giờ cũng có những người chờ để tìm việc làm, những người thôi công việc cũ để tìm kiếm công việc tốt hơn là chuyện bình thường của thị trường lao động. Vì thế, chúng tôi cũng cho rằng việc nâng tuổi nghỉ hưu với lộ trình chậm, nâng dần ba tháng hoặc bốn tháng đối với nữ thì sẽ không ảnh hưởng nhiều lắm đến cơ hội việc làm của giới trẻ.

MC: Xin Thứ tưởng Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, ông có nhận định như thế nào về vấn đề này, thưa ông?

Thứ trưởng Doãn Mẫu Diệp: Bên cạnh đó, theo các nghiên cứu của Ngân hàng thế giới và Tổ chức Lao động quốc tế đã khẳng định rằng, việc nâng tuổi nghỉ hưu ít ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của giới trẻ. Nếu những người lớn tuổi tiếp tục ở lại làm việc, tiếp tục tạo ra sản phẩm và tích lũy cho nền kinh tế và có cơ hội đầu tư trở lại thì có khi số việc làm tạo ra có thể nhiều hơn. Vì thế, sự đánh giá rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cơ hội việc làm của giới trẻ có lẽ cũng cần phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng. Tổ chức Lao động quốc tế cho rằng việc làm bị ảnh hưởng nhiều bởi việc phát triển kinh tế, xã hội và đầu tư vào tăng trưởng chứ không hẳn đã phụ thuộc nhiều vào việc điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu dần dần. Bởi vậy, phương án điều chỉnh lộ trình chậm như Ban soạn thảo đã trình Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chúng tôi cho rằng không ảnh hưởng nhiều đến cơ hội việc làm của giới trẻ.

Bạn đọc Trần Thị Lý, Quảng Ninh hỏi: Vậy quy định độ tuổi nghỉ hưu phổ biến của các nước trên thế giới như thế nào? Ông Doãn Mậu Diệp có thể chia sẻ kinh nghiệm của một số quốc gia khác?

Giao lưu trực tuyến về tăng tuổi nghỉ hưu ảnh 11

Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp:

Rất cảm ơn câu hỏi của bạn đọc vì để có cái nhìn đầy đủ hơn thì không chỉ nhìn vào mình mà chúng ta cần nhìn ra chung quanh như thế nào, thế giới như thế nào.

Trên tay tôi hiện có số liệu của 176 quốc gia, thống kê ngày 16-4-2018.

Đối với tuổi nghỉ hưu của nữ thì có 54 quốc gia quy định tuổi nghỉ hưu dưới 60 tuổi, có 66 quốc gia quy định tuổi nghỉ hưu từ 60 đến 62 tuổi, còn 56 quốc gia quy định tuổi nghỉ hưu từ 63 tuổi trở lên.

Như vậy, nói cách khác, khoảng 1/3 số nước trên thế giới quy định tuổi nghỉ hưu của nữ là dưới 60 tuổi, 1/3 số nước khác trên thế giới quy định tuổi nghỉ hưu của nữ từ 60 đến 62 tuổi, còn khoảng 1/3 số nước còn lại thì quy định tuổi nghỉ hưu của nữ là từ 63 tuổi trở lên.

Đối với nam thì trong 176 quốc gia chỉ có 13 quốc gia quy định tuổi nghỉ hưu dưới 60 tuổi, có 83 quốc gia quy định tuổi nghỉ hưu từ 60 đến 62 tuổi, và 80 quốc gia còn lại thì quy định tuổi nghỉ hưu từ 63 tuổi trở lên.

Qua số liệu trên có thể thấy rằng, rất ít nước trên thế giới quy định tuổi nghỉ hưu của nam là dưới 60 tuổi. Gần một nửa số nước trên thế giới quy định tuổi nghỉ hưu của nam từ 60 đến 62 tuổi. Và cũng gần một nửa số nước còn lại trên thế giới quy định tuổi nghỉ hưu của nam là từ 63 tuổi trở lên.

Xu hướng chung của các nước trên thế giới là sẽ nâng dần tuổi nghỉ hưu lên từ 65 đến 67 tuổi. Cụ thể là Malaysia và Indonesia thì bắt đầu điều chỉnh để đến năm 2045 thì tuổi nghỉ hưu của nam và nữ bằng nhau là 65 tuổi. Còn theo lộ trình của chúng ta thì cố gắng năm 2036 thì tuổi nghỉ hưu của nữ là 60 tuổi. Trong khi đó, như chúng tôi đã trình bày thì số năm khỏe mạnh sau tuổi 60 của người Việt Nam thì hiện đang “vượt trội” so với Indonesia và Malaysia. Với các nước này, họ đều điều chỉnh khá sớm, và điều chỉnh dần dần, cho nên mức tuổi nghỉ hưu đạt cao hơn Việt Nam.

* Bạn đọc Vũ Việt Hà, Hà Nam: Thưa ông Lê Đình Quảng, một thực tế hiện hay là, tuổi thọ NLĐ tuy tăng lên nhưng những vấn đề về môi trường sống, áp lực công việc... làm ảnh hưởng đến sức khỏe của NLĐ. Vậy ông có nghĩ, khi đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, các cơ quan soạn thảo cần tính đến những yếu tố này?

Ông Lê Đình Quảng: Chúng ta biết rằng, tuổi thọ của người dân Việt Nam hiện nay đã tăng lên, hiện nay tuổi thọ bình quân là 76,6 tuổi, trong khi đó, tuổi thọ bình quân trên thế giới chỉ là 72 tuổi. Chỉ số sức khỏe của Việt Nam chúng ta cũng đã được cải thiện rất nhiều, theo thông tin mà chúng tôi nắm được, trong số 176 quốc gia, chỉ số sức khỏe, nghĩa là thời gian khỏe mạnh, không phải ốm đau, không phải điều trị thì Việt Nam xếp ở mức trên dưới 50 nước.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng có một nghiên cứu công nhân trong hai ngành da giấy và dệt may thì thấy, tỷ lệ lao động của chúng ta có vấn đề về sức khỏe là cần đáng quan tâm. Chúng tôi nghiên cứu thì thấy rằng, tỷ lệ công nhân có sức khỏe loại một chỉ chiếm 3,6%, trong khi đó, công nhân có sức khỏe loại 4, loại 5, tức là sức khỏe rất ảnh hưởng đến công việc thì chiếm đến 13,2%.

Và chúng ta có thể thấy rằng, trên thực tế ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, thì sức khỏe của người lao động trong môi trường làm việc các khu vực này có thể nói môi trường và điều kiện làm việc ở các khu vực này đã được cải thiện rất nhiều so với trước đây nhưng so với yêu cầu thì chúng ta phải cần cải thiện hơn nữa. Chúng ta có thể thấy môi trường làm việc ít được cải thiện, công nghệ thì lạc hậu, cho nên, từ các điều kiện về độ nóng, độ ồn rồi các điều kiện môi trường làm việc khác có thể nói là chưa tốt. Điều đó cũng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người lao động.

Và như vậy, việc tăng tuổi nghỉ hưu chắc chắn chúng ta phải nghiên cứu đến điều kiện lao động cụ thể của chúng ta, nhất là trong các nhà máy, các doanh nghiệp mà điều kiện và môi trường lao động còn hạn chế.

Đây là một vấn đề mà chúng tôi cho rằng, có lẽ trong Bộ luật Lao động, bên cạnh việc tăng tuổi nghỉ hưu cũng phải siết chặt lại các cái điều kiện về bảo đảm, nâng cao các tiêu chuẩn lao động cho người lao động, gắn liền với thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, gắn liền với các công tác an toàn vệ sinh lao động cũng như chăm sóc sức khỏe cho người lao động. Bằng các giải pháp đó, chúng ta tin tưởng rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu vẫn đáp ứng được yêu cầu trong tương lai.

Bạn đọc Nguyễn Quang, Hà Đông, Hà Nội: Tôi có câu hỏi xin gửi tới ông Lê Đình Quảng, theo ông, đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu sẽ tạo ra những thuận lợi, khó khăn gì cho cả người lao động và doanh nghiệp?

Ông Lê Đình Quảng: Có thể nói vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động và doanh nghiệp thì thuận lợi sẽ ít hơn khó khăn, thách thức. Thuận lợi nhất cho người lao động có chuyên môn, tay nghề, sức khỏe tốt sẽ có cơ hội để làm việc, cũng như việc được hưởng tiền hưu trí sẽ cao hơn. Còn doanh nghiệp sẽ tận dụng được những lao động có kinh nghiệm, tay nghề, kỹ năng này. Tuy nhiên, thực ra doanh nghiệp cũng không muốn sử dụng lao động cao tuổi mà không có tay nghề. Còn người lao động, chúng ta biết rằng khi tăng tuổi nghỉ hưu, họ có nhiều quyền để được hưởng chế độ hưu trí. Còn doanh nghiệp và người lao động có sức khỏe yếu và tay nghề không cao do có tuổi tay nghề kém đi thì doanh nghiệp họ cũng không muốn giữ lại, và tìm mọi cách để thải loại, người lao động sẽ đối diện với nguy cơ mất việc làm sẽ rủi ro hơn trước.

Tôi nghĩ rằng, đây sẽ là bài toán khó khăn với người lao động, nhất là lao động trực tiếp, sản xuất. Trong bài toán này, chúng tôi nghĩ rằng, chúng ta phải có những chế độ linh hoạt hỗ trợ cho người lao động như chuyển đổi nghề. Trong một số trường hợp có thể mất việc làm do chính sách tăng tuổi nghỉ hưu, có thể tăng khoảng cách thu nhập của người lao động trong các nghề lao động với nhau; cũng như các chính sách sử dụng lao động đối với doanh nghiệp vì chúng ta bây giờ đang phải bảo vệ người lao động làm việc lâu dài, bền vững, khi tăng tuổi nghỉ hưu không dễ cho những người không đủ sức khỏe để hoàn thành công việc, do tăng tuổi nghỉ hưu mà doanh nghiệp không thể thải loại được, đó cũng là thách thức cho doanh nghiệp về những trường hợp này. Do vậy, chúng ta phải có chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp đó, và để cho họ có chính sách xã hội để sử dụng lao động nhiều tuổi khó khăn về tay nghề và sức khỏe.

Chúng tôi nghĩ rằng, trong câu hỏi này, tổng thể thì tăng tuổi nghỉ hưu người lao động và doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp sử dụng lao động giản đơn phải đối mặt với rất nhiều thách thức, nếu chúng ta không có những giải pháp đồng bộ sẽ có tác động không tốt đến cả người lao động và doanh nghiệp.

Bạn đọc Đỗ Ngọc Hà, Vĩnh Phúc hỏi: Có nhiều ý kiến lo ngại về việc sức khỏe người lao động Việt Nam khó có thể bảo đảm làm việc tiếp khi tăng tuổi nghỉ hưu. Ý kiến của Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội về vấn đề này như thế nào?

Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp:

Trong lịch sử lao động ở các nước, hiếm có ai suốt đời làm ở một công việc, sử dụng việc làm từ chỗ này sang chỗ khác, công việc này sang công việc khác, đó cũng là công việc thường xuyên thôi. Mới đây tôi có tìm lại, năm 1966 chị Vũ Thị Sen (Thái Bình) đạt Huy chương vàng Ganefo của Quân đội, nhưng hết thời kỳ hoàng kim không làm vận động viên ở Quân đội nữa mà chuyển sang làm huấn luyện viên tại Sở Thể dục, Thể thao Thái Bình. Rất nhiều vận động viên bóng đá từ đỉnh cao chuyển sang huấn luyện, hoặc là chuyển sang kinh doanh, hoặc các công việc khác. Trẻ thì có thể làm những công việc nặng, khi về già chuyển sang công việc khác phù hợp với sức khỏe của mình.

Lúc nãy chúng ta đã đề cập phải có chính sách đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động. Để giải quyết vấn đề này cần thiết kế và xử lý một loạt các vấn đề phục vụ chính sách.

Thứ hai, Việt Nam cũng là một trong những nước phê chuẩn công ước về việc làm cho người khuyết tật. Người khuyết tật vẫn đòi quyền được học tập, quyền được việc làm, quyền tham gia vào quá trình phát triển kinh tế xã hội, đòi hỏi quyền có tiếng nói… Như vậy không hẳn người lao động không thể làm được đến tuổi 60, tuổi 62, mà cái chính là các chính sách hỗ trợ họ như thế nào là quan trọng nhất để phát huy hết năng lực của họ.

Lúc nãy tôi nói rồi, trên tay tôi có số năm sống khỏe mạnh sau tuổi 60 của Tổ chức Y tế thế giới ngày 6-4-2018 cũng như là số năm sống khỏe mạnh sau tuổi 60 ở các nước châu Á, Việt Nam rất tự hào khi chỉ thua 40 nước và cao hơn 142 nước trên thế giới; thấp hơn bốn nước ở châu Á và cao hơn 41 nước khác. Tức là chúng ta có nền tảng để có thể làm cho việc điều chỉnh nâng tuổi nghỉ hưu lên 60, 62 trở thành hiện thực.

Quan trọng nhất là phải có rất nhiều chính sách hỗ trợ. Thí dụ, hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt một phần chi phí về tiền lương, một phần chi phí bảo hiểm xã hội để doanh nghiệp tiếp tục sử dụng lao động, không sa thải. Có chính sách hỗ trợ người lao động chuyển sang việc khác nhẹ nhàng hơn, phù hợp với sức khỏe của họ. Và rất nhiều điều phải bàn sau khi Bộ luật Lao động được thông qua.

* Bạn đọc Hà Văn Tấn, Thành phố Lào Cai: Hiện nay, có tình trạng doanh nghiệp khuyến khích người lao động đã có tuổi nghỉ hưu sớm trước tuổi quy định. Thậm chí họ còn hỗ trợ kinh phí cho người lao động có thể nghỉ hưu sớm để tuyển dụng lao động trẻ hơn. Ông có nhận định gì về vấn đề này?

Ông Lê Đình Quảng: Câu hỏi của bạn nêu ra một thực tế, chúng tôi đã nắm bắt một số thông tin diễn ra trong thời gian qua. Có thể nói đây là một tất yếu trong cơ chế thị trường trong việc sử dụng, tuyển dụng lao động. Xưa nay chúng ta áp dụng chính sách tiền lương, chúng ta nặng về thâm niên nên cùng với quá trình làm việc, khi có tuổi người lao động giảm độ nhanh nhạy, trong lúc đó chi phí cho người lao động có tuổi thì càng ngày càng tăng.

Trong lúc đó, lao động có tuổi muốn huy động làm thêm giờ thì khó nên có tình trạng doanh nghiệp tìm mọi cách thải loại người lao động cao tuổi. Thậm chí, có doanh nghiệp vận động người lao động nhận khoản trợ cấp thôi việc cao hơn. Đây là một thực tế rất ảnh hưởng tới chính sách khác, bởi vì tất cả những người lao động có tuổi này khi rời khỏi doanh nghiệp đó rất khó để trở lại làm việc và hầu hết những người này họ nhận trợ cấp một lần dẫn đến tình trạng người lao động nhận trợ cấp một lần rất nhiều.

Một năm chúng ta có khoảng 700 nghìn người lao động xin nhận bảo hiểm xã hội một lần, đồng nghĩa với những người này là họ không có chính sách an sinh xã hội. Đây là vấn đề mà tôi nghĩ nó có thực và đang ảnh hưởng rất lớn đến các chính sách khác. Và đây cũng là vấn đề khi chúng ta thiết kế nâng tuổi nghỉ hưu cần phải tính đến nhiều yếu tố kể cả lộ trình, kể cả các đối tượng và các chính sách khác bảo đảm mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu để giải quyết bài toán về thiếu nhân lực trong tương lai, bảo đảm lợi ích quốc gia nhưng không tác động xấu đến thị trường lao động, làm ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Có hiện tượng doanh nghiệp có liên quan đến chính sách cải cách tiền lương, vì trước đây chúng ta cũng có can thiệp khá rõ vào cải cách hành chính, vào chính sách tiền lương. Thí dụ như chúng ta quy định về lương tối thiểu, về thang bảng lương cách giữa hai bậc là 5%. Nếu như chính sách của DN là mỗi năm sẽ tăng một lần, và dẫn đến mỗi lần điều chỉnh lương tối thiểu thì gần như bảng lương không còn gì để tăng. Người làm càng lâu thì lương càng cao, mặc dù năng suất chất lượng không có gì cải thiện. Và để giảm áp lực, doanh nghiệp khuyến khích những người có thâm niên khoảng 2/3 rời khỏi doanh nghiệp để thu hút người lao động mới.

Nhưng những người rời khỏi doanh nghiệp đó, họ lại ký kết với doanh nghiệp khác, họ lại tái ký hợp đồng với bảng lương là khởi điểm, vì vậy, trong đề án cải cách chính sách tiền lương, hiện nay nói là Nhà nước sẽ không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp, Nhà nước chỉ quy định mức lương tối thiểu để nhóm người bảo đảm thu nhập thấp nhất, thang lương, bảng lương đòi hỏi giữa người lao động, tập thể người lao động, công đoàn với người sử dụng lao động có thể đàm phán xem nếu năng suất, chất lượng cải thiện thì lương sẽ tăng là bao nhiêu chứ không nặng về thâm niên như anh Quảng đã nhận định.

Lúc nãy, chúng tôi cũng đã lấy thí dụ như công ty Mỹ Phong ở Trà Vinh đã sa thải hàng nghìn lao động, nhưng cũng ngay lập tức , các công ty khác nhận hết trong vòng một tháng. Cho nên, bên cạnh cải cách chính sách về bảo hiểm xã hội, trong đó có nâng dần tuổi nghỉ hưu, cũng có cả những đề án về cải cách chính sách tiền lương, tăng việc thương lượng và quyết định giữa hai bên người lao động và người sử dụng lao động. Nếu chúng ta cứ can thiệp trực tiếp, nhiều khi lại làm méo mó thị trường.

Bạn đọc Phạm Minh Hà, Nam Định: Theo một thống kê công bố trước đây, có tới hơn 60% người nghỉ hưu vẫn tiếp tục đi làm sau khi nghỉ. Vậy việc tăng tuổi nghỉ hưu như đề xuất nam 62, nữ 60 và vẫn duy trì nghỉ trước tuổi với một số đối tượng, kỳ vọng tuổi nghỉ hưu bình quân sẽ tăng lên như thế nào?

Ông Điều Bá Được: Xin cảm ơn sự quan tâm của bạn Phạm Minh Hà. Về số liệu những người nghỉ hưu mà vẫn tiếp tục làm việc, tôi cho rằng, phần lớn người nghỉ hưu ở Việt Nam nếu còn sức khỏe thì vẫn tiếp tục làm việc. Chí ít, họ sẽ giúp cho con cháu hay công việc nội trợ của gia đình. Vì thế, điều đáng mừng, chúng ta vẫn tận dụng được nguồn nhân lực có kinh nghiệm để phát triển kinh tế đất nước.

Điều này cũng có logic về việc Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp đã thông tin, có đến 17 năm những người sau 60 tuổi vẫn còn khỏe mạnh để tiếp tục làm việc. Cho nên, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu 62 đối với nam, 60 tuổi với nữ, trong đó cũng có quy định để có một số người nhận lương hưu sớm mà không quá 5 tuổi. Đồng thời, có quy định những người kéo dài tiếp tục thời gian làm việc không quá 65 tuổi, điều này sẽ làm tuổi nghỉ hưu bình quân tăng lên theo kỳ vọng của Ban soạn thảo. Tôi nghĩ đề xuất này có cơ sở.

Giao lưu trực tuyến về tăng tuổi nghỉ hưu ảnh 12

Bạn đọc Lê Gia Huy, Nam Định: Một trong những giải pháp bảo đảm chính sách an sinh xã hội cho người lao động là vận động họ tham gia BHXH tự nguyện. Đối tượng đích của chính sách BHXH tự nguyện hiện nay là người lao động trong lứa tuổi nào? Hiện số người tham gia BHXH tự nguyện đã đạt con số bao nhiêu?

Ông Điều Bá Được, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam: Số người tham gia BHXH tự nguyện cả nước đã đạt gần 340.000 người. Theo quy định của chúng ta có nêu rõ, nhưng người tham gia từ 15 tuổi trở lên có thu nhập là công dân Việt Nam không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc được tham gia BHXH tự nguyện.

Theo mục tiêu của Nghị quyết 28, chúng ta hướng tới BHXH toàn dân, vì vậy chúng tôi thấy những người có thu nhập từ 15 tuổi trở lên nên tham gia BHXH. Chính sách của chúng ta hiện tại vẫn còn mở so với một số nước.

Theo chúng tôi được biết, ở Hàn Quốc, nhưng người có thu nhập từ 15 tuổi trở lên thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc để bớt gánh nặng cho xã hội của họ.

Còn ở Việt Nam hiện nay chúng tôi vẫn đang vận động những người có thu nhập từ 15 tuổi trở lên tham gia BHXH.

Bạn đọc Triệu Văn Minh: Tôi rất băn khoăn vì dự thảo Bộ luật Lao động lần này vẫn chưa quy định chính sách hưởng lương hưu linh hoạt theo thời gian đóng BHXH, vẫn quy định là 20 năm. Theo ông, nên chăng, cần quy định linh hoạt về thời gian đóng BHXH để được nhận lương hưu với người lao động không?

Ông Lê Đình Quảng:

Tôi cho rằng quy định này là vô cùng cần thiết và chúng tôi hoàn toàn đồng tình. Tôi cũng muốn nói rõ thêm, thực ra, về chính sách Bảo hiểm xã hội thì chúng ta đã có Nghị quyết 28 đề cập rất rõ là cần thực hiện việc tạo ra sự linh hoạt trong chế độ bảo hiểm, đa dạng hạ tầng. Trong chế độ nghỉ hưu, thời gian đóng bảo hiểm xã hội đang được dự kiến và bàn luận giảm từ 20 năm xuống 15 năm hoặc 10 năm. Hiện nay, theo Điều 73 trong Luật Bảo hiểm xã hội đang quy định là thời gian tham gia Bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu là 20 năm.

Trong dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động lần này thì chỉ bàn đến tuổi nghỉ hưu, còn điều kiện đóng Bảo hiểm xã hội thì chiếu theo Điều 73. Chúng ta cần bảo đảm quyền lợi của người lao động, nhất là những người bị suy giảm khả năng lao động hoặc những người lao động về hưu khi chưa đủ tuổi. Vì vậy, nếu không xem xét những điều này mà chỉ giữ nguyên việc tăng độ tuổi nghỉ hưu của Bộ luật Lao động mà không điều chỉnh thời gian tham gia Bảo hiểm xã hội linh hoạt trong Luật Bảo hiểm xã hội thì vấn đề này sẽ tác động xấu đến quan hệ lao động và thị trường lao động.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp:

Tôi xin nói thêm vài ý về vấn đề này. Lần này chúng ta sửa đổi Bộ luật Lao động, các chính sách Bảo hiểm xã hội sẽ dự kiến sửa luật Bảo hiểm xã hội hiện nay đã bắt đầu nghiên cứu theo đúng tinh thần của Đề án cải cách chính sách xã hội dự kiến sẽ sửa vào năm 2021. Sẽ có rất nhiều nội dung được sửa như về tuổi nghỉ hưu, giảm thời gian tham gia Bảo hiểm xã hội, tiền hưu trí, công thức tính tương đương tiền lương hưu cũng sẽ được thiết kế lại.

Theo tinh thần của Nghị quyết 28 cũng đề cập rằng chúng ta cần cố gắng tăng quyền lợi khi hưởng theo diện bảo lưu thời gian tham gia Bảo hiểm xã hội, chế độ hưu trí giảm quyền lợi nếu nhận Bảo hiểm xã hội một lần, tiền lương đóng Bảo hiểm xã hội của người lao động sẽ hoạch toán vào một khoản riêng, tiền lương đóng Bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp thì vào một tài khoản chung để tăng sự chia sẻ, thu hẹp khoảng cách về lương hưu giữa những người về hưu với nhau, người có tiền tham gia cao chia sẻ với người có tiền tham gia Bảo hiểm xã hội thấp.

Tất nhiên, như vậy thì các câu chuyện những người nhận lương hưu 100 triệu với người nhận lương hưu 1,3 triệu sẽ không còn. Rất nhiều nội dung cải cách của chính sách Bảo hiểm xã hội cần được thiết kế trong Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, vì thế Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đang nghiên cứu và dự kiến sẽ sửa vào năm 2021, và tuổi nghỉ hưu linh hoạt và đóng Bảo hiểm xã hội linh hoạt cũng nằm trong Luật sửa đổi tới đây.

* Bạn đọc Trần Quang Thanh, 30 tuổi, kinh doanh tự do, Bắc Ninh: Có một thông tin được người tham gia chính sách BHXH tự nguyện quan tâm là “Tiết kiệm 5.000 đồng mỗi ngày, về già bạn sẽ có lương hưu”. Vậy nếu tham gia BHXH tự nguyện, mức thực đóng BHXH mỗi tháng sẽ là bao nhiêu, đóng bao nhiêu năm. Và mức lương hưu nhận được theo mức đóng trên là bao nhiêu tiền một tháng khi về già.

Ông Điều Bá Được: Đây là một nội dung được nhiều bạn đọc quan tâm tôi cho rằng nhận định “Tiết kiệm 5.000 đồng mỗi ngày, về già bạn sẽ có lương hưu” là hoàn toàn chính xác, thậm chí tôi có thể phân tích được là chúng ta sẽ không sử dụng đến 5.000 đồng một ngày mà khi về già chúng ta vẫn có thể được nhận lương hưu.

Câu chuyện ở đây sẽ được thuận lợi hơn khi mà chúng ta sửa Luật Bảo hiểm xã hội như đề xuất của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Sau này, chúng ta sẽ giảm điều kiện về thời gian để được nhận lương hưu, thay vì 20 năm chúng ta sẽ giảm xuống 15 năm hoặc là 10 năm như là Nghị quyết T.Ư đã chỉ đạo.

Thứ nhất, về mức đóng BHXH tự nguyện hiện nay, chúng ta đang thực hiện đóng theo mức thu nhập của người lao động lựa chọn, 22% của mức thu nhập của người lao động lựa chọn, tối thiểu bằng 700 nghìn đồng, bằng mức chuẩn hộ nghèo ở khu vực nông thôn hiện nay đang quy định và mức cao nhất là không quá 20 lần tiền lương cơ sở. Như vậy, nếu chúng ta đóng BHXH tự nguyện ở mức 5.000 đồng một ngày, tính ra, sẽ bằng gần mức cận nghèo tức là bằng thu nhập lựa chọn là 700 nghìn đồng để đóng. Khi chúng ta đóng mỗi tháng theo quy định là bằng 22% nhân với 700 nghìn đồng, tức là bằng 154 nghìn đồng. Trong 154 nghìn đồng này, Nhà nước hiện nay đang hỗ trợ cho những người tham gia BHXH tự nguyện tối thiểu là 10%, có nghĩa là những đối tượng này sẽ được hỗ trợ 15.400 đồng, và chỉ còn phải 138.600 đồng. Số tiền này chia cho 30 ngày thì sẽ chưa đến 5.000 đồng/ngày.

Trường hợp thứ hai thì lại còn được hỗ trợ cao hơn, trong trường hợp những người tham gia là người thuộc hộ cận nghèo thì sẽ được hỗ trợ 25%, tức là tính ra sẽ được hỗ trợ 38.500 đồng chỉ còn phải đóng 115.500 đồng. Những người thuộc diện người nghèo được ở hỗ trợ cao hơn, ở mức 30%, bằng 46.200 đồng, chỉ phải đóng 107.800 đồng, chia cho 30 ngày, chỉ còn phải đóng hơn 3.000 đồng. Nếu người tham gia BHXH tự nguyện thực chất chỉ đóng không đến mức 5.000 đồng một ngày, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện nay phải đóng 20 năm tức là đóng 7.300 ngày, thì chúng ta sẽ được nhận lương hưu khi 60 đối với nam và 55 tuổi đối với nữ.

Câu chuyện ở đây bạn đọc muốn quan tâm là sẽ được hưởng mức lương hưu là bao nhiêu. Thứ nhất, bây giờ không quan tâm đến chuyện trượt giá. Giả định số tiền đóng và sau 20 năm đóng, chúng ta được hưởng mức trên nền đóng là 700 nghìn đồng. Nếu là lao động nữ, và có 20 năm đóng BHXH, họ được hưởng tỷ lệ là 55% nhân với 700 nghìn đồng, thì sẽ được nhận 385 nghìn đồng/tháng. Với lao động nam, thời gian đóng 20 năm thì được hưởng 45% nhân 700 nghìn thì được 315 nghìn đồng.

Nội dung này, tôi nghĩ sau này, chúng ta sẽ tính toán như thế nào để cho tỷ lệ hưởng hướng tới mức bình đẳng. Tức là không có chuyện cùng đóng BHXH 20 năm, nhưng giới tính là nữ thì được 55% mà giới tính nam thì 45%. Đây là câu chuyện bài toán về sau. Hiện nay, vẫn đang thực hiện như thế này và quy định theo luật của chúng ta là, bình quân chúng ta vẫn điều chỉnh lương hưu hằng năm căn cứ trên chỉ số trượt giá (tức Chỉ số giá tiêu dùng) và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách Nhà nước và quỹ BHXH. Hiện tại, chúng ta mới quan tâm đến một phần trong điều chỉnh lương hưu là hằng năm chúng ta vẫn điều chỉnh trên cơ sở Chỉ số giá tiêu dùng. Nếu chúng ta tính thêm điều chỉnh lương hưu này vào, người lao động sau 20 sẽ được hưởng mức lương phù hợp với mức đóng và bảo đảm giá trị, bởi vì chúng ta điều chỉnh mức để bảo đảm giá trị tiền đóng. Điều này khác với việc tham gia bảo hiểm thương mại. Không hề có thông tin là 12 sổ bảo hiểm trị giá trị một căn nhà, mà khi 20 năm sau, thì chỉ nhận được ba bát phở.

Nhưng riêng tiền đóng BHXH tự nguyện có một điều đặc biệt là được Nhà nước bảo hộ quỹ. Trong đó, quy định bảo hộ rất rõ ở chỗ là bảo toàn giá trị bằng cách tiền đóng BHXH được điều chỉnh trên cơ sở Chỉ số giá tiêu dùng, có nghĩa là số tiền hôm nay chúng ta bỏ ra, thì chúng ta sẽ được nhận đúng giá trị đồng tiền đó được bảo toàn trên cơ sở chỉ số giá. Đấy là một cam kết của Nhà nước mà chúng tôi cho rằng đây là một lợi thế để bảo đảm cho người dân yên tâm mà tham gia BHXH tự nguyện.

MC: Bạn đọc hỏi thêm: Ngoài ra, chúng tôi sẽ được hưởng những chính sách nào khác không?

Ông Điều Bá Được: Ngoài lương hưu, người lao động khi tham gia BHXH tự nguyện còn được hưởng một chính sách thiết thực hiện nay. Đó là chính sách bảo hiểm y tế. Người dân được quỹ bảo hiểm xã hội đóng phần phí bảo hiểm y tế để người lao động khi về hưu được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, được quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thực hiện chế độ theo Luật Khám, chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế. Ngoài ra, khi người hưởng lương hưu đóng BHXH tự nguyện qua đời, còn được hưởng chế độ mai táng và tử tuất.

* Bạn đọc Nguyễn Thanh Thảo, 40 tuổi, Thanh Hóa: Nếu như chế độ BHXH bắt buộc có các chế độ: Ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất thì BHXH tự nguyện chỉ gồm có hai chế độ: Hưu trí và tử tuất. Vậy chính sách BHXH tự nguyện cần thay đổi như thế nào để thu hút thêm người lao động tham gia?

Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp trả lời: Đối với chế độ bảo hiểm tai nạn lao động nghề nghiệp, bình thường, chỉ người nào làm ở khu vực có nguy cơ tai nạn lao động cao, mắc bệnh nghề nghiệp cao thì tham gia, còn những người làm ở khu vực bình thường thì thường không muốn tham gia. Chính sách BHXH thường theo nguyên tắc chia sẻ. Chính sách BHXH bắt buộc thì mọi thành phần kinh tế thì phải đóng góp chia sẻ. Cho nên, chính sách bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, dù có chính sách tự nguyện quy định trong Luật An toàn vệ sinh lao động, nhưng chưa triển khai được hoặc xem lại hình thức hỗ trợ như thế nào để tham gia được. Về ốm đau, liên quan chính sách BHYT, toàn dân cho nên đưa vào BHXH tự nguyện thì chưa hợp lý.

Về chế độ thai sản, nhiều người nói ở Việt Nam rất hạnh phúc khi thanh niên lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái, và đã có tình trạng già hóa dân số. Rất nhiều nước đặt vấn đề tiếp nhận lao động làm việc trong các ngành điều dưỡng, chăm sóc người già, làm việc ở các nhà máy, công xưởng...

Trong lần sửa đổi Luật BHXH sắp tới, chính sách về thai sản có thể được đưa vào nghiên cứu. Sau này, khi sửa đổi chính sách BHXH, bao gồm bắt buộc và tự nguyện có thể mở rộng càng nhiều càng tốt độ bao phủ của chính sách này. Hiện nay chưa có chính sách này nhưng đã bắt đầu nghiên cứu.

Ông Lê Đình Quảng bổ sung: Về mở rộng đối tượng tham gia BHXH, hiện nay, chính sách BHXH của chúng ta có BHXH tự nguyện và BHXH bắt buộc. Dù chúng ta triển khai rất nhiền biện pháp nhưng số lượng người tham gia chính sách BHXH tự nguyện rất ít, khoảng 400 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện. Khi chúng ta thực hiện chính sách nâng tuổi nghỉ hưu, tôi cho rằng, chính sách BHXH tự nguyện này càng cần được thiết kế để linh hoạt thu hút đối tượng tham gia.

Thờ gian qua, về mặt chính sách chúng ta thay đổi nhiều, đó là phương thức đóng, giải quyết bất cập về chế độ chính sách, tạo sự liên thông giữa BHXH tự nguyện và BHXH bắt buộc. Bạn đọc đã nêu ra vấn đề như vậy, tôi nghĩ rằng, thời gian tới, chúng ta phải nghiên cứu để bổ sung chính sách, làm cho chính sách BHXH tự nguyện hấp dẫn hơn để thu hút càng nhiều người lao động tham gia. Có thể nói, đây là khu vực có rất nhiều cơ hội để phát triển đối tượng tham gia BHXH, nhất là trong bối cảnh tăng tuổi hưu.

Ông Điều Bá Được: Tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất tăng quyền lợi cho người lao động. Tuy nhiên, theo nguyên lý về BHXH, phải nghiên cứu rất kỹ. Nghị quyết đã nêu, chúng ta sẽ nghiên cứu thí điểm một gói BHXH ngắn hạn, linh hoạt, ở đây không nói đến tự nguyện. Hiện nay tôi được biết, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang tích cực nghiên cứu, và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đang cử các chuyên gia giúp chúng ta nghiên cứu vấn đề này. Nếu chúng ta nghiên cứu để tìm ra vấn đề cốt lõi thì sẽ có khắc phục, điều chỉnh chính sách, biện pháp tuyên truyền.

Thực tế, người dân chưa hoàn toàn hiểu về chính sách BHXH tự nguyện. Làm sao cho các cấp, các ngành, đặc biệt là người có tác động, có uy tín với dân, kể cả trong khu dân cư như già làng, trưởng bản, nhận thức đúng về bản chất của chính sách BHXH tự nguyện? Chúng tôi cho rằng, một trong những lực lượng truyền thông chủ yếu là những người có tác động, có tiếng nói, uy tín với người dân. Chúng tôi đề xuất có bộ tài liệu chính thống về cải cách chính sách BHXH theo Nghị quyết 28, đây là tài liệu chính thống do Nhà nước phát hành để cung cấp thông tin cho từng nhóm đối tượng.

Bạn đọc Nguyễn Văn Huyên, (47 tuổi, công nhân khai thác than): Tôi hiện đang là công nhân mỏ. Trước khi làm công nhân mỏ, tôi có làm ngành nghề khác, có đóng bảo hiểm. Tôi xin hỏi, nếu tôi đóng đủ bảo hiểm 20 năm nhưng làm trong ngành hầm lò chưa đủ 15 năm thì tôi có được nghỉ hưu sớm không, quyền lợi bảo hiểm của tôi sẽ như thế nào?

Ông Điều Bá Được, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam:

Thời gian đóng bảo hiểm của bạn Nguyễn Văn Huyên là 20 năm nhưng thời gian làm việc trong hầm lò chưa đủ 20 năm, theo quy định của Luật Bảo hiểm Xã hội thì những người làm công việc khai thác than trong hầm lò phải đủ 20 năm trở lên trong đó phải có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò, trong trường hợp của bạn chưa đủ 15 năm làm việc khai thác than trong hầm lò nên bạn không được nghỉ hưu sớm theo quy định của người khai thác than trong hầm lò.

Hiện nay bạn 47 tuổi chưa có quy định nào để bạn nhận lương hưu, tuy nhiên bạn hoàn toàn có thể bảo lưu thời gian đã đóng BHXH để nếu có cơ hội thì bạn tiếp tục đóng BHXH bắt buộc hoặc BHXH tự nguyện, hoặc nếu bạn không thể tham gia được nữa thì bạn có thể chờ đến khi đủ 60 tuổi để được nhận lương hưu. Trong quá trình chờ đủ 60 tuổi nếu có điều kiện thì bạn vẫn có thể tiếp tục tham gia đóng BHXH tự nguyện hoặc BHXH bắt buộc để sau này tích lũy thêm về mặt thời gian, mức đóng để khi mình về nghỉ hưu thì mình có thời gian đóng nhiều hơn thì tỷ lệ hưởng lương hưu sẽ cao hơn do đó mức lương hưu sẽ cao hơn.

* Bạn đọc Lê Văn Vũ (42 tuổi, Đồng Nai): Tôi đã đóng BHXH được 20 năm 3 tháng và đã nghỉ việc do tinh giản biên chế vào tháng 9-2018. Tại thời điểm nghỉ việc tôi mới 42 tuổi. Có phải, nếu theo quy định của Bộ luật Lao động (sửa đổi), tôi phải chờ đến 20 năm sau mới được lĩnh lương hưu? Cuộc sống tôi hiện đang rất khó khăn, cho nên tôi muốn xin tư vấn để không phải chịu nhiều thiệt thòi về quyền lợi BHXH đối với trường hợp của tôi?

Ông Điều Bá Được, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam:

Xin cảm ơn câu hỏi của bạn, tôi xin trả lời như sau.

Thứ nhất, nếu như phương án tăng tuổi nghỉ hưu này được Quốc hội thông qua, có nghĩa là bạn phải chờ đến đủ 62 tuổi để được nhận lương hưu.

Ở đây câu chuyện là bạn đang băn khoăn trong việc đưa ra sự lựa chọn đúng đắn nhất, là chờ hay không chờ cho tới khi đủ tuổi nghỉ hưu (62 tuổi) để lĩnh lương hưu hoặc nhận BHXH một lần.

Lời khuyên của tôi là bạn nên bảo lưu thời gian đóng BHXH để giống như trường hợp của bạn đọc trước, là để có thể tiếp tục tham gia đóng BHXH khi có điều kiện.

Cá nhân tôi nghĩ là, với độ tuổi hơn 40 hiện nay của bạn thì nên lựa chọn tham gia BHXH tự nguyện. Trong trường hợp bạn có sức khoẻ và lại được tuyển dụng vào làm việc tại bất kỳ một đơn vị nào, đều sẽ được đóng BHXH bắt buộc, và thời gian đó bạn sẽ được tích lũy, cộng thêm vào thời gian bạn đã đóng BHXH, để đến khi đủ tuổi thì được nhận lương hưu.

Bạn không nên bi quan và từ đó đưa ra chọn lựa nhận BHXH một lần, sẽ dẫn đến sự thiệt thòi cho bản thân. Trước năm 2014, mỗi năm đóng BHXH bạn sẽ được nhận 1,5 tháng lương và sau năm 2014, với mỗi năm đóng BHXH thì bạn nhận được hai tháng lương. Số tiền này, nếu bạn nhận BHXH một lần, tính ra chưa bằng số tiền chúng ta đóng vào BHXH (khoảng 2,64 tháng lương mỗi năm). Viện dẫn như vậy là để thấy rõ, việc nhận BHXH một lần không thực sự có lợi cho người lao động.

Chính vì vậy, theo tôi, chúng ta nên lựa chọn phương án bảo lưu đóng BHXH, và khi có điều kiện chúng ta tiếp tục đóng BHXH, hoặc lựa chọn tham gia đóng BHXH tự nguyện, để tránh thiệt thòi trong việc lĩnh lương hưu khi đến tuổi nghỉ hưu.

Kết thúc buổi Giao lưu trực tuyến, ông Nguyễn Ngọc Thanh - Trưởng Ban Nhân Dân điện tử đã gửi lời cảm ơn tới các vị khách mời, các quý vị đại biểu, các bạn đọc báo Nhân Dân điện tử đã tham gia buổi giao lưu trực tuyến.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh cho biết: “Sau gần hai giờ giao lưu trực tuyến, chúng tôi nhận được hàng trăm câu hỏi của bạn đọc trên khắp mọi miền tổ quốc. Chúng tôi chọn 25 câu hỏi chính để các khách mời trả lời bạn đọc. Các cơ quan như Bộ Lao động. Thương binh và Xã hội, BHXH Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã giải đáp cho bạn đọc những câu hỏi chung quanh lý do tại sao lại tăng tuổi nghỉ hưu.

Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, có bốn lý do để tính tới việc tăng tuổi nghỉ hưu gồm: già hóa dân số, bình đẳng giới, sức khỏe người Việt tăng lên và cân đối quỹ BHXH. Tuy nhiên, còn có rất nhiều băn khoăn và có nhiều thắc mắc liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động trực tiếp, như việc tăng tuổi nghỉ hưu thì với những người nghỉ hưu sớm sẽ ảnh hưởng như thế nào, bố trí việc làm như thế nào, đào tạo nghề ra sao… Có thể nói, phía Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, BHXH và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã giải đáp, tư vấn thỏa đáng và đưa ra những đề xuất, những chính sách cần thiết để nhằm bảo đảm quyền, lợi ích cho người lao động trực tiếp -những người bị ảnh hưởng nhiều nhất trong lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu.

Thực tế cho thấy, việc tăng tuổi nghỉ hưu nằm trong xu thế phát triển chung của thế giới, cần phải tính đến lộ trình này nếu như chúng ta muốn xây dựng và phát triển đất nước bền vững. Còn những bất cập, hạn chế, đặc biệt với đối tượng người lao động trực tiếp sắp tới sẽ bổ sung chính sách và bổ sung luật để bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người lao động".