Giao lưu trực tuyến "Kỹ năng sống cho học sinh phổ thông"

NDO -

NDĐT - Sáng 27-9, tại Tòa soạn Báo Nhân Dân, TS Phùng Khắc Bình và TS Nguyễn Thụy Anh, là những chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác quản lý và hoạt động thực tiễn về giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sẽ trả lời trực tuyến độc giả Báo Nhân Dân điện tử về việc hình thành, trang bị kỹ năng sống cho thanh thiếu niên.

Giao lưu trực tuyến "Kỹ năng sống cho học sinh phổ thông"

Hình thành kỹ năng sống cho con em trong lứa tuổi thanh thiếu niên đang là vấn đề ngày càng được nhiều bậc cha mẹ, các nhà giáo dục và xã hội chú ý đến. Kỹ năng sống cho học sinh theo cách hiểu đơn giản nhất, gần gũi nhất thì đó chính là những kỹ năng học tập, kỹ năng làm chủ bản thân, kỹ năng thích ứng và hòa nhập với cuộc sống, kỹ năng làm việc, giúp các em tạo dựng khả năng làm chủ bản thân, khả năng ứng xử phù hợp với những người khác, với xã hội và khả năng ứng phó tích cực trước các tình huống của cuộc sống. Đó là nhịp cầu giúp con người biến kiến thức thành thái độ, hành vi và thói quen tích cực, lành mạnh.

Hiện chương trình giáo dục phổ thông đang từ chỗ mới chỉ chú trọng cung cấp kiến thức cho học sinh, xem trọng việc dạy chữ, chưa chú trọng đúng mức dạy làm người, thì dần dần chúng ta bắt đầu hướng đến xây dựng chương trình giáo dục chú trọng tới việc làm thế nào để học sinh học xong phải thể hiện được, làm được; biết vận dụng những kiến thức để giải quyết các tình huống đặt ra trong cuộc sống và học tập.

Với chủ đề "Kỹ năng sống cho học sinh phổ thông", các chuyên gia, nhà quản lý sẽ cùng chia sẻ với bạn đọc của Nhân Dân điện tử về: Quan điểm, cách tiếp cận, phương pháp giáo dục kỹ năng sống cho học sinh hiện nay; Cách thức gia đình, nhà trường các tổ chức, phối hợp để tạo điều kiện cho học sinh được học và thực hành trải nghiệm các kỹ năng, để trang bị cho các em những vốn sống cần thiết trong cuộc sống sau này có ích cho gia đình và xã hội.

Chương trình giao lưu bắt đầu từ 9 giờ, kính mời bạn đọc đặt câu hỏi về vấn đề mình quan tâm và gửi vào địa chỉ sau:

* Qua hộp thư: nhandandientutiengviet@gmail.com

* Số điện thoại: 02437100839

* Fanpage: facebook.com/nhandandientutiengviet

Hoặc trực tiếp tại: http://nhandan.com.vn/tructuyen

Sáng nay, TS Triết học Phùng Khắc Bình và TS Nguyễn Thụy Anh đã có mặt tại Tòa soạn báo Nhân Dân. Thay mặt ban Nhân Dân điện tử, đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh đã tiếp đón và tặng hoa hai vị chuyên gia và phát biểu đề dẫn, khai mạc chương trình giao lưu trực tuyến.

Giao lưu trực tuyến "Kỹ năng sống cho học sinh phổ thông" ảnh 1

Đúng 9 giờ, hai vị khách mời bắt đầu trả lời những câu hỏi của độc giả Báo Nhân Dân điện tử trong buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề "Kỹ năng sống cho học sinh phổ thông".

Cho đến sáng nay, chúng tôi đã nhận được hơn 30 câu hỏi của bạn đọc gửi đến các chuyên gia. Các câu hỏi đặt ra nhiều tình huống và những băn khoăn thắc mắc của các vị phụ huynh xoay quanh vấn đề trang bị kỹ năng cho con mình. Một số câu hỏi đặt ra vấn đề về sách giáo khoa cũng như các tiết học kỹ năng sống trong nhà trường, các chủ trương và quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh phổ thông...

- Nhiều năm nay, các chuyên gia giáo dục cũng như phụ huynh học sinh đều nhận thấy một thực tế: chương trình giáo dục của Bộ GD-ĐT chưa chú trọng kỹ năng sống cho học sinh phổ thông, hoặc có đưa vào nhưng còn khiên cưỡng, thiếu thực tế và phương pháp do vậy cũng chưa hiệu quả. Tôi có thể hỏi TS Phùng Khắc Bình, quan điểm của ông như thế nào về việc thiết lập chương trình và SGK về kỹ năng sống cho học sinh trong trường phổ thông để có hiệu quả? (Đặng Sơn, Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội)

TS Phùng Khắc Bình: Cám ơn bạn Đặng Sơn đã có câu hỏi hay và tầm rộng. Đúng là hiện nay chưa chú trọng vấn đề giáo dục kỹ năng sống, chưa có chương trình tổng thể và thiếu nội dung và phương pháp. Chính vì thế, trong đổi mới giáo dục đào tạo sẽ thể hiện vấn đề kỹ năng sống thế nào cho phù hợp lứa tuổi.

Giao lưu trực tuyến "Kỹ năng sống cho học sinh phổ thông" ảnh 2

Thứ hai, trong chương trình mới đang thực hành, chương trình tổng thể không có môn kỹ năng sống. Môn này thể hiện ở hai góc độ: ở các môn học không chỉ rèn luyện nhận thức mà còn thực hành, liên hệ thực tiễn rèn luyện kỹ năng. Đây là đổi mới giáo dục, gắn giữa học và hành, giữa lý thuyết và thực hành xã hội. Hiện nay, những đề thi về môn khoa học xã hội, nhân văn, tự nhiên đều gắn vấn đề xã hội thực tiễn. Như vậy, trong giáo dục, đều tích hợp vấn đề kỹ năng sống.

Ngoài ra, còn có môn trực diện về kỹ năng sống là chương trình hoạt động trải nghiệm 105 tiết từ lớp 1 đến lớp 12. Đây thực chất là đưa học sinh vào hoạt động cụ thể, qua đó giáo dục kỹ năng cần thiết theo từng lớp học, cấp học và sau này phù hợp với thực tiễn với địa phương.

Chúng ta còn môn giáo dục thể chất, giáo dục nghệ thuật, mỹ thuật, âm nhạc, tạo cho các em có phông nền và khả năng hiểu biết, tham gia một số loại hình nghệ thuật. Lên lớp 12, kỹ năng sống không chỉ dừng ở sinh hoạt hằng ngày, mà còn trách nhiệm với cộng đồng, Tổ quốc. Nên vấn đề kỹ năng sống sẽ được cập nhật tiếp về quốc phòng, an ninh thông qua giáo dục quốc phòng an ninh, để các em thực hiện trách nhiệm với quốc phòng an ninh. Môn giáo dục kinh tế pháp luật cung cấp kiến thức về pháp luật, giúp thực hành về hạch toán, chi tiêu tài chính. Để sau đó, trong khuôn khổ pháp luật, các em biết hướng dẫn người đồng hành với mình để thực hiện sống và làm việc theo pháp luật.

Thiết kế công nghệ, máy tính, tin học ứng dụng… cũng là những môn thực hiện giáo dục kỹ năng sống.

Giao lưu trực tuyến "Kỹ năng sống cho học sinh phổ thông" ảnh 3

- Theo tôi được biết, học sinh “thừa kiến thức, thiếu kỹ năng” đang là hiện tượng phổ biến trong hệ thống giáo dục của chúng ta hiện nay, khiến cho con cháu chúng ta - sản phẩm của hệ thống giáo dục này trở nên thiếu năng động, không thích nghi khi thay đổi điều kiện, môi trường sống. Xin hỏi TS. Nguyễn Thụy Anh, chị nhận định thế nào về nguyên nhân gây ra hiện tượng này và đề xuất cách giải quyết với cơ quan quản lý? (Nguyễn Thu Hiền, 0969…01)

Giao lưu trực tuyến "Kỹ năng sống cho học sinh phổ thông" ảnh 4

TS Nguyễn Thụy Anh: Tôi hoàn toàn chia sẻ với ý kiến của bạn, và đây hẳn cũng là điều lo ngại của các nhà sư phạm và các bậc phụ huynh, chính vì thế mà Bộ Giáo dục và Đào tạo gần đây rất quan tâm đến môn học kỹ năng sống và đưa môn học này vào nhà trường một cách độc lập. Ngay cụm từ “thừa kiến thức thiếu kỹ năng” của bạn đã chạm đến nguyên nhân gây ra hiện tượng bạn nói. Lượng kiến thức trẻ phải học quá lớn, lượng bài tập phải làm, thời lượng học ở trường chiếm 70-80% cuộc sống của trẻ. Không “sống đủ” thì làm sao có thể có kỹ năng sống được.

Ngoài ra, một thời gian dài, các bố mẹ hiện đại quá bận nên nhiều gia đình (không phải tất cả) thiếu vắng đi những hoạt động chung hằng ngày như nấu ăn cùng nhau, cùng nhau dọn nhà, cùng nhau đi dạo… Thật ra, chính những lúc “cùng nhau” như thế là lúc bố mẹ dạy cho con rất nhiều về giá trị sống và kỹ năng thực hiện những hoạt động sống từ kho kiến thức của bố mẹ.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay các tiết học kỹ năng sống trong nhà trường, cũng như sách giáo khoa do Bộ GD-ĐT áp dụng, và kể cả giáo viên dạy môn này chưa được quy chuẩn? Có sự khác nhau giữa dạy kỹ năng sống cho học sinh giữa trường này và trường khác, và đặc biệt giữa khối các trường công lập và tư thục? (Lê Minh, minhle…@yahoo.com.vn)

Giao lưu trực tuyến "Kỹ năng sống cho học sinh phổ thông" ảnh 5

TS Phùng Khắc Bình: Về câu hỏi các tiết học và sách giáo khoa chưa quy chuẩn, theo tôi, hiện nay Bộ không có sách giáo khoa về kỹ năng sống, chỉ có môn khoa học theo chương trình của Bộ. Môn Kỹ năng sống được đưa vào ngoài chương trình chính khóa. Bộ có hướng dẫn tích hợp các kỹ năng sống cơ bản, là tài liệu hướng dẫn cho giáo viên.

Vừa rồi, Bộ cũng đã phê duyệt chương trình giáo dục kỹ năng sống, khuyến cáo nhà trường đưa vào để giảng dạy. Hiện nay, các chuyên gia đã thẩm định và chuẩn bị ban hành.

Về sự khác nhau, Bộ chỉ công bố quy định chung về kỹ năng sống. Chủ yếu về tập tự phục vụ, phòng tránh nguy hiểm, lắng nghe, lễ phép, giữ gìn vệ sinh, bảo vệ chăm sóc con vật và cây cối…

Học sinh tiểu học chủ yếu học theo 5 điều Bác Hồ dạy, tự phục vụ, tự quản; giao tiếp, hợp tác; Tự học và giải quyết vấn đề; Chăm học, chăm làm; Tích cực tham gia hoạt động giáo dục; Tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm; Trung thực, kỷ luật, đoàn kết; Yêu gia đình, bạn và những người khác; Yêu trường, lớp, quê hương, đất nước…

Giao lưu trực tuyến "Kỹ năng sống cho học sinh phổ thông" ảnh 6

- Xin hỏi TS Thụy Anh, quan điểm của bà về chương trình dạy kỹ năng sống trong nhà trường? Nên hiểu cụm từ “kỹ năng sống” như thế nào, nhất là việc áp dụng nó trong lứa tuổi học đường, trẻ nhỏ? (Đỗ Khuê, Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội)

Giao lưu trực tuyến "Kỹ năng sống cho học sinh phổ thông" ảnh 7

- TS Nguyễn Thụy Anh: Nói về quan điểm dạy kỹ năng sống trong nhà trường chỉ trong vài câu thì rất khó. Nhưng theo tôi, nhà trường hiện nay đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ trẻ trong việc hình thành những kỹ năng để có thể sống thoải mái (mạnh khỏe, an toàn và lành mạnh) và hạnh phúc. Với một đứa trẻ, để có sống được như thế, ta cần chú ý đến ba khía cạnh chính của tập hợp các hành vi tích cực. Đó là tự phục vụ bản thân; chung sống hòa hợp, đồng thuận với cộng đồng (có trách nhiệm với cộng đồng, phục vụ cộng đồng, tuân thủ các thỏa thuận và quy ước xã hội); khả năng ứng phó và tự bảo vệ, hỗ trợ người khác trước những tình huống bất ngờ và nguy hiểm.

Mỗi kỹ năng sống như vậy sẽ kèm theo rất nhiều giá trị sống đi kèm, tạo nên bộ giá trị tinh thần cho trẻ. Chính vì thế, nên nói đến việc dạy kỹ năng sống trong nhà trường là nói đến phương pháp tiến hành các hoạt động học khiến trẻ ghi nhớ giá trị, quy tắc ứng xử và áp dụng thực sự trong cuộc sống của mình.

- Do việc tiếp thu các khái niệm về kỹ năng sống khác nhau, sự hiểu biết về kỹ năng sống cũng đa dạng, và sự áp dụng các biện pháp giáo dục về kỹ năng sống lại phụ thuộc vào nhiều mục đích khác nhau trong nhiều lĩnh vực. Vì thế, việc triển khai các hoạt động giáo dục kỹ năng sống cũng được vận dụng một cách đa dạng.Vậy trong quá trình truyền dạy kỹ năng sống, người giáo viên cần chú trọng và tập trung vào cách thức nào? (thunguyen…@gmail.com)

Giao lưu trực tuyến "Kỹ năng sống cho học sinh phổ thông" ảnh 8

TS Nguyễn Thụy Anh: Tôi cho rằng trong quá trình dạy kỹ năng sống trong nhà trường thì quan trọng là các phương pháp, nội dung và khái niệm của các nhà trường. Phải làm sao khi các bạn ấy học rồi, không phải đưa cho các bạn một quy tắc là khi có việc này xảy ra thì phải làm như thế kia… mà phải biến thành những bài tập, trò chơi, tình huống được giáo viên đưa vào các hoạt động trên lớp, hoặc hoạt động thực tế để trẻ tự rút ra, tại sao mình phải làm như vậy… Giá trị sống và kỹ năng sống luôn luôn phải đi kèm với nhau, đó là điều mà giáo viên phải luôn chú ý.

Giá trị sống và kỹ năng sống phải luôn có sự phản hồi, tức là sau đó phải biến thành các hành vi trong cuộc sống, thí dụ những hành vi ở nhà: tắt điện khi ra khỏi phòng… Đó là những hành động cụ thể mà trẻ thực hiện và phản hồi bằng cách báo cáo với giáo viên bằng con số, hình ảnh…, bất kỳ điều gì trẻ làm được ở nhà. Chính những phản hồi này lại kích thích trẻ thực hiện những hành vi này. Chúng tôi gọi phương pháp này là “mô hình vòng xoáy”: Từ hành động trên lớp, các bài tập, trò chơi -> đến thay đổi nhận thức, tạo sự quan tâm của trẻ -> cam kết hành động và hành động ở nhà -> phản hồi khiến trẻ tự tin hơn vào bản thân và tiếp tục hành động. Có như vậy thì các hoạt động được hướng dẫn trên lớp mới dần trở thành thói quen và trở thành kỹ năng thực sự.

Các thầy cô giáo nên lưu ý đến các bài tập tình huống. Những tình huống có thể xảy ra trong cuộc sống được đưa vào các hoạt động trên lớp một cách vui nhộn sẽ khiến trẻ nhớ lâu và ứng dụng một cách tự nhiên khi rơi vào trường hợp tương tự.

Giao lưu trực tuyến "Kỹ năng sống cho học sinh phổ thông" ảnh 9

- Theo như tôi được biết, một số trường công quan tâm và rất chú trọng đưa giáo dục kỹ năng vào các hoạt động ngoại khóa cho học sinh, nhưng cũng có nhiều trường bỏ lơ mảng này, vậy theo TS Phùng Khắc Bình nguyên nhân do đâu? Liệu đã đến lúc Bộ GD-ĐT cần xây những chương trình quy chuẩn phù hợp với các cấp học? (Mỹ Linh, Thủ Dầu Một, Bình Dương)

Giao lưu trực tuyến "Kỹ năng sống cho học sinh phổ thông" ảnh 10

- TS Phùng Khắc Bình: Tôi có lời cảm ơn chung với độc giả đã gửi câu hỏi đến. Tôi xin đi thẳng vào vấn đề độc giả trao đổi như sau:

Tôi thấy, các trường tổ chức giáo dục kỹ năng sống khác nhau là đương nhiên. Các nhà trường sẽ lựa chọn chương trình khác nhau để giảng dạy cho phù hợp. Khi tổ chức giáo dục kỹ năng sống cùng một chương trình nhưng hai người giảng sẽ khác nhau nên hai trường giảng giống nhau rất khó xảy ra. Việc tự chủ của mỗi trường là do nhà trường quyết định, sẽ có sự cập nhật, thay đổi, tìm kiếm chương trình phù hợp hơn.

Về câu hỏi của bạn, thực chất đây chỉ là khuyến cáo đưa Kỹ năng sống vào chương trình chứ Bộ chưa có chương trình bắt buộc về Kỹ năng sống. Nhưng sẽ có môn bắt buộc có phần kỹ năng sống như hoạt động trải nghiệm, tuy nhiên phần tỷ lệ giáo dục Kỹ năng sống không đi sâu vào giáo dục kỹ năng sống cụ thể. Vì nếu đi sâu vào giáo dục kỹ năng sống, sẽ khó để giảng dạy hết cho các em. Các môn này học chỉ giúp các em học các kỹ năng cơ bản, ngoài ra, các em sẽ tự cập nhật bằng nhiều kênh từ xã hội, bạn bè, công việc thì mới hoàn thiện kỹ năng sống. Người già còn tiếp tục học kỹ năng sống thông qua các kênh tiếp cận thông tin.

Giao lưu trực tuyến "Kỹ năng sống cho học sinh phổ thông" ảnh 11

- Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ, tuy nhiên, chúng ta vẫn hay đem những quan điểm, khái niệm và mong muốn của người lớn để áp dụng trong cách dạy và đánh giá trẻ em. Ông/bà nhìn nhận việc này như thế nào? (Nguyệt Minh Thu, Phú Thọ)

Giao lưu trực tuyến "Kỹ năng sống cho học sinh phổ thông" ảnh 12

- TS Nguyễn Thụy Anh: Tôi hoàn toàn chia sẻ ý kiến này bởi vì tôi thấy rất nhiều trường hợp như vậy, vì tôi thấy chúng ta đôi khi chưa quan tâm đến phương pháp, mà điều đầu tiên là đối tượng học. Đôi khi chúng ta còn áp những mong muốn theo quan điểm của người lớn để dạy trẻ em, dẫn đến cách tiếp cận chưa hợp lý, không gây được hứng thú và động lực học cho trẻ hoặc kỳ vọng quá lớn khiến trẻ bị đè nặng về áp lực học. Những người làm giáo dục cần phải lưu ý đến điều này.

- Đầu năm nay, nhà trường nơi con tôi học có xin ý kiến phụ huynh về một số chương trình giáo dục kỹ năng sống. Tôi muốn được hỏi quan điểm của chuyên gia là các trường học có nên có riêng giáo viên về kỹ năng sống, hay mời chuyên gia về hướng dẫn cho các em theo chương trình cụ thể? (Bình Anh, Lê Văn Lương, Cầu Giấy, Hà Nội)

- TS Nguyễn Thụy Anh: Tôi nghĩ việc đó phụ thuộc vào quan điểm của nhà trường. Nhà trường có thể mời chuyên gia đào tạo cho giáo viên trong trường một cách kỹ lưỡng, bài bản, như thế thì nhà trường sẽ chủ động hơn trong giảng dạy và việc áp dụng chương trình dạy kỹ năng sống, tuy có thể chậm hơn nhưng có sự bền vững và lâu dài. Tuy nhiên trong trường hợp quá tải về giáo viên, thì việc mời chuyên gia (thậm chí là nhiều chuyên gia cho các khối lớp) cũng là một phương án tốt.

- Tôi có con nhỏ đang học lớp 7, học ở trường công lập. Tôi cảm thấy rất lo lắng về việc trang bị kỹ năng sống cho con, bởi thực tế con tôi lo học theo thời khóa biểu chính khóa, cùng với các cuộc thi liên tục phải đi học thêm, không còn thời gian để học thêm các kỹ năng sống, cũng như khộng biết bắt đầu học như thế nào? Tôi muốn con tôi trang bị những kỹ năng cơ bản cần thiết nhất, liệu chương trình của Bộ và các trường có thể đưa vào thời khóa biểu chính khóa những môn này không? (baobinhnguyen…@gmail.com)

- TS Phùng Khắc Bình: Việc học thêm, tôi có lời khuyên nên học thêm cả môn kỹ năng sống nữa. Tuy nhiên, sẽ không có môn nào có tên chính thức là Kỹ năng sống được đưa vào chương trình chính khóa.

Nếu trong chương trình các em muốn học thêm, thì nhà trường sẽ đưa vào tiết cuối của buổi học nào đó hoặc các buổi trống. Tôi nghĩ, các bạn nên lựa chọn kỹ năng sống chứ không chỉ nên chọn các môn cơ bản như toán, ngoại ngữ, ngữ văn.

Về việc đưa vào thời điểm chính thức hay không, thì tôi nghĩ sẽ đưa vào chương trình học khi có sự thỏa thuận chính thức giữa nhà trường và phụ huynh học sinh. Môn học này sẽ đưa vào thời khóa biểu, nhưng là đưa vào ngoài chương trình chính khóa.

Giao lưu trực tuyến "Kỹ năng sống cho học sinh phổ thông" ảnh 13

- Đầu năm học này, một số trường tổ chức dạy kỹ năng sống cho học sinh theo hình thức phụ huynh đăng ký tự nguyện. Tôi được biết các giờ dạy kỹ năng sống sẽ được bố trí vào khoảng thời gian học của các cháu ở trường. Vậy nếu tôi không đăng ký cho con tham gia thì trong những khoảng thời gian ấy con tôi sẽ làm gì? Đây có phải là bất cập trong việc lồng ghép kỹ năng sống vào trường học hiện nay hay không? (Vân Hà, Hoàn Kiếm, Hà Nội)

- TS Phùng Khắc Bình: Tôi cũng có cháu nội học tại tiểu học và THCS, tôi thấy các trường thường bố trí học Kỹ năng sống vào tiết cuối cùng của buổi học. Như vậy, cha mẹ có thể đón học sinh trước giờ kỹ năng sống nếu không cho con tham gia. Cho nên, nhà trường bố trí như thế tôi cho là hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Các em không học kỹ năng sống có thể về nhà để tự học các môn khác.

Giao lưu trực tuyến "Kỹ năng sống cho học sinh phổ thông" ảnh 14

- Từ năm học trước, để tham gia học kỹ năng sống tại trường, tôi phải đóng khoản phí là 100 nghìn mỗi tháng. Tôi xin hỏi hiện có quy định chung nào về việc tổ chức thu, đóng góp và sử dụng kinh phí đối với hoạt động này của nhà trường không? (An Quảng, quận Đống Đa, Hà Nội)

Giao lưu trực tuyến "Kỹ năng sống cho học sinh phổ thông" ảnh 15

- TS Phùng Khắc Bình: Về mức cụ thể, Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT không có quy định mức mà chỉ quy định mức thu thỏa thuận giữa nhà trường hoặc nhà trường phối hợp với tổ chức liên kết thỏa thuận với phụ huynh.

Nếu chấp nhận thì tham gia, nếu chưa hài hòa thì có thể không tham gia học, đó là quyền lựa chọn của phụ huynh. Còn Bộ và Sở không quy định về mức với môn kỹ năng sống ở bất kỳ nhà trường nào.

- Tôi thấy giờ học kỹ năng sống của con tôi chủ yếu là ngồi trong lớp học, ít có các hoạt động ở các môi trường thực tế. Theo tôi được biết, có trường còn dạy kỹ năng sống cho học sinh theo kiểu “đọc - chép”. Trong điều kiện cơ sở vật chất của các trường học hiện nay, việc giáo dục kỹ năng sống chỉ có lý thuyết suông liệu có mang lại hiệu quả hay không? (dungnguyen79…@yahoo.com)

- TS Phùng Khắc Bình: Nếu đúng như bạn phản ánh thì đó không phải là kỹ năng sống. Vì dạy kỹ năng sống là giảng dạy cụ thể, làm thử, bình luận, hướng dẫn và có lời khuyên. Thí dụ kỹ năng sống về rửa tay, rửa tay làm như thế nào, thì các thầy cô cần làm mẫu hoặc mời ai đó có kỹ năng dạy cho mọi người, sau đó một hay hai học sinh sẽ làm theo và nhận xét. Sau đó thành lập nhóm nào hoạt động mẫu, nhóm khác sẽ bình luận.

Cần thực hành trong các tình huống cụ thể, sau đó các nhóm nhận xét, có lời khuyên. Cần có kiểm tra sau thời gian nhất định.

Kỹ năng mà “ngồi suông” mà không thực hiện thì không thành kỹ năng được.

Giao lưu trực tuyến "Kỹ năng sống cho học sinh phổ thông" ảnh 16

- Thưa TS Thụy Anh, từ thực tế nhiều năm nay TS có tổ chức trại hè cho lứa tuổi học sinh phổ thông từ 7-15 tuổi, TS nhận thấy trẻ em của chúng ta ở lứa tuổi đó thiếu nhất kỹ năng nào? (Tuyết Anh, Võ Chí Công, quận Tây Hồ, Hà Nội)

Giao lưu trực tuyến "Kỹ năng sống cho học sinh phổ thông" ảnh 17

- TS Nguyễn Thụy Anh: Qua những trại hè, chúng tôi nhìn thấy rất rõ có những bạn trẻ đi trại hè năm năm liền, có những thay đổi rõ rệt về kỹ năng. Có những bạn không biết cách tự chăm sóc, tự phục vụ mình, nhưng điều đó không quá quan trọng, vì khi các anh chị phụ trách hướng dẫn là các bạn làm được ngay.

Theo tôi, có lẽ do các bạn ít được làm việc nhà, vì thế mọi hoạt động liên quan đến công việc hằng ngày như quét nhà, lau nhà, dọn dẹp, sống ngăn nắp là một việc khó khăn đối với các bạn. Tôi luôn nói với các vị phụ huynh cho các bạn làm việc nhà như một thành viên trong gia đình.

Một kỹ năng quan trọng nữa mà các bạn còn yếu là kỹ năng sống đồng thuận trong một tập thể (cách ứng xử xã hội, xử lý mâu thuẫn...). Có lẽ vì hiện nay các em nhỏ ít được “thả” để chơi với nhau như thời của chúng tôi ngày xưa. Thông qua các trò chơi tập thể, mà rút ra được các bộ quy tắc ứng xử trong tập thể. Hiện nay các bạn nhỏ đang rất thiếu điều này. Nhà trường và phụ huynh cần phải lưu ý.

Ngoài ra, có một ý mà tôi từng đề cập đến trong câu hỏi trước đó, là cần phải để cho trẻ “sống” đã, rồi sau đó trẻ mới có kỹ năng thông qua đó.

- Hiện các môn văn hóa đang phủ kín cả ngày, nhiều trường phải tranh thủ dạy kỹ năng sống vào ngày nghỉ cuối tuần khiến các con không có thời gian sinh hoạt, chia sẻ với gia đình. Theo ông (bà), nhà trường nên bố trí các tiết học kỹ năng sống như thế nào? (Bách Gia, Tây Hồ, Hà Nội)

Giao lưu trực tuyến "Kỹ năng sống cho học sinh phổ thông" ảnh 18

- TS Phùng Khắc Bình: Tôi nghĩ, đó là do sự thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường. Nếu nhà trường bố trí vào tiết cuối là tốt nhất hoặc vào ngày nghỉ cũng là phương án tốt nếu bảo đảm được sự thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường. Nhưng nếu bố trí cả buổi, tôi cho rằng hơi nhiều vì kỹ năng sống là thấm dần. Mỗi ngày học một ít, thấm dần từ kỹ năng đơn giản nhất… Đồng thời, bên cạnh đó, nhà trường sẽ có kiểm soát, đánh giá hành vi của các em.

Nếu dạy kỹ năng cho các em nhưng các em vẫn vứt rác bừa bãi, không nhặt rác thì giáo dục đó cũng không có tác dụng. Vấn đề là quan sát, kiểm soát để thấy sự chuyển biến của học sinh thông qua kỹ năng sống.

Quan trọng kỹ năng sống của các em còn phụ thuộc rất lớn vào gia đình. Nếu bố mẹ không gương mẫu thì học sinh không tiến bộ được. Bản thân gia đình phải có hành vi chuẩn mực, nếu chưa chuẩn mực thì phải đọc thêm sách, đồng hành với con để giảng giải thêm. Tôi nghĩ như thế các con sẽ có kỹ năng sống tốt hơn. Mọi người trong gia đình và hàng xóm đều có sự ảnh hưởng tới kỹ năng sống của con. Tôi cho rằng, học kỹ năng sống ở mọi nơi, học liên tục, đến già vẫn còn học.

- Thưa TS Khắc Bình, với vai trò của một chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên, ông có đề xuất gì trong việc xây dựng các nội dung giảng dạy về kỹ năng sống trong chương trình giáo dục phổ thông mới? (Trần Anh Tuấn, KCN Thụy Vân, Việt Trì, Phú Thọ)

- TS Phùng Khắc Bình: Các nội dung "khung" đã được Bộ quy định rồi. Khung này tương đối cụ thể nhưng nhiều khi còn thiếu. Phải dựa trên năng lực, phẩm chất người học, ta sẽ xây dựng nên kỹ năng cần có để đáp ứng người học theo chương trình phổ thông mới vừa ban hành, công bố xong. Ta sẽ phải tính gọn lại những kỹ năng cơ bản nhất.

Theo tôi phải lựa chọn từ phía học sinh chứ không phải từ phía người viết sách. Người viết sách phải viết dưới góc độ của mình thể hiện quan điểm cơ bản. Nhưng khi tổ chức dạy ở cơ sở, phải lấy ý kiến học sinh, chọn kỹ năng cơ bản theo từng lớp học, phù hợp với các em.

Tôi cho rằng, trong giáo dục kỹ năng sống phải có sự tham gia của học sinh. Ngoài tham gia lựa chọn tài liệu, học sinh có quyền tham gia trải nghiệm kỹ năng sống trong nhà trường, ngoài nhà trường và báo cáo lại nhà trường. Đồng thời, nhà trường kiểm soát hướng dẫn thêm, phối hợp với gia đình trong việc giáo dục kỹ năng sống cho các em. Việc phối hợp giữa nhà trường với gia đình cần phải chặt chẽ, cần thiết.

- Hiện trên thị trường có rất nhiều sách tham khảo về kỹ năng sống, ông có lời khuyên nào đối với các bậc cha mẹ khi tìm mua và sử dụng cho con? (Ánh Minh, TP Hồ Chí Minh)

- TS Phùng Khắc Bình: Hiện có rất nhiều sách dạy kỹ năng sống, rất nhiều cơ hội tiếp cận kiến thức, cơ bản kiến thức trong những sách này đã được chọn lọc. Vấn đề là phụ huynh chọn sách nào.

Theo kinh nghiệm thì các phụ huynh nên đưa con đi chọn sách cùng mình, giới thiệu cho con để con biết mình thích cuốn nào, khi thấy con thích như thế thì phụ huynh cũng nên đọc trước qua. Không nên mua một lúc 5,7 bộ. Cha mẹ phải đồng hành với con, giải mã nội dung sách hướng dẫn, người thầy lớn nhất trong dạy kỹ năng sống là bố mẹ. Trong quá trình đồng hành cùng con, mình cũng học được nhiều thứ.

Cho nên vấn đề này rất công phu, không chỉ cần tiền là xong, mình cần bỏ công sức vào, nếu không thì con sẽ phát triển theo hướng khác không theo mong muốn của cha mẹ. Không nên phê phán "loạn" sách giáo khoa, theo tôi vấn đề là mình nên chọn như thế nào.

Giao lưu trực tuyến "Kỹ năng sống cho học sinh phổ thông" ảnh 19

- Bạn đọc Trần Đức Cường (Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) gửi 3 câu hỏi:

- Các cháu nhà tôi, cháu gái 9 tuổi, cháu trai 7 tuổi. Các cháu trí tuệ phát triển tốt, được sống và học tập trong môi trường tốt, không áp lực. Nhưng hai cháu nhà tôi đều nhút nhát, rụt rè, mặc dù chơi với bạn bè thì hòa đồng. Ở nhà các cháu nói chuyện với nhau cả ngày không biết chán, rất vui vẻ. Cha mẹ nên làm gì để khuyến khích các cháu bạo dạn hơn khi ở lớp như giơ tay, tự tin phát biểu bài; hay tự tin hơn khi nói chuyện với người lần đầu tiếp xúc.

- TS Nguyễn Thụy Anh: Việc đầu tiên theo tôi, anh phải tìm nguyên nhân của tình trạng này, theo đó:

- Các bạn ít được ra ngoài giao tiếp, ít được đến nơi đông người?

- Hay đã từng có một kinh nghiệm tiêu cực nào đó liên quan đến hoạt động giao lưu với người khác? Thí dụ ở trên lớp đã từng phát biểu nhưng bị cô phê phán hoặc chê bai?

- Hay là đơn giản đó là cá tính riêng của các bạn? Có những đứa trẻ sống hướng nội, chỉ thấy thoải mái trong không gian quen thuộc của mình với những mối quan hệ quen thuộc của mình.

Trong thực tế, các bạn có nhiều tính cách khác nhau, có thể do tính cách của các bạn, có bạn là thủ lĩnh, có bạn hướng nội cho nên bố mẹ cần nương theo đặc điểm cá tính của con để hướng dẫn chứ không nên “uốn” hay “gọt” con theo kỳ vọng của mình.

Tuy nhiên, bố mẹ hoàn toàn hỗ trợ con bằng nhiều phương án khác nhau. Bố mẹ có thể lựa chọn cho con tham gia những hoạt động tập thể, nhưng không phải những hoạt động lớn mà chỉ với quy mô nhỏ thôi, có thể là bạn bè thân quen của gia đình, họ hàng… Có những bố mẹ quá sốt sắng mong cho con tham gia những hoạt động ngoài xã hội, cho nên đưa con đến những hoạt động đông người, thậm chí bỏ con ở đó cho tự xoay sở, điều đó là bất cập.

Với các bạn nhỏ của gia đình, anh có thể giao cho các bạn những việc cụ thể khi tham gia các hoạt động chung, thí dụ đưa nước uống cho mọi người, tìm chô nghỉ chân khi đi dã ngoại… Có thể lúc đầu các bạn sẽ lo lắng, nhưng qua các hoạt động như vậy, các bạn sẽ hòa nhập hơn. Tôi tin rằng các hoạt động như vậy sẽ giúp các bạn nâng cao kỹ năng xã hội của mình.

- Nếu chỉ chọn một trong hai hướng giáo dục con: nghiêm khắc hoặc thoải mái thì nên chọn cách nào? Các cháu nhà tôi 7 tuổi và 9 tuổi.

- TS Nguyễn Thụy Anh: Theo tôi ranh giới giữa “nghiêm khắc” và “khắc nghiệt”, giữa “thoải mái” và “không quan tâm” là khá mong manh. Trong gia đình, khi giáo dục con, vẫn phải giữ một bầu không khí thoải mái với nghĩa tôn trọng, lắng nghe, chia sẻ thậm chí đôi khi hài hước, vui nhộn. Chứ nếu bố mẹ luôn luôn “soi”, nghiêm khắc, dạy dỗ thì lại quá căng thẳng, khi đó trẻ sẽ không học được gì vì luôn luôn bị cảm thấy áp lực từ phía người lớn. Theo quan điểm của tôi, điều quan trọng nhất là tình yêu và nguyên tắc. Với hai bé ở lứa tuổi như con anh, bố mẹ nên xây dựng những nguyên tắc trong gia đình được các con tham gia thảo luận và đồng tình, các con được quyền lựa chon trong nhiều phương án, và các thành viên trong gia đình sẽ tuân theo. Như vậy chúng ta không phải lựa chọn các thái độ thoải mái hay nghiêm khắc. Thông thường các bạn nhỏ lại rất hay nghiêm túc thực hiện các nguyên tắc… hơn cả bố mẹ.

- TS Phùng Khắc Bình: Bộ GD-ĐT đang xây dựng bộ quy tắc giáo dục tích cực, nhưng cũng không bỏ qua nghiêm khắc. Nghiêm khắc nhưng cũng không thể bỏ qua tình thương, nhưng cũng không thể để đến mức bạn nhỏ vừa học vừa cầm đồ chơi cho thoải mái. Phải có những nguyên tắc cụ thể để các bạn tuân theo.

- Hai con tôi 7 và 9 tuổi, tôi đã bắt đầu cho sử dụng tiền, tôi cho các cháu 1 ít tiền, các cháu để trong ngăn kéo. Khi đi mua đồ như sách vở, đồ dùng học tập, đồ chơi các cháu sẽ tính toán nên mua thứ gì tầm tiền cho phép và tính toán cộng trừ với người bán hàng.Tôi cho các cháu làm vậy có đúng hoặc có sớm không?

- TS Nguyễn Thụy Anh: Đúng là ở độ tuổi này nên cho con tiền, nhưng trước đó phải cung cấp cho các con kỹ năng sử dụng tiền, thí dụ như cho con tham gia trả hóa đơn điện nước, khi đi chợ cho con đưa hai tay trả tiền cho bác bán hàng, hoặc đi taxi thì trả tiền cho bác lái xe. Nhiều bạn khi được hỏi thì không biết tiền ở đâu ra, nói là mẹ đưa cho hoặc là lấy từ máy ATM.

Ở đây ông bố đã làm rất hay, là cho các cháu tiền. Tôi cho rằng, 9 tuổi là độ tuổi phù hợp, tuy nhiên cũng tùy vào từng đứa trẻ. Bố mẹ là người giải thích cho con về giá trị đồng tiền, đó là giá trị của sức lao động; hướng dẫn cho con các kỹ năng giữ, sử dụng tiền hợp lý. Việc anh làm là những bài học đầu tiên nho nhỏ rất có ích cho các con.

Bố mẹ có thể cho tiền con hằng tuần nhưng phải thỏa thuận là tiền đó để mua gì, thậm chí có thể thỏa thuận bằng văn bản. Việc các con mua bán gì, tính toán với người bán hàng thì sẽ khiến các con hiểu được bố mẹ đã phải kiếm tiền như thế nào, hiểu được giá trị của đồng tiền.

Tuy nhiên cũng cần lưu ý, không nên đẩy nhận thức hoặc thái độ đối với đồng tiền của trẻ ngay từ thái cực này sang thái cực khác. Trẻ ngây ngô, không biết gì về tiền, hoặc ngược lại, quá quan tâm đến tiền như một giá trị quan trọng và duy nhất trong cuộc sống - đều là bất cập.

- Cháu nhà tôi năm nay lên 9 tuổi, chúng tôi có tìm kiếm một số chương trình về kỹ năng sống để cho cháu theo học trong mùa hè, nhưng ngoài thị trường có quá nhiều chương trình như vậy, chương trình nào cũng quảng cáo hay và hấp dẫn. Nhiều trường học cũng phối hợp với các trung tâm, đơn vị cung cấp dịch vụ này để tổ chức cho học sinh. Vậy tôi muốn biết hoạt động giáo dục kỹ năng sống được quản lý giám sát như thế nào trong nhà trường và tại các cơ sở giáo dục ngoài nhà trường? (Thành An, Khu TT Thành Công, Ba Đình, Hà Nội)

- TS Phùng Khắc Bình: Việc tổ chức giáo dục kỹ năng sống trong nhà trường thì được giám sát bởi cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp. Thí dụ: Tại các trường tiểu học, THCS thì do Phòng GD-ĐT là cơ quan chuyên môn giúp cho UBND cấp quận, huyện giám sát việc này; tại các trường THPT thì do UBND tỉnh, cơ quan tham mưu ở đây là Sở GD-ĐT.

Còn đối với hoạt động giáo dục kỹ năng sống bên ngoài nhà trường do các tổ chức, cá nhân, ngành tổ chức thì các tổ chức, cá nhân, ngành đó phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật dưới sự kiểm soát của chính quyền. Ở địa phương nào thì do UBND địa phương đó giám sát. Ở ngành nào thì ngành đó tự chịu trách nhiệm giám sát cho phù hợp của mình trước pháp luật cũng như trước quy định hiện hành của các cấp có thẩm quyền.

Giao lưu trực tuyến "Kỹ năng sống cho học sinh phổ thông" ảnh 20

- Gia đình tôi có hai cháu nhỏ, học ở hai trường khác nhau, và mỗi trường các cháu học lại có một chương trình kỹ năng sống khác nhau, và thỉnh thoảng chúng tôi thấy các cháu có đưa ra tranh luận rằng chương trình của mình chuẩn hơn, đúng hơn. Vậy cho tôi hỏi hiện nay, cơ quan quản lý đã có những quy định nào về quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống trong nhà trường hay không? Quan điểm về kỹ năng sống nên được hiểu thế nào và có những nguyên tắc gì khi triển khai các hoạt động dạy và học Kỹ năng sống trong nhà trường? (Mai Nguyên, phố Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội)

- TS Phùng Khắc Bình: Cứ để các em trao đổi, vì tranh luận không phải một người sai, đúng mà thường tranh luận, cãi nhau là tranh luận giữa hai cái đúng. Nhưng hai cái đúng nội hàm hơi khác nhau một chút. Nhân cơ hội này, bạn cứ để hai con của mình học cái tốt, lý thú của trường bên kia và cũng xem xét lại trường mình xem mức độ tiếp thu thế nào. Tôi cho rằng, tranh luận cho các con tìm điểm tốt của môn học.

Khung chung về kỹ năng sống có quy định chung. Vì thế, dù bên nào tổ chức cũng dựa vào khung này. Còn nếu không dựa vào khung chung, thì chắc chắn tài liệu đưa ra không đáp ứng nhu cầu trong nhà trường.

Có bốn nguyên tắc giáo dục kỹ năng sống: Một là, phải củng cố kiến thức, nâng cao rèn luyện kỹ năng và hoàn thiện nhân cách học sinh; Thứ hai là việc học này là mong muốn tự nguyện của bản thân học sinh và phụ huynh học sinh; Thứ ba là nhà trường phải lựa chọn cẩn thận và có quy trình lựa chọn theo văn bản của Bộ, nhà trường chịu trách nhiệm về chương trình học; Cuối cùng là dạy kỹ năng sống không được quá tải.

- Tôi đau lòng quá! Con gái tôi 15 tuổi, học lớp 9. Tôi thấy tính tình của con dạo này bất thường. Là cha là mẹ ai chẳng lo cho con, tôi có góp ý cháu, bố cháu cáu cũng hùa vào mắng. Vậy là cháu viết thư "tuyệt mệnh" để ở nhà rồi đi học. Vợ chồng tôi chạy đôn chạy đáo khắp nơi đi tìm. Và kết quả là cháu vẫn đi học bình thường, hết giờ học cháu vẫn về nhà và như không có chuyện gì xảy ra. Tôi hỏi con đi đâu cả ngày, con trả lời "con đi học mà". Tôi thật sự chẳng hiểu nó đang nghĩ cái gì trong đầu nữa. Hoang mang quá! Xin chuyên gia cho tôi lời khuyên phải ứng xử với cháu trong độ tuổi này như thế nào? (Minh Anh, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng)

Giao lưu trực tuyến "Kỹ năng sống cho học sinh phổ thông" ảnh 21

- TS Nguyễn Thụy Anh: Thưa chị, việc chị chia sẻ và hoang mang của chị là hoang mang chung của rất nhiều bố mẹ. Ở độ tuổi 14-15 các bạn thường rơi vào tình trạng “khủng hoảng tuổi dậy thì”, chính bọn trẻ không biết được mình muốn gì cho nên những hành vi “bất thường” lại là… bình thường. Quan trọng là bố mẹ phải luôn bình tĩnh, không phê phán, không phán xét con, không mất kiểm soát trong cảm xúc để cũng trở nên “bất thường”(!), thì sẽ hỗ trợ con vượt qua những khủng hoảng của lứa tuổi này một cách nhẹ nhàng.

Ở đây như chị nói, chị mắng và bố cháu hùa vào mắng, đó chính là lý do. Tôi vẫn thường nói đùa rằng như thế là “đánh hội đồng” một đứa trẻ.

Chúng ta nên chọn thời điểm cháu bình tĩnh, và góp ý riêng tư. Chúng ta nên giữ thái độ hết sức điềm tĩnh, bình tĩnh, vì thái độ đó giúp cho những thái độ “lệch chuẩn” của đứa trẻ trở lại bình thường. Nếu chúng ta căng thẳng, chúng ta sẽ khiến cho trẻ trở nên căng thẳng hơn.

Hơn nữa, chúng ta cũng phải chấp nhận rằng, ở độ tuổi đó, trẻ cũng cần có một vài khoảng không gian riêng, chỉ chia sẻ với bạn bè hoặc những người lớn nào mà trẻ hết sức yêu quý. Bố mẹ phải chấp nhận một "khoảng lùi" và thái độ đó sẽ giúp bố mẹ bình tĩnh hơn trong ứng xử với trẻ.

Bố mẹ có thể chủ động tạo không gian riêng cho con, gợi ý con mời bạn bè đến nhà chơi. Qua đó bố mẹ có thể quan sát xem những bất thường của trẻ có lý do hay vô cớ và hỗ trợ kịp thời.

- Tôi muốn cho con tham gia các chương trình giáo dục kỹ năng ở trường, nếu có, nhưng thực tế là nhiều trường thiếu cơ sở vật chất và cả giáo viên cho việc này. Khi khuyến khích các nhà trường dạy tích hợp kỹ năng sống cho học sinh, chúng ta đã quan tâm đến cơ sở vật chất, một số điều kiện cần thiết của các trường hay chưa? Và đây có phải trở ngại chính của các nhà trường trong dạy kỹ năng sống hay không? (Nam Anh, Huỳnh Thúc Kháng, Đống Đa, Hà Nội)

Giao lưu trực tuyến "Kỹ năng sống cho học sinh phổ thông" ảnh 22

- TS Phùng Khắc Bình: Hiện nay trở ngại của nhiều trường là thiếu cơ sở vật chất. Ở đây không chỉ phòng học, bàn ghế mà đặc biệt là tư liệu, học liệu, băng hình, tình huống, công việc có liên quan đến nội dung kỹ năng sống. Bên cạnh đó, địa bàn tổ chức ngoài trời còn thiếu rất nhiều. Nhiều trường giáo dục kỹ năng an toàn giao thông phải ra địa bàn rộng, có mô hình thực hiện bằng cách tổ chức hoạt động tham gia giao thông mini với bảng biểu, ký hiệu và các tình huống cụ thể sẽ tốt hơn.

Thực tiễn giáo dục kỹ năng sống phải đưa ra xã hội, nhưng nhà trường không thể kéo tất cả các em học sinh ra xã hội được mà phải mô hình hóa, mô phỏng, hoặc thông qua các bài học hướng dẫn thu nhỏ, tập cho các em bước đầu làm quen các kỹ năng sống và các em sẽ thực hành kỹ năng sống.

Một cái thiếu nữa, đấy là việc kỹ năng giảng dạy về kỹ năng sống của đội ngũ giáo viên còn yếu. Một số giáo viên dạy môn này còn thiếu kỹ năng sống, chưa hẳn đã gương mẫu trong một số tình huống nhất định. Ví dụ việc chấp hành đội mũ khi đi xe máy, tôi thấy ở một số nơi còn tương đối thoải mái.

Tôi thấy thiếu cơ sở vật chất là quan trọng số một hiện nay. Sự thiếu này, không chỉ mình nhà trường lo được, mà phải có sự tham gia của cộng đồng xã hội.

Giao lưu trực tuyến "Kỹ năng sống cho học sinh phổ thông" ảnh 23

- Được biết mới đây Bộ GD-ĐT có ý định nhập khẩu chương trình giáo dục nước ngoài. Ở góc độ giáo dục kỹ năng sống, mong các chuyên gia cho ý kiến về việc nhập khẩu chương trình này? Nó có giúp cho Việt Nam cân bằng giữa giáo dục kiến thức và kỹ năng sống hay không? (Hồ Thanh Hoa, Nhân Chính, Hà Nội)

- TS Phùng Khắc Bình: Một là, trong trường hợp chúng ta học tập chương trình nước ngoài, có thể “nhập khẩu” chương trình phù hợp với điều kiện Việt Nam thì bản thân chương trình nước ngoài đã tính đến giáo dục kỹ năng sống qua môn học.

Hiện nay, chúng tôi đang khuyến cáo nhà trường xem xét, vận dụng mô hình STEM, giữa khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Dựa trên bốn trụ cột này để chúng ta xây dựng, lắp ghép chương trình. Thứ hai, khi đưa vào Việt Nam, các nhà giáo dục sẽ không bê nguyên xi. Phải xem qua giáo trình phù hợp hay không, cần phải cập nhật bổ sung thêm những gì, và cần phải xây dựng lại giáo trình thông qua ngôn ngữ, lăng kính người dạy học phù hợp với giáo dục Việt Nam. Tôi nghĩ, việc “nhập khẩu” đó không nên quá lo ngại vì những người xây dựng chương trình sẽ xem xét điều kiện thực tiễn, sẽ cân bằng giữa giáo dục chuyên môn và giáo dục kỹ năng sống, làm sao hài hòa cho các em.

Chương trình giáo dục kỹ năng sống nói chung, chúng ta học tập nhiều ở trên thế giới. Những năm trước, UNICEF với Bộ ký Dự án giáo dục kỹ năng sống khỏe mạnh cho trẻ và trẻ vị thành niên, khuyến cáo đưa ra nhiều kỹ năng cụ thể. Dần dần, chúng ta phát triển lên thành Trường học thân thiện, tỉnh thân thiện và sau đó, Bộ phát triển thành phong trào trường học thân thiện từ mầm non tới THPT. Đó là cách học nước ngoài qua lăng kính tổ chức quốc tế, tập hợp kinh nghiệm nhiều nước.

- TS Nguyễn Thụy Anh: Người nước ngoài có chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu và đưa ra bộ phương pháp thú vị. Chúng ta có thể sử dụng. Như vậy, chuyên gia Việt Nam phải tham gia vào quá trình điều chỉnh cho phù hợp, lựa chọn hoạt động phù hợp cho Việt Nam. Ở đây, phải xác định đối tượng dạy là quan trọng, xem trẻ thiếu kỹ năng gì để lựa chọn cách giảng dạy phù hợp. Chúng ta cần có chuyên gia Việt Nam tham gia vào quá trình đọc, nghiên cứu, xem xét vận dụng hợp lý.

Theo tôi, hơn cả vận dụng giáo trình nước ngoài nên dùng phương pháp, bài tập của họ, cách họ tiến hành từng hoạt động học như thế nào, tổ chức học như thế nào, rút ra ý nghĩa như thế nào. Đó là kinh nghiệm lớn chúng ta có thể học tập và sử dụng.

Giao lưu trực tuyến "Kỹ năng sống cho học sinh phổ thông" ảnh 24

- Mới đây, ở TP Hồ Chí Minh có một học sinh lớp 9 đã tự tử vì bị điểm 3 môn tiếng Anh trong bài kiểm tra đầu năm. Theo các khách mời, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, có phải là do thiếu kỹ năng sống? Cần phải làm gì để con cái được giáo dục cả kỹ năng yêu và tôn trọng bản thân mình và không suy nghĩ theo hướng cực đoan?(Thụy Bình, quận 8, TP Hồ Chí Minh).

Giao lưu trực tuyến "Kỹ năng sống cho học sinh phổ thông" ảnh 25

- TS Phùng Khắc Bình: Tôi xin chia buồn với gia đình của em học sinh về vụ việc đáng tiếc này. Việc để xảy ra trường hợp đáng tiếc, tôi cho nguyên nhân chính là sự không theo sát của những người có trách nhiệm. Tôi nghĩ cha mẹ, người thân trong gia đình và người trực tiếp giảng dạy, bạn bè là những người theo sát các em.

Trong vụ việc này, do không theo sát diễn biến tâm lý của em nhỏ này nên dẫn tới sự việc đáng tiếc. Các em luôn có những biểu hiện nhất định trước khi có một quyết định đáng tiếc như em nhỏ này. Mỗi trẻ nhỏ đều có tính cách khác nhau, do đó bố mẹ, nhà trường phải theo sát các con.

Hiện nay, Chính phủ yêu cầu các nhà trường có hệ thống về tư vấn cho học sinh trong trường học, giúp phát hiện sớm và loại bỏ một cách tối đa trường hợp đáng tiếc.

Giao lưu trực tuyến "Kỹ năng sống cho học sinh phổ thông" ảnh 26

- TS Nguyễn Thụy Anh: Tôi cho rằng bố mẹ, người lớn, thầy cô, bạn bè đang thiếu sự gần gũi và quan sát đứa trẻ. Nếu quan sát, sẽ thấy có sự bất thường để can thiệp kịp thời như vụ việc đáng tiếc trẻ nhận điểm kém, thất vọng đến nỗi tự tử.

Tôi nghĩ, câu chuyện kỹ năng sống là câu chuyện của cả phụ huynh, cả thầy cô nữa. Trong trường hợp này, có thể đứa trẻ gặp áp lực quá lớn, có thể bố mẹ kỳ vọng quá lớn hoặc đứa trẻ này luôn là học sinh giỏi được thầy, cô khen ngợi nhiều ở trường nên không bao giờ nghĩ mình sẽ bị điểm kém hay thất bại trong học tập. Ở độ tuổi dậy thì, trẻ có nhiều suy nghĩ tiêu cực. Do đó, trong kỹ năng sống, tôi nghĩ phải dạy cho trẻ, phải cùng trẻ suy nghĩ tích cực trong mọi hoàn cảnh. Trong một số trường hợp cụ thể, thí dụ khi trẻ bị điểm kém, bố mẹ phải cùng phân tích để con cố gắng, phải cùng con vượt qua khó khăn đó trước khi phê phán con. Bố mẹ hãy cùng con đi tìm nguyên nhân tránh cho con suy nghĩ tồi tệ, mình là người thất bại.

Giáo dục kỹ năng sống phải dạy trẻ biết nhận giá trị bản thân, tự đánh giá bản thân mình. Nhưng các bạn học sinh còn nhỏ chưa thể tự đánh giá bản thân, mà thường được đánh giá thông qua thầy cô giáo, bố mẹ và người chung quanh. Nếu bố mẹ luôn khen ngợi và chỉ nhìn thấy giá trị trong việc học giỏi, điểm cao thì cũng là một điều khiến cho sự đánh giá bản thân lệch lạc. Nếu cô nhỡ nói con là ngu, dốt thì bọn trẻ sẽ nhớ rất là lâu.

Tôi nhớ câu chuyện về một bạn nhỏ, bạn bị cô mắng là học sinh dốt và bạn ấy rất nhớ. Dù sau đó, bạn ấy rất nỗ lực và được học sinh giỏi, bạn ấy còn nói chuyện lại với mẹ rằng: “Mẹ ơi, chắc cô ghi sai chính tả là học sinh dốt chứ không phải học sinh giỏi”. Vì thế, việc đánh giá bản thân rất quan trọng, giúp cho cho trẻ con ý thức được việc tự yêu bản thân mình, ý thức dược giá trị bản thân.

Vì thế, tôi có lời khuyên với các bậc phụ huynh, với các bạn còn nhỏ, tránh dùng từ phê phán quá nặng, mang tính chất "dán nhãn" một con người là dốt, ngu, hư… Cũng không nên truyền thông cho giá trị nào quá đáng. Không phải giỏi mới được khen trong gia đình. Điều đó, đòi hỏi cả kỹ năng của bố mẹ và thầy cô trong việc giáo dục kỹ năng sống cho con.

- Là phụ huynh có con ở độ tuổi hiếu động, chúng tôi rất xót xa khi nghe thông tin những nơi này nơi kia có những cháu nhỏ thiệt mạng hoặc bị xâm hại do không được trang bị về kỹ năng sống. Hiện tại kỹ năng sống của học sinh trong trường học, cả ở thành phố và nông thôn đều thiếu trầm trọng, nhưng hiện nay những chương trình này được triển khai trong các trường rất chậm và không đồng bộ, theo ông Phùng Khắc Bình thì lý do tại sao? (Đăng Anh, Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội)

- TS Phùng Khắc Bình: Đầu tiên, tôi xin chia buồn với những trường hợp này. Hiện nay, vấn đề kỹ năng sống chưa đưa vào chương trình chính khóa của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Có được kỹ năng sống, theo tôi phải có cả ba môi trường. Một là nhà trường, nhà trường chủ yếu dạy kỹ năng cơ bản, hành vi cơ bản và lý thuyết để các em vận dụng vào cuộc sống. Hai là gia đình, gia đình phải là người trực tiếp lo cho các em. Thí dụ đối với kỹ năng bơi, nhà trường quá tải không đáp ứng được việc phổ cập bơi cho tất cả các em. Chúng tôi có trao đổi trực tiếp với một số trường, họ cho rằng ai có con thì họ phải chịu trách nhiệm với việc con mình có biết bơi hay không, nhà trường có thể hướng dẫn về kỹ năng. Bản thân con mình có kỹ năng sống đến đâu thì cha mẹ cần gương mẫu, đồng hành với con, tạo điều kiện cho con cùng với nhà trường. Ba là xã hội phải có môi trường. Vừa rồi Chính phủ có ra Nghị định số 80 ra ngày 17-7-2017, quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường..., lần đầu tiên Chính phủ có quy định về vấn đề điều kiện môi trường an toàn. Hiện, Bộ Giáo dục - Đào tạo đang triển khai các thông tư kèm theo để thực hiện vấn đề này.

- Bây giờ khi ra đường gặp học sinh làm những điều không hay, thường người lớn lảng tránh không can thiệp, không dạy bảo các cháu, họ nghĩ không phải con cháu nhà mình nên không cần có trách nhiệm. Xin chuyên gia lý giải sự được mất của thực tế này? (Nguyễn Văn Lợi, quận Cầu Giấy, Hà Nội).

- TS Phùng Khắc Bình: Việc này liên quan đến xây dựng kỹ năng sống trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội. Nhà trường phải dạy cho học sinh cái hay, đẹp, tốt, phê phán cái xấu. Nhà trường nói chung và tổ chức giáo dục kỹ năng sống nói riêng phải dạy cho học sinh kỹ năng chịu trách nhiệm với mình và với cộng đồng, xã hội. Trước những hiện tượng đó thì phải khuyên các em, trang bị cho các em kỹ năng tham gia để giúp giải quyết mâu thuẫn của người khác (không phải người thân của mình) để làm sao mâu thuẫn giữa họ không trầm trọng thêm và giải quyết một cách ổn thỏa hơn.

Đương nhiên ở đây phải có kỹ năng, chứ những trường hợp vượt quá tầm kiểm soát của các em như trường hợp hai người lớn đánh nhau thì các em không thể tự can ngăn được mà phải tìm sự hỗ trợ, báo với người khác.

Nhưng trong trường hợp các em lớp dưới có mâu thuẫn thì các em có thể đứng ra can ngăn. Đương nhiên can ngăn là không nên bênh bên nào cụ thể mà tìm cái lý đúng của mỗi bên để nói cho hai bên hiểu để tự hòa giải. Có những trường hợp phụ huynh thấy con em đánh nhau thì rủ người thân đến “trị” bên kia. Thế là không gương mẫu, thiếu kỹ năng giải quyết mâu thuẫn. Các em phải được dạy kỹ năng sống trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Gia đình cũng cần đồng hành, đừng nóng vội bênh con để mâu thuẫn nặng nề hơn. Việc bỏ qua, không “dây” vào những chuyện này sẽ dẫn đến vô cảm với cuộc sống, với người thân trong gia đình rồi dần dần vô cảm với chính mình, nghiêm trọng hơn là tự kỷ, tự ám thị với những vấn đề xấu.

Giao lưu trực tuyến "Kỹ năng sống cho học sinh phổ thông" ảnh 27

Tới thời điểm này vẫn còn câu hỏi của nhiều độc giả gửi tới chương trình, tuy nhiên, do thời gian buổi giao lưu có hạn, các câu hỏi sẽ được chúng tôi tập hợp gửi tới chuyên gia để trả lời cho bạn đọc. Còn bây giờ, hai khách mời đưa ra ý kiến trao đổi chung về chủ đề kỹ năng sống cho học sinh phổ thông.

TS Phùng Khắc Bình: Muốn học kỹ năng sống, thì cha mẹ người thân phải luyện tập đồng hành với con, nếu không đồng hành thì không thể chia sẻ, nói chuyện. Đồng hành đây không phải là một lúc mà còn một quá trình. Thứ nữa, thất bại không phải là mất tất cả. Dù có thất bại đi nữa mà không buông xuôi thì vẫn có thể thành công. Thất bại là cơ hội để thành công.

Một điều nữa, chúng ta thấy rằng các kỹ năng sống phải cụ thể, khi con người nhận biết và làm được việc rất cụ thể là con người đã trưởng thành. Giáo dục những điều lớn lao và học bài là điều cần thiết nhưng nếu không biến thành kỹ năng sống thì cuối cùng con người vẫn thiếu năng lực sống. Không ai dạy kỹ năng sống cho mình bằng chính mình, vấn đề trở lại là phải yêu mình, phải tự rèn luyện mọi lúc mọi nơi.

Đặc biệt, phải dạy cho con cách tự học kỹ năng sống chứ không chỉ dạy con các kỹ năng sống cụ thể, khuyên các con học kỹ năng sống từ thực tiễn, tự rèn luyện. Thí dụ các con quan sát để thấy mọi người làm việc hơn là bảo các con làm thế này thế kia. Hay là học sinh nhìn thầy cô giảng bài thì chính là theo dõi động tác của thầy cô. Động tác này chiếm đến 55% thông tin truyền đạt cho người học, 38% thông qua ngữ điệu, cuối cùng chỉ có 5-10% còn lại là nội dung nói thôi. Như vậy cử chỉ ngôn ngữ là rất quan trọng, và hành vi nói, giọng điệu cao thấp là quan trọng số hai. Vậy thì khuyên các con cách học kỹ năng sống là học từ thực tiễn và các con phải tự rèn luyện.

Trân trọng cảm ơn độc giả đã có những câu hỏi rất thực tế và bổ ích!

TS Nguyễn Thụy Anh: Trước hết, tôi xin bày tỏ lời cảm ơn với Báo Nhân Dân đã mời tôi và TS Phùng Khắc Bình tham gia buổi giao lưu trực tuyến này. Đây là cơ hội để chúng ta nghe thêm ý kiến của các chuyên gia, đồng thời tiếp cận các câu hỏi, băn khoăn của bố mẹ. Điều đó cho thấy bố mẹ rất quan tâm đến dạy kỹ năng sống cho con.

Việc đưa giáo dục kỹ năng sống vào nhà trường là vô cùng cần thiết. Tôi là chuyên gia phương pháp giáo dục nên những chia sẻ của tôi xoay quanh làm thế nào để trẻ thấm được kỹ năng mà người lớn muốn các em học.

Thông qua ý kiến của một phụ huynh, tôi thấy rất hay đó là, nhiều khi người lớn cứ muốn trẻ học cái này cái kia, nhưng trẻ muốn học kỹ năng khác thì sao? Như vậy, chúng ta cần nghiên cứu trẻ kỹ hơn trong nhà trường, đặc biệt là những người đưa ra các ấn phẩm, sản phẩm về bộ môn kỹ năng sống.

Gần đây, chúng ta thấy xôn xao những ấn phẩm có sạn hay không có sạn. Chúng ta vẫn băn khoăn về điều đó. Trước khi viết ra thì phải nghiên cứu đứa trẻ kỹ lưỡng. Những gì gây tổn hại, nguy hiểm đến sức khỏe, tinh thần của trẻ phải nhóm chuyên gia để thẩm định.

Tôi thấy hiện nay có nhiều cơ sở hoặc trường, ở đâu cũng tung ra là kỹ năng sống nhưng thật ra không hiểu lắm họ theo chuẩn nào. Tôi nghĩ, Bộ GD-ĐT nên có quy chuẩn cho điều này, ít nhất về nội dung, kỹ năng nào nên đưa vào nhà trường và kỹ hơn là thẩm định từng bộ sách về kỹ năng sống. Nếu mà buông xuôi thì sau này đến khi có vấn đề gì thì lại gây hoang mang trong dư luận.

Cuối cùng, tôi đồng ý với ý kiến của TS Phùng Khắc Bình, kỹ năng sống phải xuất phát từ gia đình, từ cá nhân chính con người rèn luyện. Chúng ta nên có thời gian để trẻ hoạt động được nhiều hơn. Gia đình lưu ý cần cân đối giữa vui chơi, trẻ em là phải có vui chơi, không thể lúc nào cũng học. Với học tập, nhiệm vụ của các em, tất cả các kỹ năng cùng học sẽ giúp các em học tập tốt hơn, thậm chí là kỹ năng học được khi vui chơi, lao động.

Không bao giờ tách rời lao động ra khỏi một con người, con người lao động mới có thể phát triển được, đó là lao động hợp lý trong lứa tuổi, biết tự phục vụ bản thân mình hay là phục vụ cộng đồng mà cộng đồng nhỏ nhất là gia đình của mình. Nhiều bố mẹ đã tước đi cơ hội phục vụ gia đình của các con, cho rằng chỉ có học và học thôi, ưu tiên học.

Tôi thấy rất rõ ràng như sự chia sẻ của bố mẹ nào đó là con 17 tuổi rồi mà không biết làm gì cả cho đến khi đó bố mẹ mới đưa đi học nơi nọ nơi kia thì mới bộc lộ những thiếu sót đáng tiếc. Trong khi chúng ta có quá trình 17 năm bên nhau, chỉ cần hằng ngày cùng nhau nấu cơm, trò chuyện để rút ra những giá trị, tự nhiên tay chân con bớt vụng về đi.

Việc tạo nên một kỹ năng phải có quá trình, chứ không phải đi học ba ngày mà tạo thành kỹ năng được. Kỹ năng phải tự thân phát triển trong con người, trở thành lối sống của con người đó.

Một lần nữa tôi xin cảm ơn Báo Nhân Dân điện tử và hy vọng những buổi giao lưu trực tuyến như thế này sẽ còn được tổ chức nhiều hơn nữa. Thậm chí, chủ đề này có thể kỹ hơn, chia nhỏ hơn, chẳng hạn kỹ năng ứng xử xã hội, kỹ năng về giá trị bản thân làm sao yêu bản thân để không có suy nghĩ và hành vi tiêu cực trong bất cứ trường hợp nào.