Giao lưu trực tuyến “Học song bằng từ lớp 6: Băn khoăn và kỳ vọng”

NDO -

NDĐT - Bắt đầu từ 9 giờ sáng nay, Báo Nhân Dân điện tử tổ chức Giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Học song bằng từ lớp 6: Băn khoăn và kỳ vọng”, cung cấp những thông tin xác thực và khách quan, giải đáp băn khoăn, thắc mắc của bạn đọc về chương trình thí điểm dạy và học song bằng THCS Việt Nam và IGCSE, CIE Anh quốc.

Giao lưu trực tuyến “Học song bằng từ lớp 6: Băn khoăn và kỳ vọng”

Bắt đầu từ năm học 2018-2019, được sự phê duyệt của UBND TP Hà Nội, Sở GD-ĐT Hà Nội triển khai Đề án thí điểm chương trình song bằng THCS Việt Nam và IGCSE, CIE Anh quốc tại bảy trường THCS. Học sinh theo học chương trình song bằng sẽ được học các môn theo quy định của Bộ GD-ĐT, đồng thời học các môn của Cambridge theo lộ trình. Chương trình lần đầu tiên được triển khai tại các trường phổ thông công lập của Việt Nam được cho là một sự đột phá trong quá trình hội nhập quốc tế của giáo dục Thủ đô, mang theo kỳ vọng sẽ giúp cho học sinh tiếp cận chương trình quốc tế, đào tạo nên những công dân quốc tế, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Chương trình đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của học sinh, cha mẹ học sinh. Sau kỳ thi tuyển song bằng vào lớp 6 vào ngày 20-6 với đông đảo thí sinh tham dự, Sở GD-ĐT Hà Nội đã công bố điểm chuẩn và đang trong quá trình hoàn tất công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, sau đợt thu hồ sơ đầu tiên, Sở GD-ĐT Hà Nội và bảy trường THCS công lập vẫn chưa tuyển đủ số học sinh và phải hạ điểm chuẩn đầu vào. Cùng với việc là năm đầu triển khai tại hệ thống trường công lập bậc học THCS, và là năm thứ hai triển khai tại bậc THPT, nên phụ huynh vẫn tỏ ra rất băn khoăn trước khi quyết định đầu tư thời gian và tiền bạc cho con theo học. Trong lúc đó, việc thảo luận về học song bằng càng thêm sôi nổi khi đã có thêm những ý kiến đa chiều chung quanh chương trình.

Nhằm giải đáp thỏa đáng những băn khoăn, thắc mắc của các phụ huynh, học sinh, cung cấp những thông tin xác thực và khách quan về chương trình song bằng cho bạn đọc, Báo Nhân Dân điện tử tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Học song bằng từ lớp 6: Băn khoăn và kỳ vọng”. Đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội, đại diện một số trường THCS, THPT sẽ trả lời trực tiếp các câu hỏi của bạn đọc.

Đến sáng nay, Nhân Dân điện tử dã nhận được gần 100 câu hỏi và thắc mắc của độc giả gửi đến các khách mời trong buổi giao lưu. Cho đến lúc trước khi chương trình kết thúc vào 11 giờ trưa nay, bạn đọc có thể tiếp tục đặt câu hỏi về vấn đề mình quan tâm tới các địa chỉ sau:

Qua hộp thư:
nhandandientutiengviet@gmail.com

Fanpage:
facebook.com/nhandandientutiengviet

Hoặc trực tiếp tại:
http://nhandan.com.vn/tructuyen

Đúng 9 giờ sáng hôm nay, các khách mời đã đến trụ sở Báo Nhân Dân để dự giao lưu trực tuyến "Học song bằng từ lớp 6: Băn khoăn và kỳ vọng". Tham dự buổi giao lưu có các khách mời:

1. Bà Bùi Thị Minh Nga – Phó trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD-ĐT Hà Nội

2. Ông Lê Hồng Vũ – Trưởng phòng GD-ĐT quận Tây Hồ

3. Bà Nguyễn Thanh Tịnh - Phó trưởng phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy

4. Ông Lê Đức Thuận - Phó trưởng phòng GD-ĐT quận Hoàn Kiếm

5. Ông Huỳnh Kim Dược – Phó trưởng phòng GD-ĐT quận Thanh Xuân

6. Bà Trần Thị Thanh Thảo – Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Vương

7. Ông Đặng Việt Hà – Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An, Tây Hồ

8. Bà Lê Kim Anh – Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy

9. Bà Nguyễn Mỹ Hảo - Hiệu trưởng trường THCS Nghĩa Tân, Cầu Giấy

10. Bà Phạm Thu Hà - Hiệu trưởng trường THCS Ngô Sĩ Liên

11. Bà Ngô Thị Diệp Lan - Hiệu trưởng trường THCS Thanh Xuân

12. Thạc sĩ Đặng Minh Tuấn – Nhà sáng lập Ubermath, chuyên gia tư vấn về đào tạo chứng chỉ quốc tế

Giao lưu trực tuyến “Học song bằng từ lớp 6: Băn khoăn và kỳ vọng” ảnh 1

Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh, Trưởng Ban Nhân Dân điện tử phát biểu khai mạc giao lưu trực tuyến

Kính thưa quý vị khách mời, đại biểu, các phụ huynh và bạn đọc

Thay mặt Ban Nhân Dân điện tử, tôi vui mừng chào đón quý vị đại biểu tham gia buổi giao lưu trực tuyến ngày hôm nay với chủ đề “Học song bằng từ lớp 6: Băn khoăn và kỳ vọng”.

Kính thưa quý vị, bắt đầu từ năm học 2018-2019, được sự phê duyệt của UBND TP Hà Nội, Sở GD-ĐT Hà Nội triển khai Đề án thí điểm chương trình song bằng THCS Việt Nam và IGCSE, CIE Anh quốc tại bảy trường THCS. Học sinh theo học chương trình song bằng sẽ được học các môn theo quy định của Bộ GD-ĐT, đồng thời học các môn của Cambridge theo lộ trình. Chương trình lần đầu tiên được triển khai tại các trường phổ thông công lập của Việt Nam được cho là bước đột phá trong quá trình hội nhập quốc tế của giáo dục Thủ đô.

Chương trình cũng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của học sinh, cha mẹ học sinh, những người luôn mong muốn con cái mình được học trong môi trường giáo dục quốc tế với chi phí vừa phải nhưng chất lượng ngang bằng với các trường quốc tế.

Tuy nhiên, trước một chủ trương mới chưa từng triển khai trên thực tế, nhiều thông tin về chương trình chưa đến được với người dân, và nhất là các phụ huynh đang hoặc sẽ mong muốn con em mình được theo học. Vì thế, Báo Nhân Dân điện tử tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Học song bằng từ lớp 6: Băn khoăn và kỳ vọng” nhằm giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của các phụ huynh, học sinh, cung cấp những thông tin xác thực và khách quan về chương trình song bằng cho bạn đọc.

Sau khi thông báo tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến, Nhân Dân điện tử đã nhận được gần 100 câu hỏi của độc giả gửi đến. Để kịp thời giải đáp hết các thông tin trong hai tiếng đồng hồ, chúng tôi đã phân loại và ghép các nội dung câu hỏi gần giống nhau để các khách mời trả lời. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục cập nhật các câu hỏi mới trong quá trình diễn ra giao lưu trực tuyến để gửi đến khách mời.

Nhân Dân điện tử hy vọng sẽ là cầu nối để đưa những thông tin về chủ trương của cơ quan quản lý đến với người dân, và ngược lại, để người dân phản ánh những băn khoăn, thắc mắc của mình để cơ quan quản lý tiếp thu và hoàn chỉnh trong quá trình thực hiện.

Thay mặt Ban Nhân Dân điện tử - Báo Nhân Dân, tôi xin bày tỏ sự cám ơn chân thành tới quý vị khách mời đã nhận lời tham gia giao lưu trực tuyến, sẵn sàng giải đáp những thắc mắc đối với độc giả Báo Nhân Dân về việc thí điểm dạy và học song bằng .

Xin chúc quý vị đại biểu sức khỏe và chúc buổi giao lưu trực tuyến diễn ra thành công, tốt đẹp và cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho độc giả.

Xin trân trọng cảm ơn.

Bạn Nguyễn Thị Trâm Anh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) hỏi: Tôi tìm hiểu và được biết, hiện đang có một số trường dân lập đang triển khai Chương trình Cambridge như: Wellspring, Đoàn Thị Điểm, Lomonoxop… Vậy chương trình dạy thí điểm tại các trường THCS công lập có gì khác so với chương trình Cambridge của các trường dân lập và quốc tế ở Việt Nam?

Bà Bùi Thị Minh Nga – Phó trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD-ĐT Hà Nội

Giao lưu trực tuyến “Học song bằng từ lớp 6: Băn khoăn và kỳ vọng” ảnh 2

Xin cảm ơn câu hỏi của độc giả Trâm Anh. Thay mặt lãnh đạo Sở GD-ĐT, tôi xin được thông báo chính thức về chương trình đào tạo song bằng của các trường THCS như sau. Thứ nhất, căn cứ vào công văn cho phép của Bộ GD-ĐT, căn cứ phê duyệt của UBND thành phố Hà Nội về Đề án thí điểm dạy và học song bằng THCS Việt Nam và IGCSE, CIE Anh quốc tại một số trường THCS tại địa bàn Hà Nội, Sở GD-ĐT đã tích cực cùng với nhà trường triển khai việc thực hiện đề án.

Tôi xin khẳng định, đây là lần đầu tiên chúng tôi triển khai chương trình song bằng với khối trường THCS công lập. Với khối trường tư thục, chúng tôi đã thí điểm từ năm 2014 tại trường Wellspring và Đoàn Thị Điểm.

Việc tiến hành chương trình thí điểm dạy và học song bằng lần đầu tiên tại khối trường THCS công lập là thách thức lớn. Chương trình Cambridge là chương trình quốc tế và Sở chỉ đạo lựa chọn các bộ môn tham gia trong chương trình đào tạo song bằng bảo đảm đúng chuẩn của CIE, không cắt xén, thêm bớt.

Tuy nhiên, sẽ có những ưu việt trong chương trình đào tạo song bằng. Dựa trên chương trình đào tạo của Bộ GD-ĐT Việt Nam, chúng tôi căn cứ vào các bộ môn và các kiến thức trùng của hai chương trình, dựa trên căn cứ của chương trình Cambridge để giảm tải cho các cháu học sinh. Tôi xin khẳng định chương trình song bằng không cắt xén chương trình của Cambridge.

Hiện nay, một số trường đang thực hiện, lựa chọn Toán, Tiếng Anh, Khoa học và ICT – Tin học, hướng tới tin học được công nhận chứng chỉ suốt đời.

Riêng Tiếng Anh, khi kiểm tra đầu vào đạt chứng chỉ ngang với A2 của cấp THCS nên chúng tôi động viên các nhà trường dạy theo chương trình tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai của chương trình Cambridge. Như thế, các phụ huynh thấy trình độ tiếng Anh sẽ khá hơn nhiều so với chương trình tại Việt Nam đang giảng dạy.

Tuy nhiên, chúng ta không bỏ chương trình Việt Nam mà chạy cho đủ bảo đảm mục tiêu đào tạo của Bộ GD-ĐT Việt Nam.

Giao lưu trực tuyến “Học song bằng từ lớp 6: Băn khoăn và kỳ vọng” ảnh 3

Bạn đọc Phạm Nha Trang (Hà Nội) hỏi: Bảy trường THCS dạy thí điểm song bằng không hề được liệt kê trong danh sách Trường Cambridge đã được đăng ký “registered Cambridge schools”, vậy có thể hiểu là quy trình thực hiện hệ Cambridge của Sở GD-ĐT Hà Nội chưa được Hội đồng Khảo thí Quốc tế Cambridge (CIE) công nhận và kiểm định chất lượng?

- Và như thế, thì ai sẽ là người bảo đảm chất lượng cho hệ Cambridge? Và bằng cách nào?

Bạn đọc Phan Việt Dũng có chung thắc mắc: Các trường thí điểm khi nào có chứng chỉ đạt tiêu chuẩn của Cambridge?

Bà Bùi Thị Minh Nga – Phó trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD-ĐT Hà Nội:

Cảm ơn sự quan tâm của các bạn, đặc biệt là quy trình kiểm tra chất lượng của chương trình này. Ở đây chúng ta hiểu Registered Cambridge schools phải trải qua bốn giai đoạn, chúng tôi muốn nói tất cả các trường đào tạo cấp bằng Cambridge phải chứng minh được năng lực của mình bằng việc đăng ký thành công CIE. Đây là một quá trình giúp cho CIE hiểu hơn về giá trị cốt lõi và phương thức tiếp cận cue mỗi nhà trường, thiết lập nên những quy chuẩn về chất lượng đăng ký mà các nhà trường cần phải đạt được, và đưa ra được sự hỗ trợ của CIE đối với nhà trường. Khi có khi cơ hội được tiếp cận được nguồn tư liệu dạy và học hết sức mở, các cơ hội phát triển và chương trình học đẳng cấp quốc tế cung cấp văn bằng và chứng chỉ cho lứa tuổi từ 5-19 tuổi. Có bốn giai đoạn cho nhà trường đăng ký trở thành trường Cambridge quốc tế. Đây cũng là xét theo nguyện vọng, chúng tôi cũng liên hệ trực tiếp với tổ chức CIE tại khu vực Myanmar và Việt Nam. Hiện các trường đã đăng ký xong.

Giai đoạn 2 là hoàn thiện đơn đăng ký này, sau năm ngày gửi đơn đăng ký đến CIE, tổ chức này sẽ trả lời và xếp lịch đến các nhà trường tư vấn . Giai đoạn 3 tiến hành việc xét duyệt tại các nhà trường. Với sự chỉ đạo của UBND thành phố , song song việc đăng ký cho các nhà trường trở thành trường Cambridge với việc trình các tài liệu cho hội đồng CIE quyết định. Hiện nay các nhà trường đang ở giai đoạn thứ 3, đang chuẩn bị các tài liệu gửi về nhân sự, chương trình, cơ sở vật chất cho các nhà trường. Sau ba tháng hệ thống trường công lập của chúng tôi sẽ được công nhận trở thành International Cambridge. Chúng tôi cũng muốn nói để các vị hoàn toàn yên tâm việc kiểm định không ảnh hưởng đến chất lượng trong chương trình song bằng, nhà trường có trách nhiệm.

Giao lưu trực tuyến “Học song bằng từ lớp 6: Băn khoăn và kỳ vọng” ảnh 4

Một câu hỏi từ Facebook Cun Tho Bee Hldung: Tôi xin hỏi vai trò của Sở GD-ĐT và mức độ tự chủ của bảy trường công lập đang triển khai được quy định như thế nào trong việc thực hiện song bằng lớp 6, Sở có chỉ đạo, giám sát nội dung chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất, quy trình giảng dạy, số lượng học sinh hay các trường tự chủ hoàn toàn và chỉ báo cáo Sở?

Bà Nguyễn Thị Minh Nga, Phó trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD-ĐT Hà Nội: Sở là đơn vị chịu trách nhiệm chỉ đạo và thẩm định chương trình, giao quyền tự chủ cho các nhà trường trong suốt quá trình chuẩn bị và thẩm định, Hiệu trưởng các trường là người chịu trách nhiệm giám sát nội dung, chất lượng đào tạo của đội ngũ giáo viên. Trong việc chuẩn bị cơ sở vật chất, UBND bốn quận đã rất chủ động trong việc rà soát, chuẩn bị cơ sở vật chất cho các nhà trường.

Đối với việc kiểm tra các quy trình giảng dạy, các tiết dạy, các trường chủ động thực hiện và báo cáo lên Phòng Giáo dục – Đào tạo và Sở Giáo dục – Đào tạo để chúng tôi giải quyết, xử lý. Sở cũng tăng cường kiểm tra và hỗ trợ các nhà trường trong năm thí điểm đầu tiên. Với chương trình của nhà trường, chúng tôi sẽ duyệt chung và nhà trường thực hiện theo đúng chương trình được duyệt.

Chúng tôi theo sát chương trình của Bộ Giáo dục – Đào tạo và đã trình Bộ duyệt, chỉ khi nào Bộ Giáo dục – Đào tạo cho phép, chúng tôi mới thực hiện chương trình.

Về việc chuẩn bị cơ sở vật chất cũng như chương trình, đội ngũ giáo viên,ông Đặng Văn Hà, Hiệu trưởng trường THCS Chu Văn An: Sau khi có kế hoạch của Sở Giáo dục – Đào tạo cho phép tuyển sinh, trường lập kế hoạch tuyển sinh, và cũng có kinh phí thực hiện việc này.

Giao lưu trực tuyến “Học song bằng từ lớp 6: Băn khoăn và kỳ vọng” ảnh 5

Bà Trần Thị Thanh Thảo, Hiệu trưởng trường THCS Trưng Vương: Sau khi nắm bắt được chủ trương của Sở, trường đã chủ động nghiên cứu từ chương trình Cambridge đến chủ động đưa ra hướng cung cấp trang thiết bị, tham mưu với các cấp lãnh đạo để được trang bị đầy đủ nhất cơ sở vật chất cho quá trình giảng dạy. Trường cũng theo sát chương trình của Bộ Giáo dục – Đào tạo và phối hợp với các trường bạn để thực hiện chương trình chung.

Giao lưu trực tuyến “Học song bằng từ lớp 6: Băn khoăn và kỳ vọng” ảnh 6

Bà Lê Kim Anh, trường THCS Cầu Giấy: Trường chủ động tự chủ liên kết để tìm đối tác có đủ năng lực để thực hiện chương trình song bằng, hợp đồng với giáo viên người nước ngoài. Trường cũng chủ động liên kết với sáu trường dể xây dựng chương trình và cơ sở vật chất để thực hiện.

Bạn Lê Quốc Phong (Mỹ Đình, Hà Nội): Xin hỏi các trường THCS tham gia thí điểm đã chuẩn bị như thế nào để đào tạo song bằng? Đối với chương trình tiếng Việt của song bằng sẽ được giảng dạy như thế nào và nhà trường có được ưu tiên sắp xếp những giáo viên giỏi để giảng dạy hay không?

Ông Lê Hồng Vũ – Trưởng phòng GD-ĐT quận Tây Hồ:

Giao lưu trực tuyến “Học song bằng từ lớp 6: Băn khoăn và kỳ vọng” ảnh 7

Với Quận Tây Hồ có chút khó khăn vì trường THCS Chu Văn An từ 1-8 sẽ xây dựng mới. Chúng tôi đang tạm thời di chuyển toàn bộ trường Chu Văn An về 130 Thụy Khuê. Thời điểm này, trang thiết bị chưa đáp ứng tiêu chuẩn cao, nhưng chúng tôi bảo đảm sẽ đáp ứng yêu cầu tối thiểu cho học sinh học tập. Chúng tôi có sự chủ động và kế hoạch dài cho đào tạo song bằng.

Với trường Chu Văn An mới, chúng tôi bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng chuẩn Cambridge. Chúng tôi đã có kế hoạch về kinh phí và đã được phê duyệt với tổng dự án khoảng 218 tỷ đồng và trang thiết bị cũng phải 20-30 tỷ đồng, bảo đảm chuẩn quốc tế.

Ông Lê Đức Thuận – Phó Trưng phòng GD-ĐT quận Hoàn Kiếm:

Giao lưu trực tuyến “Học song bằng từ lớp 6: Băn khoăn và kỳ vọng” ảnh 8

Trong năm học này, quận Hoàn Kiếm đăng ký hai trường là Trưng vương và Ngô Sỹ Liên tham gia song bằng với hai lớp/mỗi trường. Đây là hai trường có chất lượng đào tạo cao trong thời gian gần đây. Tất cả các môn đã đầu tư toàn bộ giáo viên tốt nhất của hai nhà trường.

Về vấn đề giáo viên, chúng tôi đã có kế hoạch cụ thể. Với giáo viên người Việt, chúng tôi chọn lựa những giáo viên xuất sắc nhất của hai trường để đầu tư, quan tâm cho chương trình Cambridge. Đây là những giáo viên có trình độ chuyên môn cao, có nhiều năm kinh nghiệm, có năng lực ngoại ngữ rất tốt, có giáo viên đạt chuẩn C1 châu Âu.

Với giáo viên quốc tế, chúng tôi giao cho đối tác bảo đảm lựa chọn đủ giáo viên có năng lực, đạt tiêu chuẩn cao, đúng tiêu chuẩn Cambridge. Với sự vào cuộc của quận và nhà trường, chúng tôi sẽ có sự chuẩn bị đáp ứng tốt nhất cho chương trình đào tạo song bằng.

Giao lưu trực tuyến “Học song bằng từ lớp 6: Băn khoăn và kỳ vọng” ảnh 9

Bạn Đặng Thanh Vân (Nghệ An) hỏi: Nếu không đủ điều kiện để cho con theo học song bằng Cambridge, theo thầy Đặng Minh Tuấn, học sinh có thể ôn và thi các chứng chỉ này không?

Giao lưu trực tuyến “Học song bằng từ lớp 6: Băn khoăn và kỳ vọng” ảnh 10

Thạc sĩ Đặng Minh Tuấn – Nhà sáng lập Ubermath, chuyên gia tư vấn về đào tạo chứng chỉ quốc tế:

Chương trình Cambridge là chương trình mà chúng ta triển khai ở những nơi có điều kiện cơ sở vật chất, cũng như là nơi bảo đảm chương trình giảng dạy của giáo viên.

Với hệ Cambridge nói chung, vừa rồi, đại diện Sở và lãnh đạo 7 trường đã thống nhất và cam kết sẽ bảo đảm dạy các con theo đúng chương trình Cambridge.

Nhưng nếu không đủ điều kiện cho con theo học song bằng, thì các con hoàn toàn có thể tự học, nếu các con đủ sức và trình độ ngoại ngữ tốt, theo được chương trình. Với chương trình Cambridge, các con có thể tự học. Ví dụ, người ta phân chia theo hệ, với khối THCS từ lớp 6-8 là theo hệ checkpoint, khối 11-12 là theo A-level.

Các con có thể tự học để tự tham gia thi nhưng điều quan trọng tiếp theo, là các con phải trải qua kỳ thi và phải có nơi để tham gia thi. Mà với hệ Cambridge, chỉ các trường, các cơ sở liên kết với hệ Cambridge mới mở chỗ thi cho các em.

Buổi giao lưu có sự tham dự trực tiếp của một số phụ huynh, sau đây là câu hỏi của Phụ huynh Minh Châm: Nếu sau khi xét duyệt, trường chưa được công nhận đạt chuẩn để tiến hành hệ song bằng thì khi đó việc học của các con sẽ được giải quyết như thế nào, vì khi đó các con đã vào học được một thời gian dài?

Giao lưu trực tuyến “Học song bằng từ lớp 6: Băn khoăn và kỳ vọng” ảnh 11

Bà Bùi Thị Minh Nga: Xin quý vị phụ huynh hãy yên tâm vì chúng tôi đã lựa chọn các trường hàng đầu của thành phố. Đề án này được UBND Thành phố đã duyệt và đã yêu cầu các quận đầu tư ở mức cao nhất cho nhà trường. Về mặt chất lượng, chúng tôi có đội ngũ giáo viên trẻ đầy năng lực, các em thamg gia giảng dạy bằng tiếng Anh rất tốt, các em cũng đã từng tham gia chấm thi tiếng Anh đầu vào của các con. Tôi xin thông báo với các vị phụ huynh là lứa giáo viên mới của chúng ta đầy hứa hẹn, hoàn toàn sẵn sàng tham gia giảng dạy bộ môn khoa học bằng Tiếng Anh. Lứa giáo viên này hoàn toàn có thể đáp ứng được hương trình quốc tế, và tôi đều có chỉ đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo đầu tư những giáo viên có chất lượng tốt nhát. Chúng ta nên lạc quan và chắc chắn không có việc thiếu chuẩn.

Giao lưu trực tuyến “Học song bằng từ lớp 6: Băn khoăn và kỳ vọng” ảnh 12

Bạn Phan Dương hỏi: Các môn bị trùng như môn khoa học sẽ được giảm tải ra sao?

Có thể bỏ môn tiếng Anh theo chương trình của Bộ GD–ĐT không? Vì chương trình tiếng Anh của Bộ có nội dung khá đơn giản so với trình độ A2 đầu B1 của các bạn đỗ song bằng?

Bà Bùi Thị Minh Nga – Phó trưởng Phòng Giáo dục phổ thông trả lời: Câu hỏi này tôi đã trở lời ở câu hỏi thứ ba. Đó là một số các bộ môn trong chương trình Việt Nam thì chúng tôi lấy chương trình Cambridge để chúng tôi giảm tải chương trình Việt Nam hỗ trợ các con bằng tiếng Anh.

Tuy nhiên như tôi đã nói là chương trình tiếng Anh của Bộ GD-ĐT Việt Nam so với chương trình của các con vào thì nó hơi nhẹ. Nói nhẹ không có nghĩa là mình bỏ đi không học, mình vẫn học nhưng mà giảm số tiết của tiếng Anh Việt Nam và tăng số tiết của chương trình Cambridge. Số tiết của Việt Nam vẫn bảo đảm cho các con học theo đúng chủ đề, đáp ứng đúng mục tiêu đào tạo. Còn chương trình Cambridge thì chúng tôi đang đề nghị các nhà trường dạy theo chương trình English as a Second Language, dạy tiếng Anh theo ngôn ngữ thứ 2 để bảo đảm cho các con đủ năng lực tham gia tất cả các kỳ thi của Cambridge.

Bạn đọc Phương Thảo, Hà Nội: Tôi là một phụ huynh có con đang học cấp THCS, rất quan tâm đến chương trình song bằng của Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội. Tuy nhiên sau khi nghiên cứu chương trình, tôi rất muốn được nghe ý kiến của các chuyên gia giáo dục và đại diện Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội về những thắc mắc như sau:

1. Thông thường để triển khai một sản phẩm giáo dục (như chương trình đào tạo song bằng) cũng như một sản phẩm khác, phải hội tụ đủ các điều kiện như: cơ sở vật chất; nhân lực - đội ngũ giáo viên; chương trình đào tạo… rồi phải làm thí điểm để kiểm tra xem sản phẩm đầu ra có đạt được yêu cầu trước khi đưa ra thị trường. Đây là một sản phẩm giáo dục hoàn toàn mới, có tác động lớn, mạnh mẽ, sâu rộng tới giáo dục Thủ đô và cả nước, vậy mà người dân, các cha mẹ phụ huynh chưa từng được nghe đến công tác chuẩn bị các điều kiện triển khai chương trình song bằng này nhưng Sở đã triển khai năm nay tại bảy trường THCS của Thủ đô. Liệu rằng việc làm này của Sở có “làm ngược” với cách làm trên thế giới và làm khó cho những phụ huynh đang muốn có con theo chương trình này không? Vì họ không muốn con em mình làm thử nghiệm cho một chương trình mà không biết có thành công không?

2. Dư luận xã hội gần đây nói nhiều đến giảm tải học cho học sinh đặc biệt là học sinh tiểu học và THCS, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ra nhiều thông tư, hướng dẫn về vấn đề này. Tôi nghĩ, để có thể theo học chương trình song bằng này, học sinh được lựa chọn phải thật sự xuất sắc, nếu không sẽ là áp lực rất lớn cho các cháu và cha mẹ vì chương trình rất nặng. Thông báo mới nhất của Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội đã hạ điểm chuẩn rất thấp vào chương trình song bằng của tất cả bảy trường triển khai nhằm tuyển đủ chỉ tiêu. Như vậy, sẽ có nhiều cháu ngồi “nhầm lớp” và áp lực học tập của các cháu và cha mẹ học sinh là rất rõ ràng. Việc triển khai chương trình song bằng này không những giảm tải mà còn tăng tải cho học sinh? Ý kiến của các chuyên gia về vấn đề này như thế nào? Tôi rất mong nhận được ý kiến phản biện của các chuyên gia giáo dục và đại diện Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội về các vấn đề trên.

Bà Bùi Thị Minh Nga, Phó Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội: Nội dung câu hỏi của bạn Phương Thảo đã được chúng tôi trả lời gần hết. Đó là công tác chuẩn bị cho cơ sở vật chất cho chương trình đào tạo song bằng.Bốn quận triển khai chương trình thí điểm song bằng đều là bốn quận lõi của Thủ đô. Về nguồn nhân lực, đội ngũ giáo viên, chúng tôi cũng đã nói rồi. Tôi khẳng định đây không phải trường hợp làm ngược so với thế giới, mà đặt trong bối cảnh chủ trương của Việt Nam, đặc biệt là của Hà Nội. Chúng ta phải thấy tự hào vì Hà Nội là đơn vị đầu tiên thí điểm đưa chương trình giảng dạy song bằng vào hệ thống giáo dục công lập. Phải nhắc lại, khối dân lập của Hà Nội đã thực hiện chương trình này khá lâu rồi, nhưng họ dạy chương trình Cambridge chứ không dạy chương trình song bằng.Trong bối cảnh hội nhập nhanh với quốc tế, chương trình có đẳng cấp quốc tế nhưng giá cả Việt Nam. Phụ huynh có thể tra giá học phí của các trường tư thục một năm học khá nhiều tiền. Khi chúng tôi thực hiện chương trình song bằng, Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội cùng Sở Tài chính Hà Nội đã tính toán, cân nhắc từng đồng, với điều kiện bảo đảm quyền lợi cao nhất cho học sinh trường công lập.

Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo khẳng định, học phí của chương trình Cambridge là thu đủ chi, chúng tôi không làm kinh doanh trong chương trình song bằng. Tuy nhiên, ở Hà Nội, việc triển khai không thể chờ chuẩn bị xong cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chúng tôi làm song song tất cả các việc đó để phụ huynh yên tâm. Khẳng định Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội không làm ngược.

Về việc hạ điểm chuẩn vào chương trình song bằng nhằm tuyển đủ chỉ tiêu.Ở đây, chúng tôi không bị áp lực về chỉ tiêu. Không phải là nếu giao chỉ tiêu cho các trường hai lớp, thì bắt buộc phải tuyển đủ hai lớp. Chúng tôi đang tạo điều kiện, cơ hội cho những học sinh có đủ năng lực được tham gia chương trình song bằng. Chúng tôi cũng khuyến cáo rằng chương trình học nặng, chỉ thực hiện khi cha mẹ học sinh hoàn toàn tự nguyện và các con có đủ năng lực. Nếu bố mẹ không tự nguyện, bảy hiệu trưởng tại các trường thí điểm ở đây không có cách nào bắt buộc cho học sinh theo học. Nếu con không đủ năng lực thì bố mẹ không nên ép các con để tạo thêm căng thẳng cho các con.

Hôm qua, cá nhân tôi đã nhận được ba đề nghị từ phụ huynh, nói rằng Trường THCS Nghĩa Tân còn thiếu chỉ tiêu, xin phép Sở Giáo dục - Đào tạo duyệt cho cháu vào. Tôi trả lời rằng phải làm đúng quy định. Tôi khẳng định chương trình song bằng không phải là chương trình thử sức. Đó là một chương trình học thực sự nặng, các con có đủ năng lực thì mới nên cho tham gia chương trình học này.

Các phụ huynh có thể được lựa chọn một chương trình đào tạo khác của Hà Nội mà vẫn bảo đảm cho các con trở thành một công dân có ích cho xã hội. Chúng ta đừng đặt những câu hỏi như nhiều cháu ngồi nhầm lớp. Chúng tôi không ép học sinh vào, từng cháu đều phải duyệt qua Sở Giáo dục - Đào tạo để bảo đảm đúng chuẩn. Về mặt chuyên môn, chúng tôi khẳng định với điểm chuẩn như thế, các phụ huynh lo một, Sở Giáo dục - Đào tạo lo mười. Vì chúng tôi cam kết đầu ra cho các con.

Bạn Phạm Nha Trang đặt câu hỏi với bà Bùi Thị Minh Nga: Đề thi đầu vào được phản ánh là có nhiều điểm khác biệt so với hình thức thi của Cambridge thông thường. Kính nhờ đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội giải thích điều này. Điểm chuẩn hạ sâu, điều này dẫn tới lo lắng về chất lượng đầu vào, năng lực tiếng Anh của các học sinh này có đủ để học các môn bằng tiếng Anh. Vậy Sở có kế hoạch bồi dưỡng, hay có phương pháp nào giúp các cháu theo kịp?

Bà Bùi Thị Minh Nga: Đây là câu hỏi về mặt chuyên môn, chúng tôi cũng rất hoan nghênh các câu hỏi liên quan đến chuyên môn như thế này. Chúng tôi không biết bạn Phạm Nha Trang có những phản ánh như thế nào về các vấn đề. Cho đến giờ phút này bảo mật đề chưa có ai có đề ngoài các cháu học sinh trực tiếp làm bài. Tuy nhiên, tôi cũng xin phép được chia sẻ, là những người làm công tác chuyên môn, tiêu chuẩn đã đưa ra thì chúng tôi cam kết các bài kiểm tra đưa ra phải đạt đúng chuẩn CIE. Tuy nhiên Cambridge không có kiểm tra đầu vào mà thường có bài kiểm tra đầu ra. Với đối tượng tham gia song bằng của chúng ta là kết thúc lớp 5 cấp tiểu học, nên Hà Nội tổ chức kiểm tra đầu vào theo chương trình của học sinh lớp 5. Tốt nghiệp dựa trên hai nguyên tắc: 1. Chuẩn của học sinh học hết lớp 5 chương trình Bộ GD-ĐT của Việt Nam. 2. Khả năng tiếng Anh và format theo sát chuẩn của Cambridge và theo đúng chuẩn của CIE khi các cháu tốt nghiệp hết lớp 5.

Riêng môn tiếng Anh, Sở kiểm tra khả năng nghe 30 phút, và kỹ năng đọc hiểu và viết 45 phút . Điều đó có nghĩa, chúng tôi muốn lọc, kiểm tra cho các nhà trường những học sinh bảo đảm đúng đủ năng lực về tiếng Anh thì các con mới học được các môn học bằng tiếng Anh. Các chương trình kiểm tra chúng tôi bám rất sát chuẩn của CIE bằng bốn bài kiểm tra. Các con làm đủ bốn bài kiểm tra này đạt điểm 6/8 là rất xuất sắc rồi. Đã có những cháu đạt điểm xuất sắc, năng lực rất tốt.

Đánh giá các bài kiểm tra của các con học sinh, phần lớn các cháu đạt điểm cao đều là những con đỗ các lớp chuyên của Trường chuyên Hà Nội Amsterdam và trường chất lượng cao THCS Cầu Giấy là những trường thi tuyển rất chất lượng. Rất mừng, bảy trường sẽ đón được những học sinh có chất lượng bảo đảm rất tốt.

Còn về việc hạ điểm chuẩn, lý do tại sao chúng tôi phải hạ chuẩn, lúc đầu khi xét tuyển điểm chuẩn là rất cao, điểm đầu vào của trường Amsterdam là 15,25, trung bình 2 môn của các con là xấp xỉ 8 điểm, rất xuất sắc. Bài toán bằng tiếng Anh có 40 câu, các con làm trong 60 phút. Có những con đạt 40/40 câu. Tuy nhiên, phần lớn các cháu đỗ điểm cao lại rơi vào những cháu đã đỗ trường chuyên, nên sau khi cân nhắc, chúng tôi cũng chưa biết lý do tại sao phụ huynh lại chọn các cháu học lớp chuyên, có thể vì chuyên có nhiều điểm lợi hơn so với song bằng, dù sao song bằng đây cũng là lần đầu tiên. Nhưng tôi cho rằng, một trong những lý do có thể giải thích, song bằng có học phí khá cao 5,6 triệu đồng. Cho nên chúng tôi phải hạ chuẩn để các nhà trường được đón nhận và vẫn bảo đảm quyền lợi của các con. Cá nhân tôi nhận thấy các con đạt được điểm 4/10 là rất xuất sắc rồi. Cho nên đến điểm lần 2 hạ là 4,5 điểm/môn với NV1, NV2 và NV3 cộng thêm 1 điểm chênh thì chúng tôi xin khẳng định vẫn bảo đảm chất lượng đào tạo của các con.

Tuy nhiên, phụ huynh lại thấy băn khoăn, với số điểm của các cháu đạt điểm cao với các cháu đạt 9, 10 điểm này lại chênh thì nhà trường giải quyết như thế nào, chúng tôi xin khẳng định, các đồng chí hiệu trưởng ở đây đều có phương án để sẵn sàng hỗ trợ cho các con học sinh khi các con chưa theo kịp được các bạn trong thời gian ngắn nhất. Tôi nghĩ, các cháu chỉ cần hỗ trợ thêm về năng lực ngoại ngữ thì các cháu hoàn toàn có thể theo kịp được chương trình của Cambridge. Chúng tôi nhận thấy chương trình toán, lý, hóa của Việt Nam khó hơn rất nhiều của Cambridge.

Facebook Ngoc Bach Tran Bao gửi đến tòa soạn đề xuất:

Đây là chương trình chung nên mong Sở GD-ĐT Hà Nội đôn đốc các trường minh bạch thông tin cho phụ huynh đỡ hoang mang. Điều này hiện nay mỗi trường Cầu Giấy là làm tốt, các trường khác còn rất mù mờ.

Bà Nguyễn Mỹ Hảo, Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Tân: Quận Cầu Giấy có hai trường Trường THCS Cầu Giấy và Nghĩa Tân tham gia chương trình song bằng này. Hai trường chúng tôi cùng chung công ty để tư vấn và định hướng phát triển giáo dục Việt Nam đã hợp tác giúp cho các trường. Hiện nay thông tin của các trường về chương trình song bằng này chúng tôi cũng công khai trên trang web của nhà trường. Đối tác, chương trình đào tạo học chương trình này thậm chí chúng tôi cũng đã giới thiệu về giáo viên trong chương trình của hội thảo. Ngoài ra, ở trường có thông tin dán ở bảng tin ở sân trường. Chúng tôi với những học sinh đăng ký đã tiếp cận nhận hồ sơ thì chúng tôi đã cập nhật số điện thoại để có thông tin giữa nhà trường và phụ huynh thông thường .

Bạn Bình Nguyên hỏi: Sau khi thí điểm đưa chương trình Cambridge vào Việt Nam, Bộ và Sở có tiếp tục thí điểm đưa các chương trình giáo dục khác của nước ngoài vào Việt Nam không? Như chương trình SAT, ACT… của Mỹ chẳng hạn, vì bây giờ để đi du học, rất nhiều học sinh phải tìm học để thi chương trình này ở ngoài nhà trường.

Bà Bùi Thị Minh Nga – Phó trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD-ĐT Hà Nội

Tại Hà Nội, công tác hội nhập quốc tế trong giáo dục được thể hiện ở khá nhiều lĩnh vực không chỉ trong chương trình song bằng Cambridge. Trong một số trường, ngoài thí điểm dạy song bằng tiếng Anh, còn nhiều ngoại ngữ khác nữa. Thí dụ, tại trường Trưng Vương, chúng tôi triển khai dạy tiếng Nhật, Đức và đào tạo song bằng tiếng Pháp.

Sở GD-ĐT Hà Nội luôn thận trọng và sẽ quan tâm đến nguyện vọng, nhu cầu của xã hội làm thế nào đưa ra được những chương trình hiện đại nhất, tốt nhất cho các em học sinh tiếp cận theo mục tiêu đào tạo công dân của Hà Nội trở thành công dân toàn cầu.

Bà Ngô Thị Diệp Lan - Hiệu trưởng trường THCS Thanh Xuân: Với trường Thanh Xuân chúng tôi thông tin thường xuyên được thông tin trực tiếp trên Website của nhà trường cũng như trên các bản tin của nhà trường. Tất cả các chương trình thông tin về giảng viên và thông tin về cơ sở vật chất, thông tin chúng tuyển thông tin điểm chuẩn của nhà trường đều được đăng tải kịp thời để phụ huynh nắm bắt. Trong thời gian vừa qua chúng tôi cũng chưa nhận được phản hồi nào của phụ huynh học sinh về song bằng từ phía nhà trường thiếu với phụ huynh học sinh.

Bạn Lê Lan gửi tòa soạn câu hỏi: Đề nghị Bà Bùi Thị Minh Nga cho biết là thông báo tuyển 2 lớp "song bằng" mỗi lớp 25 em phải hiểu như thế nào? Nghĩa là khi học chương trình Cambridge hay Chương trình của Bộ GD-ĐT đều là 25 em/lớp có đúng không? Có một số nơi đang hiểu là chương trình Cambridge thì 25 em/lớp còn chương trình của Bộ thì gộp, điều này đang gây "sốc" với các phụ huynh đã lựa chọn song bằng và nhiều người sẵn sàng rút lui nếu các con phải học trong một lớp 50 em hoặc hơn với mức kinh phí đóng hằng tháng cao như vậy.

Phụ huynh Thu Hương hỏi trực tiếp tại buổi tọa đàm: Một lớp 25 học sinh có được duy trì cho cả hệ dạy quốc gia và hệ Cambridge hay không?

Bà Bùi Thị Minh Nga, Phó trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD-ĐT Hà Nội trả lời:

Thứ nhất, Sở giao chỉ tiêu mỗi trường đào tạo hai lớp song bằng. Hai lớp này sẽ được đào tạo song song chương trình tiếng Việt và chương trình Cambridge, mỗi lớp 25 học sinh. Có nghĩa là 25 cháu mỗi lớp sẽ được đào tạo cả chương trình tiếng Việt và chương trình Cambridge, chứ không phải là chương trình Cambridge thì 25 cháu mỗi lớp, đến chương trình của Bộ thì gộp lại thành 50 cháu. Đề nghị các bạn nếu thấy trường nào không thực hiện đúng như trên thì xin phản ánh tên trường lại với chúng tôi để có biện pháp xử lý.

Chúng tôi xin khẳng định lại với sự có mặt của bảy đại diện từ bảy trường THCS có mặt tại đây là mỗi trường đào tạo hai lớp, mỗi lớp 25 cháu. Tuy nhiên, trong quá trình tuyển sinh, khi lấy điểm chuẩn đầu vào, lấy đến các cháu 12 điểm nhưng có tới khoảng 10 cháu ở mốc 12,3 điểm, vượt quá số lượng tuyển sinh. Thí dụ như trường hợp có 57 cháu tại trường THCS Cầu Giấy và trường THCS Chu Văn An. Về điều này, chúng tôi mong các bậc phụ huynh thông cảm, không thể nào gạt các em này ra được, phải bảo đảm đúng quyền lợi của các con học sinh.

Hôm qua, Giám đốc Sở GD-ĐT có trao đổi với chúng tôi sẽ có những lớp phải cộng trừ thêm 2-3 cháu, chia đôi thêm 2-3 cháu. Mong các vị phụ huynh thông cảm, nếu đặt địa vị vào trường hợp của 26,27 cháu đó.

Thêm nữa, các vị phụ huynh cũng nên giúp cho nhà trường, bởi chưa chắc các con theo được chương trình này nên có những cháu học một thời gian không theo kịp thì cháu xin rút. Vì thế, phải bảo đảm cho nhà trường có kinh phí để tiếp tục thực hiện đào tạo song bằng và chi trả cho giáo viên tham gia giảng dạy chương trình này. Cuối cùng, xin khẳng định một lần nữa, hệ song bằng sẽ đào tạo song song cả chương trình quốc gia và chương trình Cambridge.

Trần Bá Hùng, phụ huynh học sinh có con thi đỗ vào hệ song bằng tại trường THCS Trưng Vương: Chương trình song bằng đang triển khai có gì khác so với chương trình mà Sở Giáo dục – Đào tạo TP Hồ Chí Minh đã triển khai? Đến nay ở TP Hồ Chí Minh đã dừng chương trình này thì tại sao Sở Giáo dục – Đào tạo TP Hà Nội lại triển khai lại? Sở Giáo dục – Đào tạo đã đánh giá hết các nguyên nhân mà Sở Giáo dục – Đào tạo TP Hồ Chí Minh đã gặp phải đến mức phải dừng thí điểm chương trình song bằng Cambridge (CAM) để chuyển sang một chương trình khác?

Bà Bùi Thị Minh Nga: Làm sao tôi có thể đánh giá được một chương trình ở TP Hồ Chí Minh. Hiện tại, khi thực hiện chương trình này ở Hà Nội, Sở Giáo dục – Đào tạo Hà Nội giao trực tiếp trách nhiệm cho bảy trường này, và chúng tôi bảo đảm chương trình này được thực hiện tốt nhất cho các con và xin phép không bình luận gì về chương trình của TP Hồ Chí Minh.

Giao lưu trực tuyến “Học song bằng từ lớp 6: Băn khoăn và kỳ vọng” ảnh 13

Câu hỏi do độc giả gửi qua email anhntt@vpbs.com.vn: Về học phí, dự kiến năm thứ tư (ba năm đầu cam kết mức cố định không đổi?) là bao nhiêu? Cách thức thu học phí theo kỳ hay tháng/năm?

Bà Bùi Thị Minh Nga – Phó trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD-ĐT Hà Nội:

So với ba năm đầu tiên, chúng tôi cam kết học phí không đổi. Đến năm thứ tư, theo quy định như chương trình song bằng của A – level, sau mỗi năm cộng trừ 10% các phí dịch chuyển. Thí dụ, có cháu học sinh rút đi thì chương trình phải chi trả thêm, cộng trừ trong khoảng đó thôi. Căn cứ thực tế, các nhà trường sẽ đề xuất để UBND quyết định mức học phí. Mỗi lần thay đổi, việc thu phí của các con phải thông qua HĐND thành phố chứ các trường không tự động tăng học phí.

Về cách thức thu theo kỳ, theo tháng, theo năm thì được thỏa thuận giữa nhà trường với phụ huynh học sinh trong buổi học đầu năm. Có nhiều phụ huynh muốn đóng tiền gọn theo năm, có người không trả theo năm thì có thể trả theo học kỳ, theo tháng. Việc này chúng tôi dành quyền tự chủ cho các nhà trường, là thỏa thuận giữa nhà trường với phụ huynh học sinh.

Bạn Hoàng Mạnh Hà: Xin có câu hỏi tới các trường và đại diện Sở GD- ĐT, nếu có cháu nào theo không được thì cách thức xử lý như thế nào? Trong trường hợp nhiều cháu không theo được và phải rời chương trình thì có bổ sung học sinh ngoài vào không? Hay tiếp tục duy trì số học sinh đang có?

Giao lưu trực tuyến “Học song bằng từ lớp 6: Băn khoăn và kỳ vọng” ảnh 14

Ông Đặng Việt Hà – Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An, Tây Hồ: Trong quá trình giảng dạy, nếu học sinh đó không theo được hoặc vì lý do gia đình lúc đó nguyện vọng của gia đình sẽ được chúng tôi xem xét. Bởi trong quá trình giảng dạy, việc dạy theo chương trình Việt Nam chúng tôi vẫn bảo đảm đủ chuẩn. Vì vậy nếu quay lại chương trình học bình thường, nhà trường sẽ tạo điều kiện. Nhà trường có nhận luôn hay không còn tùy vào nguyện vọng của phụ huynh. Có thể, sau đó họ sẽ muốn học tại trường hoặc chuyển về địa điểm gần nhà. Nếu vẫn muốn học ở Trường Chu Văn An thì chúng tôi sẽ vẫn tạo điều kiện.

Giao lưu trực tuyến “Học song bằng từ lớp 6: Băn khoăn và kỳ vọng” ảnh 15

Bà Lê Kim Anh – Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy: Đối với trường Cầu Giấy, cũng hơi gặp khó khăn một chút, bởi vì trong quá trình tuyển hệ chất lượng cao thì chúng tôi cũng đã tuyển đủ số học sinh. Nếu các em không theo được mà muốn chuyển sang hệ chất lượng cao, chúng tôi sẽ tùy vào từng trường hợp và báo cáo Sở.

Bà Bùi Thị Minh Nga: Chương trình đào tạo song bằng có hai điểm, một là gia đình phải hoàn toàn tự nguyện tham gia chương trình này, và hai là năng lực của con cũng phải đủ để thao gia học một lớp hai chương trình. Tuy nhiên cũng có thể con không theo kịp do lý do nào đó từ sức khỏe hoặc gia đình. Các nhà trường căn cứ vào điều kiện của nhà trường để bố trí con học ở lớp phù hợp với năng lực của các con. Chúng tôi khẳng định là không tuyển vào giữa năm học. Có tuyển bổ sung thì trường phải báo cáo lên Sở và chúng tôi sẽ xem xét có tuyển hay không. Bởi vì mỗi lần tuyển như vậy phải bảo đảm rất chặt chẽ quy trình. Chúng tôi cũng khuyến cáo các phụ huynh là nếu con không đủ năng lực học song bằng thì nên cân nhắc để không làm khổ các con.

Giao lưu trực tuyến “Học song bằng từ lớp 6: Băn khoăn và kỳ vọng” ảnh 16

Câu hỏi gửi qua mail anhntt@vpbs.com.vn: Về học phí, dự kiến năm thứ tư (ba năm đầu cam kết mức cố định không đổi?) là bao nhiêu? Cách thức thu học phí theo kỳ hay tháng/năm?

Bà Bùi Thị Minh Nga, Phó trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD-ĐT Hà Nội: Trong ba năm đầu tiên, chúng tôi cam kết học phí không đổi. Đến năm thứ 4, theo quy định như chương trình song bằng của A Level, sau mỗi một năm chúng tôi sẽ cộng, trừ 10% phí dịch chuyển. Thí dụ có học sinh rút đi thì phí phải thay đổi. Nhà trường sẽ đề xuất UBND quyết định.

Cứ mỗi lần thay đổi như thê này thì phải thông báo qua HĐND thành phố, còn nhà trường không tự động tăng phí. Cách thức thu phí theo kỳ, theo tháng hay theo năm là tùy thuộc vào thỏa thuận giữa nhà trường với phụ huynh. Vì trong thực tế có phụ huynh muốn đóng gọn học phí một năm, nhưng cũng có phụ huynh không đủ điều kiện nộp theo năm, do đó sẽ tùy thuộc vào thỏa thuận giữa nhà trường với phụ huynh.

Bạn Trần Trường Giang hỏi: Hệ thống các trường đại học có phương án tuyển sinh hệ Cambridge này như thế nào? (Có thông tin hiện tại trường ĐH quốc gia đã có phương án tuyển thẳng cho các học sinh có chứng chỉ A level?) Mong các khách mời có thể trả lời để phụ huynh yên tâm.

Bạn Đào Phương Ly cũng hỏi thông tin về việc tuyển thẳng đại học tại Việt Nam đối với những hhọc sinh có chứng chỉ A-Level? Những trường ĐH nào của Việt Nam hiện chấp nhận tuyển thẳng A-Level và chứng chỉ A-Level phải đạt bao nhiêu điểm thì mới được xét tuyển thẳng?

Tương tự, bạn Dũng Phan hỏi: Chứng chỉ A-level có được tất cả các trường tại Việt Nam áp dụng trong xét tuyển đại học hay không?

Thạc sĩ Đặng Minh Tuấn – Nhà sáng lập Ubermath, chuyên gia tư vấn về đào tạo chứng chỉ quốc tế: Học sinh đạt được chứng chỉ A level là chất lượng rất cao. Không dễ dàng đạt chuẩn này.

Một số trường quốc tế ở Anh, Singapore, Australia nơi giảng dạy chương trình Cambridge hoàn toàn chấp nhận A level trong quá trình apply hồ sơ khi học sinh hoàn thành chương trình THPT như một kết quả của các chương trình học quốc tế. Ở trong nước, một số trường như Đại học Quốc gia cũng đã chấp nhận A level như một kết quả xét tuyển vào Đại học. Tôi hy vọng có được nhiều trường mở cánh cửa, đưa thông tin chính thức về việc xét tuyển kết quả A Level.

Về các trường ở Việt Nam chấp nhận A level, phụ huynh và học sinh phải tìm hiể thêm, còn tôi không có thông tin để trả lời. Các con phải đạt kết quả càng cao càng tốt.

Bạn Hằng Minh, Hà Nội hỏi: Giáo viên nước ngoài dạy song bằng làm sao bảo đảm chất lượng, có quen cách làm việc với học sinh Việt Nam hay không? Tôi muốn hỏi cụ thể trường Chu Văn An?

Chương trình này có khuyến khích sự sáng tạo của học sinh hay không?

Ông Đặng Việt Hà – Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An, Tây Hồ trả lời: Tôi xin trả lời hai ý:

Thứ nhất là giáo viên nước ngoài, nhà trường sẽ tiến hành hợp đồng với giáo viên nước ngoài, trong đó có một giáo viên nước ngoài có kinh nghiệm và có mặt thường xuyên tại trường để giải quyết công việc liên quan đến phối hợp với phụ huynh. Ngoài ra, nhà trường cũng có thầy cô giáo tham gia công tác trợ giảng và có những phần giao lưu giữa giáo viên của chương trình Việt Nam với giáo viên của nước ngoài để giúp cho các thầy giáo nước ngoài có thể hiểu hơn về giáo dục Việt Nam, hiểu hơn về học sinh, và giúp ý kiến học sinh Việt Nam cũng như phụ huynh Việt Nam được truyền tải một cách trực tiếp và nhanh nhất tới các thầy giáo nước ngoài.

Bạn Trần Trường Giang hỏi: Hệ thống các trường đại học có phương án tuyển sinh hệ Cambridge này như thế nào? (Có thông tin hiện tại trường ĐH quốc gia đã có phương án tuyển thẳng cho các học sinh có chứng chỉ A level?) Mong các khách mời có thể trả lời để phụ huynh yên tâm.

Bạn Đào Phương Ly cũng hỏi thông tin về việc tuyển thẳng đại học tại Việt Nam đối với những hhọc sinh có chứng chỉ A-Level? Những trường ĐH nào của Việt Nam hiện chấp nhận tuyển thẳng A-Level và chứng chỉ A-Level phải đạt bao nhiêu điểm thì mới được xét tuyển thẳng?

Tương tự, bạn Dũng Phan hỏi: Chứng chỉ A-level có được tất cả các trường tại Việt Nam áp dụng trong xét tuyển đại học hay không?

Thạc sĩ Đặng Minh Tuấn – Nhà sáng lập Ubermath, chuyên gia tư vấn về đào tạo chứng chỉ quốc tế: Học sinh đạt được chứng chỉ A level là chất lượng rất cao. Không dễ dàng đạt chuẩn này.

Một số trường quốc tế ở Anh, Singapore, Australia nơi giảng dạy chương trình Cambridge hoàn toàn chấp nhận A level trong quá trình apply hồ sơ khi học sinh hoàn thành chương trình THPT như một kết quả của các chương trình học quốc tế. Ở trong nước, một số trường như Đại học Quốc gia cũng đã chấp nhận A level như một kết quả xét tuyển vào Đại học. Tôi hy vọng có được nhiều trường mở cánh cửa, đưa thông tin chính thức về việc xét tuyển kết quả A Level.

Về các trường ở Việt Nam chấp nhận A level, phụ huynh và học sinh phải tìm hiể thêm, còn tôi không có thông tin để trả lời. Các con phải đạt kết quả càng cao càng tốt.

Chia sẻ chung của các vị khách mời:

Ông Lê Hồng Vũ – Trưởng phòng GD-ĐT quận Tây Hồ:

Chương trình đào tạo thí điểm song bằng là chương trình có sức nặng với học sinh. Chúng tôi quyết tâm theo đuổi chương trình, nhưng rất cần các bậc phụ huynh phải phối hợp cùng với nhà trường vừa động viên các cháu, vừa tạo điều kiện cho các cháu học tập.

Đây là chương trình học nặng nhưng lợi ích đem lại lớn. Với chứng chỉ THCS hệ song bằng Cambridge, các em có thể học bất kỳ ở trường THPT hệ Cambridge trên thế giới. Nếu có chứng chỉ THPT hệ song bằng, các em khi đi du học có thể tiết kiệm thời gian học tiếng.

Ông Huỳnh Kim Dược – Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận Thanh Xuân:

Quận Thanh Xuân đã chuẩn bị tương đối kỹ càng về chương trình và cơ sở vật chất theo hệ song bằng này. Khi học sinh theo học, các con không những tiếp cận chương trình quốc tế với chi phí thấp mà sau này các con có thể theo tiếp chương trình Cambridge của cấp phổ thông hoặc lựa chọn theo học Cambridge quốc tế.

Bà Nguyễn Thanh Tịnh - Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy:

Với thông điệp, sự chỉ đạo sát sao của Sở GD-ĐT và vào cuộc của 7 nhà trường, các Phòng giáo dục, tôi tin tưởng chương trình sẽ thành công. Nhưng để thành công, chúng tôi mong muốn phụ huynh phải lựa chọn, cân nhắc kỹ lưỡng phù hợp năng lực con em chúng ta. Bên cạnh đó, các phụ huynh và các em phải phối hợp tích cực với nhà trường để công tác giáo dục đạt hiệu quả tốt nhất. Nếu có sự phối hợp, đồng thuận tích cực thì tôi tin tưởng chương trình sẽ thành công.

Ông Lê Đức Thuận - Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận Hoàn Kiếm:

Quận Hoàn Kiếm vinh dự được Sở GD-ĐT cho hai trường THCS Trưng Vương và Ngô Sỹ Liên thí điểm song bằng. Phòng GD-ĐT quận đã vào cuộc tích cực và chủ động với hai nhà trường, chuẩn bị điều kiện về chương trình, cơ sở vật chất và giáo viên. Đây là chương trình kỳ vọng tạo chất lượng giáo dục theo chuẩn quốc tế nên chúng tôi mong phụ huynh, các cấp lãnh đạo chỉ đạo để chúng tôi vượt qua được bỡ ngỡ ban đầu, phấn đấu đạt thành tích dự kiến đề ra.

Bà Nguyễn Mỹ Hảo - Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Tân, Cầu Giấy:

Với trường THCS Nghĩa Tân, Ban Giám hiệu và giáo viên xác định khi tham gia dự án và khi nhận nhiệm vụ, sẽ cố gắng quyết tâm hoàn thành tốt.

Vì phần học tập của các con rất nặng, nên trước hết, chúng tôi cố gắng làm tốt chương trình của Bộ. Với chương trình thí điểm Cambridge, tôi mong trường có sự đồng hành của phụ huynh để chương trình thành công.

Bà Phạm Thu Hà - Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Sĩ Liên:

Mặc dù trong quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, nhưng tôi tin với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Sở GD-ĐT Hà Nội, chúng tôi sẽ cố gẵng nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, và mong các bậc phụ huynh sẽ đồng hành chia sẻ khó khăn với nhà trường.

Bà Bùi Thị Minh Nga – Phó trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD-ĐT Hà Nội: Xin phép cho tôi được thay mặt lãnh đạo Sở GD – ĐT Hà Nội hôm nay xin rất cảm ơn sự quan tâm rất chính đáng của các vị phụ huynh, ý kiến bạn đọc. Chúng tôi xin được cảm ơn Ban Biên tập của Báo Nhân Dân và ban báo Nhân Dân điện tử hôm nay cũng tạo cơ hội cho Sở GD-ĐT của chúng tôi được thông tin với các bước chuẩn bị, thông tin những tin tức chính xác nhất từ đề án. Chúng tôi mong được sự đồng hành của các vị phụ huynh, các quý bạn đọc, các sở, ban, ngành trong thời gian Sở GD-ĐT chúng tôi cùng với nhà trường thực hiện chương trình đào tạo song bằng tú tài THCS và THPT. Việc chúng tôi mong muốn là các vị phụ huynh hãy đón nhận thông tin chính xác, những phát ngôn chính thức từ Sở GD-ĐT và từ các đồng chí có trách nhiệm thực hiện đề án. Chúng tôi rất e ngại chúng ta nghe các thông tin chính xác, gây nên những xáo trộn hoặc là những nghi ngờ không đáng có. Tham dự trong diễn đàn ngày hôm nay, chúng tôi phải thành lập các ban chỉ đạo, ban quản lý điều hành việc xây dựng các đề án mang tính chất chuyên môn cao của Sở, đứng đầu là đồng chí Giám đốc Sở, các đồng chí lãnh đạo các phòng ban, các phòng chuyên môn, các phòng điều kiện của Sở để giúp cho các nhà trường trong bước đi đầu tiên này. Chắc chắn chương trình cũng có những điểm này, điểm kia mình chưa thành công ở bước đầu. Các trường của chúng tôi sẵn sàng vào cuộc cùng với sự chỉ đạo, sự tạo điều kiện và ủng hộ quyết liệt của Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Chúng tôi tin là chương trình Song bằng sẽ thành công. Định kỳ hằng năm, chúng ta sẽ báo cáo chương trình này để không phải có bất cứ những băn khoăn nào nữa. Chúng tôi hy vọng đến đây học sinh học chương trình song bằng với những kỳ vọng để đào tạo thành công những công dân toàn cầu.

* Trong hơn 2 giờ đồng hồ, buổi giao lưu đã diễn ra sôi nổi với nhiều câu hỏi rất cụ thể từ bạn đọc, nhận được sự giải đáp chi tiết của khách mời. Hy vọng những nội dung trả lời từ phía người có trách nhiệm đã giải đáp thỏa đáng những câu hỏi của độc giả.

Hiện tại, vẫn tiếp tục có những câu hỏi mới gửi tới chương trình nhưng vì thời gian giao lưu có hạn, các câu hỏi sẽ được chúng tôi tiếp tục tập hợp và gửi tới các chuyên gia, nhà quản lý để trả lời cho bạn đọc.

Trân trọng cảm ơn sự theo dõi của quý vị.