Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một số địa phương phải cho học sinh tạm dừng đến trường để bảo đảm công tác phòng, chống dịch nên việc dạy học trực tuyến, qua truyền hình là giải pháp cần thiết giúp học sinh không "quên" kiến thức, duy trì nền nếp học tập; bảo đảm hiệu quả, công bằng trong việc tiếp cận các điều kiện giáo dục, học tập giữa học sinh các vùng miền.
Tạm dừng đến trường, không dừng học
Thời gian đầu, do thiếu chuẩn bị, việc dạy học trực tuyến chưa hiệu quả. Sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến (ngày 30/3/2021). Ngành Giáo dục cùng các địa phương rà soát, thống kê số lượng học sinh chưa có thiết bị học trực tuyến, đồ dùng học tập để có kế hoạch hỗ trợ giúp đỡ kịp thời. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai chương trình "Sóng và máy tính cho em" nhằm vận động các doanh nghiệp tài trợ, quyên góp phương tiện học tập trực tuyến cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Tính đến ngày 30/10, các tập đoàn viễn thông đã xây dựng thêm 283 điểm phát sóng tại các địa phương bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các tổ chức, đơn vị đã cam kết ủng hộ 1.000.840 máy tính hỗ trợ học sinh học tập. Ngoài ra, ngành Giáo dục huy động được 142,43 tỷ đồng, 28.477 máy tính bảng, 28.545 điện thoại thông minh và 79.425 thiết bị hỗ trợ học trực tuyến khác và đang tiếp tục huy động thiết bị học trực tuyến để hỗ trợ cho các địa phương.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng tổ chức xây dựng, lựa chọn hệ thống bài giảng bảo đảm chất lượng, tổ chức dạy học trực tuyến và phát sóng trên truyền hình theo môn học, cấp học để các cơ sở giáo dục tổ chức dạy học phù hợp với kế hoạch của địa phương; phối hợp các đài truyền hình tổ chức sản xuất bài giảng, phát sóng giúp học sinh học tập được thuận lợi. Trong đó, riêng lớp 1, lớp 2, việc dạy học qua truyền hình hiện được thực hiện với 3 môn: Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh; lớp 6 đã triển khai bài giảng của các môn học theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Chuyên mục Hỗ trợ dạy học trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng được thiết lập để liên kết đến các nguồn học liệu số, bài giảng điện tử, thông tin hướng dẫn lựa chọn phần mềm dạy học trực tuyến...
Việc xây dựng Kho học liệu số toàn ngành Giáo dục được triển khai mạnh mẽ, đóng góp vào Hệ tri thức Việt số hóa gần 5.000 bài giảng điện tử e-learning; hơn 2.000 bài giảng trên truyền hình; hơn 7.500 luận văn tiến sĩ; gần 30.000 bộ câu hỏi trắc nghiệm. Hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp Ban điều hành đề án Hệ tri thức Việt số hóa và các doanh nghiệp tiếp tục phát triển học liệu số gồm sách giáo khoa được số hóa, bài giảng điện tử, video bài giảng, phần mềm mô phỏng... góp phần thích ứng, nâng cao chất lượng dạy học ở các cấp, bậc học.
Hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT đặc biệt
Đáng chú ý, năm 2021, trên cơ sở đánh giá tác động của dịch Covid-19, ngành Giáo dục đã quyết định tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 theo hai đợt thi: Đợt 1 từ ngày 6-9/7 và đợt 2 từ ngày 5-7/8. Đây là lần đầu, sau nhiều năm, kỳ thi được tổ chức thành hai đợt tại nhiều tỉnh, thành phố do tác động của dịch Covid-19. Kỳ thi có sự vào cuộc của toàn ngành Giáo dục và nhận được sự đồng thuận, vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Các địa phương đã kịp thời có giải pháp phù hợp bảo đảm tổ chức thi an toàn, nhất là việc xử lý các trường hợp thí sinh bị nhiễm Covid-19 theo đúng quy trình phòng, chống dịch ở phòng thi, điểm thi trong cả hai đợt.
Kết quả, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 được tổ chức thành công, bảo đảm khách quan, nghiêm túc, công bằng và an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trên cả nước là 98,41%. Các số liệu thống kê cơ bản không thay đổi nhiều so với năm 2020, khẳng định kỳ thi dần đi vào ổn định, ngày càng đúng với bản chất kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đề thi đã bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng, phù hợp điều kiện dạy học trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19, có sự phân hóa phù hợp, phản ánh khách quan kết quả học tập của các thí sinh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022 theo hướng giữ ổn định phương thức tổ chức thi, tuyển sinh như các năm 2020, 2021. Xây dựng phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng giai đoạn 2023-2025 phù hợp với tình hình dịch Covid-19 có thể kéo dài trong nhiều năm, bảo đảm thực hiện hiệu quả lộ trình đổi mới thi, tuyển sinh.
Trọng tâm chuyển đổi số
Với những tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19, năm 2021 qua đi cho thấy giáo dục và đào tạo vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó quá trình dạy học trực tuyến do sử dụng phần mềm dạy học miễn phí nên chất lượng chưa bảo đảm, đường truyền internet nhiều nơi, nhiều lúc không ổn định, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa. Việc học trực tuyến đối với học sinh tiểu học, nhất là đối với lớp 1, lớp 2 gặp khó khăn hơn. Số lượng máy tính đã huy động được mới chỉ đáp ứng 46,1% tổng nhu cầu cần hỗ trợ của học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đáng chú ý, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thời gian trẻ em mầm non phải ở nhà trong thời gian dài, ảnh hưởng đến nền nếp, thói quen thực hiện chế độ sinh hoạt theo yêu cầu phát triển của độ tuổi. Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội; cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa bám sát vào nhu cầu của thị trường lao động, nhất là lao động trong các ngành kinh tế mới, kinh tế số. Nhiều chương trình giảng dạy phải thay đổi phần thực hành, thực tập cho phù hợp hoàn cảnh dịch bệnh.
Theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn năm 2022, toàn ngành tích cực thực hiện các giải pháp củng cố chất lượng giáo dục phổ thông để khắc phục, thích nghi, và phục hồi trong bối cảnh dịch Covid-19. Trong đó, tăng cường triển khai giáo dục đồng bộ kiến thức, năng lực, phẩm chất, kỹ năng, các tố chất văn hóa và phẩm chất văn hóa cho học sinh, chú ý trang bị kỹ năng số và văn hóa số. Thúc đẩy các cơ sở giáo dục đại học xây dựng nền tự chủ trên cơ sở tự chủ học thuật và tự chủ lấy nhân tố con người, nhà khoa học làm nền tảng. Toàn ngành đặt trọng tâm trong việc chuyển đổi số toàn diện giáo dục và đào tạo; khắc phục những khó khăn do dịch bệnh gây ra, giảm bớt sự chênh lệch và bất bình đẳng trong giáo dục giữa các khu vực, vùng miền và các nhóm đối tượng.