Với khẩu hiệu “Tất cả cho mặt trận, tất cả để chiến thắng”, cùng với quân và dân cả nước, ở khắp mọi nơi trong tỉnh, nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã nghe theo tiếng gọi của Đảng, Bác Hồ, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, bom đạn của kẻ địch, sẵn sàng huy động sức người, sức của cho mặt trận; sẵn sàng hy sinh phục vụ chiến dịch, tham gia chiến đấu tiêu diệt kẻ thù.
Tỉnh Bắc Ninh đã thành lập 16 đoàn do các đồng chí Thường trực, Thường vụ Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn tới thăm, tặng quà các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ và thân nhân liệt sĩ chiến sĩ Điện Biên.
Đặc biệt, tỉnh đã tổ chức chương trình gặp mặt, tri ân những người trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Gần 40 đại biểu đại diện cho hơn 400 người trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, nay đều đã ở tuổi trên dưới 90, sức khỏe đã giảm sút, “chân chậm, mắt mờ’’ nhưng vẫn cố gắng đến với chương trình để gặp lại đồng đội xưa, cùng nhau ôn lại những tháng ngày gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng, động viên nhau sống vui, sống khỏe, làm gương cho con cháu.
Dù đã bước vào tuổi 93, trải qua những thăng trầm của thời gian nhưng cựu chiến binh Nguyễn Nhâm, nguyên chính trị viên C511, D920, E148 ở khu 5, phường Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh vẫn nhớ như in những ngày tham gia chiến dịch Trần Đình (mật danh của chiến dịch Điện Biên Phủ).
Ông kể: Ngày 20/11/1953, địch cho các tiểu đoàn quân nhảy dù xuống Điện Biên thành từng cụm đúng địa điểm Trung đoàn 148 đóng quân. Ngay lập tức, toàn đơn vị tổ chức lực lượng quần nhau với quân địch từ sáng đến chiều tối tại cánh đồng Mường Thanh. Trận phủ đầu của Trung đoàn 148 ngay khi quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên đã tiêu diệt hàng trăm quân địch và được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi điện khen ngợi.
Còn với cựu thanh niên xung phong Nguyễn Đức Cán, sinh năm 1934, ở xã Hiên Vân, huyện Tiên Du thì năm 1953, khi quê hương bị giặc Pháp xây đồn, bốt, đi càn khắp nơi, ông đã xung phong lên đường phục vụ kháng chiến cứu quốc, tham gia lực lượng dân công hỏa tuyến. Ông Nguyễn Đức Cán cho biết: Khi tham gia thanh niên xung phong, đội của ông có 24 người, mặc dù không trực tiếp cầm súng, vũ khí, trong tay chỉ có cuốc, xẻng, xà beng… nhưng ai nấy đều hừng hực khí thế với khẩu hiệu “Bắc Ninh quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc tỉnh Bắc Ninh năm 2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức Hội thi tuyên truyền giới thiệu sách với chủ đề “Điện Biên-Vang mãi bản hùng ca”. Bằng hình thức sân khấu hóa, 15 đội tuyên truyền của 15 Trường trung học phổ thông (THPT) trong tỉnh đã giới thiệu đến bạn đọc các cuốn sách viết về Điện Biên Phủ như: “Chuyện những người làm nên lịch sử-Hồi ức Điện Biên Phủ (1954-2009)” của nhiều tác giả; “Điện Biên Phủ” và “Đường tới Điện Biên” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; “Những Anh hùng trên đồi A1” của Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Chu Phác…
Mỗi cuốn sách về Điện Biên Phủ đều được các đội dự thi nghiên cứu kỹ, sáng tạo trong thể hiện để mang đến cho bạn đọc nguồn thông tin tư liệu phong phú với những góc nhìn khách quan, những lát cắt, mảnh ghép đa chiều về mốc son lịch sử chói lọi của dân tộc. Đồng thời truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ tìm hiểu sự kiện lịch sử trọng đại cũng như địa danh Điện Biên Phủ nổi tiếng.
Tham gia đội tuyên truyền giới thiệu sách của Trường THPT Lý Thái Tổ (thành phố Từ Sơn), em Đỗ Viết Lâm, lớp 11D2 cho biết: Đội em chọn giới thiệu cuốn sách “Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ toàn thư” của nhà giáo Phan Ngọc Liên. Cuốn sách tập hợp công trình nghiên cứu có giá trị của nhiều tác giả trong và ngoài nước, giúp người đọc hình dung bức tranh toàn cảnh, đầy đủ và chính xác về chiến dịch Điện Biên Phủ. Chúng em đã hoàn thành xuất sắc phần thi và được trao Giải nhất.
Nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, bảo tàng và thư viện tỉnh đã tổ chức trưng bày, nói chuyện chuyên đề “Chiến thắng Điện Biên Phủ-Sức mạnh Việt Nam-Tầm vóc thời đại’’. Xúc động khi tham quan trưng bày chuyên đề tại Bảo tàng Bắc Ninh, em Lê Vũ Quỳnh Anh, học sinh lớp 11 D3 Trường THPT Hàn Thuyên chia sẻ: Tận mắt thấy hiện vật lưu niệm trong chiến dịch Điện Biên Phủ, có những vũ khí, dụng cụ rất thô sơ đã đồng hành cùng bộ đội và nhân dân chiến đấu, chiến thắng kẻ xâm lược có vũ khí hiện đại hơn rất nhiều, em rất xúc động. Những người trẻ như chúng em càng thêm yêu và tự hào về lịch sử dân tộc. Đó là phần hành trang quan trọng của mỗi bạn trẻ trên con đường đi tới, đồng thời đặt lên cho thế hệ trẻ trách nhiệm dựng xây, cống hiến vì Tổ quốc, vì quê hương.