Giáo dục tài chính cho học sinh tiểu học

NDO -

Giáo dục tài chính có vai trò quan trọng, đặc biệt trong thời đại hiện nay, khi đất nước đang trên đà hội nhập, phát triển. Giáo dục tài chính sẽ giúp tạo ra một thế hệ học sinh hiểu biết về tài chính, biết vận dụng hiệu quả kiến thức này vào thực tế cuộc sống để giúp ích cho bản thân, gia đình, góp phần phát triển ổn định bền vững nền kinh tế-xã hội quốc gia, đáp ứng nhu cầu phát triển của thế giới.

Hội chợ tuổi thơ tại Trường tiểu học Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh. (Ảnh tư liệu)
Hội chợ tuổi thơ tại Trường tiểu học Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh. (Ảnh tư liệu)

Giáo dục tài chính ngày càng phổ biến trên thế giới. Theo khảo sát của OECD (tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế), có 59 quốc gia đã xây dựng chiến lược quốc gia để giáo dục tài chính, khu vực Đông Nam Á có Singapore và Malaysia đã xây dựng chiến lược này. Việt Nam là đất nước có tiềm năng phát triển rất mạnh mẽ, đặc biệt hướng tới xây dựng quốc gia khởi nghiệp nên cần giáo dục để học sinh hiểu biết về tài chính trong nước và thế giới, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học để giải quyết vấn đề trong học tập và đời sống.

Từ năm 2012, kiến thức về tài chính là một phần tùy chọn trong chương trình để đánh giá học sinh quốc tế (PISA) của OECD.

Theo OECD, giáo dục tài chính cá nhân trong trường học được định nghĩa là: “Việc giảng dạy về kiến thức tài chính, sự hiểu biết, kỹ năng, hành vi, thái độ và giá trị mà sẽ giúp cho học sinh đưa ra quyết định tài chính khôn ngoan và hiệu quả trong cuộc sống hằng ngày và khi trở thành người lớn”.

Ở Việt Nam, ngay từ khi học lớp 1, nhiều trẻ em đã được bố mẹ cho tiền để tiêu vặt hằng ngày nhưng rất ít bố mẹ hướng dẫn, giáo dục con cách tiêu tiền đúng cách. Vẫn còn khoảng cách giữa bố mẹ và con cái khi trò chuyện về các vấn đề “tiền bạc”, trẻ thường rất ái ngại khi xin tiền phải giải trình với người lớn tiêu vào việc gì, tại sao.

Trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, giáo dục tài chính được tích hợp linh hoạt trong các môn học và hoạt động giáo dục thông qua các bài tập tình huống, các câu chuyện kể, gần gũi hơn là thông qua các hoạt động trải nghiệm “giả định mua bán” như “Hội chợ”, “Đi siêu thị”… để giáo dục cho học sinh biết giá trị của đồng tiền, biết cách “tiêu tiền”, biết quý công sức, hiểu những vất vả của cha mẹ trong việc kiếm tiền.

Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, lần đầu tiên giáo dục tài chính được đưa vào 6 môn học và hoạt động giáo dục, gồm: Toán, Ngữ văn, Giáo dục công dân, Tự nhiên và Xã hội, Công nghệ, Hoạt động trải nghiệm. Nội dung giáo dục này là “bắt buộc” nhằm phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực cho học sinh.

Ở cấp tiểu học, giáo dục tài chính được đưa vào sách giáo khoa ngay từ lớp 2 và thể hiện rõ nhất là môn Toán. Theo đó, chương trình sẽ cung cấp cho học sinh những hiểu biết và năng lực tài chính cốt lõi. Cụ thể, ở lớp 2, học sinh nhận biết được tiền Việt Nam thông qua hình ảnh một số tờ tiền; lớp 3: nhận biết được mệnh giá của các tờ tiền Việt Nam (trong phạm vi 100.000 đồng), nhận biết được tờ tiền 200.000 đồng và 500.000 đồng; lớp 4: thực hiện được việc chuyển đổi và tính toán về tiền Việt Nam đã học; lớp 5: thực hành mua bán với tiền tệ đã học.

Bên cạnh đó, giáo dục tài chính cho học sinh tiểu học còn được thể hiện khá rõ ở môn Công nghệ và Hoạt động trải nghiệm. Thí dụ, Hoạt động trải nghiệm lớp 2, giúp học sinh nêu được cách mua, bán hàng hóa trong cửa hàng, chợ, siêu thị hoặc trung tâm thương mại; thực hành (theo tình huống giả định) lựa chọn hàng hóa phù hợp về giá cả và chất lượng; môn Công nghệ lớp 3 và lớp 4, yêu cầu học sinh tính toán được chi phí cho một đồ chơi đơn giản, một đồ chơi dân gian tự làm.

Việc đưa giáo dục tài chính vào chương trình giáo dục phổ thông mới ngay từ lớp 2 thể hiện tầm nhìn của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo khi hướng tới sự phát triển toàn diện của đất nước, phát triển các công dân toàn cầu đáp ứng nhu cầu của đất nước và thế giới.