Quan sát thực tế trên các tuyến đường Hàng Trống, Ðiện Biên Phủ hay khu vực quanh Bờ Hồ (Hà Nội), thời gian gần đây vẫn khá đông lượng khách giao dịch tại các cây ATM, nhưng phần lớn là khách du lịch nước ngoài, chỉ ghi nhận số ít người dân đến rút tiền mặt.
Trong tiết trời lất phất mưa bay ngày 25 tháng Chạp, vừa rút tiền mặt khỏi ATM đặt trước chi nhánh một ngân hàng ngay gần Bưu điện Bờ Hồ, chị Nguyễn Thanh Trinh (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: Ðã từ lâu, dù cơ quan trả lương qua tài khoản nhưng chị cũng rất ít khi phải rút tiền mặt.
"Giờ đây, các sinh hoạt phí như đóng tiền học cho con, tiền điện, tiền nước, tiền phí chung cư,… đều đã thanh toán qua tài khoản ngân hàng. Rồi đến đi chợ, hay ăn quà vặt mọi lúc mọi nơi đều có thể quét mã QR hoặc dùng thẻ thanh toán. Nếu dịp Tết các năm trước, tôi gần như phải rút hết tiền trong tài khoản mới đủ chi tiêu thì năm nay chỉ cần rút một ít để biếu bố mẹ vì các cụ lớn tuổi và vẫn thích cầm tiền mặt", chị Trinh cho biết.
Trên thực tế, một vài năm trở lại đây, cùng với sự "lên ngôi" của xu hướng thanh toán điện tử, giao dịch rút tiền qua ATM sụt giảm đáng kể. Số liệu mới nhất từ Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho thấy, năm 2024, hệ thống NAPAS xử lý 9,56 tỷ giao dịch, tăng khoảng 30% về số lượng giao dịch và 14,4% về giá trị giao dịch so với năm 2023.
Trong số đó, dịch vụ chuyển tiền nhanh NAPAS 247 tăng tương ứng 33,5% về số lượng giao dịch và 14,9% về giá trị giao dịch. Ðồng thời, dịch vụ chuyển nhanh NAPAS 247 bằng mã VietQR tăng trưởng vượt trội, tăng tương ứng 118% so với cùng kỳ, chiếm một phần ba tổng số lượng giao dịch của dịch vụ chuyển nhanh NAPAS 247.
Riêng đối với giao dịch trên ATM, năm 2024 tiếp tục ghi nhận đà sụt giảm liên tiếp. Giao dịch trên ATM được xử lý qua hệ thống NAPAS tiếp tục giảm 19,5% về số lượng và 19,1% về giá trị so với cùng kỳ. Ðến nay, tỷ trọng giao dịch ATM chỉ chiếm 2,63% tổng giao dịch qua hệ thống NAPAS.
"Kết quả nêu trên phản ánh rõ nét nhu cầu sử dụng tiền mặt trong thanh toán của người dân ngày càng giảm và được thay thế bởi các dịch vụ thanh toán tiện lợi hơn như chuyển nhanh NAPAS 247, chuyển tiền/thanh toán bằng mã VietQR", Tổng Giám đốc NAPAS Nguyễn Quang Minh cho biết.
Theo Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN)) Phạm Anh Tuấn, trong thời gian qua, với sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ, các tổ chức tín dụng (TCTD), tổ chức trung gian thanh toán đã ứng dụng các công nghệ số tiên tiến để tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm giao dịch khách hàng. Số liệu của cơ quan này trong 11 tháng năm 2024 cũng đã chứng minh được sự tăng trưởng của thanh toán không dùng tiền mặt.
Cụ thể, đến tháng 10/2024, có 85 TCTD triển khai thanh toán qua internet và 52 TCTD triển khai thanh toán qua Mobile. So với cùng kỳ năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trong 11 tháng năm 2024 tăng 56,86% về số lượng và 33,73% về giá trị; thanh toán qua kênh internet tăng 50,67% về số lượng và 33% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 54,51% về số lượng và 34,34% về giá trị; qua QR code tăng 106,68% về số lượng và 84,77% về giá trị. Tương tự, giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng cũng ghi nhận tăng 6,82% về số lượng và 33,09% về giá trị.
Cùng với việc tập trung đầu tư hạ tầng, công nghệ phục vụ cho thanh toán số của ngành Ngân hàng trong thời gian vừa qua, các TCTD, trung gian thanh toán cũng ngày càng cho ra mắt những công nghệ thanh toán mới nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Song song, các TCTD cũng không ngừng nâng cao giải pháp bảo vệ khách hàng, nổi bật gần đây là việc xác thực sinh trắc học đang được ngành ngân hàng triển khai mạnh mẽ. Thống kê mới nhất của Vụ Thanh toán (NHNN) cho thấy, tính đến ngày 13/12 đã có 66,6 triệu khách hàng cá nhân của các TCTD, trung gian thanh toán được đối chiếu sinh trắc học.
Việc nhanh chóng hoàn tất cập nhật dữ liệu sinh trắc học là một quy định quan trọng nhằm tăng cường bảo mật, bảo đảm an toàn cho khách hàng trong các giao dịch tài chính, đồng thời tránh rủi ro cho cả khách hàng và ngân hàng. Ðại diện các ngân hàng cho biết sẽ liên tục cải tiến, nâng cao chất lượng dịch vụ và hạ tầng công nghệ để hỗ trợ khách hàng thực hiện việc cập nhật sinh trắc học tiện lợi và dễ dàng nhất.
Ngoài ra, nhằm bảo đảm hoạt động thanh toán diễn ra an toàn, thông suốt trong dịp Tết Nguyên đán 2025, NHNN cũng đã ban hành Văn bản số 10182/NHNN-TT yêu cầu các TCTD quyết liệt triển khai quy định mới tại Thông tư 17/2024/TT-NHNN và Thông tư 18/2024/TT-NHNN;…
Trong đó, NHNN đề nghị các TCTD thực hiện nghiêm các biện pháp quản lý rủi ro, phòng ngừa, ngăn chặn hành vi gian lận trong hoạt động thanh toán. Tăng cường quản lý, giám sát, kiểm soát chặt chẽ hoạt động thanh toán liên ngân hàng qua các hệ thống thanh toán, bảo đảm an toàn, thông suốt, phục vụ nhu cầu thanh toán của khách hàng trong thời gian Tết Nguyên đán 2025, chủ động dự báo về tình hình nhu cầu thanh toán và có phương án ứng phó cụ thể cho từng trường hợp để bố trí đầy đủ nguồn lực, đáp ứng nhu cầu thanh toán tăng cao trước và trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2025.
NHNN cũng đặc biệt lưu ý các ngân hàng thương mại chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể về hoạt động ATM phù hợp với từng địa bàn, khu vực; giám sát chặt chẽ để phát hiện và tiếp quỹ kịp thời; xử lý, ứng phó kịp thời các sự cố, tình huống phát sinh, không để ảnh hưởng đến giao dịch thanh toán rút tiền của người dân.
Ðồng thời, cần có biện pháp bảo đảm hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán ổn định, thông suốt nhằm phục vụ tốt công tác thanh toán; xử lý và phản hồi kịp thời các yêu cầu tra soát, khiếu nại của khách hàng theo quy định; khắc phục các sự cố, tình huống phát sinh bảo đảm hoạt động thanh toán thông suốt, liên tục, ổn định, an toàn;…
Ðến nay, phần lớn các ngân hàng thương mại đều có thông báo nghỉ giao dịch từ ngày 25/1/2025 đến hết ngày 2/2/2025. Ðể đáp ứng nhu cầu giao dịch của khách hàng, các ngân hàng đang triển khai nhiều kênh giao dịch trực tuyến và tự động khác nhau.
Mặc dù vậy, các ngân hàng cũng khuyến cáo, khách hàng cần kiểm tra kỹ thông tin tài khoản người nhận trước khi thực hiện giao dịch để tránh chuyển nhầm tiền. Ðồng thời, phải luôn bảo mật thông tin cá nhân và mật khẩu khi giao dịch trực tuyến, tránh truy cập vào các đường link lạ hoặc cung cấp thông tin cho người khác; không chia sẻ thông tin cá nhân và mật khẩu với bất kỳ ai, kể cả người thân.
Một số ngân hàng cũng đề nghị khách hàng phát sinh các giao dịch chuyển khoản lớn hoặc yêu cầu đặc biệt nên thực hiện trước khi ngân hàng nghỉ Tết để bảo đảm giao dịch được xử lý kịp thời. Ðặc biệt, cần chú ý thanh toán các hóa đơn định kỳ trước Tết để tránh phát sinh phí phạt.