Gian nan cuộc chiến chống tội phạm sử dụng công nghệ cao

Trên thế giới, tội phạm sử dụng công nghệ cao gây án được nhiều quốc gia phát triển đưa vào nhóm những nguy cơ đe dọa an ninh lớn nhất cho đất nước, ngang hàng với tiến công khủng bố, vũ khí hóa học và thảm họa hạt nhân. Loại tội phạm này thường được cơ quan chức năng gọi với cái tên “mũ trùm đen” hay tội phạm “tàng hình”.

Trung tá Lê Xuân Minh (người ngoài cùng bên trái) được nhận thư khen của Chủ tịch nước vì những thành tích xuất sắc.
Trung tá Lê Xuân Minh (người ngoài cùng bên trái) được nhận thư khen của Chủ tịch nước vì những thành tích xuất sắc.

Xu hướng gia tăng tội phạm sử dụng công nghệ cao

Ở Việt Nam, khi in-tơ-nét bắt đầu được sử dụng từ năm 1997 đến 2010, đã có 26 triệu người sử dụng và con số này là 36 triệu người vào thời điểm hiện tại (chiếm gần 40% dân số).

Với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, giờ đây công nghệ thông tin đã có mặt ở tất cả các cơ quan hành chính, tỉnh, thành phố, doanh nghiệp trên cả nước, ở tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt là tài chính, ngân hàng.

Bên cạnh những thành công lớn mà công nghệ thông tin mang lại thì những mặt trái của nó, mà điển hình là xu hướng gia tăng của tội phạm sử dụng công nghệ cao với phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt, gây nhiều khó khăn cho công tác điều tra, xử lý tội phạm. Đấu tranh chống tội phạm sử dụng công nghệ cao là lĩnh vực mới, nhưng mức độ nguy hiểm của loại tội phạm này khó lường, có thể gây thiệt hại đến hàng nghìn tỷ đồng.

Phó Cục trưởng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50, Bộ Công an), Trung tá Lê Xuân Minh, một trong những gương mặt tiêu biểu của ngành công an, người đã sát cánh cùng với đồng đội khám phá hàng trăm vụ án lớn chia sẻ, so với các lực lượng khác như Cảnh sát hình sự, Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế… thì công việc của những chiến sĩ Cục C50 cũng gặp vô vàn những khó khăn, gian khó, đòi hỏi phải có trình độ công nghệ thông tin ­­­ cao, say mê, hết lòng với công việc.

Nhớ lại thời gian đầu truy bắt tội phạm sử dụng công nghệ cao vào năm 2005, Trung tá Lê Xuân Minh đã cùng các trinh sát của lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao điều tra, làm rõ các đối tượng làm thẻ tín dụng giả đầu tiên ở Việt Nam. Điển hình như vụ làm rõ nhóm đối tượng do Nguyễn Anh Tuấn (SN 1986) cầm đầu cùng chín đồng phạm đều là những sinh viên chuyên ngành công nghệ thông tin đã xâm nhập, tiến công cơ sở dữ liệu của website bán hàng trực tuyến nước ngoài, lấy cắp thông tin tài khoản của khách hàng.

Sau đó, Tuấn làm thư điện tử giả của website bán hàng trực tuyến gửi đến các địa chỉ điện tử đã có, nhằm lấy thông tin của các chủ thẻ, sau đó dùng máy đọc và in thẻ để làm thẻ tín dụng giả rút tiền của các chủ thẻ qua hệ thống máy trả tiền tự động ATM, chiếm đoạt hơn 1,6 tỷ đồng. Sau vụ án này, Trung tá Lê Xuân Minh trực tiếp chỉ đạo các cán bộ, chiến sĩ của Cục C50 khám phá hàng loạt vụ án lừa đảo đầu tư bán hàng đa cấp với hàng nghìn bị hại, chiếm hưởng trái phép hơn 700 tỷ đồng.

Đến những chuyên án “xuyên Quốc gia”

Lật lại những trang hồ sơ vụ án, Trung tá Lê Xuân Minh kể lại hành trình phá án phối hợp Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Cơ quan Phòng, chống tội phạm nguy hiểm và có tổ chức của Vương quốc Anh (SOCA) điều tra đường dây tội phạm xuyên quốc gia, tiến công trộm cắp thông tin thẻ tín dụng và mua hàng trái phép chuyển về Việt Nam tiêu thụ của nhóm tội phạm “Mattfeuter”do đối tượng Trương Hải Duy là người Việt Nam cầm đầu.

Từ năm 2005 đến 2013, ước tính nhóm tội phạm “Mattfeuter” đã chiếm đoạt và gây thiệt hại cho các bị hại số tiền khoảng 200 triệu USD. Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bảy bị can liên quan đến vụ án, thu giữ nhiều tài sản có giá trị lớn gồm bốn xe ô-tô nhãn hiệu Porsche, Mercedes cùng nhiều sổ tiết kiệm, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đất, hàng tỷ đồng tiền mặt và các tài sản khác.

Trong vụ án này, các đối tượng còn khai nhận đã chiếm đoạt số tiền gần hai triệu USD, từ hoạt động mua bán trái phép thông tin thẻ tín dụng trộm cắp của người nước ngoài. Sau khi lực lượng Cảnh sát Việt Nam tiến hành bắt giữ các đối tượng trong vụ án, Cơ quan Phòng, chống tội phạm nguy hiểm có tổ chức của Vương quốc Anh đã tiến hành bắt giữ ba đối tượng tại nước Anh liên quan đến vụ án. Đồng thời tổ chức họp báo trên các phương tiện truyền thông nhận định, đây là vụ án mua bán, trộm cắp thông tin thẻ tín dụng lớn nhất thế giới từ trước đến nay.

Từ thực tiễn đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao, Trung tá Lê Xuân Minh đã tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát xây dựng, triển khai hiệu quả Kế hoạch đấu tranh phòng, chống tội phạm đánh bạc và tổ chức đánh bạc trên mạng in-tơ-nét. Nghiên cứu, xây dựng thành công các phần mềm giám sát tình trạng truy cập của các website cờ bạc, cá độ bóng đá, từ đó tổng hợp, phân tích và chuyển hướng truy cập các tên miền và máy chủ của các website nêu trên sang trang web cảnh báo do C50 quản lý; xây dựng các mạng giả lập để phân tích các thủ đoạn tiến công của tội phạm từ đó triển khai các giải pháp phòng ngừa hiệu quả.

Trong thời gian diễn ra giải bóng đá EURO 2012 và World Cup 2014 thế giới, Cục C50 đã ngăn chặn thành công 1.450 trang web, địa chỉ IP của các máy chủ đánh bạc, cá độ bóng đá; 2.520.000 lượt truy cập vào các trang web đánh bạc; ngăn chặn được hàng chục nghìn tỷ đồng từ Việt Nam chuyển ra các tổ chức cá độ quốc tế...

Có thể thấy, cuộc chiến chống những tên tội phạm sử dụng công nghệ cao vô cùng gian khó. Nhưng dẫu khó khăn, gian khó thì những chiến sĩ cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao luôn luôn vượt qua để ngăn chặn những tên tội phạm “tàng hình”, góp phần quan trọng vào công cuộc bảo đảm an ninh của đất nước.