Từ năm 2010 đến 2017, Cường thành lập và điều hành hoạt động nhiều công ty cùng một chi nhánh để mua bán cát. Khoảng thời gian từ năm 2014 đến 2019, Cường mua cát không rõ nguồn gốc tại An Giang, Đồng Tháp và bán lại cho các doanh nghiệp hoạt động tại các tỉnh, thành phố... Việc thanh toán tiền bán cát hơn 84 tỷ đồng được thực hiện qua hai tài khoản ngân hàng của Cường và con gái. Tuy nhiên, các giao dịch này đều không được Cường xuất hóa đơn, kê khai thuế không đúng doanh thu bán ra nhằm giảm số tiền thuế giá trị gia tăng phải nộp.
Năm 2017, Cường biết Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chi nhánh An Giang bán lô đất gần 3.000m2 của một công ty đang thế chấp vay tiền ngân hàng do không thanh toán nợ. Cường đã liên hệ với ngân hàng, chủ lô đất thỏa thuận mua với giá hơn 30 tỷ đồng. Sau đó, Cường chuyển số tiền 8 tỷ đồng (nhằm rửa tiền trốn thuế 800 triệu đồng) từ tiền bán cát cho ngân hàng để thanh toán một phần tiền nhận chuyển nhượng đất...
Hành vi bán cát không xuất hóa đơn giá trị gia tăng của Cường, kê khai thuế không đúng gây thất thu cho Nhà nước hơn 8 tỷ đồng tiền thuế là hành vi trốn thuế. Ngoài ra, Cường còn sử dụng số tiền 8 tỷ đồng này để trả tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của ngân hàng là hành vi rửa tiền...
Trước đó, lãnh đạo Cục Thuế thành phố Đà Nẵng ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng về hành vi trốn thuế. Nguyên nhân do công ty đã sử dụng không hợp pháp 34 số hóa đơn của Công ty TNHH MTV Tổng hợp Đăng Huấn để kê khai thuế, dẫn đến làm giảm số thuế giá trị gia tăng phải nộp, số tiền hơn 71 triệu đồng; đồng thời, làm giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp, số tiền gần 89 triệu đồng...
Công ty bị phạt tiền hai lần số tiền thuế trốn (thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp, một tình tiết tăng nặng) với số tiền hơn 320 triệu đồng; buộc khắc phục hậu quả là nộp đủ số tiền trốn thuế vào ngân sách nhà nước là hơn 160 triệu đồng. Cục Thuế thành phố buộc công ty nộp đủ số tiền trốn thuế và tiền phạt hơn 480 triệu đồng. Tuy nhiên, do công ty đã thực hiện khai điều chỉnh, bổ sung tờ khai thuế giá trị gia tăng từ tháng 8/2022 đến tháng 12/2022 và đã nộp ngân sách nhà nước hơn 160 triệu đồng. Do đó, tổng số tiền phạt buộc công ty phải nộp vào ngân sách nhà nước là hơn 320 triệu đồng.
Để thực hiện trót lọt các hành vi gian lận, trốn thuế, những người nộp thuế, thường sử dụng các chiêu trò, thủ đoạn như: Không nộp hồ sơ đăng ký, kê khai thuế; sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp hoặc hóa đơn trống rồi tự ghi giá hàng hóa có lợi vào nhằm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, miễn; đề ra nhiều chi phí để đạt mức tối đa, nhưng thực tế không có chi phí đó; thành lập doanh nghiệp “ma” để phát hành hóa đơn, từ đó bán hóa đơn hoặc trung gian lập hóa đơn mua bán khống, lập hồ sơ giả mạo để xin hoàn thuế; vay tiền chịu lãi để phục vụ sản xuất, kinh doanh, sau đó đưa số tiền lãi vào chi phí để giảm thu nhập chịu thuế...
Theo Phó Cục trưởng Thuế Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Tiến Dũng, để phòng chống các hành vi gây thất thu thuế có hiệu quả, Cục Thuế thành phố chủ động triển khai các giải pháp trọng tâm, như: Tiếp tục duy trì, đẩy mạnh triển khai, thực hiện hóa đơn điện tử từ máy tính tiền và hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu; khai thác dữ liệu hóa đơn điện tử, hệ thống báo cáo đánh giá rủi ro về hóa đơn điện tử; tích cực đôn đốc thu hồi kịp thời tiền thuế, tiền phạt qua thanh tra, kiểm tra vào ngân sách nhà nước đạt ít nhất 80% trong thời gian quyết định xử lý có hiệu lực thi hành; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, trong đó chú trọng vào từng ngành, từng lĩnh vực trọng điểm.
Ngoài ra, Cục Thuế tổ chức theo dõi, đôn đốc các doanh nghiệp đã có quyết định truy thu và phạt vi phạm hành chính về thuế; tham mưu cấp ủy và chính quyền cùng cấp phối hợp các cơ quan, ban, ngành liên quan triển khai, thực hiện quy chế phối hợp nhằm đấu tranh chống các hành vi trốn thuế, gian lận thuế, tội phạm về thuế.
Dưới góc độ pháp luật, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Yên Bái Nguyễn Hưng Tĩnh cho rằng, hành vi trốn thuế là hành vi do cá nhân, doanh nghiệp hoặc pháp nhân thương mại tổ chức, thực hiện bằng các phương thức trái pháp luật nhằm trốn thuế hoặc giảm số tiền thuế phải nộp theo quy định. Nếu các hành vi gian lận, trốn thuế chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan thuế có thể căn cứ Luật Quản lý thuế; Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn để xử phạt hành chính. Trường hợp đủ điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự thì các cơ quan có thẩm quyền có thể căn cứ Điều 200 Bộ luật Hình sự để xử phạt. Mức phạt cao nhất theo Điều 200 đối với cá nhân, doanh nghiệp là 4,5 tỷ đồng hoặc phạt tù đến 7 năm. Pháp nhân thương mại bị phạt đến 10 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động đến 6 tháng hoặc đình chỉ vĩnh viễn theo Điều 79 Bộ luật Hình sự.