Thời gian qua, ngành y tế không ngừng đổi mới hoạt động khám chữa bệnh (KCB) từ việc thực hiện 83 tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện (BV), đổi mới quy trình KCB, đổi mới tinh thần thái độ phục vụ người bệnh, cho đến các Đề án nâng cao chất lượng KCB như thực hiện Đề án 1816, Đề án BV vệ tinh, Đề án bác sĩ gia đình, lập hồ sơ quản lý sức khỏe, Đề án củng cố mạng lưới chăm sóc sức khỏe ban đầu theo nguyên lý y học gia đình… nhằm hướng đến mục tiêu hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Đến nay, số lượng BV hạt nhân tham gia đề án bệnh viện vệ tinh có 22 BV bao gồm 14 BV tuyến TƯ, 8 BV thuộc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh và Sở Y tế Hà Nội. Số lượng BV vệ tinh tham gia đề án gồm 139 bệnh viện, trong đó có 117 BV tuyến tỉnh, 18 BV huyện, 4 BV tư nhân
Giai đoạn đầu, đề án tập trung vào năm chuyên khoa quá tải gồm nội tim mạch, ngoại chấn thương, sản, nhi, ung bướu và đã mở rộng thêm sang nội tiết, huyết học… Để giúp tuyến dưới, các bệnh viện tuyến trên đã chuyển giao kỹ thuật thông qua việc tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật; bảo đảm giảm hơn 90% tỷ lệ chuyển tuyến từ bệnh viện vệ tinh lên BV hạt nhân nhóm bệnh liên quan đến kỹ thuật đã được chuyển giao.
Trong việc thiết lập được hệ thống công nghệ thông tin và kết nối giữa BV hạt nhân với BV vệ tinh, tăng cường ứng dụng CNTT (Telemedicine) trong hoạt động đề án, Bộ Y tế yêu cầu bảo đảm 100% các BV vệ tinh thường xuyên kết nối đào tạo, hội thảo, tư vấn khám bệnh, hội chẩn từ xa. Hiện đã có hai hệ thống tại BV Việt Đức và BV Bạch Mai hoạt động rất hiệu quả.
PGS.TS Nguyễn Đức Tiến, Bệnh viện Việt Đức, cho biết, hệ thống truyền hình trực tuyến triển khai tại BV Việt Đức từ năm 2010 đến nay đã mang lại hiệu quả rõ ràng trong việc tư vấn, hỗ trợ chuyên môn, đào tạo từ xa cho các bệnh viện vệ tinh. Hiện có 20 điểm kết nối với các bệnh viện, thực hiện giao ban trực tuyến; hội chẩn, tư vấn trực tuyến phẫu thuật từ xa… giúp cho nhiều ca phẫu thuật khó về ngoại chấn thương được thực hiện ở tuyến dưới mà không phải chuyển tuyến.
Công tác chỉ đạo tuyến cũng đã góp phần nâng cao chất lượng KCB cho tuyến dưới, nhất là đối với miền núi, vùng sâu, vùng xa với gần 9.000 lượt cán bộ đi hỗ trợ tuyến dưới trong đó: Trung ương hỗ trợ tuyến tỉnh gần 4.000; tỉnh hỗ trợ huyện 2.000, huyện hỗ trợ tuyến xã 3.000 lượt cán bộ. Đã chuyển giao hơn 4.689 thuật và hầu hết các kỹ thuật được đánh giá là thực hiện tốt.
Điều này đã giúp các bệnh viện tuyến dưới làm chủ được kỹ thuật; trực tiếp KCB cho hơn 4,5 triệu người bệnh, phẫu thuật hơn 1.600 ca, cứu sống hàng trăm người bệnh mắc bệnh hiểm nghèo nếu đưa về tuyến trên thì nguy cơ tử vong cao.
“Công tác chỉ đạo đã góp phần giảm tải từ xa cho bệnh viện tuyến trên nhất là các bệnh viện tuyến TƯ thể hiện ở chỗ làm giảm tỷ lệ chuyển lên tuyến trên không phù hợp trung bình khoảng 30%, ở một số địa phương những loại bệnh trước đây có tỷ lệ chuyển tuyến cao nay đã không còn người bệnh chuyển tuyến như ung bướu, chấn thương, tim mạch...”, Cục trưởng Cục Quản lý KCB Lương Ngọc Khuê cho hay.
Về đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh”, từ năm 2008 đến tháng 9-2018 đã có hơn 10.000 lượt cán bộ được cử đi luân phiên, đào tạo chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện tỉnh. Các lĩnh vực chuyên môn đã triển khai thực hiện chuyển giao kỹ thuật ở 26 chuyên ngành, gồm: nội, ngoại, sản, nhi, hồi sức cấp cứu, gây mê hồi sức…
Ngoài các chuyên ngành trên, một số bệnh viện còn cử cán bộ xuống hỗ trợ đào tạo về quản lý bệnh viện, sửa chữa trang thiết bị y tế, xét nghiệm... Theo báo cáo của các bệnh viện Trung ương và các bệnh viện tuyến cuối, có hơn 5.400 kỹ thuật được chuyển giao, hầu hết các kỹ thuật bệnh viện tuyến dưới đã làm chủ được và thực hiện tốt sau khi nhận chuyển giao.