Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, năm 2022, thiên tai xảy ra bất thường, cực đoan, trái qui luật ngay từ những tháng đầu năm và trên các vùng miền cả nước với 19/22 loại hình thiên tai, 1.072 trận thiên tai, làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng.
Còn tại khu vực miền núi phía bắc địa hình chủ yếu là đồi, núi hiểm trở, chia cắt mạnh, theo hướng Tây Bắc- Đông Nam, độ dốc lớn cùng với địa chất phức tạp, lượng mưa tập trung chủ yếu vào mùa mưa, suy giảm chất lượng và số lượng rừng đầu nguồn cùng với tập quán sinh sống, canh tác gần nguồn nước, ven sông suối của người Thái và trên sườn dốc của người H'Mông… là những nguyên nhân chính khiến khu vực chịu thiệt hại nặng nề bởi các loại hình thiên tai như lũ quét, sạt lở đất, mưa lớn, lũ, ngập lụt, rét hại, sương muối, lốc, sét, mưa đá, động đất, hạn hán...
Các đại biểu tham gia tọa đàm. (Ảnh: MÙA XUÂN) |
Từ những thiệt hại trên, có thể thấy rằng tình hình thời tiết, thiên tai ngày càng phức tạp, cực đoan, khó lường do tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, nhận thức của một số người dân về phòng chống thiên tai còn nhiều hạn chế, chủ quan; điều kiện kinh tế người dân khó khăn; nơi ở hẻo lánh, xa trung tâm; giao thông đi lại khó khăn; kỹ năng chăm sóc cây trồng, vật nuôi còn hạn chế; chuồng trại chưa bảo đảm.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến những nguyên nhân xảy ra thiên tai, những giải pháp thực tiễn để bảo vệ người, tài sản, vật nuôi... khi có thiên tai.
Theo đại diện Trung tâm Khuyến nông quốc gia có nhiều loại hình thiên tai, mỗi loại hình gây những tác động khác nhau đối với sản xuất và đời sống. Ứng với mỗi loại hình thiên tai cần phải áp dụng những giải pháp ứng phó phù hợp để giảm thiểu thiệt hại, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, như: Về trồng trọt cần sử dụng các giống cây trồng có khả năng chịu lạnh tốt như giống lúa lai, ngô lai F1, các giống lúa thuần thuộc dòng Japonica có gen chịu lạnh; các giống rau, cây ăn quả có nguồn gốc á nhiệt đới, ôn đới…; bố trí gieo trồng trong khung thời vụ an toàn, tránh các cao điểm rét đậm, rét hại.
Đại biểu tham gia ý kiến về phòng, chống thiên tai và giảm thiểu rủi ro đến sản xuất nông nghiệp ở miền núi phía bắc. (Ảnh: MÙA XUÂN) |
Về chăn nuôi, cần bảo đảm ấm và đủ độ thông thoáng, có mái che không để mưa hắt vào chuồng nuôi, những chuồng không xây tường bao quanh, cần dùng vật liệu sẵn có tại địa phương để che quanh cho đàn gia súc. Chuồng gia cầm phải chuẩn bị đầy đủ phên, bạt che chắn, chống gió lùa; bổ sung thêm bóng điện (bóng tròn, bóng hồng ngoại) để sưởi ấm cho gia cầm trong những ngày rét đậm, rét hại. Có chế độ chăm sóc nuôi dưỡng tốt cho trâu, bò trong những ngày rét đậm, rét hại; cung cấp thức ăn, nước uống đủ về số lượng và chất lượng.
Theo bà Nguyễn Thị Hải, Trưởng phòng Chăn nuôi thú y, Trung tâm Khuyến nông quốc gia: Hệ thống khuyến nông các cấp cần đẩy mạnh các biện pháp thông tin tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức, kết hợp với đào tạo, tập huấn, xây dựng các mô hình để chuyển giao kiến thức, kinh nghiệm cho từng người dân, từng hộ gia đình và cả cộng đồng hiểu rõ và tự giác, đồng lòng thực hiện.
Tăng cường công tác dự báo, coi trọng công tác phòng ngừa, chủ động ứng phó. Các cấp chính quyền cần phối hợp thực hiện hiệu quả đồng thời 2 mục tiêu của ứng phó là giảm thiểu và thích ứng đối với biến đổi khí hậu. Hoàn thiện cơ chế, chính sách, tài liệu hướng dẫn để phát triển sản xuất nông nghiệp nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng.
Người dân vùng cao Sa Pa phòng, chống rét hại cho gia súc. (Ảnh: QUỐC HỒNG) |
Đẩy mạnh công tác đào tạo tập huấn, thông tin truyên truyền nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực cho cộng đồng về giảm nhẹ rủi ro thiên tai và quản lý rủi ro thiên tai.
Ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ để xây dựng và nhân rộng mô hình phát triển sinh kế bền vững, giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng.
Tăng cường phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để chuyển giao quy trình công nghệ, kinh nghiệm trong ứng phó với biến đổi khí hậu.