Với lợi thế hơn 3.260 km đường bờ biển, hơn một triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế biển, cùng với gần 3.000 đảo ven bờ và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam có hệ thống tài nguyên biển phong phú để có thể phát triển mạnh ngành du lịch gắn với biển. Những bãi biển, vịnh được đông đảo du khách trên thế giới biết đến như Hạ Long, Nha Trang, Ðà Nẵng đã nói lên sức hút của biển Việt Nam. Phát huy lợi thế nêu trên, những năm qua, du lịch biển ở Việt Nam đã thu hút hàng triệu lượt du khách trong nước và nước ngoài đến tham quan và nghỉ dưỡng mỗi năm. Trung bình mỗi năm có hơn 75% số khách quốc tế chọn du lịch biển, đảo; 28 tỉnh, thành phố có biển đã đóng góp tới 71,5% tổng doanh thu du lịch lữ hành của cả nước...
Tuy nhiên, do lượng khách du lịch tăng cao cho nên hiện nay tại nhiều khu du lịch biển ở nước ta đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải, trong đó có rác thải nhựa gây ra. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm biển là do phát triển công nghiệp, du lịch tràn lan, cùng với hoạt động nuôi trồng thủy sản bất hợp lý, thói quen thiếu văn minh của bộ phận không nhỏ người dân sống tại các khu du lịch ven biển, du khách… dẫn đến từ 70% đến 80% lượng rác thải trên biển có nguồn gốc từ nội địa. Ðáng lo ngại, nhiều loại rác thải nhựa như chai, lọ, ống hút, túi ni-lông, bao bì, xốp được các nhà hàng, khách sạn, du khách thải, bỏ ra môi trường nhưng chưa được thu gom, xử lý đúng quy định.
Việc rác thải nhựa gia tăng sẽ kéo theo nhiều hệ lụy môi trường liên quan đến hạt vi nhựa. Vi nhựa là những mảnh nhựa có chiều dài nhỏ hơn 5 mm, của rác thải nhựa bị phân rã, xâm nhập vào môi trường và đi vào chuỗi thức ăn của các loài động vật, nhất là các loài sinh vật biển. Các loài động vật biển nuốt phải rác thải nhựa, hấp thụ chất độc sẽ chuyển hóa thành thức ăn cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe khi con người ăn phải các loài động vật đó. Rác thải nhựa có thể phá hủy nhiều sinh cảnh biển quan trọng như bãi cát biển, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, hay các rạn san hô… Số liệu thống kê của các nhà khoa học cho thấy: có đến 54% số loài động vật biển đã ăn, hoặc bị vướng vào các mảnh rác nhựa, trong đó rùa biển, chim biển và các động vật giáp xác rất dễ bị tổn thương do nuốt phải, hoặc bị hóc rác thải nhựa do chúng nhầm lẫn là thức ăn. Trong khi đó, Việt Nam hiện là một trong bốn quốc gia có lượng rác thải nhựa thải ra biển nhiều nhất thế giới, khoảng từ 280 nghìn đến 730 nghìn tấn/năm (tương đương khoảng 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển của thế giới).
Ðể góp phần phát triển du lịch biển bền vững, nhất là từng bước giảm tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa gây ra, các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường đề nghị chính quyền các địa phương có biển tập trung triển khai đồng bộ giải pháp thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nhựa. Ðồng thời áp dụng biện pháp xử lý nghiêm đối với các cơ quan, doanh nghiệp vi phạm quy định tại Nghị định số 38/NÐ-CP của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu; Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại. Xây dựng quy trình phân loại và thu gom phế thải nhựa có thể tái chế và triển khai hình thức dán nhãn mác đối với các vật liệu để xác định khả năng tái chế chất thải nhựa. Ðẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục bảo vệ môi trường biển cho người làm du lịch và du khách; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch và đội ngũ cán bộ, nhân viên trong việc bảo vệ môi trường tại địa phương ven biển. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về bảo vệ môi trường biển…
Bên cạnh ban hành các cơ chế, chính sách ưu tiên, ưu đãi thu hút nguồn lực đầu tư các dự án phát triển du lịch sinh thái, du lịch biển, các địa phương cần áp dụng công nghệ bảo vệ môi trường và thực hiện việc dán "nhãn" cho những doanh nghiệp làm tốt công tác bảo vệ môi trường biển. Các cơ quan liên quan cần nghiên cứu, xây dựng phương pháp xác định lượng chất thải nhựa trên biển Việt Nam; áp dụng công cụ kinh tế để phòng ngừa, giảm chất thải nhựa, nhất là ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm giảm tác động của các thiết bị nuôi trồng, đánh bắt hải sản sau thải bỏ. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, sản xuất các loại vật liệu thân thiện với môi trường thay thế cho sản phẩm nhựa, túi ni-lông, ống hút nhựa… sử dụng một lần tại các khu du lịch biển, đảo. Kịp thời biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các điển hình tiên tiến, mô hình tốt, cách làm hay, sáng kiến có giá trị trong lĩnh vực này…