“Giám đốc điều hành của hãng dược Pfizer bị bắt” là tin giả

NDO -

Tuần trước, một website của Canada đã đưa tin “độc quyền”, khẳng định Giám đốc điều hành (CEO) Albert Bourla của hãng dược Pfizer đã bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) bắt giữ.

CEO Albert Bourla bị bắt vì lừa đảo là tin sai sự thật.
CEO Albert Bourla bị bắt vì lừa đảo là tin sai sự thật.

Thông tin lan truyền

Theo tin “độc quyền” trên website Conservative Beaver của Canada, CEO Albert Bourla của hãng Pfizer đã bị FBI bắt tại nhà riêng của ông ở ngoại ô Scarsdale, New York, sáng 5/11 (giờ địa phương). Website này cho biết thêm, ông Bourla đã bị cáo buộc liên quan đến hàng loạt hành vi lừa đảo và đang bị giam giữ.

“Albert Bourla đang đối mặt với những cáo buộc gian lận liên quan đến vai trò của ông trong hành vi lừa dối khách hàng về hiệu quả của vaccine ngừa Covid-19. Pfizer bị cáo buộc làm giả dữ liệu và chi nhiều khoản tiền lớn để hối lộ. Một nhân viên FBI nói với Conservative Beaver rằng, Pfizer đã dối trá về hiệu quả của vaccine và lừa gạt khách hàng về tác dụng phụ nghiêm trọng mà vaccine có thể gây ra. Pfizer cũng bị cáo buộc đã chi tiền để các chính phủ và các phương tiện truyền thông chủ đạo giữ im lặng, Conservative Beaver cho biết.

Sau khi xuất hiện vào ngày 5/11, thông tin này đã được nhiều người dùng mạng xã hội Twitter chia sẻ và bình luận. 

Kiểm chứng thông tin 

Báo International Business Times đã kiểm chứng thông tin CEO Pfizer bị bắt và nhận thấy, ngoài Conservative Beaver, không có báo nào tại Mỹ cũng như nước ngoài đưa tin này.

Bài viết của Conservative Beaver rõ ràng không đưa ra được cơ sở lập luận hoặc bằng chứng để chính thức khẳng định thông tin ông Bourla bị bắt.

Forbes cho rằng Conservative Beaver thậm chí không trả lời được các câu hỏi: CEO của Pfizer đã có hành vi lừa gạt cụ thể nào? Người nào nhận hối lộ và vì lý do gì? Có ai đưa ra tuyên bố nào ngoài một nhân viên FBI giấu tên hay không? Có hình ảnh hoặc video về vụ bắt giữ không?.

Ngoài ra, International Business Times còn tìm thấy video ông Bourla trả lời phỏng vấn trên kênh CNBC vào ngày 5/11, cùng ngày với thời điểm Conservative Beaver tung “tin độc quyền” nêu trên. 

Liên quan đến thông tin Pfizer “đã chi tiền để các chính phủ và các phương tiện truyền thông chủ đạo giữ im lặng”, International Business Times cho rằng không thể ngăn chặn một chuyện lớn như việc CEO của Pfizer bị bắt lan truyền ra ngoài. 

Theo International Business Times, Conservative Beaver là một website có quan điểm phản đối vaccine, thậm chí trang này còn tạo ra tin giả giật gân để lừa dối bạn đọc về hiệu quả của vaccine. 

Khẳng định

Thông tin “CEO Albert Bourla của hãng dược Pfizer bị FBI bắt giữ” là sai sự thật. Ngày thông tin này lan truyền trên internet, ông Bourla vẫn đang tham gia chương trình của kênh CNBC. Không có thông báo chính thức, hình ảnh hoặc video về vụ bắt giữ này. 

Forbes khuyến nghị bạn đọc nên kiểm tra kỹ nguồn tin khi theo dõi bất cứ tin tức nào trên mạng xã hội hoặc internet.

Kiểm chứng thông tin