Điều đó được thể hiện: Công tác cấp phiếu LLTP cơ bản đáp ứng yêu cầu của người dân và thể hiện vai trò quan trọng của phiếu LLTP trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Trong sáu năm, theo số liệu thống kê, Trung tâm LLTP quốc gia và Sở Tư pháp toàn quốc đã cấp hơn 1,6 triệu phiếu LLTP, gấp 2,5 lần số lượng phiếu LLTP được cấp trong gần 10 năm thực hiện Thông tư liên tịch năm 1999 giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an. Đồng thời, các cơ quan tư pháp ở T.Ư và địa phương đã chủ động áp dụng các phương thức mới trong việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cấp phiếu LLTP. Hơn nữa, việc nghiên cứu, áp dụng nhiều giải pháp công nghệ thông tin đã góp phần nâng cao chất lượng công tác cấp phiếu, rút ngắn thời gian tra cứu, xác minh thông tin, rút ngắn thời gian trả kết quả cho cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực LLTP...
Tuy nhiên, hiện nay, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác này vẫn còn một số hạn chế. Do được ban hành từ năm 2009, một số quy định của Luật LLTP chưa phản ánh được những nội dung mới về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013. Trong khi đó, có nhiều văn bản luật mới được ban hành như Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Tổ chức TAND năm 2014, Luật Tổ chức Viện KSND năm 2014, Luật Thi hành án hình sự năm 2010, Luật Phí và lệ phí năm 2015… làm cho một số quy định không còn phù hợp.
Cụ thể như, quy định của Luật LLTP chưa bảo đảm thực hiện chế định về đương nhiên xóa án tích theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Lâu nay, Luật LLTP quy định có hai loại phiếu LLTP. Khác với phiếu LLTP số 1, phiếu LLTP số 2 thể hiện cả những án tích đã được xóa và chỉ cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử; hoặc cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về LLTP của mình.
Thực tế giải quyết yêu cầu cấp phiếu LLTP cho thấy, cá nhân yêu cầu cấp phiếu LLTP số 2 nhiều khi không xuất phát từ yêu cầu cá nhân; mà xuất phát từ yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, chủ yếu để bổ sung hồ sơ xin thị thực nhập cảnh, kết hôn, xuất khẩu lao động... tại cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài. Hoặc để xin việc làm, cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam; hay để hoàn thiện hồ sơ xin giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự... Chẳng hạn, Cơ quan đại diện ngoại giao của Mỹ, Ca-na-đa, Niu Di-lân, Phần Lan, Na Uy, Nhật Bản... đều yêu cầu cá nhân phải nộp phiếu LLTP số 2 khi xin thị thực nhập cảnh, định cư, kết hôn, xuất khẩu lao động...
Theo các cơ quan chức năng, việc cấp phiếu LLTP số 2 cho cá nhân gây tốn kém, phát sinh nhiều chi phí, thời gian, thủ tục trong việc hoàn thiện hồ sơ yêu cầu cấp phiếu LLTP, nhất là đối với công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc, học tập tại nước ngoài. Giới chuyên gia pháp luật cũng cho rằng, thực trạng này ảnh hưởng quyền được pháp luật bảo đảm bí mật cá nhân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự Nhà nước ta, ảnh hưởng việc tái hòa nhập cộng đồng của người bị kết án, người đã được xóa án tích.
Vừa qua, dự án luật LLTP (sửa đổi) được cơ quan soạn thảo trình xin ý kiến tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Để tránh phải sửa đổi luật sửa đổi, bổ sung một số điều của LLTP phù hợp Luật Thi hành án hình sự, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị dự án luật này trình Quốc hội cho ý kiến, dự kiến tại kỳ họp thứ 6.
Từ năm 2012, tình trạng lạm dụng yêu cầu cá nhân phải nộp phiếu LLTP số 2 ngày càng gia tăng. Năm 2011 chỉ có 3.125 yêu cầu cấp phiếu LLTP số 2 (chiếm tỷ lệ 2,5% tổng số yêu cầu cấp phiếu LLTP). Đến năm 2016: có gần 97 nghìn yêu cầu, chiếm tỷ lệ 27% tổng số yêu cầu cấp phiếu LLTP. Tại Hà Nội, nhu cầu cấp phiếu LLTP số 2 năm 2016 tăng gấp 1,6 lần so với năm 2015.