Giảm bất bình đẳng trên toàn cầu

Thông điệp Ngày Nhân quyền thế giới năm 2021 được Liên hợp quốc lựa chọn là “Bình đẳng-Giảm bất bình đẳng, thúc đẩy quyền con người”. Trong bối cảnh bất bình đẳng ngày càng sâu sắc do tác động sâu rộng của đại dịch Covid-19, Liên hợp quốc nhấn mạnh, chỉ có tăng cường hợp tác, thế giới mới có thể chiến thắng dịch bệnh, thu hẹp khoảng cách giàu-nghèo và cùng phát triển.

Chỉ 8% số người trưởng thành tại các nước thu nhập thấp được tiêm vắc-xin. Ảnh UN NEWS
Chỉ 8% số người trưởng thành tại các nước thu nhập thấp được tiêm vắc-xin. Ảnh UN NEWS

Ngày 10/12 hằng năm được Liên hợp quốc chọn làm Ngày Nhân quyền thế giới. Vào ngày này 73 năm trước, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua và công bố Tuyên ngôn thế giới về quyền con người, văn kiện toàn diện đầu tiên trên quy mô toàn cầu về quyền con người và cũng là một trong những thành tựu quan trọng của Liên hợp quốc. 

Theo Liên hợp quốc, trọng tâm của quyền con người là bình đẳng và không phân biệt đối xử. Đây cũng chính là các nguyên tắc trung tâm của Chương trình nghị sự năm 2030 về phát triển bền vững, trong đó Liên hợp quốc thúc đẩy tìm giải pháp cho các nguyên nhân gốc rễ của sự phân biệt đối xử đã ảnh hưởng đến những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, như phụ nữ và trẻ em gái, người bản địa, người di cư, người khuyết tật… 

Trong hàng chục năm qua, nỗ lực bảo vệ và thúc đẩy quyền con người đã đạt nhiều thành tựu tích cực, song tình trạng bất bình đẳng vẫn tồn tại, giữa các nước và cả trong từng quốc gia. Đại dịch Covid-19 càng khiến tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng hơn, dẫn đến khủng hoảng đói nghèo và phân biệt đối xử ở nhiều nơi. 

Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Michelle Bachelet (M.Ba-chê-lê) nêu những số liệu đáng kinh ngạc về khoảng cách trong khả năng tiếp cận vắc-xin ngừa Covid-19. Tính đến đầu tháng 12 này, mới chỉ có 8% số người trưởng thành tại các nước thu nhập thấp được tiêm một liều vắc-xin ngừa Covid-19, trong khi con số này tại các quốc gia có thu nhập cao là 65%. Bà Bachelet nhấn mạnh, sự gia tăng đột biến của dịch bệnh, nhất là sự xuất hiện gần đây của biến thể Omicron, là minh chứng cụ thể cho hệ quả của sự thiếu công bằng trong tiếp cận vắc-xin. Các biến thể mới như Omicron có nguy cơ lây nhiễm cao hơn ở những cộng đồng mà phần lớn người dân chưa được tiêm chủng.

Đại dịch cũng nới rộng khoảng cách giàu-nghèo trong xã hội. Thực tế cho thấy, trong khi tình trạng đói nghèo trầm trọng hơn ở các quốc gia có mức độ bao phủ phúc lợi xã hội thấp, thì tài sản của các tỷ phú trên thế giới vẫn tăng thêm mỗi ngày. Báo cáo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) mới công bố cho thấy, Covid-19 đã đẩy thêm 100 triệu trẻ em trên thế giới vào cảnh nghèo đói. Ở chiều ngược lại, theo báo cáo về bất bình đẳng toàn cầu do mạng lưới các nhà khoa học xã hội thực hiện, giá trị tài sản của các tỷ phú trên thế giới trong năm 2021 chiếm 3,5% tổng giá trị tài sản toàn cầu, tăng mạnh so với mức 2% ở giai đoạn trước khi dịch Covid-19 bùng phát.

Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhấn mạnh rằng, bảo đảm quyền con người phải được đặt ở vị trí trung tâm các nỗ lực của thế giới “thời hậu Covid-19”. Không ai được an toàn cho đến khi tất cả đều an toàn. Đại dịch Covid-19 là cuộc khủng hoảng toàn cầu, do đó cần một phản ứng thống nhất, trên phạm vi toàn cầu. Việc thiếu công bằng trong tiếp cận và phân phối vắc-xin chỉ khiến dịch bệnh kéo dài, với mức độ nguy hiểm hơn.