Đã thành thông lệ, dịp cuối năm, lưu lượng người và hàng hóa dồn về Thủ đô khiến hạ tầng giao thông trở nên quá tải. Tắc đường, kẹt xe trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người. Trên các tuyến đường Tôn Ðức Thắng, Lê Văn Lương, La Thành, Tây Sơn, Khâm Thiên, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Trãi, Cầu Giấy, Phạm Hùng, Trường Chinh, Kim Mã, Giải Phóng... nếu như trước đây, tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ chỉ xảy ra vào giờ cao điểm, thì những ngày này có thể xảy ra tại mọi thời điểm. Tại các điểm giao cắt trên những tuyến đường này, người điều khiển phương tiện thường phải di chuyển rất chậm, thậm chí có lúc phải dừng lại vì mật độ phương tiện quá đông. Quãng đường từ nhà đến cơ quan tại quận Hoàn Kiếm chỉ dài hơn 6 km nhưng ngày nào chị Nguyễn Hoàng Minh ở phố Lương Thế Vinh (quận Thanh Xuân ), cũng mất 45 phút mới di chuyển được đến cơ quan. Ðây là một trong những tuyến đường cửa ngõ Thủ đô, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông rất đông. Tình trạng ùn tắc cũng diễn ra tại nhiều tuyến phố lân cận như Vũ Trọng Phụng, Lê Văn Lương… trong khu vực quận Thanh Xuân, Ðống Ða hay các phố Hồ Tùng Mậu, Xuân Thủy, Cầu Giấy. Dù các tuyến đường này đã được mở rộng nhưng không thấm vào đâu so với tốc độ gia tăng phương tiện khiến áp lực giao thông tăng đột biến. "Ùn ứ giao thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào bắt nguồn từ những nguyên nhân rất nhỏ như: hàng rong lấn chiếm lòng đường, xe ngược chiều lấn làn, một chiếc ô-tô quay đầu hoặc không xác định rõ hướng đi. Tại những tuyến đường cửa ngõ, mặt đường liên tục được nâng cấp, cải tạo nhưng không giải quyết được ùn ứ; lưu lượng ô-tô nhiều, dàn hàng trên mặt đường, xe máy gần như mất lối, buộc phải leo trên vỉa hè", anh Nguyễn Văn Hưng ở khu vực Nam Từ Liêm chia sẻ.
Ðường Trường Chinh (đoạn từ Ngã Tư Sở đến Ngã Tư Vọng) vốn là "điểm nóng" về ùn tắc giao thông. Khi dự án xây dựng đường vành đai 2 (đoạn Ngã Tư Sở - cầu Vĩnh Tuy) được triển khai, giao thông tại khu vực này càng phức tạp. Do tuyến đường này đang thi công cho nên người dân thường đi tránh vào các phố Vương Thừa Vũ, Nguyễn Ngọc Nại, Hoàng Văn Thái, dẫn đến tình trạng ùn tắc trên địa bàn phường... Ngoài ra, các công trình xây dựng, sửa chữa đường cũng đang là nguyên nhân gây ùn tắc tại nhiều điểm khác, như tại đường Phạm Văn Ðồng (đoạn từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long), nút giao thông phố Ðào Tấn - Nguyễn Văn Ngọc (quận Ba Ðình)...
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, bên cạnh nguyên nhân khách quan do thi công xây dựng công trình, nhiều tuyến đường phải rào chắn, làm thu hẹp tuyến đường giao thông, còn có nguyên nhân chủ quan là ý thức của người tham gia giao thông còn hạn chế, vi phạm trật tự giao thông còn xảy ra nhiều. Tại tuyến đường Tố Hữu - Lê Văn Lương, ùn tắc giao thông từ lâu khiến cho việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Tại đây, tình trạng người dân di chuyển ngược chiều (đoạn từ phố Vũ Trọng Khánh đến đường Trung Văn) thường xuyên diễn ra. Chị Hoàng Tú, ở gần bến xe Yên Nghĩa, quận Hà Ðông cho biết, ngày nào chị cũng phải đi làm từ rất sớm vì tuyến đường Lê Văn Lương hay ùn tắc giờ cao điểm. "Xe máy đi trên vỉa hè, lấn làn của xe buýt nhanh, xe ô-tô dàn hàng ngang lấn làn của xe máy, tạo nên khung cảnh hỗn loạn".
Tết Nguyên đán Canh Tý đang đến rất gần, để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, phân luồng chống ùn tắc giao thông cùng với việc thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm an ninh trật tự dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Canh Tý và lễ hội Xuân 2020. Theo đó, cùng với việc nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết; các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách phải chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, bảo đảm an toàn kỹ thuật phương tiện trong hoạt động vận tải... Có phương án tổ chức, điều tiết, phân luồng giao thông; bố trí lực lượng kịp thời giải tỏa khi xảy ra tai nạn, ùn tắc giao thông, không để phát sinh ùn tắc kéo dài, nhất là trong ngày đầu và ngày cuối đợt nghỉ Tết trên các tuyến trục chính ra vào thành phố… Tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy; chú ý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, như: Vi phạm về nồng độ cồn, ma túy; chạy quá tốc độ quy định; không đội mũ bảo hiểm khi đi mô-tô, xe gắn máy; sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện cơ giới; chở hành khách, hàng hóa quá tải trọng quy định; dừng, đỗ không đúng nơi quy định, không đi đúng phần đường, làn đường và không nhường đường cho xe sau xin vượt theo quy định...
Bên cạnh đó, một trong những giải pháp quan trọng để góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc và giảm đến mức thấp nhất số vụ tai nạn giao thông trên địa bàn là cần tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền phổ biến Luật Giao thông đường bộ cho người dân. Người dân cần nâng cao văn hóa chấp hành luật, không dừng, đỗ xe trái quy định; đi lấn làn đường hay không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; không chở hàng hóa cồng kềnh gây mất mỹ quan đô thị cũng như ảnh hưởng tới các phương tiện tham gia giao thông khác. Khi phát hiện những bất cập về kết cấu hạ tầng, các sự cố người dân cần thông tin cho lực lượng chức năng kịp thời giải quyết.
"Cùng với nguyên nhân chủ quan do đường sá, công trình sửa chữa ngổn ngang… thì vẫn còn một bộ phận người tham gia giao thông, ý thức chấp hành Luật Giao thông còn hạn chế. Tình trạng xe ô-tô chở khách chạy không đúng tuyến, xe chạy ngược chiều, chở quá số người quy định; xe tải đi sai giờ, đi vào đường cấm, chở vật liệu rơi vãi; xe khách giả danh xe buýt, vi phạm không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông; xe ô-tô dừng, đỗ sai quy định… vẫn diễn ra phổ biến". Trần Tuấn Hải Chuyên viên Bộ Giao thông vận tải |
"Có một điểm chung ở các cung đường thường xuyên xảy ra ùn tắc là do hình thức tổ chức giao thông được triển khai hỗn hợp. Nghĩa là, xe máy đi chung làn với ô-tô, xe buýt, làn riêng cho xe buýt gần như không có. Hạ tầng hạn chế, lượng phương tiện đổ dồn cục bộ". Nguyễn Hải Ðăng Công an TP Hà Nội |
Sở dĩ tình trạng ùn tắc, mất an toàn giao thông vẫn diễn ra là do các vi phạm về trật tự an toàn giao thông chưa được xử lý kiên quyết, kịp thời; chế tài xử lý một số hành vi vi phạm còn chưa đủ sức răn đe. Tình trạng phát triển xây dựng mới các khu đô thị tràn lan nhưng hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông không đồng bộ, gây khó khăn trong công tác tổ chức giao thông. Nguyễn Văn Minh (Quận Thanh Xuân, Hà Nội) |