Giải tỏa áp lực tâm lý cho học sinh

NDO -

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cùng với việc học trực tuyến kéo dài, khi quay trở lại trường học cũng là thời điểm học sinh bước vào kỳ thi cuối năm và các kỳ thi chuyển cấp quan trọng... điều này khiến không ít học sinh rơi vào khủng hoảng tâm lý.

Học sinh Trường THCS Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội) đang lắng nghe những chia sẻ hữu ích từ các nhà quản lý, chuyên gia tâm lý.
Học sinh Trường THCS Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội) đang lắng nghe những chia sẻ hữu ích từ các nhà quản lý, chuyên gia tâm lý.

Ngày 17/5, tại Hà Nội, Hội đồng Đội Trung ương phối hợp Báo Tiền Phong, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức diễn đàn “Điều em muốn nói” với sự tham gia của nhiều nhà quản lý giáo dục, các chuyên gia tâm lý cùng hơn 1 nghìn cán bộ, giáo viên và học sinh Trường THCS Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội).

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cùng với việc học trực tuyến kéo dài, khi quay trở lại trường học cũng là thời điểm học sinh bước vào kỳ thi cuối năm và các kỳ thi chuyển cấp quan trọng... điều này khiến không ít học sinh rơi vào khủng hoảng tâm lý.

Chuyên gia tâm lý Dự án Nghiên cứu phòng, chống nguy cơ tự tử thanh thiếu niên Đỗ Trần Phương Anh chia sẻ: Quá trình học trực tuyến kéo dài do dịch Covid-19 tác động rất lớn đến tâm sinh lý học sinh. Thời gian này, những học sinh sống khép kín thường thích nghi với việc học trực tuyến nhanh hơn các học sinh khác, vì các em không phải xoay xở với các mối quan hệ trong môi trường học đường. Tuy nhiên, các em tiếp tục chấp nhận sinh hoạt và học tập trong không gian chật hẹp. Trong khi đó, những học sinh có nhu cầu giao tiếp cao hơn thì lại cảm thấy "sốc". Thậm chí, không ít học sinh cuối cấp mơ hồ không biết định hướng nghề nghiệp của mình là gì.

Từ góc độ của nhà quản lý, Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội) Tô Thị Hải Yến thừa nhận: Sau dịch Covid-19, trường học mở cửa trở lại, cả giáo viên và học sinh đều gặp khó khăn về tinh thần lẫn thể chất do ở trong không gian hẹp kéo dài. Điều dễ nhận thấy là các em biểu hiện lo âu, căng thẳng và cần được trợ giúp. Vì vậy, nhà trường đã lên kế hoạch giúp các em thích nghi với thói quen học tập mới, giải tỏa áp lực tâm lý. Đồng thời động viên thầy, cô phải tạo được sự tin tưởng của học sinh, khi đó các em mới cởi mở, chia sẻ những khó khăn mà mình gặp phải. Đối với giáo viên, nhà trường cũng tìm cách giảm tải công việc, không gây áp lực, tăng cường động viên tinh thần; luôn tạo ra không khí làm việc trong trường cũng như trong hội đồng đồng sư phạm thân thiện, gần gũi.

Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục thành phố Hà Nội, TS Nguyễn Thanh Sơn đặt vấn đề: Diễn biến áp lực tâm lý sau dịch Covid-19 chỉ là nhất thời, quan trọng lứa tuổi học sinh luôn gặp áp lực, vấn đề là chúng ta nhìn nhận, phát hiện, giải quyết ra sao? Theo ông Sơn, áp lực lớn nhất chính là từ gia đình, nhà trường và cuộc sống. Tuy nhiên, bất kỳ mong muốn nào cũng cần phải xuất phát từ năng lực thực tế của học sinh. Bản thân các em cần phải bình tĩnh, nhìn nhận vấn đề đầy đủ xem mình đang bị áp lực từ phía nào và tìm hướng giải quyết. Nếu áp lực từ phía phụ huynh thì phải mạnh dạn nói chuyện, trình bày ý muốn, nguyện vọng để bố mẹ căn chỉnh cho phù hợp. Nếu là áp lực từ phía nhà trường, các em hãy chọn thầy giáo, cô giáo mà mình thấy gần gũi nhất để mạnh dạn tâm sự, chia sẻ để các thầy cô sẽ căn chỉnh, hướng ta đến cái tốt đẹp hơn.

Tại Diễn đàn, các chuyên gia tâm lý, các nhà giáo dục, bác sĩ, các nghệ sĩ, nhà văn đã cùng lắng nghe, trao đổi và chia sẻ những khó khăn, trở ngại mà các em học sinh đang gặp phải trong cuộc sống, học tập, tình bạn, gia đình cũng như việc thích nghi hòa nhập cộng đồng sau dịch Covid-19... nhằm giúp các em vượt qua khó khăn, thử thách và ngày càng tự tin, lạc quan hơn. ​​​​​​