Giải thưởng Vinfuture: Tôn vinh những phát kiến khoa học phụng sự nhân loại

NDO -

Ngày 18/1, trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Vinfuture, đã diễn ra buổi giao lưu cùng các nhà khoa học quốc tế trong Hội đồng giải thưởng và Hội đồng sơ khảo của Giải Vinfuture.

Các nhà khoa học Hội đồng giải thưởng và Hội đồng sơ khảo của Giải Vinfuture tại buổi giao lưu.
Các nhà khoa học Hội đồng giải thưởng và Hội đồng sơ khảo của Giải Vinfuture tại buổi giao lưu.

Trong mùa giải đầu tiên, VinFuture đã thu hút được sự quan tâm mạnh mẽ của cộng đồng các nhà khoa học thế giới với hơn 1.200 đăng ký đến từ 654 trường đại học hàng đầu, 51 Viện Nghiên cứu nổi tiếng, và 42 Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia uy tín toàn cầu. Giải thưởng đã tiếp nhận 599 dự án tranh giải, trong đó, có gần 100 dự án đến từ các nhà khoa học nằm trong top 2% các nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất thế giới. Các nhà khoa học nữ cũng có sự góp mặt ấn tượng với tỷ lệ 34,3% trong tổng số ứng viên. Nhiều người trong số họ đã từng nhận được các giải thưởng cao quý như Giải thưởng Nobel, Giải thưởng Breakthrough, Giải thưởng Tang Prize, Giải thưởng Japan Prize… 

VinFuture ghi nhận sự tham gia của 60 quốc gia ở sáu châu lục, trong đó số lượng dự án đến từ Bắc Mỹ và Liên minh châu Âu chiếm một tỷ trọng lớn 52,6%. Việt Nam cũng có sự tham gia ấn tượng với 17 dự án. Đây là kết quả vượt xa kỳ vọng với một giải thưởng hoàn toàn mới như VinFuture. 

Thành viên của Hội đồng Giải thưởng và Hội đồng sơ khảo là các nhà khoa học và các nhà lãnh đạo uy tín của các tổ chức giáo dục nghiên cứu, các tập đoàn công nghệ - công nghiệp hàng đầu trên thế giới, với những thành tựu được ghi nhận toàn cầu.

Phát biểu tại buổi giao lưu, Tiến sĩ Lê Mai Lan, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup kiêm Đại diện ủy quyền Quỹ VinFuture cho biết, hơn một năm trước, tỷ phú Phạm Nhật Vượng và vợ của ông là bà Phạm Thu Hương đã đích thân cam kết dành 100 triệu USD để thiết lập Quỹ Vinfuture.

Vào thời điểm đó, Quỹ có một tầm nhìn đầy ý nghĩa, nhưng nó khiến nhiều người hoài nghi: Tại sao một cá nhân lại dành số lượng tiền lớn như vậy để cho Quỹ trong thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh? Và tại sao Quỹ này lại xuất phát từ Việt Nam, một nước đang phát triển, chứ không phải một nước giàu có, đã phát triển?

Sau một năm, câu trả lời là hiển nhiên: Đó là bởi vì những bộ óc tuyệt vời cần phải đoàn kết để giải quyết các vấn đề toàn cầu. Và đó là bởi vì, khoa học và công nghệ là chìa khóa để mở khóa tiềm năng của các nước đang phát triển, và giúp những nước này tiến tới trở thành nước phát triển.

Tại buổi giao lưu, hai nhà khoa học Đồng Chủ tịch Hội đồng sơ khảo Giải thưởng VinFuture đều thể hiện sự hào hứng của mình khi được mời tham gia giải thưởng này.

Giải thưởng Vinfuture: Tôn vinh những phát kiến khoa học phụng sự nhân loại -0
GS Albert Paul Pisano, ĐH California, đồng Chủ tịch Hội đồng sơ khảo Giải thưởng.

GS Albert Paul Pisano, ĐH California, San Diego (Mỹ), Đồng Chủ tịch Hội đồng sơ khảo Giải thưởng VinFuture biết tới giải thưởng khi đang ăn bữa tối. Ông đánh giá giải thưởng này ghi nhận công sức của nhà khoa học đã tác động lên cuộc sống hàng triệu người. "Có rất ít giải thưởng tôn vinh và kết nối các nhà khoa học ngay từ khâu lên ý tưởng đến triển khai và kết nối", ông nói.

Ông cho biết ban đầu Hội đồng sơ khảo kỳ vọng chỉ khoảng 200 hồ sơ tham gia, nhưng số lượng nhận được gấp 3 lần. GS Pisano nhận định, hạng mục giải thưởng được lựa chọn tinh tế chính là yếu tố thu hút sự quan tâm của mọi người. "Con người là mục tiêu cuối cùng chúng ta hướng tới", ông nói và nhận định đây là điểm khác biệt của giải thưởng này.

Theo GS Pisano, việc lựa chọn chủ đề có tính đa dạng trong nghiên cứu đã tạo sức thu hút lớn, nhất là với những ứng cử viên ở các khu vực ngoài Việt Nam. "Tôi nghĩ chủ đề chính yếu tố làm nên sự thành công của giải thưởng", ông nói.

Giải thưởng Vinfuture: Tôn vinh những phát kiến khoa học phụng sự nhân loại -0
 GS Nguyễn Thục Quyên, Đại học California (Mỹ), đồng Chủ tịch Hội đồng sơ khảo Giải thưởng.

Còn GS Nguyễn Thục Quyên, Đại học California (Mỹ), đồng Chủ tịch Hội đồng sơ khảo Giải thưởng tâm sự, bà là người đến từ Việt Nam, xuất thân trong ngôi làng mà bà sống ở đó 16 năm trời không có điện.

"Tôi thấy công nghệ ngoài kia không thực sự tạo nên tác động tới người nông dân lao động nghèo, nên tôi nghĩ điều khiến VinFuture nổi bật là mong muốn các phát kiến khoa mang lại tác động thực tiễn, tiếp cận được người nghèo", bà cho biết.

GS Đặng Văn Chí, Giám đốc Khoa học Viện nghiên cứu ung thư Ludwig (Mỹ), thành viên Hội đồng giải thưởng cho biết, sở dĩ ông đồng ý tham gia hội đồng giám khảo bởi nhận thấy giải thưởng VinFuture tôn vinh công trình khoa học phụng sự nhân loại và cả con người. 

"50 năm rồi tôi mới quay lại Việt Nam, tôi tự hào vì đất nước con người Việt Nam. Chúng ta đang mạnh mẽ tiên phong tạo ra giải thưởng độc đáo, mà tạo sự khác biệt cho hàng triệu người trên thế giới", GS Đặng Văn Chí nói.

Giải thưởng Vinfuture: Tôn vinh những phát kiến khoa học phụng sự nhân loại -0
Giáo sư Sir Richard Henry Friend, FRS, Đại học Cambridge (Anh), Chủ tịch Hội đồng giải thưởng. 

Giáo sư Sir Richard Henry Friend, FRS, Đại học Cambridge (Anh), Chủ tịch Hội đồng giải thưởng cho biết, đây là sáng kiến về tổ chức giải thưởng khiến ông phấn khích. Ông đánh giá cao những công trình nghiên cứu được gửi đến tham dự.

"Các công trình này không chỉ nhiều về số lượng và đạt cả vể chất lượng. Một điều nữa là sự kết nối giữa các phát kiến khoa học và quá trình triển khai phát kiến đó thực sự vượt xa tiêu chí mà chúng ta đưa ra đề cử dự án", GS Friend khẳng định.

Giải thưởng VinFuture lần thứ nhất gồm: giải thưởng chính (VinFuture Grand Prize) trị giá 3 triệu USD và 3 giải đặc biệt, mỗi giải 500.000 USD dành cho các nhà khoa học nữ, người đến từ nước đang phát triển hay nghiên cứu lĩnh vực mới. Các dự án trải qua nhiều vòng xét duyệt bởi 12 thành viên Hội đồng sơ khảo và sau đó là 11 thành viên Hội đồng Giải thưởng. Lễ trao giải thưởng VinFuture sẽ diễn ra vào tối 20/1.