Dự án xây dựng và cải tạo nút giao thông Ngã Tư Sở được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt ngày 27-9-2002 tại quyết định số 6623/QĐ-UB. Dự án gồm các hạng mục chính là xây dựng cầu dây văng dài 237m gồm chín nhịp, chạy dọc theo tuyến đường Tây Sơn-Nguyễn Trãi; đường dẫn lên cầu dài 201m; hệ thống thoát nước; hệ thống tuy-nen kỹ thuật rộng 2,73m, sâu 2,3m; hầm bộ hành rộng 7,5m, sâu 3,5m; cải tạo cầu Mới, cải tạo nút giao hiện có và các công việc phụ trợ khác. Các đường Trường Chinh-Láng được mở rộng 53,5m, đường Tây Sơn được mở rộng 45m (đoạn có cầu vượt) và 55m (đoạn dưới chân cầu vượt). Tổng vốn đầu tư ước tính là 1.140 tỷ 496 triệu đồng, trong đó giá trị xây lắp sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản, chi phí giải phóng mặt bằng sử dụng vốn đối ứng trong nước.
Ngày 18-7-2002, UBND thành phố đã có Quyết định số 4987/QĐ-UB thu hồi 78.562m2 đất liên quan diện tích của 1.185 hộ dân, cơ quan nằm trên địa bàn các phường Ngã Tư Sở, Thịnh Quang, Khương Thượng (quận Đống Đa) và Khương Trung (quận Thanh Xuân) để thực hiện dự án. Do số hộ dân phải giải phóng mặt bằng lớn, không thể tiến hành đồng thời, cho nên thành phố chia thành nhiều đợt. Đợt một giải phóng mặt bằng 262 hộ nằm trên địa bàn các phường Ngã Tư Sở, Thịnh Quang (quận Đống Đa) để mở rộng đường Tây Sơn, xây dựng cầu vượt. Đợt hai giải phóng mặt bằng 440 hộ các phường Ngã Tư Sở (quận Đống Đa) và Khương Trung (quận Thanh Xuân) để mở rộng trung tâm nút giao thông. Đợt ba giải phóng mặt bằng các hộ còn lại của phường Khương Thượng, Thịnh Quang (Đống Đa) và Khương Trung (Thanh Xuân) để mở rộng đường Trường Chinh-Láng.
Sau khi có quyết định thu hồi đất, ngày 31-12-2002, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 9129/QĐ-UB phê duyệt giá đất để căn cứ bồi thường thiệt hại khi đền bù nút giao thông Ngã Tư Sở. Mức giá đền bù cao nhất được phê duyệt là 18,5 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, các hộ dân đều không chấp thuận mức giá này và kiến nghị thành phố nâng mức gía đền bù cao hơn. Ngày 21-4-2003, UBND thành phố ban hành Quyết định 2157/QĐ-UB phê duyệt mức giá điều chỉnh khi đền bù giải phóng mặt bằng tại khu vực này. Mức giá điều chỉnh cho khu vực có giá trị cao nhất được nâng lên với giá 23,5 triệu đồng/m2, là mức giá đền bù giải phóng mặt bằng cao nhất trong số các dự án triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay. Tuy nhiên, đến nay công tác giải phóng mặt bằng tại khu vực này khá khó khăn, trở thành điểm nóng, gây bức xúc trong dư luận.
Ông Nguyễn Văn Khay, Phó Giám đốc Ban quản lý các dự án phát triển đô thị Hà Nội -chủ đầu tư dự án cho biết: cho đến nay, trong số 262 hộ dân, cơ quan bị cắt xén, thu hồi diện tích đợt 1, có 251 phương án đền bù giải phóng mặt bằng đã được phê duyệt. Các hộ chưa có phương án đền bù do nguồn gốc đất chưa rõ ràng cần xác minh lại, hoặc diện tích đất trên thực tế và "sổ đỏ" lại vênh nhau; một số hộ đang xảy ra tranh chấp nên chưa thoả thuận được. Tuy nhiên, đến giờ mới có 216 chủ đất ( gồm bẩy cơ quan và 209 hộ dân) nhận tiền đền bù, và 178 chủ đất trong số này đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.
Trong số các hộ chưa bàn giao mặt bằng có 12 trường hợp nằm rải rác ở các tổ 3D,4A,4D phường Ngã Tư Sở mặc dù đã được UBND phường, tổ công tá giải phóng mặt bằng mời nhiều lần nhưng vẫn không ra nhận quyết định, nhận tiền đền bù, hoặc có những hộ đã nhận quyết định, nhận tiền, nhận nhà tái định cư mà không bàn giao mặt bằng. Việc triển khai công tác giải phóng mặt bằng đợt hai cho 480 hộ nằm trên địa bàn cả hai quận Đống Đa và Thanh Xuân cũng gặp vướng mắc do sự bất hợp tác của một số các hộ dân. Hiện có 39 hộ dân ở hai tổ 1H và 3A phường Ngã Tư Sở nằm ở khu vực đầu góc của nút giao thông từ nhiều tháng nay không cho tổ công tác vào đo vẽ hiện trạng tài sản để lập phương án đền bù. Sau khi vận động tuyên truyền, có năm hộ đã cho tổ công tác vào đo vẽ, nhưng lại không ký vào hồ sơ.
Tình hình càng trở nên phức tạp hơn khi nhữngngày gần đây, nhiều người dân phường Ngã Tư Sở đã liên tục gửi đơn thư đến các trụ sở tiếp dân của Nhà nước, Ban chỉ đạo GPMB thành phố khiếu nại, yêu cầu giá đền bù đất phải được áp dụng theo khung giá mới.
Trước những khiếu nại trên, ngày 2-11-2004, Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng thành phố Hà Nội đã có văn bản số 335/TB-BCĐ về việc trả lời ý kiến các hộ dân thuộc dự án nút giao thông Ngã Tư Sở. Công văn trả lời ghi rõ Hội đồng GPMB quận Đống Đa và Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội đã áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để lập và duyệt phương án bồi thường thiệt hại của dự án xây dựng, cải tạo nút giao thông Ngã Tư Sở đúng với quy định hiện hành.
Việc các hộ dân yêu cầu điều chỉnh giá theo những văn bản mới được Hội đồng GPMB thành phố trả lời như sau: theo văn bản số 7760/TC-QLNS ngày 14-7-2004 của Bộ Tài chính về việc thực hiện Luật Đất đai năm 2003, tại điểm 1 về giá đất có ghi" ... nguyên tắc điều chỉnh giá căn cứ vào Nghị định 87/CP ngày 17-8-1994 của Chính phủ, quyết định 302/CP và quyết định số 17/CP của Chính phủ... cho phép điều chỉnh tăng thêm tối đa không quá một lần...". Để triển khai thực hiện các văn bản trên, UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định số 119/2004/QĐ-UB ngày 4-8-2004 "Quy định tạm thời về điều chỉnh khung giá đất, tiền thuê đất, thuế chuyển quyền sử dụng đất và lệ phí trước bạ đất; thu tiền sử dụng đất khi bán nhà chung cư cao tầng phục vụ GPMB". Trong đó , tại điều 1: quy định tạm thời về điều chỉnh khung giá đất làm cơ sở bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố kể từ ngày 1-7-2004 đến ngày 31-12-2004 như sau: đối với đất ở, đất chuyên dùng: mức giá được Sở Tài chính chủ trì cùng các sở, ngành có liên quan xác định, trình UBND thành phố phê duyệt cụ thể cho từng dự án có thu hồi đất, để bảo đảm mặt bằng chung và tính khả thi cho công tác GPMB.
Như vậy, giá đất đền bù của dự án xây dựng nút giao thông Ngã Tư Sở đã được Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan trình UBND thành phố phê duyệt tại quyết định số 2157/QĐ-UB ngày 21-4-2003 là phù hợp và thực hiện đúng với quy định của Nhà nước.
Ông Trần Việt Trung, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa kiêm Chủ tịch Hội đồng GPMB quận cho biết: Để bảo đảm tiến độ giải phóng mặt bằng, để khởi công hạng mục cầu vượt vào quý I-2004, quận đã lập biên bản vi phạm hành chính Luật đất đai, ra quyết định xử phạt hành chính đối với 12 trường hợp không chịu bàn giao mặt bằng. Nếu các hộ này vẫn cố tình trây ỳ, quận sẽ tổ chức cưỡng chế giải phóng mặt bằng vào ngày 17-12 tới. Đối với 34 trường hợp không cho tổ công tác điều tra, lên phương án, UBND quận đã ra quyết định xử phạt hành chính, phạt mỗi hộ 500 nghìn đồng. Do các hộ trên không cung cấp các số liệu cần thiết, cho nên UBND quận cho phép tổ công tác lấy các số liệu trong hồ sơ quản lý tại phường về địa chính-nhà đất, hộ khẩu để lập phương án bồi thường thiệt hại và tái định cư.
Xây dựng và cải tạo nút giao thông Ngã Tư Sở là công trình giao thông trọng điểm của thành phố. Công trình này thi công sớm ngày nào thì giúp người dân thủ đô bớt khổ ngày đó. Thành phố Hà Nội cần chỉ đạo chính quyền các phường nằm trong phạm vi của dự án huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc tuyên truyền, vận động để các hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng tạo điều kiện cho tổ công tác thực hiện nhiệm vụ, tự giác bàn giao mặt bằng để triển khai dự án đúng tiến độ. Các ngành chức năng nhanh chóng bàn giao nhà tái định cư cho chủ đầu tư để tổ chức bốc thăm, mua nhà, giúp người dân yên tâm sớm bàn giao mặt bằng.