Giải quyết vướng mắc do chồng lấn quy hoạch tại Vườn quốc gia Tam Đảo

Công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng của Vườn quốc gia Tam Đảo (VQG) gặp không ít khó khăn do quy hoạch diện tích của VQG có hàng nghìn héc-ta chồng lấn với đất rừng do địa phương quản lý, đất ở của người dân và một số loại đất khác. Là một chủ rừng nhưng 28 năm qua vẫn có hàng nghìn héc-ta đất của VQG Tam Đảo chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ Vườn quốc gia Tam Đảo kiểm tra xác định ranh giới diện tích chồng lấn.
Cán bộ Vườn quốc gia Tam Đảo kiểm tra xác định ranh giới diện tích chồng lấn.

Theo kết quả rà soát, diện tích chồng lấn với VQG tại tỉnh Vĩnh Phúc là 1.220,95 ha, tại tỉnh Tuyên Quang hơn 444 ha và tỉnh Thái Nguyên là 1.820 ha. VQG Tam Đảo và Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc nhiều lần đề xuất điều chỉnh quy hoạch với cấp có thẩm quyền, song đến nay vấn đề này chưa được giải quyết dứt điểm.

Chồng lấn sở hữu, chồng chéo trách nhiệm

VQG Tam Đảo được thành lập năm 1996 với tổng diện tích 36.883 ha vòng quanh dãy núi Tam Đảo. Quy hoạch VQG bao trùm lên những diện tích có người ở từ trước đó và các loại đất khác. Chính sự không rõ ràng này khiến VQG Tam Đảo cũng như chính quyền địa phương rất vất vả khi xử lý những vụ chặt cây, phá rừng, vi phạm đất đai, xây dựng trái phép trên diện tích chồng lấn.

Tại tỉnh Vĩnh Phúc, diện tích quy hoạch VQG là 15.579 ha, bao gồm diện tích đã được Ủy ban nhân dân huyện Tam Đảo giao đất, giao rừng cho các hộ gia đình từ năm 1990 và có khoảng 1.000 ha người dân đã sinh sống, canh tác từ trước khi thành lập Vườn. Hiện vẫn còn 995,66 ha đã quy hoạch cho Vườn nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Phó Hạt trưởng Kiểm lâm VQG Nguyễn Đức Toàn cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, VQG Tam Đảo phối hợp các cơ quan tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra, rà soát lại toàn bộ diện tích trong quy hoạch. Kết quả cho thấy có 1.220,95 ha đang bị chồng lấn với VQG Tam Đảo. Diện tích chồng lấn tại huyện Tam Đảo là 889,96 ha, tại huyện Bình Xuyên là 330,99 ha. Những diện tích chồng lấn đã được khoanh lại và đề xuất phương án giải quyết.

Xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo có 327,18 ha đất chồng lấn gồm nhiều loại. Diện tích chồng lấn với Công ty Lâm nghiệp Lập Thạch là 40,99 ha, đang được Công ty Lâm nghiệp Lập Thạch quản lý và sử dụng ổn định. Diện tích chồng lấn với các hộ gia đình, cá nhân là 286,19 ha.

Đáng chú ý, tại khu vực rừng lim Phù Mây, thôn Lục Liễu, các hộ gia đình đã xây dựng nhà ở kiên cố, trồng các loại cây lâu năm, cây ăn quả. Một số hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gồm đất thổ cư và đất vườn. Vụ việc chặt phá lim rừng, chồng lấn trách nhiệm tại rừng lim Phù Mây đã được Báo Nhân Dân đề cập trong bài viết “Ngang nhiên chặt phá lim, san lấp rừng quốc gia Tam Đảo”.

Diện tích đất rừng lim Phù Mây được quy hoạch cho VQG Tam Đảo, song chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi xảy ra vụ việc trên diện tích này, Kiểm lâm VQG không được quyền xử lý, mà phải phối hợp với chính quyền địa phương để xử lý theo quy định. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đạo Trù, ông Lý Ngọc Một kiến nghị cần chuyển khu vực rừng lim Phù Mây về cho địa phương quản lý sẽ thuận lợi hơn cho công tác bảo vệ, phát triển rừng.

Diện tích chồng lấn với Trung tâm Phát triển Nông lâm nghiệp Vĩnh Phúc rất lớn, phân bố trên nhiều địa bàn. Đất và tài sản trên đất được quy hoạch cho VQG Tam Đảo, song lại do Trung tâm Phát triển Nông lâm nghiệp Vĩnh Phúc quản lý, bảo vệ. Khi có vụ việc xảy ra, rất khó phân định trách nhiệm mỗi bên, bao gồm trách nhiệm của chính quyền cấp xã.

Toàn bộ diện tích 330,99 ha chồng lấn trên địa bàn huyện Bình Xuyên đều thuộc xã Trung Mỹ. Trong đó, diện tích chồng lấn với các hộ gia đình, cá nhân lên đến 270,36 ha. Các hộ gia đình, cá nhân này đã canh tác, sử dụng đất từ trước khi thành lập VQG Tam Đảo và hầu hết được giao đất, giao rừng theo quy định. Đến nay nhiều hộ chưa di dời ra khỏi khu vực quy hoạch VQG Tam Đảo.

Đề xuất nhiều, giải quyết ít

Thời gian qua, VQG Tam Đảo nhiều lần báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc và các cơ quan hữu quan, đề nghị thu hồi, bàn giao, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Vườn theo quy hoạch đã được phê duyệt. Trên cơ sở rà soát quy hoạch, kiểm tra thực tế, tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ đưa diện tích 792,79 ha trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc (trong đó có khu vực rừng lim Phù Mây) ra khỏi quy hoạch của Vườn.

Để giải quyết dứt điểm việc chồng lấn đất đai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm thống nhất với Bộ Công thương về phương án điều chỉnh diện tích 40,99 ha chồng lấn với Công ty Lâm nghiệp Lập Thạch (thuộc Tổng công ty Giấy Việt Nam). VQG Tam Đảo đề nghị giữ nguyên trong quy hoạch VQG đối với diện tích 256,57 ha chồng lấn với Trung tâm Phát triển Nông lâm nghiệp Vĩnh Phúc, trong đó, phần thuộc địa bàn huyện Tam Đảo là 195,94 ha và phần thuộc huyện Bình Xuyên là 60,63 ha. Diện tích đề nghị chuyển ra ngoài quy hoạch VQG là 472,55 ha, trong đó, huyện Tam Đảo là 311,07 ha, bao gồm khu vực rừng lim Phù Mây; huyện Bình Xuyên là 161,48 ha tại khu vực thôn Mỹ Khê, xã Trung Mỹ.

Giám đốc VQG Tam Đảo Đỗ Thanh Hải đề xuất phương án đối với diện tích 748,4 ha đã quy hoạch cho Vườn: Chuyển ra ngoài quy hoạch diện tích đã giao đất, giao rừng cho hộ gia đình và diện tích đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài từ trước khi thành lập Vườn. Đối với diện tích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đã canh tác, sử dụng trước khi thành lập Vườn, đề nghị cung cấp hồ sơ, chứng cứ để các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết.

Đến nay vẫn còn 995,66 ha thuộc quy hoạch của VQG Tam Đảo chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo Luật Đất đai, những diện tích quy hoạch cho Vườn, nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khi các tổ chức, cá nhân vi phạm, lực lượng Kiểm lâm của Vườn không có căn cứ pháp lý để xử lý. Việc chồng lấn quy hoạch, chưa rõ ràng trong bàn giao đất đã gây ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý. Tình trạng lấn chiếm rừng, đất rừng, phá rừng diễn biến phức tạp.

Do đó, những vướng mắc liên quan đến quy hoạch, quản lý quy hoạch, thu hồi, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cần được xử lý dứt điểm, tạo điều kiện cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đang nghiên cứu triển khai các dự án cho thuê môi trường rừng của VQG Tam Đảo để kinh doanh du lịch sinh thái. Việc sớm xác định lại ranh giới, mốc giới, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho VQG Tam Đảo sẽ tạo điều kiện thúc đẩy phát triển du lịch dịch vụ cũng như bảo vệ rừng trong thời gian tới.